Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Nguyên Trường - Thuật ngữ chính trị



    1. Absolutism - Quân chủ chuyên chế. Chế độ quân chủ tuyệt đối, là chính thể mà nhà vua nắm thực quyền. Chế độ này không có hiến pháp. Chế độ quân chủ chuyên chế đã có mặt từ thời cổ đại và phát triển mạnh tại các quốc gia phong kiến phương Đông. Chế độ này thịnh hành ở các nước châu Âu vào thế kỷ XIX.

    Phạm Nguyên Trường - Thuật ngữ chính trị


    Chế độ quân chủ chuyên chế cổ đại coi quân chủ tương đương với thần thánh, quân chủ là hình ảnh của thần thánh ở trần thế, lời của quân chủ là ý muốn của thần thánh vì quân chủ là người duy nhất có thể gặp và nói chuyện với thần thánh. Và dân chúng phải phục tùng quân chủ như phục tùng thần thánh. Ở Ai Cập cổ đại, Pharaoh được coi là hình ảnh của thần Bầu trời trên trần thế. Hình ảnh trên bia đá Bộ luật Hammurabi, vị vua này đang tiếp nhận ý muốn của thần Công lý Shamash,.... Sang thời phong kiến, đặc biệt ở các nước Á Đông, ví dụ Trung Quốc, Việt Nam, chế độ quân chủ chuyên chế mang tính chất thế tục hơn, nhưng nhà vua vẫn được coi là Thiên tử, thần dân phải tuyệt đối trung thành, đến mức: “Quân xử thần từ, thần bất tử bất trung". Một ví dụ điển hình về chế độ quân chủ chuyên chế châu Âu là nước Pháp dưới triều vua Louis XIV. Các vua Pháp trước thời Louis XIV đã xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở một mức độ nào đó, nhưng Louis XIV mở rộng hơn hẳn. Vào đầu thế kỷ XVIII, tất cả những người bảo hoàng và phê bình trên khắp nước Pháp và châu Âu đều coi uy quyền của ông là độc đoán. Chế độ quân chủ chuyên chế của ông cũng được các nước Nga, Phổ và Áo noi theo.

    2. Accountability
    – Trách nhiệm giải trình. Đòi hỏi người đại diện trả lời về cách sử dụng quyền lực và thực thi nhiệm vụ cũng như hành động trước những lời phê bình. Trong đạo đức và quản trị, trách nhiệm giải trình, có nguồn gốc Latin là accomptare (giải thích), là trách nhiệm giải thích việc thực thi nhiệm vụ, công vụ hay những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình khi được yêu cầu. Là một khía cạnh trong ngành quản trị, nó là trung tâm của các cuộc thảo luận liên quan đến các vấn đề trong khu vực công, các bối cảnh phi lợi nhuận và tư nhân (doanh nghiệp) và cá nhân. Trong vai trò lãnh đạo, trách nhiệm giải trình là sự ghi nhận và giả định về trách nhiệm đối với hành động, sản phẩm, quyết định và chính sách bao gồm cả việc quản lý, quản trị, và thực hiện trong phạm vi vai trò hay vị trí làm việc, bao gồm nghĩa vụ báo cáo, giải thích và chịu trách nhiệm về hậu quả.

    Trong quản trị, nó thường được mô tả như là một mối quan hệ giải trình giữa các cá nhân, ví dụ A có trách nhiệm giải trình đối với B khi A có nghĩa vụ thông báo cho B (trong quá khứ hay tương lai) về hành động và quyết định của A, để biện minh cho chúng, và phải chịu hình phạt trong trường hợp có hành vi sai trái.

    3. Activist
    – Nhà hoạt động. Nhà hoạt động là người có niềm tin mạnh mẽ rằng có thể thực hiện được những thay đổi trong lĩnh vực chính trị và xã hội và tìm cách thực hiện những thay đổi như thế. Các nhà hoạt động là những người tình nguyện, làm việc trong các đảng phái chính trị, các nhóm hoặc tổ chức dân sự.

