Header Ads

  • Breaking News

    Covid19: Không ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump ‘cắt tài trợ’ WHO

    Hành động của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngưng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không có gì đáng ngạc nhiên dù gây tranh cãi, các ý kiến nói với BBC News Tiếng Việt trong một chương trình bình luận, cập nhật về đại dịch Covid-19 hôm thứ Năm 16/04/2020.
    Covid19: Không ngạc nhiên khi Tổng thống Donald Trump ‘cắt tài trợ’ WHO
    Từ Austin, Texas, Hoa Kỳ, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn, chuyên gia dịch tễ học và nhà phản biện độc lập về chính sách y tế, cộng đồng nói với BBC:

    "Tôi không ngạc nhiên. Bởi trước đó đã thấy có những động thái rậm rịch phản ứng mạnh từ Tổng thống Trump và phong trào vận động đòi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, phải từ chức.

    "Đồng thời, xét căn nguyên đại dịch COVID-19, thì trách nhiệm của WHO trong thụ động với chính phủ Trung Quốc, không làm tròn vai trò của cả một tổ chức chuyên môn về phòng chống dịch, đặc biệt không thúc đẩy thực thi nghiên cứu dịch tễ học ngay khi vụ dich khởi phát.

    "WHO cũng chậm công bố đại dịch. Nhưng câu hỏi đặt ra là thế khi nào sẽ làm tốt hơn, và liệu có thể làm được? Bởi những chê trách hoạt động của WHO cũng đã xuất hiện từ nhiều năm nay rồi."


    'Tôi cũng không ngạc nhiên'


    Từ Paris, Pháp, nhà báo độc lập Tường An - Ca Dao đưa ra bình luận của mình về quyết định của Tổng thống Trump đối với WHO:

    "Có ngạc nhiên hay không thì câu trả lời là không, bởi vì theo dõi những phản ứng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ trước tới nay, thì chúng ta thấy rằng ông có những quyết định khá triệt để, dứt khoát và đôi khi gây ra những cái bất ngờ.

    "Nó bất ngờ đến độ mà bây giờ chúng ta không bất ngờ nữa, thí dụ như công việc đầu tiên ông lên nhậm chức là rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), rồi ông cũng rút Mỹ ra khỏi COP-21, hiệp định về khí hậu, rồi ông dọa cắt những ngân khoản của NATO v.v…

    "Thực ra, về quyết định này, trước đó ông cũng đã nói rồi và vừa qua ông đã thực hiện lời nói của ông, cũng như là ông sẽ cắt giảm ngân sách của Mỹ đóng góp cho WHO.

    "Như bài nói chuyện của ông, ông nói rằng Mỹ đã đóng góp ngân khoản cho tổ chức y tế này là từ 400-500 triệu đôla hàng năm, trong khi Trung Quốc chỉ có 40 triệu, theo con số năm 2014, cho đến bây giờ con số này đã lên là 86 triệu. Nhưng mà dĩ nhiên vẫn còn thua Mỹ rất là nhiều.

    "Tổ chức Y tế Thế giới đã không làm đúng nhiệm vụ của mình, thành ra quyết định của ông Trump là đúng. Nhưng mà cách giải quyết phải nói thêm."


    "Chúng ta biết rằng Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, là một người được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hậu thuẫn vào ghế lãnh đạo tổ chức này, cho nên chúng ta không lạ gì khi mà ông Tedros có những thái độ được cho là rất thân với Trung Quốc.

    "Qua những phát biểu của ông Tedros một vài tuần sau khi ông lên nhậm chức là ông khen ông Tập Cận Bình, khen Trung Quốc.

    Về vấn đề dịch virus khởi phát từ Vũ Hán này, chúng ta thấy WHO đã rất chậm chễ trong việc công bố đại dịch.

    "Ông Tedros trong lần gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, đã khen ông Tập có những giải quyết rất là tốt, sau đó cũng lại khen Trung Quốc có những biện pháp rất là tốt, lại nói là nhờ Trung Quốc mà thế giới có thời gian để đối phó, và WHO cũng không lên tiếng kêu gọi đóng cửa biên giới, giới hạn v.v…"

    Việt Nam nhìn nhận thế nào?


    Từ Việt Nam, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nhà phân tích chính sách công từ Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra bình luận:

    " Việt Nam có hai luồng ý kiến có thể coi là trái chiều. Thứ nhất, một số cũng giống như chia sẻ của nhà báo Tường An, cũng như bình luận quốc tế, cho rằng họ không ngạc nhiên trước quyết định của ông Donald Trump với tính cách và phản ứng của ông, cũng như với chính sách thiên về song phương hơn là đa phương. Cho nên những quyết định vừa rồi là không có gì ngạc nhiên.

