Header Ads

  • Breaking News

    Người Đài Loan tắm trong nắng dân chủ


    Cuộc bầu cử ồn ào nhất, và được thế giới chú ý nhiều nhất tại Đài Loan trong hai chục năm qua, đã có kết quả.

    Dàn lãnh đạo của đảng Dân Tiến cúi đầu cảm ơn cử tri sau chiến thắng đêm 11/1/2020. Ảnh: Twitter Tsai Ing-wen.

    Mỗi cử tri Đài Loan bước vào phòng phiếu ngày 11/1 cùng lúc quyết định cả ba việc: (1) ai sẽ làm tổng thống, (2) ứng viên nào tại khu vực địa phương sẽ làm nghị viên, và (3) đảng nào sẽ được quyền giành thêm suất ghế phi-khu-vực tại Quốc hội.

    Lập pháp viện (Quốc hội) tại Đài Loan có 113 ghế, trong đó 73 ghế được bầu trực tiếp từ (2) và 34 ghế được phân cho các đảng giành hơn 5% phiếu bầu tại (3). Số còn lại, sáu ghế do các cử tri thuộc nhóm sắc tộc thiểu số tại đây trực tiếp bầu ra đại diện cho họ.

    Tuy có vẻ phức tạp, nhưng trong mắt nhiều người Đài Loan và truyền thông quốc tế, cuộc bầu cử lần này là một cuộc trưng cầu dân ý: bảo vệ và tiếp tục củng cố nền dân chủ tự do của mình, hay thỏa hiệp, thậm chí hy sinh điều đó để đổi lấy “quan hệ nồng ấm” và lợi ích kinh tế từ Trung Quốc.

    Kết quả không thể rõ ràng hơn.

    Với số lượng cử tri đi bầu cao nhất trong lịch sử kể từ năm 1996, khi người Đài Loan lần đầu tiên được bầu trực tiếp lãnh đạo của mình, bà Thái Anh Văn cũng trở thành ứng viên được nhiều phiếu bầu nhất trong lịch sử dân chủ của đảo quốc.

    Hơn 8,1 triệu cử tri, chiếm 57%, đã bỏ phiếu quyết định để Thái Anh Văn tiếp tục bốn năm cầm quyền.

    Các cử tri Đài Loan cũng đã giúp đảng Dân Tiến (DPP) của bà giành hơn 50% số ghế tại Lập pháp viện, rộng đường để DPP tiếp tục những chính sách cải cách và đường lối ngoại giao độc lập của mình.

    Người Đài Loan đã chọn dân chủ, chọn tự do, chọn quyền tự quyết.

    Họ đã làm điều đó như thế nào?

    Những chính trị gia không hèn nhát

    Không chỉ sôi động bậc nhất trong khu vực châu Á, mà so với cả những nước dân chủ lâu đời tại phương Tây, Đài Loan cũng sở hữu các thế hệ chính trị gia năng nổ khác thường.

    Gọi là các thế hệ, vì nó không chỉ là đặc điểm xuất hiện ở những chính trị gia trẻ tuổi.

    Các chính trị gia già trẻ lớn bé này đều xuất hiện thường xuyên trên các talk show truyền hình, thậm chí “chạy sô” liên tục ở cả những chương trình thuần túy giải trí, không liên quan gì đến chính trị.

    Họ không ngại xuất hiện ở bất kỳ đâu, không né tránh sợ sệt bất kỳ ai, và không bao giờ nín thinh trước những vấn đề nóng hổi bức xúc của dư luận.

    Thay vì trốn trong phòng máy lạnh, họ thường xuyên xuất hiện ngoài đường, trực tiếp gặp gỡ trò chuyện cùng người dân.

    Họ không những không ngại, còn tranh nhau “đứng đường” kêu gọi người dân bỏ phiếu cho mình, “tiếp thị” bản thân và đảng của mình nhiệt tình không kém gì rao bán đồ giảm giá.

    Họ không những không giữ kẽ, còn cạnh tranh xuất hiện trên truyền hình, vừa trả lời các thắc mắc của cử tri, vừa tham gia các trò hoạt náo gây cười trong các chương trình.

    Họ không những không trốn tránh, còn đua nhau phát ngôn trước về mọi vấn đề mà người dân đang quan tâm.

    Và khi thất bại, họ không núp trong đám đông của “bộ”, “nhóm”, hay “đảng” nào đó. Họ đứng ra bình thản nhận và quan trọng hơn, chịu hoàn toàn trách nhiệm.

