Header Ads

  • Breaking News

    Xuất nhập khẩu Việt Nam trong thời dịch COVID-19

    Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và đã lan rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới khiến lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn. Giới chuyên gia nói gì về những thách thức đó?

    Công nhân tại xưởng may mặc
    Sự lệ thuộc vào xuất nhập khẩu của nền kinh tế Việt Nam

    Chuyên gia kinh tế-tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhắc lại nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào xuất nhập khẩu. Vì lẽ đó, ông Hiếu nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hứng chịu những tác động tiêu cực khi dịch COVID-19 lây lan toàn thế giới. Ông trình bày:

    “Khi nền kinh tế khủng hoản như hiện nay, thì không những tại Trung Quốc, mà những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu mà đi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh này, thì dĩ nhiên đầu ra của Việt Nam đang bị tác động mạnh. Thành ra có một hiện tượng theo tôi nhìn là hiện tượng mất cân đối. Trong tháng 2, đầu vào của Việt Nam bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, nhưng đầu ra vẫn tương đối ổn định. Giờ thì đầu vào của Việt Nam tốt đẹp khả quan hơn khi tình hình dịch bệnh của Trung Quốc đã được kiểm soát và nhiều hoạt động kinh doanh của Trung Quốc đã phục hồi, thì đầu ra của Việt Nam bị mất sự ổn định khi mà thị trường xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng.”

    Cũng có cùng nhận định, ông Diệp Thành Kiệt, chuyên gia May mặc & Da giày, cho biết nguồn cung từ Trung Quốc đã tương đối quay trở lại, mặc dù hiện vẫn chỉ đáp ứng cho ngành sản xuất da giày khỏang 50% so với trước đây. Tuy nhiên, theo ông vấn đề của các doanh nghiệp hiện tại là thị trường tiêu thụ. Ông giải thích:

    “Như CEO của Adidas có thông báo là trong quý một của 2020 này, riêng Adidas có thể mất 1 tỷ EUR. Do đó cái mà mọi người đang lo nhất là thị trường tiêu thụ; nguồn cung giờ chỉ là vấn đề thứ yếu, mặc dù bị ảnh hưởng. Hiện nay phần lớn cái mà các nhà sản xuất lo là đơn hàng không có. Khi thị trường sụp đổ thì việc đầu tiên là bán hàng không được; nếu bán hàng không được thì sẽ bị đóng cửa. Bây giờ có dù các nguồn nguyên liệu của Trung Quốc có phục hồi đi chăng nữa thì cũng vất đi.”

    Doanh nghiệp cần tích cực chủ động chấn chỉnh, phân tán rủi ro

    Khi đề ra các giải pháp căn cơ cho ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường các nước tiên tiến đang chịu tác động tiêu cực, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Việt Nam, cho biết chính phủ Việt Nam phải chuẩn bị các điều kiện và phương pháp giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn này. Ông đưa ra những đề xuất:

    “Phía Chính phủ Việt Nam cũng phải giảm các chi phí về quản lý hành chính, các chi phí về đăng ký, chi phí về xuất nhập khẩu, các chi phí liên quan dến chứng nhận xuất xứ hoặc các chi phí có liên quan đến kiểm dịch hoặc các chi phí về vận chuyển để từ đó giúp cho các doanh nghiệp có thể giảm được chi phí thấp nhất để đáp ứng nhu cầu trong điều kiện dịch bệnh như thế này.”

    Tuy nhiên, cũng theo ông Thịnh, các doanh nghiệp phải tích cực chủ động chấn chỉnh lại tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm thiểu các chi phí không cần thiết để hạ giá thành, từ đó có thể đáp ứng được nhu cầu chi phí trong thời kỳ dịch bệnh. Đồng thời, nhà nước phải tạo điều kiện cho các thương vụ; lãnh sự quán Việt Nam phải kết hợp với Bộ Công thương và các doanh nghiệp xem xét thị trường các quốc gia để hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và không để phụ thuộc vào thị trường nào.

    Đẩy mạnh phát triển tiêu thụ nội địa và tập trung vào người lao động

    Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết Việt Nam đang có kế hoạch phân tán rủi ro và đa dạng thị trường nhập khẩu, không chỉ tập trung ở Trung Quốc, đồng thời vấn đề đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng được đề cập đến. Song song đó, thị trường nội địa cũng phải được tăng cường giúp giảm thiểu lệ thuộc quá nhiều vào các thị trường nước ngoài. Ông có ý kiến:

    “Thị trường đầu ra cũng vậy, việc dựa chủ yếu vào thị trường của Mỹ và thị trừờng Châu Âu, thì đó là rủi ro cho Việt Nam; cái rủi ro đó hiện tại đang trở thành tác động cho nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề phân bố rủi ro, đang dạng hóa xuất khẩu của Việt Nam là điều bắt buộc. Bên cạnh đó thì có lẽ thị trường nội bộ của Việt nam mình cần phải tăng được mức cầu. Thành ra để nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi lại thì việc tăng được nhu cầu nội địa là điều rất quan trọng.”

    Cùng quan điểm, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định một trong những điều quan trọng hiện này là các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm phương hướng để đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tích cực chủ động đưa hàng hóa của mình vào các hệ thống phân phối trong nội địa để từ đó có thể gia tăng sản lượng tiêu thụ. Đồng thời, các nhà quản lý phải là người thường xuyên theo dõi và phải có các chính sách mềm dẻo, linh hoạt để giúp cho các doanh nghiệp có thể vượt qua thời buổi khó khăn này, để từ đó có thể tồn tại được.

    Còn theo quan điểm của ông Diệp Thành Kiệt, chính phủ Việt Nam nên có chính sách tập trung giải quyết đời sống cơ bản cho người lao động, vì nguồn thu nhập và tích lũy của họ có giới hạn. Ông nói:

    “Đối với các doanh nghiệp trong nước, ví dụ cung ứng lương thực, thực phẩm, hoặc những dịch vụ thiết yếu cho đời sống hàng ngày trong nước, thì những doanh nghiệp đó vẫn hoạt động hàng ngày được. Dĩ nhiên thì hoạt động của họ cũng bị hạn chế lại, bởi vì người tiêu dùng là những người lao động làm trong nhà máy mà không có thu nhập thì sức mua của họ cũng sẽ giảm và bị ảnh hưởng. Vì vậy cũng có các ảnh hưởng gián tiếp, nhưng ảnh hưởng trực tiếp là những người làm trong nhà máy xuất khẩu.”

    Chính phủ Hà Nội tỏ ra cương quyết trong các biện pháp phòng chống dịch và hỗ trợ cho doanh nghiệp vào lúc này. Tuy nhiên trong tình thế hiện nay, không phải mọi kế hoạch đều có thể thực hiện theo ý muốn chủ quan.

    (RFA)

    Không có nhận xét nào