Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao khả năng tái đắc cử của Tổng thống Trump không dễ như chúng ta tưởng?

    Donald Trump giờ đây dường như đã không còn đáp ứng được kì vọng của cử tri Mỹ. Mặc dù có nhiều lợi thế, tuy nhiên, nếu nhìn nhận kỹ hơn, có thể thấy rằng những yếu tố bất lợi rất có khả năng đem đến thất bại cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.

    Vì sao khả năng tái đắc cử của Tổng thống Trump không dễ như nhiều người nghĩ?
    Gần như đúng 4 năm sau ngày phát động chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên, Donald Trump đã chính thức trở lại cuộc đua vào ngày 18/6/2019. Còn hơn 7 tháng nữa mới diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, do vậy thật khó dự đoán kết quả của cuộc chiến bầu cử sắp tới này. Chúng ta không nên quên rằng năm 2016, đại đa số các nhà quan sát đã quả quyết tuyên bố chiến thắng sẽ thuộc về Hillary Clinton. Thông báo về kết quả bầu cử giống như một tiếng sét đánh. Liệu cựu doanh nhân Donald Trump có thể đạt được kỳ tích tương tự trong lần tranh cử thứ hai liên tiếp sắp tới hay không? Cho dù choáng váng trước kết quả bầu cử hết sức bất ngờ của năm 2016 và tỏ ra dè dặt hơn trong dự báo, hầu hết các chuyên gia giờ đây nhận định rằng nhà tỷ phú New York là người có khả năng nhất kế nhiệm chính ông. Đúng là Donald Trump có nhiều ưu điểm, nhưng nếu nhìn nhận kỹ hơn, chúng ta có thể thấy rằng những yếu tố có khả năng khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới rất có nguy cơ làm nghiêng cán cân theo hướng bất lợi cho ông.

    Đảng Cộng hòa đoàn kết trước đảng Dân chủ chia rẽ

    Lần bầu cử này có một điểm khác biệt đáng chú ý nhất: Donald Trump là tổng thống sắp mãn nhiệm. Đảng Cộng hòa, sau một thời gian dài lưỡng lự, cuối cùng đã đứng về phía Trump và ngày 25/1/2019 đã nhất trí bỏ phiếu tuyệt đối ủng hộ ông và ngăn chặn mọi sự phản đối trong nội bộ đảng. Trong khi đó ở phía đảng Dân chủ, chiến dịch tranh cử diễn ra với những cú đâm sau lưng nhau, đôi khi rất táo bạo, và những tố cáo hoặc đổ lỗi cho nhau. Những người ủng hộ đảng Dân chủ đã nhanh chóng nhận ra rằng việc đi sâu phân tích chi tiết các chương trình tranh cử của tất cả ứng cử viên là quá phức tạp, và ngay từ rất sớm họ đã tập trung chú ý vào 4 hay 5 ứng cử viên phần nào uy tín (như Joe Biden, Bernie Sanders, Elizabeth Warren...) hay những ứng cử viên nổi lên trong những tháng đầu tiên của chiến dịch tranh cử (như Kamala Harris hay Pete Buttigieg, nhưng với mức độ ủng hộ thấp hơn). Trong khi đó, Donald Trump đã ghi điểm và hả hê trước những chia rẽ của đám ứng cử viên quá đông đảo nêu trên.

    Một cơ sở cử tri vững chắc

    Để đảm bảo giành chiến thắng, ngoài sự suy yếu của đảng Dân chủ đối thủ, Donald Trump còn dựa nhiều vào điểm mạnh quan trọng của ông: một cơ sở cử tri mà Trump "chăm chút" kể từ năm 2016. Cho dù có chuyện gì xảy ra, khoảng 40% đến 44% người Mỹ luôn ủng hộ chủ nhân hiện tại của Nhà Trắng. Donald Trump đã giữ được một vị trí đặc biệt trong lòng họ và vẫn là "người hùng" của họ trong mọi hoàn cảnh. Quả thực, chúng ta thường quên rằng Donald Trump là người có biệt tài lôi kéovà thao túng .

