Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ buộc tội 3 nhà khoa học làm việc cho Bắc Kinh


    Một trưởng khoa của Đại học Harvard và hai người gốc Hoa làm việc tại Đại học Boston và bệnh viện Boston đã bị các công tố viên Mỹ buộc tội vào thứ Ba (18/2), với cáo buộc che giấu mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc và có ý định đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, theo Reuters.
    Mỹ buộc tội 3 nhà khoa học làm việc cho Bắc Kinh
    Giáo sư Harvard bị buộc tội là Charles Lieber, trưởng khoa Hóa và Sinh Hóa. Ông Charles bị cáo buộc nói dối về việc tham gia “Kế hoạch ngàn tài năng” của Trung Quốc – kế hoạch nhằm thu hút các chuyên gia nghiên cứu nước ngoài của Bắc Kinh.

    Hai người gốc Hoa bị cáo buộc hoạt động phục vụ chính phủ nước ngoài. Người thứ nhất là Ye Yanqing, nghiên cứu viên về robot của Đại học Boston, các công tố viên cho rằng ông này nói dối về việc từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Người thứ hai là Zheng Zaosong, một nghiên cứu viên về ung thư của Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess của Đại học Boston, bị cáo buộc tội danh cố ý đưa các mẫu nghiên cứu ra nước ngoài.

    Bầu cử tổng thống Mỹ: Lần đầu tiên Bloomberg tham gia tranh luận


    Hôm nay, 19/02/2020, tại Las Vegas, nhà tỷ phú Michael Bloomberg lần đầu tham gia cuộc tranh luận truyền hình giữa các ứng cử viên Dân Chủ trong cuộc chạy đua giành quyền đại diện đảng này tranh chức tổng thống Hoa Kỳ.

    Với hơn 300 triệu đô la chi tiêu cho một chiến dịch quảng cáo dồn dập chưa từng có, chỉ trong vòng 3 tháng, Bloomberg đã vượt lên chiếm hạng hai trong các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu. Chiến lược của ông khiến các đối thủ khó chịu.

    Trên mạng Twitter, ứng cử viên có triển vọng nhất Bernie Sanders viết : Cũng như mọi người, Michael Bloomberg có quyền ra tranh cử tổng thống, nhưng ông ấy không có quyền bỏ tiền ra mua cuộc bầu cử tổng thống.

    Cựu thị trưởng New York, trước đây theo đảng Cộng Hòa, là người cuối cùng lao vào cuộc đấu vào tháng 11 vừa qua, nhưng rồi tự đặt mình bên trên các ứng cử viên khác. Cho tới nay, Bloomberg chưa tham gia một cuộc tranh luận nào và thậm chí không tham gia 4 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên. Ông tập trung mọi nỗ lực vào ngày Super Tuesday 03/03, khi 14 bang sẽ bỏ phiếu cùng một lúc, bầu chọn tổng cộng 1/3 số đại biểu.

    Đảng Dân Chủ đã phải sửa đổi các quy định tuyển chọn ứng cử viên và đã bỏ tiêu chuẩn thứ hai để Bloomberg có thể lần đầu tiên lên sàn đấu ở Las Vegas, ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Nevada, mà nhà tỷ phú cũng không tranh phiếu.

    Mỹ siết quy chế đối với 5 cơ quan báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa


    Chính quyền Mỹ hôm 17/02/2020 thông báo sẽ bắt đầu áp dụng quy chế mới tương tự như với ngành ngoại giao đối với năm cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc, trước tình trạng Bắc Kinh ngày càng gia tăng tuyên truyền thông qua các công cụ này. Hôm nay 18/02 Trung Quốc cho rằng quy định mới của Washington « không thể chấp nhận được ».

    Các cơ quan Tân Hoa Xã, đài truyền hình CGTN (China Global Television Network), Nhân dân Nhật báo, China Daily và đài phát thanh quốc tế Trung Quốc từ nay muốn mua nhà tại Mỹ phải được sự chấp thuận của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đồng thời phải khai báo danh sách tất cả nhân viên, kể cả nhân viên người Mỹ.

    Reuters dẫn lời các viên chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết sở dĩ có quyết định trên vì Nhà nước Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát báo chí, và ông Tập Cận Bình ngày càng sử dụng công cụ truyền thông một cách hung hăng để tuyên truyền rộng rãi những gì có lợi cho Bắc Kinh.

    Năm cơ quan truyền thông trên đã được thông báo về quy định mới từ sáng hôm qua. Một quan chức Mỹ giấu tên nói với AFP : « Chắc chắn năm cơ quan này thuộc bộ máy tuyên truyền của Nhà nước độc đảng Trung Quốc, và nhận chỉ thị trực tiếp từ lãnh đạo cấp cao ».

    Quan chức này nói thêm, mọi người đều biết Bắc Kinh chỉ đạo toàn bộ báo chí Hoa Lục, nhưng việc kiểm soát ngày càng gắt gao hơn và trở nên rất hung hăng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.

    Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay cho rằng các quy định mới do Washington áp đặt đối với báo chí nhà nước Trung Quốc tại Mỹ là « không thể chấp nhận được ». Ông Cảnh Sảng cáo buộc « Hoa Kỳ luôn ca ngợi tự do báo chí, nhưng lại cản trở hoạt động của truyền thông Trung Quốc » và cho biết sẽ trả đũa vụ này.

    Ngay sau đó AP loan tin Bắc Kinh đã rút thẻ nhà báo của ba phóng viên Wall Street Journal vì tựa đề của một bài trên trang Ý kiến, gọi Trung Quốc là « Người bệnh thực sự của châu Á ». Theo Cảnh Sảng, thì tựa đề này « mang dấu ấn phân biệt chủng tộc », và Wall Street Journal không chịu xin lỗi theo yêu cầu của Bắc Kinh.

