Header Ads

  • Breaking News

    Chia rẽ trong ASEAN, nhiều nước ngừng xuất khẩu, nhu cầu muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam


    Đại dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan nhanh chóng ở Đông Nam Á đã làm bộc lộ sự chia rẽ giữa các nước trong khu vực về vấn đề an ninh lương thực, nhất là khi các nước thiên về trồng lúa đã ngưng xuất khẩu gạo.

    Chia rẽ trong ASEAN, nhiều nước ngừng xuất khẩu, nhu cầu muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam gi Lục Du dịch và biên tập.
    Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19 được áp dụng vào ngày 3/4 đã khiến người dân nước này tích trữ gạo vì lo sợ không biết khi nào tình trạng mà họ đang gặp sẽ kết thúc. Trong khi đó, Việt Nam, nước xuất khẩu gạo xếp sau Thái Lan, đã cấm xuất mặt hàng này từ ngày 24/3, và quốc gia kế tiếp thực hiện điều tương tự là Campuchia.

    Quyết định ngưng xuất khẩu gạo của những nước trồng lúa hàng đầu khu vực đã làm các nước nhập khẩu lo ngại và khiến các quan chức cấp cao của ASEAN phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào đầu tháng này để tìm cách đảm bảo nguồn cung lương thực trong khối.

    “Về cơ bản, chúng tôi đã thống nhất rằng các quốc gia ASEAN nên giữ trạng thái mở về thương mại để cho phép tất cả các thành viên tiếp cận với hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm”, bà Oramon Sapthaweetham, Tổng giám đốc Cơ quan phán thương mại Thái Lan, nói với Nikkei về kết quả cuộc họp.

    “Tuy nhiên, mỗi quốc gia nên có quyền riêng trong việc thực hiện bất kỳ hành động nào để đảm bảo an ninh lương thực của mình, như cách Việt Nam đã làm. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần thêm thời gian để đạt được thỏa thuận”, bà Oramon nói thêm.

    Việt Nam đã thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo gạo cho tiêu dùng trong nước. Mặc dù các công ty xuất khẩu và ngành công nghiệp trong nước yêu cầu gỡ bỏ hoặc giảm bớt các hạn chế, nhưng vào ngày 10/4, Bộ Tài chính Việt Nam đề nghị gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo cho đến ngày 15/6 nhằm đảm bảo lượng gạo dự trữ quốc gia, dự kiến sẽ dự trữ khoảng 190.000 tấn. Việc này được thực hiện sau khi chính phủ đặt ra hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo.

    Campuchia là nước tiếp theo có quyết định tương tự Việt Nam. Điều này đã khiến những nước nhập khẩu gạo trong khu vực lo lắng, đặc biệt là Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất ASEAN. Philippines đã nhập tới 2,9 triệu tấn gạo vào năm ngoái, và đang có kế hoạch nhập khoảng 2,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Gạo mà Philippines nhập chủ yếu từ Việt Nam.

    “Ít nhất 200.000 đến 500.000 tấn gạo hiện đang bị giữ tại các cảng ở Việt Nam và Campuchia, những chuyến hàng bị trì hoãn này đã gây ra thiếu hụt nguồn cung ở một số nước”, một thương nhân ở Singapore cho biết.

    Gạo không chỉ là mặt hàng thiết yếu ở các nước ASEAN, mà còn là mặt hàng mang tính chính trị và tâm lý, đặc biệt đối với các nước nhập khẩu như Philippines và Indonesia, hai điểm nóng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán ở thời điểm hiện tại. Chính phủ của hai nước này đang phải đối mặt với áp lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và giữ lạm phát ở mức thấp.

    Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, William Dar, đã viết thư cho người đồng cấp Việt Nam vào cuối tháng Ba đề nghị đảm bảo việc tiếp tục kế hoạch bán gạo cho Manila.

    Không chỉ Philippines, các nước ASEAN khác cũng cảm thấy sức nóng đối với vấn đề lương thực trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát và chưa biết khi nào sẽ dừng lại.

    Năm nay, hạn hán nghiêm trọng ở Thái Lan và Việt Nam, cũng như nhu cầu mua gạo tăng mạnh ở khu vực châu Á, đã khiến giá của mặt hàng này được đẩy lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Vì thế, các nhà xuất khẩu Thái Lan tỏ ra chần chừ đối với việc đưa ra cam kết đáp ứng các đơn hàng của Philippines sau khi Việt Nam, nhà cung cấp gạo truyền thống của Manila, ngưng xuất khẩu gạo.

    Mặc dù Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Lê Quốc Doanh, cho biết Hà Nội sẽ tôn trọng các cam kết xuất khẩu gạo của mình sang Philippines, nhưng nhiều khả năng Việt Nam khó có thể giao hàng đúng hạn cho Manila khi các đơn đặt hàng mà họ nhận được từ phía Trung Quốc tăng vọt.

    Nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Việt Nam tăng 595% lên 66.000 tấn trong hai tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, xu hướng nhập khẩu cũng tăng từ các thị trường khác, như Iraq, Malaysia, Pháp, Đài Loan, Sénégal và Nga.

    Điều đó đã buộc Manila phải tìm kiếm nguồn cung gạo từ Myanmar, nhưng chính phủ nước này cũng đã quyết định ngừng xuất khẩu gạo, khiến Philippines khó có thể đảm bảo nguồn cung cấp ngay lập tức cho mặt hàng thiết yếu.

    Đối với Indonesia, mặc dù chính phủ đảo quốc cho biết họ có 3,5 triệu tấn gạo dự trữ, nhưng tháng trước họ vẫn để ngỏ khả năng nhập khẩu gạo nếu tình hình dịch bệnh khiến giá của loại mặt hàng này tăng. Indonesia đã nhập khẩu 600.000 tấn gạo vào năm ngoái và dự báo sẽ nhập khoảng 1 triệu tấn trong năm nay, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

    Nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Ấn Độ, cũng phải đối mặt với những rào cản thương mại khi nước này phong tỏa đất nước và dẫn tới việc ngưng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu gạo. Quốc gia Nam Á đã xuất khẩu 9,8 triệu tấn gạo trong năm ngoái.

    “Các nước nhập khẩu gạo đang phải vật lộn để có được gạo vào thời điểm này và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu dịch bệnh kéo dài thêm một vài tháng kể từ bây giờ”, một thương nhân ở Bangkok nói.

    Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh lương thực trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN qua video được tổ chức vào thứ Ba.

    “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến an ninh lương thực trong giai đoạn phong tỏa [vì dịch bệnh] này”, ông Duterte nói. “Ưu tiên cấp bách nhất của chúng tôi là đảm bảo cung cấp đủ gạo cho người dân”.

    Lãnh đạo Philippines nhấn mạnh rằng ASEAN cần phải “mở cửa cho thương mại, dù có khủng hoảng hay không, vì không một quốc gia nào có thể đứng một mình”.

    “Chúng ta hãy đảm bảo liên tục chuỗi cung ứng và dòng hàng hóa vận động bình thường trong khu vực của chúng ta”, ông Duterte đề nghị.
    Lục Du dịch và biên tập.

    Nguồn : https://www.dkn.tv/the-gioi/

    Không có nhận xét nào