    Donald Trump được lòng dân trước hết là nhờ các bài tweet liên tục của ông - hơn 43.000 tweet. Chưa bao giờ có một tổng thống đương nhiệm nào thành công trong việc thiết lập một mối liên kết trực tiếp và thường xuyên như vậy với người dân. Donald Trump xuất hiện như là người phát ngôn của "những kẻ yếu thế" và "những người đáng thương" (như cách gọi của Hillary Clinton) trong xã hội. Năm 2016, tỷ phú Donald Trump đã tuyên bố rằng ông có thể hiểu rõ hơn bất kỳ ai các vấn đề của những người thuộc tầng lớp thấp kém và những người nghèo nhất trong xã hội.

    Tính cách rất đặc biệt của một người vốn buôn bất động sản là một điểm mạnh khác có thể giúp ông tái đắc cử: Đó là một người không ngại va chạm, yêu thích đối đầu, và đặc biệt thích những cuộc bầu bán. Với việc tiến hành một cuộc chiến tranh cử tổng thống mới, Trump đã trở lại với tình huống mà ông cảm thấy thoải mái nhất. Có thể nói rằng Donald Trump chưa bao giờ ngừng tiến hành chiến dịch tranh cử kể từ khi ông đắc cử. Không giống như những người tiền nhiệm, George W. Bush vào năm 2004 và Barack Obama vào năm 2012, Donald Trump đã không chờ đến phút chót mới bắt đầu cuộc đua vào nhiệm kỳ thứ hai, mà ông đã xông lên võ đài ngay khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Và đặc biệt kể từ khi tuyên bố ứng cử nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã sử dụng những "ngón nghề" tương tự như trong năm 2015-2016. Chẳng hạn, ông đã “bóp chết” những chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên dân chủ trẻ tuổi, làm cho tiếng nói của họ không được lắng nghe và không được phản hồi trên các phương tiện truyền thông khi tranh cãi với ông. Cũng giống như năm 2016, Trump đã áp đặt những đề tài mà ông ưa thích, mà trước hết là vấn đề nhập cư.

    Huyền thoại kinh tế

    Donald Trump đã mang lại được một số thành tựu về kinh tế: tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ 50 năm qua, lạm phát được kiềm chế, tốc độ tăng trưởng cao, lãi suất rất thấp, thị trường chứng khoán liên tiếp phá kỷ lục. Thật khó có thể tấn công tổng thống đương nhiệm trên mặt trận này. Vả lại, James Carville, cố vấn chiến lược cho chiến dịch tranh cử của Bill Clinton năm 1992, đã từng nói rằng kinh tế chính là yếu tố quyết định tất cả. Nhận thức được vấn đề này, các đảng viên Dân chủ đã công kích chương trình cải cách thuế của Donald Trump. Nhưng họ đã không ngăn cản được tổng thống thông qua chương trình cải cách thuế vào tháng 12/2017, và Trump đã vui mừng tuyên bố đó là "món quà Giáng sinh thực sự cho người Mỹ". Các nhà lãnh đạo phe đối lập đã lên án "món quà thuế" hào phóng mà chương trình cải cách này mang lại cho những người giàu có. Trump đã không phản đối điều này. Trái lại, ông quả quyết rằng chính bằng cách dành cho những giàu có và các doanh nghiệp sự ưu đãi, của cải sẽ được tạo ra, điều này cho phép tạo ra việc làm và lợi nhuận, và đến lượt nó, lợi nhuận có thể được tái phân phối. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp đã ngay lập tức trao cho nhân viên của họ những phần thưởng đặc biệt – lên tới 1.000 USD mỗi người!