    4. Additional member system – sẽ hoàn thiện khi soạn về tổ chức bầu cử.

    5. Administrative law
    - Luật hành chính. Luật hành chính là bộ phận luật pháp quản lí hoạt động của các cơ quan hành chính của chính quyền. Hoạt động của cơ quan chính phủ có thể bao gồm việc hoạch định chính sách, xét xử, hoặc thực hiện một chương trình nghị sự về quản lý cụ thể. Luật hành chính được coi là một nhánh của luật công. Là một bộ phận luật pháp, luật hành chính liên quan đến việc ra quyết định của các đơn vị hành chính của chính phủ (ví dụ tòa án, ban hoặc ủy ban) thuộc một chương trình quy định quốc gia trong các lĩnh vực như luật cảnh sát, thương mại quốc tế, sản xuất, môi trường, thuế, phát thanh, nhập cư và vận tải. Luật hành chính đã mở rộng rất nhiều trong thế kỷ XX, khi các cơ quan lập pháp khắp thế giới đã tạo ra nhiều cơ quan của chính phủ để điều chỉnh các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị trong tương tác của con người với nhau. Luật dân sự thường có các tòa án đặc biệt, các tòa hành chính, xem xét các quyết định này.

    6. Adversary politics – Chính sách kình địch. Đấy là khi xảy ra bất đồng sâu sắc giữa các chính đảng lớn. Trái ngược với chính sách đồng thuận. Chính sách kình địch xảy ra khi một đáng (thường không nằm trong chính phủ) có quan điểm trái ngược (chí ít là khác) với quan điểm của đang kia (thường là chính phủ) ngay cả khi về mặt cá nhân họ đồng ý với cách làm của chính phủ. Thuật ngữ này được S. E. Finer trình bày trong cuốn Adversary Politics and Electoral Reform (1975).

    7. Affirmative action
    – Chính sách nâng đỡ. Chính sách trong đó màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia của một cá nhân được một doanh nghiệp hoặc chính phủ đưa vào xem xét để tăng các cơ hội cho một bộ phận của xã hội. Chính sách nâng đỡ được thiết kế để tăng số lượng người từ các nhóm nhất định trong các doanh nghiệp, tổ chức và các lĩnh vực khác trong xã hội mà họ có lịch sử đại diện thấp. Nó thường được coi là một phương tiện chống lại sự phân biệt đối xử đã ăn sâu vào thâm căn cố đế chống lại một nhóm cụ thể trong xã hội.

    Ở Việt Nam chính sách nâng đỡ được thực hiện trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giáo dục dành cho đồng bào thiểu số hoặc vùng sâu, vùng xa.

    Ở Mỹ, chính sách nâng đỡ đã xuất hiện vào những năm 1960 như một cách để thúc đẩy cơ hội bình đẳng giữa các nhóm khác nhau trong xã hội. Nó được phát triển như một cách để thực thi Đạo luật Dân quyền năm 1964, nhằm tìm cách loại bỏ sự phân biệt chủng tộc tại thời điểm đó. Ngày nay, chính sách nâng đỡ có cả những người ủng hộ mạnh mẽ và các nhà phê bình bảo thủ.

    8. Agenda-setting theory
    - Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự. Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự do Max McCombs và Donald Shaw đưa ra trong công trình nghiên cứu về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1968. Thiết lập chương trình nghị sự là một lý thuyết khoa học xã hội; nó cũng cố gắng đưa ra dự đoán. Lý thuyết cũng cho thấy rằng phương tiện truyền thông có ảnh hưởng lớn dân chúng, bằng cách thường xuyên nói với họ rằng nên nghĩ về cái gì. Tức là, nếu một tin tức nào đó được nói đi nói lại và nhấn mạnh thì dân chúng sẽ coi vấn đề này là quan trọng hơn.

    Thiết lập chương trình nghị sự là tạo ra nhận thức xã hội và những mối quan tâm về các vấn đề nổi bật bởi các phương tiện truyền thông. Đồng thời, Lý thuyết thiết lập chương trình nghị sự mô tả những biện pháp mà truyền thông đại chúng tìm cách gây ảnh hưởng đến khan thính giả và lập ra hệ thống phân cấp về mức độ phổ biến tin tức. Hai định đề cơ bản làm nền tảng cho hầu hết các nghiên cứu về thiết lập chương trình nghị sự:

    - báo chí và truyền thông không phản ánh đúng thực tế; họ chọn lọc và định hình thực tế;
    - tập trung truyền thông vào một số vấn đề và chủ đề khiến công chúng cho rằng những vấn đề đó quan trọng hơn các vấn đề khác.

    Tóm lại, đây là khoa học hoặc nghệ thuật kiểm soát chương trình nghị sự nhằm làm gia tăng đến mức tối đa khả năng mang lại kết quả mà mình mong muốn.