    Ngay trong cuộc bầu cử thất bại lần này của Quốc Dân Đảng (KMT), trước cả khi có kết quả chính thức cuối cùng, Chủ tịch của KMT cũng đã ngay lập tức tổ chức họp báo tuyên bố từ chức. Không chỉ có ông, toàn bộ “bộ sậu” của KMT cũng quyết định rời ghế, nhường chỗ cho những người làm được việc hơn, vực dậy tổ chức của mình.

    Hơn một năm trước, khi DPP thất bại bất ngờ trong các cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2018, bà Thái Anh Văn cũng ngay trong đêm tổ chức họp báo tuyên bố từ chức chủ tịch đảng cầm quyền để nhận trách nhiệm.

    Người dân Đài Loan nhìn thấy các chính trị gia của mình xuất hiện gần như ở mọi ngóc ngách, và họ muốn thấy điều đó.

    Họ hiểu rằng mọi chuyện lớn nhỏ trong xã hội đều là việc liên quan đến chính trị.

    Đối với dân hay quan ở Đài Loan, chính trị đều như nhau: là một phần tất yếu của cuộc sống dân chủ.

    Chính trị đối với họ tuyệt nhiên không phải con ngáo ộp, là đặc quyền đặc lợi của bất kỳ nhóm người nào.

    Họ thoải mái bàn luận, ăn, uống, ngủ, thậm chí đến thở cũng thở ra chính trị.

    Những con người làm chính trị ở Đài Loan tạo nên một nét đặc trưng dân chủ rất độc đáo ở đảo quốc này.

    Những tờ báo không bị bịt mõm

    “Tự do” không phải là từ đầy đủ để diễn tả nền báo chí của Đài Loan.

    Nhiều người, đặc biệt là những nhân vật nổi tiếng, thường than phiền về việc báo chí ở đây quá tự do, “đào mồ” mọi thứ trên trời dưới đất, thậm chí cử các đội quân đeo bám 24/7 để “chộp” mọi thông tin về họ.

    So với mọi nước phương Tây, báo lá cải ở Đài Loan không hề kém cạnh. Các tin giật gân, gây sốt gây sốc, giả giả thật thật vì vậy cũng dày đặc trên khắp các mặt báo lẫn truyền hình.

    Nhưng bên cạnh đó, Đài Loan không hề thiếu những tờ báo nghiêm túc độc lập, luôn cẩn trọng trong từng câu chữ, kiểm chứng từng nguồn tin một.

    Người Đài Loan cũng có vô số lựa chọn với các talk show bàn về vô thiên lủng mọi thứ trên trời dưới đất, từ đông sang tây, tự cổ chí kim.

    Các show về chính trị có đủ loại, từ dành cho người lớn tuổi đến nhắm về người trẻ, từ thân Bắc Kinh đến thân Mỹ đến độc lập không nghiêng về bên nào cả.

    Người Đài Loan có đủ mọi lựa chọn cho riêng mình.



    Ứng cử viên Thái Anh Văn trong vòng vây của báo chí sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 1/2016. Ảnh: Getty Images.

    Tất nhiên nó có mặt tiêu cực, trong đó có việc tin vịt (fake news) dễ dàng bị phát tán và khiến cho “thành kiến cái giếng” (tunnel vision) ngày càng nghiêm trọng. Một người chỉ theo dõi những tờ báo kênh đài nói đúng những gì mình muốn nghe sẽ càng lúc càng tụt sâu xuống cái giếng của chính họ.

    Nhưng không ai ở Đài Loan, từ dân tới quan, nghĩ rằng giải pháp hạn chế tiêu cực là phải cấm cản báo chí.

    Ngược lại, họ càng cần phải phát triển mạnh hơn nữa nền báo chí tự do, để cho những tờ báo độc lập, không bị bên nào mua chuộc, càng có cơ hội phát triển.

    Bên cạnh đó, việc giáo dục trang bị cho người dân những kiến thức tiếp thu thông tin, phân biệt tin giả cũng được đẩy mạnh.

    Báo chí tự do đem đến thứ tài sản có giá trị nhất trong một nền dân chủ: thông tin.

    Để người người đều hưởng lợi từ thứ tài sản đó, dân Đài Loan không muốn, và cũng không cho phép ai dùng lại những trò bịt miệng, chỉ đạo, cấm cản như chế độ độc tài ngày trước của họ đã làm.

    Những con người tự do

    Nếu các chính trị gia năng nổ sốt sắng một, những người dân Đài Loan bình thường mỗi khi đụng đến chính trị lại càng sôi nổi nhiệt tình gấp bội.

    Các đám đông hàng trăm ngàn, thậm chí lên đến hàng triệu người xuất hiện ở những cuộc mít tinh ủng hộ cho các ứng viên không phải là chuyện hiếm gặp.