    Các đảng viên Dân chủ chưa bao giờ tạo được sức thuyết phục với công dân Mỹ về các vấn đề kinh tế: Họ đã tốn công vô ích khi lên án Trump bãi bỏ các quy định, đặc biệt là việc bãi bỏ nhiều quy định ngăn chặn các doanh nghiệp gây ô nhiễm. Những cảnh báo liên tiếp của họ về sự nguy hiểm của tình trạng nợ quốc gia không ngừng gia tăng cũng không tạo được sự thuyết phục. Tất cả dường như quá xa vời, quá trừu tượng hoặc quá bi quan. Trái lại, một bộ phận lớn người dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến mà tổng thống phát động chống lại "những thỏa thuận tồi tệ" (theo ông, đó là những thỏa thuận thương mại gây bất lợi cho nền kinh tế Mỹ và tất cả những thỏa thuận này cần phải được đàm phán lại) hoặc chống lại những ngoại tệ mà theo ông là gây hại cho nước Mỹ.

    Gần 6 tháng sau khi Donald Trump nhậm chức, theo kết quả các cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Gallup và CBS công bố, có tới 69% người được hỏi hài lòng về các kết quả kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp việc đông đảo người Mỹ ủng hộ hành động của Trump trong lĩnh vực kinh tế, uy tín của ông không tăng mà vẫn chỉ xoay quanh 40% tỷ lệ được lòng dân. Donald Trump vẫn chưa giành phần thắng, thậm chí là rất xa vời.

    Tại sao Trump có thể thất bại?

    Bất chấp mọi yếu tố dường như có lợi cho Donald Trump, dường như có nhiều trở ngại mà ông phải vượt qua. Trump là "nhân vật gây chia rẽ", những căng thẳng trong xã hội dưới nhiệm kỳ của ông gia tăng, và đó có thể trở thành một bất lợi cho ông. Để giành chiến thắng, một lần nữa, Trump sẽ phải tận dụng tối đa hệ thống bầu cử phức tạp của Mỹ, thuyết phục được rằng sự khởi sắc kinh tế sẽ không kéo dài nếu ông ra đi, và ông sẽ tạo lại được sức lôi cuốn với cử tri ở tất cả các khu vực mà ông đã giành được sự ủng hộ hồi năm 2016... Bởi cho dù ngay từ rất sớm người Mỹ đánh giá cao thành công không thể phủ nhận của Trump trong việc điều hành lĩnh vực tài chính và ngân sách, chỉ số tín nhiệm của ông vẫn chưa tiến triển. Do vậy, thành công rực rỡ mà Donald Trump và những người ủng hộ ông tự hào gần như không tác động đến lá phiếu của cử tri trong tương lai.

    Cử tri đoàn, một hệ thống thực sự có lợi cho Donald Trump?

    Như chúng ta biết, chủ nhân Nhà Trắng không được bầu thông qua nguyên tắc bầu cử phổ thông trực tiếp, mà thông qua hệ thống đại cử tri đoàn đại diện cho mỗi bang. Do vậy, trước hết Trump cần đảm bảo giành chiến thắng ở nhiều bang nhất. Việc bỏ qua chỉ một bang duy nhất có thể gây ra những hậu quả to lớn. Năm 2016, cơ chế này đã có lợi cho Donald Trump. Cần nhớ lại rằng ông kém đối thủ Hillary Clinton 3 triệu phiếu bầu, nhưng chiến thắng mà ông đã giành được tại nhiều bang quan trọng đã giúp Trump trở thành tổng thống. Trump sau đó đã cho biết chiến dịch bầu cử của ông đã được điều chỉnh để đáp ứng các quy tắc bầu cử.

    Trong khi hệ thống đại cử tri thường được cho là có lợi cho Donald Trump, thì trên thực tế diễn biến có thể đảo ngược một cách tàn nhẫn theo hướng có lợi cho các ứng cử viên đảng Dân nếu năm 2020 Trump không huy động được lực lượng của ông với sự thành công như năm 2016. Chính trong cuộc bầu cử năm 2016, Trump có được một phần lớn số phiếu nhờ vào những cử tri vốn từ lâu không đi bỏ phiếu. Liệu 4 năm sau, suy nghĩ của lực lượng cử tri này có thay đổi? Liệu họ có trở lại thờ ơ như trước, và hơn bao giờ hết họ có cho rằng cho dù với một tổng thống "đặc biệt" như vậy, Washington vẫn là Washington và thân phận của họ không hẳn được cải thiện?

