Header Ads

  • Breaking News

    Jayadeva Ranade - Tập Cận Bình còn trụ được bao lâu?

    Sau 3 tháng xảy ra đại dịch Coronavirus xuất phát từ Vũ Hán, lần đầu tiên, có những tiếng nói làm lộ ra tình trạng đấu đá nội bộ đang diễn ra gây gắt ở Bắc Kinh và cũng lần đầu tiên có người công khai đòi hỏi Tập Cận Bình từ chức.

    Tập Cận Bình còn trụ được bao lâu?
    Ông Jayadeva Ranade, một chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc của Ấn Độ có một bài viết đăng trên tờ The Tribune ngày 28/3, phân tích tình hình khá rối ren trong nội bộ đảng cộng sản TQ hiện nay. Dưới đây là tóm tắt các điểm chính của bài này.

    TÌNH HÌNH NGÀY MỘT TỒI TỆ HƠN ĐỐI VỚI TẬP CẬN BÌNH.

    Vì sợ bị trừng phạt, nên rất hiếm thấy những biểu hiện bất mãn ở Trung Quốc. Nhưng các biểu hiện này đang gia tăng và gây áp lực lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

    Cái chết của bác sĩ bệnh viện Vũ Hán Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đã làm bùng lên sự phẫn nộ . Một số người có uy tín, trong đó có cán bộ và đảng viên, và ít nhất có một cựu ủy viên trung ương, trong số 350 ủy viên trung ương đầy quyền lực, đã thẳng thừng chỉ trích ông Tập Cận Bình và các chính sách của ông.

    Các chỉ trích nhắm vào việc ĐCSTQ ngày càng tăng cường kiểm soát và tập trung quyền lực. Việc siết chặt giám sát thể hiện qua ngân sách an ninh hàng năm đều tăng lên kể từ năm 2013, trùng hợp với thời điểm Tập Cận Bình lên nắm quyền. Điều này đi kèm với việc mở rộng giám sát và sử dụng các công nghệ kiểm soát người dân như camera nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo.

    Vào ngày 2/3 và ngày 23/2, Zhao Shilin, giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Minzu và cựu ủy viên trung ương của ĐCSTQ, đã gửi hai bức thư cho Tập Cận Bình, cả hai đều tỏ ra gay gắt trong những lời chỉ trích.

    Trong thư đề ngày 23/2, Zhao Shilin khẳng định Trung Quốc đã bỏ lỡ "thời gian vàng" vào dịp Tết, khiến cho "nạn dịch lan tràn dữ dội". Ông mô tả cái giá phải trả là "khủng khiếp" và "đau đớn không kể xiết". Nhắc lại lời của Tập Cận Bình, cuộc chiến chống virus corona là "thử nghiệm lớn lao về khả năng điều hành đất nước". Giáo sư Zhao Shilin thẳng thừng nói "Rất tiếc là tôi phải nói rằng tỉ số của đồng chí [Tập Cận Bình] đến nay bằng 0 !".

    Trong lá thư ngày 2/3, ông nói "Cần phải có nhiều hơn là một tiếng nói, để có thể đòi hỏi tự do ngôn luận". Đáp lại lời kêu gọi của ông, một số người khác cũng viết các bài chỉ trính tương tự và họ đều đối diện với nguy cơ bị trừng phạt.

    Ông Xu Zhiyong, cựu giảng viên trường đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức vì "không có khả năng xử lý những cuộc khủng hoảng lớn". Ông nói tư tưởng chính trị của Tập Cận Bình là "khó hiểu", mô hình cai trị "lỗi thời", làm Trung Quốc suy sụp với "những biện pháp nhằm duy trì ổn định xã hội toàn diện" của ông ta. Ông kết luận "Tôi không nghĩ rằng ông là một người độc ác, ông chỉ không mấy thông minh thôi. Vì lợi ích cộng đồng, một lần nữa tôi yêu cầu ông hãy từ chức đi, ông Tập Cận Bình!".

    Giáo sư của Đại học Tsinghua, ông Xu Zhangrun, có bài tiểu luận "Những người phẫn nộ không còn sợ hãi nữa" được lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc. Ông cáo buộc các nhà lãnh đạo, đặc biệt là Tập Cận Bình, đã xa rời nhu cầu của người dân, muốn duy trì vĩnh viễn sự cai trị của "một nhóm nhỏ lãnh đạo". Ông tố cáo sự "bóp nghẹt các tranh luận công khai". Bài viết đánh giá Tập Cận Bình là "bạo chúa chính trị" và khẳng định "'mặt trời cuối cùng sẽ đến trên vùng đất tự do này!".

    Sau cùng, dấu hiệu về mức độ bất mãn rất cao đã hiện rõ tuần trước, với thông tin về con cái của các cán bộ đảng kỳ cựu cấp cao, còn được gọi là "các hoàng tử đỏ". "Các hoàng tử đỏ" này kêu gọi một cuộc họp khẩn để thảo luận về việc thay thế ông Tập Cận Bình. Đài truyền hình Sun TV tại Hồng Kông, đài của giới tinh hoa Trung Quốc và cộng đồng người Hoa, cho biết các "hoàng tử đỏ" đề nghị lập ra một "nhóm lãnh đạo khẩn cấp" do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) hoặc Uông Dương (Wang Yang), ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện thường là dấu hiệu cho thấy sự đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.

    Jayadeva Ranade
    President, Centre for China Analysis and Strategy

    Không có nhận xét nào