    9. Aggregation – Hợp thể hóa. Các chính đảng đưa các đòi hỏi chính trị thành những đường lối hành động khác nhau để lựa chọn. Đây là một phần trong cách tiếp cận theo lối chức năng trong nghiên cứu chính trị.
    +10. Agrarian parties - Các đảng nông dân. Các đảng phái đại diện cho nông dân từng là những đảng phái mạnh trong nhiều hệ thống chính trị phương Tây, nhưng vai trò của họ hiện nay đã giảm. Cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tỉ lệ dân cư nông nghiệp trong cử tri giảm mạnh, các đảng nông dân cảm thấy khó mà giữ được cơ sở cử tri, một số đảng tự giải tán hoặc trở thành các đảng đại diện cho thành phần cử tri rộng rãi hơn. Quyền lợi của nông dân được đại diện bởi các tổ chức nông dân toàn quốc có liên hệ chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp, ví dụ như ở Vương quốc Anh và Đức. Các đảng nông dân có vai trò quan trong ở các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, và Thụy Điển) và ở những nước dân chủ mới ở Đông và Trung Âu (Hungary và Ba Lan).

    11. Aid –
    Viện trợ. Trong quan hệ quốc tế, viện trợ (còn được gọi là viện trợ quốc tế là chuyển giao tài nguyên một cách tự nguyện từ nước quốc gia này sang quốc gia khác.

    Viện trợ có thể được sử dụng cho một hoặc một số mục đích: Có thể là tín hiệu của sự chấp thuận về ngoại giao, hoặc nhằm củng cố liên minh quân sự, tưởng thưởng cho chính phủ vì hành vi mà nhà tài trợ mong muốn, mở rộng ảnh hưởng văn hóa của nhà tài trợ, cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho nhà tài trợ nhằm khai thác tài nguyên trong quốc gia nhận viện trợ, hoặc để có được hưởng những tiếp cận thương mại khác. Các quốc gia có thể cung cấp viện trợ vì mục đích ngoại giao và nhân đạo.

    Cá nhân, tổ chức tư nhân hoặc chính phủ đều có thể cấp viện. Biện pháp viện trợ được sử dụng rộng rãi nhất là “Viện trợ phát triển chính thức (ODA).

    Viện trợ có thể trên cơ sở song phương: nước đã phát triển cung cấp viện trợ cho nước đang phát triển hoặc thông qua tổ chức đa phương như Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc hay các khoản mà Ngân hàng thế giới (WB) cho các nước đang phát triển vay..v.v.

    12. Alienation – Chuyển nhượng/Tha hóa. Nghĩa gốc của nó là về quan hệ với sở hữu. Một người có thể alienate (chuyển nhượng) tài sản cho một người khác hay chuyển nhượng cho tổ chức. Trong thế kỉ XVII người ta chuyển trọng tâm của thuật ngữ này từ tài sản vật chất sang phi vật chất, ví dụ các quyền. Các nhà tư tưởng như Grotius và Locke cho rằng chuyển nhượng một số quyền hoặc quyền lực là điều kiện tiên quyết để có xã hội chính trị. Theo nghĩa này, chuyển nhượng là nền tảng của lý thuyết khế ước xã hội.

    Trong thế kỉ XVIII, một số nhà tư tưởng, trong đó có Paine lại khẳng định rằng một số quyền là không thể chuyển nhượng (inalienable) và việc mất những quyền này – từ bỏ hoặc để cho người ta tước đoạt trái với ý chí của mình – là đánh mất một phần quan trọng nhất của nhân tính. Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ tuyên bố quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền không thể chuyển nhượng.

    Quan điểm của Hegel và Marx về alienation (ở đây có nghĩa là tha hóa) có ý nghĩa quan trọng nhất đối với lý thuyết chính trị. Hegel tin rằng mục đích của lịch sử là xóa bỏ dần khoảng cách giữa ý thức của một người cụ thể và ý thức phổ quát, cho đến khi cả hai hòa nhập làm một. Theo Hegel, khoảng cách này là thành phần trung tâm của và tất yếu của tha hóa. Vì vậy, lịch sử là câu chuyện bước tiến của nhân loại nhằm xóa bỏ sự tha hóa đó. Đối với Hegel, tha hóa là khái niệm xuyên suốt lịch sử.