    "Tuy nhiên có một luồng dư luận thứ hai thì lại ủng hộ ý kiến của nhà tỷ phú công nghệ thông tin Bill Gates, cho rằng không nên làm việc đó, việc cắt tài trợ, vào lúc này, và có vẻ cũng ủng hộ ý kiến của ông Tổng thư ký Liên Hợp quốc đồng thuận ý kiến này."



    Bản quyền hình ảnh Reuters

    "Họ cho rằng thế giới đang nỗ lực chống dịch, trong đó có cả Mỹ và châu Âu, cũng như bây giờ đang lan sang các nước châu Mỹ La-tinh, rồi châu Phi, thì việc này cũng không nên. Bởi vì dù sao chăng nữa, trước hết nên tập trung vào chống dịch, bởi vì trong các chi phí của Tổ chức Y tế Thế giới, thì cũng có phần hỗ trợ cho những nước nghèo.

    "Thực ra, theo quan điểm của tôi có thể ông Bill Gates nhìn từ khía cạnh làm từ thiện nhiều hơn, còn ông Tổng thư ký Liên Hợp quốc cho rằng bây giờ đang cấp bách lắm, chưa phải lúc bàn về việc này.

    "Nhưng công bằng mà nói các quỹ hay các tổ chức Liên Hợp quốc đã phát huy vai trò rất tốt theo chức năng của mình, thí dụ Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã làm được một số việc, mở rộng tiêm chủng và phòng chống một số bệnh, dịch, nhưng mà hưởng lợi thì phần lớn là từ các nước nghèo. Cho nên các nước nghèo vẫn mong chờ những hỗ trợ này từ Tổ chức Y tế Thế giới.

    "Tuy nhiên, trước phản ứng như thế này, có thể chúng ta phải quan sát thêm là sau đây hoặc là hết dịch thì có những gì thay đổi hay không. Trước hết là những phản ứng của các nước phát triển, nhưng tôi nghĩ rằng ngay cả những nước nghèo đã quen, hoặc đã từng và đang được nhận viện trợ từ WHO, thì cũng phải thay đổi quan điểm của mình.

    "Thí dụ như là phải tranh thủ quan hệ song phương với Mỹ để hỗ trợ được trực tiếp từ Mỹ. Tôi thấy trong chống dịch này, Mỹ cũng hỗ trợ Việt Nam là 3 triệu đôla về phòng chống dịch, Mỹ đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ 42 triệu đôla trong việc duy trì và phát triển, thì tôi nghĩ là các nước đang phát triển cũng phải thích nghi với những thay đổi trên thế giới, tức là chuyển nhanh từ cơ chế đa phương qua các tổ chức Liên Hợp quốc và phải sang cơ chế song phương, trong đó là có liên hệ trực tiếp với Mỹ…"

    VN cần lưu ý gì thêm?

    Từ Texas, nơi đang thăm viếng, nhà phản biện chính sách y tế, cộng đồng, TS. Bác sỹ Trần Tuấn nêu quan điểm:

    "Còn với Việt Nam, cần nhất hiện nay là thực hiện các nghiên cứu để làm cơ sở cho điều chỉnh chính sách chống dịch.

    Trong đó, cần thực hiện ngay điều tra xác định tỷ lệ dân chúng đã có kháng thể chống vi rút corona Vũ Hán, (SARS-CoV-2), nhằm biết được mức độ lây nhiễm trong cộng đồng đang cao thấp đến đâu, để dựa vào đó điều chỉnh chính sách phong tỏa cho phù hợp, và nhận định các tổn hại cũng như những khó khăn thực tế mà các nhóm nguy cơ cao đang gặp phải để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

    "Các nghiên cứu cộng đồng phải được thực hiện ngay. Trong khi chính phủ chưa triển khai được, thì các tổ chức khoa học độc lập nên phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu định hướng chính sách, phản biện chính sách.

    "Tôi cho đây là cơ hội tốt để Việt Nam chứng minh với thế giới cách phòng chống dịch hiệu quả, bằng chiến lược xã hội hóa sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp, không chỉ là thực hiện biện pháp chính phủ đưa ra, mà còn thể hiện trong cả thực hiện nghiên cứu định hướng chính sách, phản biện chính sách.

    "Tôi đã có đề nghị giới doanh nghiệp Việt Nam, trong đó với VinGroup, bên canh sản xuất máy thở cho mục tiêu thương mại, nên thực hiện trách nhiệm xã hội hỗ trợ nghiên cứu điều tra tình hình lây nhiễm trong cộng dồng và những tổn hại xã hội và sức khỏe do COVID-19 gây ra.

    "Theo tôi sự phối hợp giữa giới doanh nghiệp, như cụ thể ở đây là doanh nghiệp VinGroup, với các tổ chức khoa học độc lập để thực hiện công việc trên là một điều tốt."

    Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn chương trình bình luận, cập nhật về Covid-19 với những nội dung liên quan chủ đề trên.


    BBC News

    Không có nhận xét nào