    Hai ngày trước thời điểm bầu cử, Hàn Quốc Du hiệu triệu được 500.000 người ngập tràn Đại lộ Ketagalan ở trung tâm Đài Bắc, thì một ngày sau đó, cũng tại “thánh địa của biểu tình” này, Thái Anh Văn tập hợp được biển người tương tự.

    Họ không chỉ góp mặt cho vui. Họ có thể đội nắng đội mưa hàng chục tiếng đồng hồ. Họ gào thét cổ vũ đến khản cổ. Họ cũng vô tư khóc òa khi thấy ứng viên của mình rơi lệ.



    Người ủng hộ của ứng viên Hàn Quốc Du trong cuộc mít-ting ngày 9/1/2020. Ảnh: wfmz.com.



    Cuộc mít-ting đêm trước bầu cử, 10/1/2020, của ứng viên Thái Anh Văn. Ảnh: SCMP.

    Người Đài Loan không chỉ sẵn sàng xuất hiện ngoài đường để biểu thị thái độ yêu ghét của mình đối với chính trị gia, đảng phái hay bất kỳ vấn đề chính trị xã hội nào.

    Họ còn ý thức được lá phiếu của mình quan trọng ra sao.

    Hàng ngàn người Đài Loan ở nước ngoài, từ gần xịt như tại Trung Quốc hay Đông Nam Á, đến xa xôi như ở Mỹ, cũng quyết tâm bay về nước để bỏ phiếu.

    Quy định (có phần lạc hậu) buộc cử tri phải tiến hành bỏ phiếu ở địa phương của mình cũng khiến làn sóng những người Đài Loan trở về quê tăng vọt vào ngày trước bầu cử, dù rằng đa phần họ sẽ phải tốn thêm một lần chi phí quay về chỉ sau hai tuần nữa (để ăn Tết Nguyên Đán).

    Thậm chí đến cả … tội phạm bị truy nã cũng về quê bỏ phiếu, để rồi ngay sau khi thực hiện xong quyền công dân, lập tức bị cảnh sát còng tay tại chỗ.

    Cuộc bầu cử lần này giữa hai ứng viên (chính) hoàn toàn đối chọi lại càng tạo thêm nhiều chuyện dở khóc dở cười khác.

    Hàn Quốc Du vốn được lòng đa số các cử tri lớn tuổi, còn Thái Anh Văn lại được sự ủng hộ của nhiều người trẻ.

    Có những bạn trẻ nghĩ ra chiêu thức mời ba mẹ đi du lịch đúng vào ngày bầu cử để ông bà lỡ việc bỏ phiếu. Lại có những bậc cha mẹ nghĩ ra chuyện … giấu chứng minh nhân dân của con để nó khỏi bầu.

    Xung đột mâu thuẫn là vậy, nhưng tất cả họ, già trẻ lớn bé, đều chấp nhận một sự thật: rằng lựa chọn ai hoàn toàn là quyền tự do của mỗi người.

    Họ hiểu rằng giá trị của dân chủ là nằm ở việc mỗi người có được quyền tự quyết.

    Cho dù ủng hộ ứng viên nào, có lập trường chính trị ra sao, hầu hết người Đài Loan đều hiểu thứ quyền cơ bản mà họ đang có đó nó quan trọng thế nào, và không phải từ trên trời rớt xuống.

    Phong trào phản kháng của người Hong Kong đòi được quyền tự bầu ra lãnh đạo của mình đang ngày một bị chính quyền đặc khu lẫn trung ương tìm mọi cách đàn áp.

    Hàng tỷ người Trung Quốc tại đại lục, trong đó có những người sinh ra và chết đi mà không hề biết gì về khái niệm tự do hay dân chủ.

    Và tất nhiên còn hơn 90 triệu người Việt Nam cũng cùng chung số phận bị giam cầm bởi một nhóm bạo quyền suốt mấy chục năm qua.

    Người Đài Loan đã trải qua quá khứ tăm tối tương tự. Họ đủ biết rằng mình không muốn trùm bóng đen đục ngầu đó lên tương lai.

    Tổng thống Thái Anh Văn trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình vào tối 11/1 đã đúc kết:

    “Đảng Dân Tiến thắng cũng là dân chủ. Quốc Dân Đảng thắng cũng là dân chủ. Thân Dân Đảng thắng cũng là dân chủ.”

    Người chiến thắng cuối cùng luôn luôn là nhân dân, những người được quyền tự do lựa chọn.

    Trước biển người hân hoan, nữ lãnh đạo của Đài Loan khẳng định, Đài Loan là một mảnh đất rất đẹp.

    “Nhưng thứ đẹp nhất ở đây chính là các bạn.”

    Những con người tự do.

    Y Chan

    Nguồn: Luật Khoa

    Không có nhận xét nào