    Những người ủng hộ tổng thống hiện tại có lẽ không nên quá tự tin. Donald Trump sẽ phải chiến đấu trên nhiều mặt trận hơn những gì ông hình dung. Mức độ được lòng dân của Trump tại 3 bang chính thuộc Vành đai công nghiệp không thay đổi từ 3 năm qua, khoảng 40%, thấp hơn so với kỳ vọng của ông. Tại những bang này, tất cả các cuộc thăm dò đều cho kết quả Trump sẽ thua cuộc trước bất kỳ ứng cử viên nào của đảng Dân chủ. Ông sẽ bị những đối thủ cao cấp như Joe Biden hay Bernie Sanders đánh bại, và thậm chí có thể thua cuộc trước một đối thủ hoàn toàn vô danh.

    Có nên tin vào những dấu hiệu?

    Tất nhiên, những người ủng hộ Donald Trump không tin vào các kết quả thăm dò bất lợi cho ông lâu nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ dẫn đáng lo ngại. Sự phục hồi kinh tế đã không mang lại lợi ích cho phe Cộng hòa: Nhiều khu vực bầu cử đã nghiêng về phe Dân chủ. Đặc biệt, tại bang Wisconsin và bang Michigan, các thống đốc đảng Cộng hòa sắp mãn nhiệm đã bị các đối thủ thuộc đảng Dân chủ đánh bại. Sự mất tín nhiệm của các đảng viên Cộng hòa được nhận thấy ở hầu hết các cấp. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ ràng ở hai trong số những khu vực bầu cử quan trọng nhất của bang Michigan, từng là hai thành trì của đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu cho Trump vào năm 2016, nhưng đến năm 2018 đã đứng về phe đối lập.

    Livingston – thuộc khu vực bầu cử thứ 8, nơi ứng cử viên đảng Cộng hòa Mike Bishop giành chiến thắng hồi năm 2016 – từ chỗ là một vùng nông thôn giờ đây đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng được đô thị hóa. Donald Trump cho rằng có được sự khởi sắc kinh tế này là nhờ những biện pháp mà ông đã thực hiện. Thế nhưng, các cử tri không nghĩ như vậy... Tại khu vực bầu cử thứ 13, ứng cử viên đảng Dân chủ Rashida Tlaib đã giành chiến thắng với 84,6% phiếu bầu sau một chiến dịch gần như hoàn toàn dựa vào việc lên án mạnh mẽ hành động và cá tính của Donald Trump.

    Sức mạnh to lớn của đảng Dân chủ là ở chỗ họ đã giành được cảm tình của các cộng đồng thiểu số ở Mỹ. Quả đúng vậy, Barack Obama thắng cử tổng thống năm 2008 và 2012 nhờ vào thực tế này. Thanh niên, phụ nữ, các cộng đồng thiểu số và sinh viên tốt nghiệp đại học đã bỏ phiếu cho ông và họ đã không để cho đảng Cộng hòa một cơ hội nào. Năm 2016, Donald Trump tiến hành tranh cử và ông tin rằng có thể vượt qua thách thức nhân khẩu học này. Bài phát biểu của ông đã nhận được sự hưởng ứng của tầng lớp trung lưu da trắng người Mỹ - vốn chịu mất mát trong 40 năm toàn cầu hóa, và sự hưởng ứng đó đã góp phần giúp ông thắng cuộc bầu cử. Các nhà quan sát nhận thấy đó là phản ứng cuối cùng của những người da trắng không muốn đánh mất vị thế đa số của họ trong xã hội Mỹ.