    Marx chấp nhận quan niệm vừa nói của Hegel, nhưng không chấp nhận việc Hegel nhấn mạnh vào ý thức vì hai lý do chính. Thứ nhất, nó ngụ ý rằng tha hóa bắt nguồn trong từng cá nhân, trong khi Marx cho rằng tha hóa bắt nguồn từ điều kiện sống – “tổng hòa các quan hệ xã hội” – mà cá nhân bị mắc vào. Thứ hai, quan điểm của Hegel làm cho cá nhân phải chịu trách nhiệm giải thoát mình khỏi tha hóa, vì chỉ cần ý chí cá nhân là đủ. Marx cho rằng muốn không còn tha hóa thì phải thay đổi điều kiện sản xuất vật chất, từng cá nhân không thể làm được thay đổi như thế. Marx cho rằng chỉ có hoạt động của một giai cấp đặc biệt thì mới khắc phục được tha hóa. Chỉ có phương thức sản xuất tạo điều kiện cho người ta làm việc một cách tự do và sang tạo thì nhân cách của người sản xuất mới được thể hiện trong sản phẩm mà người đó làm ra. Đấy cũng là hình thức tha hóa, nhưng là tha hóa tích cực. Nó chỉ có thể tồn tại ở nơi và khi con người được tự do sáng tạo. Khi sản xuất chưa được tự do và sáng tạo thì không thể tránh được những thành tố tiêu cực của tha hóa. Ví dụ, trong chủ nghĩa tư bản, công việc trong nhà máy (do quá trình phân chia lao động) đã biến lao động từ hoạt động xã hội thành hoạt động cá nhân, làm cho công nhân trở thành xa lạ/tha hóa với nhau. Công việc trong nhà máy lặp đi lặp lại, không cần sang tạo, làm mất tính người. Người công nhân bị tha hóa khỏi tiềm năng của mình. Theo Marx, thay thế chủ nghĩa tư bản là điều kiện tiên quyết để vượt qua những thành tố tiêu cực của tha hóa.

    Nhiều người cầm bút sau Marx tiếp tục viết về tha hóa, đáng chú ý là trong triết học hiện sinh (Satre), trong tâm lý xã hội (Erich Fromm).

    13. Alternative vote – sẽ hoàn thiện khi soạn về tổ chức bầu cử.


    14. Altruism –
    Vị tha. Vị tha hay Chủ nghĩa Vị tha là nguyên lý hay hành động quan tâm tới lợi ích của người khác. Đây là một đức hạnh truyền thống ở nhiều nền văn hóa và là một khía cạnh nền tảng của rất nhiều truyền thống tôn giáo, mặc dù khái niệm "người khác" ở đây có thể khác nhau giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Chủ nghĩa vị tha là ngược lại tính ích kỷ.

    Vị tha khác với nghĩa vụ và lòng trung thành. Vị tha là động cơ cung cấp một thứ gì đó có giá trị cho người khác chứ không phải cho mình, trong khi đó nghĩa vụ tập trung vào bổn phận tinh thần đối với một cá nhân cụ thể nào đó (ví dụ một ông vua) hay với một tập thể (ví dụ, chính phủ). Chủ nghĩa vị tha thuần túy là sự hy sinh một điều gì cho người khác (ví dụ hy sinh thời gian, tiền bạc, của cải) mà không kỳ vọng sẽ được nhận bồi thường hay lợi ích, dù là trực tiếp, hay gián tiếp (ví dụ được ghi nhận cho hành vi ban ơn).

    Khái niệm này có một lịch sử lâu dài trong tư tưởng triết học và đạo đức. Thuật ngữ này được sáng tạo vào thế kỷ XIX bởi nhà xã hội học và nhà triết học khoa học Auguste Comte, và đã trở thành một chủ đề chính cho các nhà tâm lý học (đặc biệt là các nhà nghiên cứu tâm lý học tiến hóa), các nhà sinh học tiến hóa và các nhà đạo đức học. Trong khi ý tưởng về lòng vị tha từ một lĩnh vực có thể ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các phương pháp khác nhau và tập trung của các lĩnh vực này luôn dẫn đến các quan điểm khác nhau về lòng vị tha. Nói một cách đơn giản, lòng vị tha là quan tâm đến phúc lợi của người khác và hành động để giúp đỡ họ.

    Hiện vẫn có nhiều tranh cãi liên quan tới việc liệu chủ nghĩa vị tha thực sự có tồn tại hay không. Thuyết vị kỷ tâm lý cho rằng không có hành động chia sẻ, giúp đỡ hay hy sinh nào có thể được coi là vị tha hoàn toàn, bởi người thực hiện sẽ nhận được phần thưởng về bản chất chính là sự hài lòng cá nhân. Ngưởi ta cũng phân biệt lòng vị tha có đi có lại và vị tha phổ quát. Người vị tha có đi có lại hành động vì có lợi cho những người mà họ hàm ơn hoặc kì vọng là những người kia sẽ đền đáp lại mình. Lòng vị tha phổ quát là một trong những khái niệm đạo đức chính của đạo Phật và Ki tô giáo, vị tha vô điểu kiện.


    Nguồn : http://phamnguyentruong.blogspot.com/

    Không có nhận xét nào