Header Ads

  • Breaking News

    Liệu Trung Quốc có bị kiện vì đại dịch COVID-19 hay không?

    Với việc đại dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe - kinh tế toàn cầu, liệu Trung Quốc có bị buộc chịu trách nhiệm bồi thường và sẽ phản ứng thế nào?


    Đại dịch COVID-19 đã và đang bùng phát trên gần như mọi khu vực trên thế giới gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế. Với thực tại này, nhiều quốc gia đang hướng mũi dùi về phía Trung Quốc - nơi dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên để yêu cầu bồi thường tổn thất thời gian qua.

    Có nhiều hướng để kiện Trung Quốc

    Các nước có thể kiện Trung Quốc được không? Theo Hiệp hội Henry Jackson - một tổ chức phân tích có trụ sở tại London (Anh) gồm các thành viên là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh - là được và có nhiều hướng, hãng tin Reuters cho biết.

    Cụ thể, hiệp hội này cho rằng Trung Quốc có thể bị kiện theo luật quốc tế vì COVID-19 đã gây thiệt hại hàng ngàn tỉ USD về kinh tế và hơn 82.000 người thiệt mạng trên toàn cầu.

    Các chuyên gia trong Hiệp hội Henry Jackson nói rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể bị kiện thông qua đến 10 con đường pháp lý như Quy định y tế quốc tế (IHR). IHR đã được củng cố chặt chẽ hơn kể từ sau khi dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2003.

    Cụ thể, phiên bản sửa đổi của IHR là một thỏa thuận giữa 196 quốc gia, yêu cầu các bên tham gia thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tất cả diễn biến xảy ra trong lãnh thổ của đất nước mình mà có nguy cơ tạo ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

    Thỏa thuận này cũng yêu cầu các bên tiếp tục thông báo cho WHO “về thông tin y tế cộng đồng kịp thời, chính xác và đầy đủ chi tiết về sự kiện này". Thông tin bao gồm các dữ liệu như kết quả nghiên cứu của phòng thí nghiệm, nguồn gốc và rủi ro, số ca nhiễm bệnh và tử vong, các điều kiện ảnh hưởng đến sự lây lan của dịch bệnh và các biện pháp y tế đã được sử dụng.

    Bên cạnh đó vẫn còn có các hướng tiếp cận khác, theo Hiệp hội Henry Jackson. Các hướng này có thể thông qua Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Trọng tài thường trực, Tổ chức Thương mại thế giới, các hiệp ước đầu tư song phương và thậm chí là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

    “Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác vào thời điểm sớm, sự lây nhiễm có lẽ đã không vượt qua khỏi biên giới Trung Quốc. Trung Quốc chỉ báo cáo tình hình cho WHO vào ngày 31-12-2019 nhưng lại nói không có bằng chứng lây truyền từ người sang người” - theo Hiệp hội Henry Jackson.

    Quy định y tế quốc tế yêu cầu các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ dữ liệu cho thế giới liên quan đến sự lây lan, mức độ nghiêm trọng của bất kỳ mầm bệnh nào có khả năng truyền nhiễm quy mô lớn.

    Hiệp hội Henry Jackson nhận định Trung Quốc đã làm điều ngược lại, bằng cách che đậy dữ liệu và trừng phạt các bác sĩ như ông Lý Văn Lượng khi ông tìm cách nói lên sự thật. Tổ chức phân tích chính sách đối ngoại của Anh cũng kêu gọi các nước liên minh lại để khởi động hành động chung nhằm lên án phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước một đại dịch đang khiến thế giới chao đảo.

    "Hành động này sẽ đòi hỏi cả sự can đảm và sự đoàn kết toàn cầu. Trong phản ứng ban đầu của mình, TP Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã vi phạm Quy định về sức khỏe quốc tế và trách nhiệm này thuộc về cấp quản lý cao nhất - chính quyền trung ương. Nhiều khả năng phản ứng của Bắc Kinh đối với COVID-19 đã vi phạm luật pháp quốc tế" - Hiệp hội Henry Jackson nêu rõ.

    "Bằng cách tính toán chi phí thiệt hại cho các nền kinh tế tiên tiến và tập hợp một loạt các quy trình pháp lý có thể có, chúng tôi đưa ra kết luận rằng thế giới có thể tìm cách bù đắp cho tác hại kinh khủng mà dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc đã gây ra” - hiệp hội trên khẳng định.

    Vậy thế giới có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường bao nhiêu? Con số chưa thể biết được nhưng trước mắt Reuters dẫn nghiên cứu của Hiệp hội Henry Jackson cho biết các quốc gia phát triển thuộc nhóm G-7 đã phải chi ít nhất khoảng 6,5 ngàn tỉ USD để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như giảm tác động đến nền kinh tế.

    Đồng quan điểm, GS Luật Hàng hải quốc tế thuộc ĐH Hải quân Mỹ cũng đồng ý chính quyền Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm vì vi phạm nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.

    Dựa trên các quy định của Quy định y tế quốc tế (IHR), khi một quốc gia có nghĩa vụ pháp lý phải làm điều gì đó nhưng không làm thì chính quyền quốc gia đó có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.