    Các nữ cử tri cũng tạo ra sự bất lợi cho tổng thống sắp mãn nhiệm. Đúng là Donald Trump đã thu hút được một nửa số nữ cử tri trong cuộc bầu cử tổng năm 2016, nhưng các nữ cử tri vùng ngoại ô đã quay lưng lại với đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi năm 2018, khiến khả năng tái đắc cử của Trump gần như là không thể. Động thái này nằm trong một xu hướng chung hơn: Kể từ năm 1996, số lượng nữ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ tiếp tục tăng, và ngày càng nhiều phụ nữ tham gia chính trị, bỏ phiếu và thậm chí ứng cử. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 đánh dấu sự trỗi dậy của họ. Đặc biệt, nhiều nữ ứng cử viên đứng về phe cánh tả của đảng Dân chủ đã được bầu vào Quốc hội cho dù trước đó họ chưa từng tham gia chính trường. Mùa Hè năm 2019, Trump đã nỗ lực chống lại khó khăn này bằng cách công kích 4 nữ nghị sỹ đang có ảnh hưởng, cáo buộc họ là "những phần tử xã hội chủ nghĩa" tức là những "kẻ thù của quốc gia". Nhưng chiến thuật này của Trump có thể bị coi là một sự công kích nhằm vào phụ nữ nói chung.

    Dường như Donald Trump đã lao vào một cuộc đua thời gian điên cuồng, trong khi đảng Dân chủ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của hai lực lượng cử tri đang lên: các cộng đồng không phải người da trắng chiếm khoảng 30% tổng số cử tri và thế hệ 8X, 9X – những người có tư tưởng tiến bộ hơn thế hệ phụ huynh của họ và mong muốn bảo vệ các quyền của các cộng đồng thiểu số. Năm 2020, thế hệ những người trẻ tuổi này sẽ đông đảo như những người sinh ra vào thời kỳ "bùng nổ trẻ sơ sinh" (sau Chiến tranh thế giới thứ hai). Đó sẽ là năm đối đầu giữa những người đề xuất các ý tưởng được Donald Trump bảo vệ và những người chống lại chúng. Sự khởi sắc của nền kinh tế đã không mang lại bất cứ điều gì cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018. Các cử tri mong đợi nhà lãnh đạo đất nước can thiệp nhiều hơn và đưa ra nhiều đề xuất hơn về những vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật của họ. Người Mỹ mong muốn con cái họ được học ở những ngôi trường tốt, được tiếp cận nền giáo dục đại học giá cả phải chăng, được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho tất cả mọi người và các cơ sở hạ tầng tốt, chẳng hạn như hệ thống đường sá. Những chủ đề này được các ứng cử viên đảng Dân chủ tiếp cận nhiều hơn so với Donald Trump – vốn chỉ tập trung vào vấn đề nhập cư, và tin tưởng rằng điều này có thể mang lại cho ông chiến thắng.

    Khi điều khó tin xảy ra

    Chỉ 2 năm sau cú sốc lớn từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, mọi thứ đã có sự thay đổi. Từ nay, những cử tri mới ít có xu hướng bảo vệ chủ nghĩa dân tộc kinh tế hơn so với các cử tri lớn tuổi, và xu hướng này được cho là gia tăng trong tương lai. Giờ đây, Donald Trump dường như không còn đáp ứng được kỳ vọng của cử tri Mỹ, và có lẽ ông đang "tự trói mình" vào một chương trình đã nguội lạnh. Nhưng lần này, có lẽ những người không đi bỏ phiếu năm 2016 sẽ tham gia bầu cử nhưng không phải để bỏ phiếu cho Trump, mà là để chống lại ông. Jean-Eric Branaa là nghiên cứu viên tại Trung tâm Thucydide và giảng viên tại Đại học Paris II Panthéon-Assas. Bài viết được đăng trên tạp chí Chính trị quốc tế
    (Nghiên cứu Biển Đông) 

    Không có nhận xét nào