    Một nhà báo tự do tại Bắc Kinh cho biết cả ba phóng viên trên đều không hề liên quan đến bài viết được nêu. Họ có năm ngày để ra đi, và một trong ba người đang ở Vũ Hán.

    Mỹ đưa vào danh sách đen công ty Nga ủng hộ Maduro

    Hôm thứ Ba (18/2), Washington tiếp tục có động thái gia tăng áp lực lên chính phủ Maduro ở Venezuela khi đưa vào danh sách đen công ty con của công ty dầu mỏ Nga, Rosneft – công ty được coi là nguồn cung cấp tài chính cho chính phủ thiên tả ở quốc gia Nam Mỹ, theo Reuters.

    Các quan chức Mỹ cáo buộc công ty con của Rosneft, Rosneft Trading, đã hỗ trợ chính phủ Maduro bán dầu mỏ bằng “nhiều thủ đoạn”, vi phạm các lệnh trừng phạt lực của Hoa Kỳ nhắm vào lượng nắm quyền trên thực tế ở Veneuela.

    “Tôi nghĩ rằng đây là một bước rất quan trọng và tôi nghĩ bạn sẽ thấy các công ty trên toàn thế giới trong lĩnh vực dầu mỏ bây giờ tránh không giao dịch với Rosneft Trading nữa”, ông Elli Elliott Abrams, đặc phái viên của chính quyền Trump về vấn đề Venezuela, nói với các phóng viên.

    Lo ngại virus, Nga ngừng tiếp nhận người Trung Quốc

    Nga sẽ tạm ngưng tiếp nhận công dân Trung Quốc vào lãnh thổ của họ bắt đầu từ ngày thứ Năm (20/2) để đề phòng sự lây lan của virus COVID-19, các quan chức Nga phụ trách việc phòng chống virus corona thông tin hôm thứ Ba, theo Reuters.

    Theo đó, những công dân Trung Quốc muốn vào Nga để làm việc, học tập, du lịch hay vì việc riêng sẽ bị cấm nhập cảnh. Tuy nhiên, “những hạn chế này không ảnh hưởng tới những hành khách [Trung Quốc] quá cảnh” tại các sân bay của Nga, các quan chức Nga cho biết thêm.

    Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, số ca nhiễm mới virus COVID-19 trong những ngày gần đây đã giảm, nhưng WHO tỏ ra thận trọng khi nói rằng vẫn cần cảnh giác với loại virus gây chết người này.

    Úc: Giông sét mạnh gây thiệt hại lớn

    Một người đàn ông đã thiệt mạng và gần 50.000 ngôi nhà bị mất điện vì những cơn gió lớn, sấm sét dữ dội và mưa đá quần thảo suốt đêm thứ Ba (18/2) ở khu vực duyên hải bang New South Wales, Úc.

    Vào nửa đêm hôm thứ Ba, anh Chatswood, 37 tuổi, đã tử vong trên đường tới bệnh viện sau khi bị một bình gas nặng 9kg bay trong không trung rơi vào người. Cảnh sát nói rằng không rõ bình gas bị gió cuốn đi từ đâu, nhưng có thể từ ban công của một ngôi nhà nào đó gần nơi anh Chatswood đang đi bộ.

    Gió mạnh cũng quật ngã cây cối, phá hủy ô tô và làm hư hỏng đường tàu ở bang New South Wales, sấm chớp xuất hiện cùng lúc cũng đã khiến khoảng 80 ngàn người không có điện sử dụng.


    Hôm 18/2, Đài Loan kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không nên để Trung Quốc ‘dắt mũi’, do WHO đã liệt kê Đài Loan là một phần thuộc Trung Quốc, khiến cho cộng đồng quốc tế cho rằng hòn đảo cũng có tình hình dịch bệnh giống như Trung Quốc và hạn chế du lịch đối với công dân Đài Loan.

    “Đài Loan không bị Trung Quốc cai trị và chắc chắn không nên dán nhãn là khu vực bị nhiễm bệnh”, Joanne Ou, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan nói trong một cuộc họp báo.

    “Chúng tôi kêu gọi WHO phải chuyên nghiệp và trung lập: Thoát khỏi yêu sách vô lý của Trung Quốc. Đừng bị Trung Quốc dắt mũi”.

    Trước đó, WHO liệt kê Đài Loan nằm trong diện “rủi ro rất cao” về dịch COVID-19 vì tổ chức này coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan nói rằng họ là một quốc gia độc lập mang tên Trung Hoa Dân Quốc và chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc.

    Đài Loan hiện có 22 ca nhiễm COVID-19, trong khi Trung Quốc có hơn 74.000 người nhiễm chủng mới của virus corona.

    Sau cảnh báo của WHO, El Salvador, Mông Cổ, Quần đảo Solomon và Vanuatu đã hạn chế công dân đến Đài Loan, trong khi hãng hàng không lớn nhất của Đài Loan bị cấm bay đến Ý do nước này cấm các chuyến bay từ Trung Quốc.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou cho biết hòn đảo đang đàm phán với Ý để nối lại các chuyến bay, và nói thêm rằng WHO cần sửa ngay lập tức cảnh báo không phù hợp về tình hình dịch COVID-19 trên hòn đảo.

    Trước đó, vào hôm 14/2, các quan chức chính phủ Philippines cho biết, nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm du lịch đối với du khách đến từ Đài Loan.

    Không có nhận xét nào