    “Trung Quốc là một thành viên tham gia IHR mà hầu hết mọi quốc gia trên thế giới đều là thành viên. Hiệp ước này yêu cầu các quốc gia phải rất thẳng thắn hoặc sẵn sàng, nhanh chóng chia sẻ thông tin về phạm vi lây lan rộng của các loại bệnh, bao gồm các chủng bệnh giống như cúm mới, chẳng hạn như COVID-19" - theo ông Kraska.

    “Đây là một nghĩa vụ pháp lý được các quốc gia tự nguyện cam kết và tất cả quốc gia là thành viên của hiệp ước, bao gồm Trung Quốc, đã đồng ý thực hiện điều này. Nhưng trong trường hợp này, Trung Quốc đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình” - GS James Kraska khẳng định.

    Thị trường chứng khoán Mỹ thiệt hại nặng trong phiên giao dịch ngày 12-3. Ảnh: CNN
    Dân Mỹ đã tự hành động

    Hồi tháng 3, đài CNN từng đưa tin công ty luật Berman ở bang Florida (Mỹ) đã đứng ra nhận đơn kiện tập thể của gần 1.000 cá nhân và doanh nghiệp địa phương yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho các thiệt hại kinh tế mà bên nguyên phải chịu suốt giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.

    Đơn kiện nêu tên các bị cáo gồm chính phủ Trung Quốc, chính quyền tỉnh Hồ Bắc và TP Vũ Hán cùng một số bộ nước này.

    “Như chúng tôi đã cáo buộc trong đơn kiện, các quan chức Trung Quốc đã biết rằng COVID-19 lây truyền từ người sang người vào ngày 3-1 và bệnh nhân tử vong bắt đầu xuất hiện vài ngày sau đó. Tuy nhiên, họ vẫn nói với người dân Vũ Hán và thế giới rằng nói chung mọi thứ đều ổn, thậm chí còn tổ chức một bữa ăn tối công cộng ở Vũ Hán cho hơn 40.000 gia đình vào ngày 18-1” - ông Matthew Moore, một trong những luật sư phụ trách vụ kiện tập thể trên, cho biết.

    Đến tháng 4, công ty luật Breman khẳng định kể từ khi tiếp nhận đơn kiện thì mỗi ngày máy chủ và hệ thống mạng của công ty ghi nhận 5.000 vụ tấn công mạng, được cho xuất phát từ Trung Quốc.

    "Chúng tôi đã truy vết và phát hiện những đợt tấn công mạng xuất phát từ địa chỉ IP ở Trung Quốc. Dù vậy, đa số đợt tấn công mạng không thành công" - đại diện công ty cho biết.

    Dù vậy, địa chỉ IP hoàn toàn có thể làm giả. Do đó, các cuộc tấn công mạng có địa chỉ IP Trung Quốc không nhất thiết xuất phát từ chính phủ Trung Quốc hoặc thậm chí là từ bên trong Trung Quốc, theo đài Fox News.

    Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?

    Hiện Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng hay phát ngôn chính thức nào đối với các diễn biến trên. Tuy nhiên, nhiều khả năng nước này sẽ phản đối và không chấp nhận bất kỳ khoản bồi thường nào cho các nước khác.

    Điều này có hai lý do: (1) Trung Quốc lâu nay luôn giữ quan điểm đây là virus tự nhiên, không phải là vũ khí sinh học nên đây là một dạng thảm họa tự nhiên mà cả thế giới không may phải hứng chịu. (2) Trung Quốc cũng thiệt hại nặng nề như nhiều nước đang có dịch.

    Ngoài ra, WHO cũng nhiều lần khẳng định các biện pháp phong tỏa cách ly hoàn toàn các thành phố có ca nhiễm của Trung Quốc đã có hiệu quả trong cầm chân virus không vượt qua biên giới đại lục sớm hơn. Điều này cho phép những nước khác có thời gian chuẩn bị công tác phòng ngừa.

    Chủ tịch Tập Cận Bình (ảnh) và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ bất kỳ vụ kiện nào liên quan đến dịch COVID-19. Ảnh minh họa: REUTERS

    Do đó, nếu có phản hồi chính thức thì Bắc Kinh có thể cũng sẽ quy trách nhiệm cho tình hình hiện tại vào tâm lý chủ quan của nhiều nước châu Âu và Mỹ để dẫn đến vỡ trận vì quá tải hệ thống y tế.

    Một điểm đáng lưu ý khác là Bắc Kinh thời gian gần đây đang tích cực tiến hành các chiến dịch viện trợ nhân đạo nhân lực và vật chất cho các nước đang gặp khó khăn trong chống dịch như Ý. Hơn 50 quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đang là khách hàng đặt mua trang thiết bị y tế Trung Quốc.

    Vì vậy, Bắc Kinh đang có một lợi thế khá lớn và mặt truyền thông. Nhiều chuyên gia nhận định vị thế của Trung Quốc cao rõ rệt qua mùa dịch COVID-19.

    Sau cùng, Trung Quốc có tiền lệ không tuân thủ phán quyết của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, như phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực bác bỏ yêu sách đường chín đoạn vô lý của nước này khi bao trùm gần như toàn bộ biển Đông. Có thể khẳng định khi vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia và sức mạnh chính trị của Trung Quốc, nước này chắc chắn sẽ không nhượng bộ.

    (Pháp Luật Online)

    Không có nhận xét nào