Header Ads

  • Breaking News

    Bốn kịch bản TQ có thể thực hiện 'nếu bị Việt Nam kiện ra tòa quốc tế'

    Tin chính phủ Việt Nam đang xem xét khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế dường như đang khiến Trung Quốc bận lòng, ít nhất trong giới học thuật nước này.
    Bốn kịch bản TQ có thể thực hiện 'nếu bị Việt Nam kiện ra tòa quốc tế'
    Có học giả Trung Quốc gần đây đặt câu hỏi liệu Việt Nam đã' nghĩ kỹ' chưa nếu biết đến các khả năng mà Trung Quốc có thể làm nếu điều này xảy ra.

    Trong bài "Liệu Việt Nam có nghĩ lại trước khi kiện TQ về vấn đề Biển Đông" trên SCSPI mới đây, ông Wu Shicun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về Biển Đông (NISCSS) cho rằng Việt Nam đang muốn học theo vụ kiện của Philippines năm 2013. Và rằng, Việt Nam đã chuẩn bị 'công phu và toàn diện' để kiện Trung Quốc nhiều năm nay, sẽ kiện ngay khi mọi thứ đã sẵn sàng.

    "Nhưng Việt Nam có đánh giá đầy đủ các hậu quả của động thái liều lĩnh này không? Bởi nó có thể khiến Trung Quốc tức giận, đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và khiến cộng đồng quốc tế hiểu lầm," ông Wu Shicun viết.

    Ông Wu Shicun nhấn mạnh rằng Trung Quốc "không sợ bị Việt Nam kiện về vấn đề Biển Đông".

    Để củng cố lập trường này, ông Wu Shicun chỉ ra rằng gần đây, Việt Nam "liên tục có những hành động liều lĩnh, đơn phương trong vùng biển tranh chấp", như "triển khai xây dựng quy mô lớn trên các đảo và các rạn san hô" mà Việt Nam "chiếm đóng bất hợp pháp", "dung túng và thậm chí khuyến khích ngư dân đánh bắt cá" trong vùng biển "của Trung Quốc", "bôi nhọ Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế". Và rằng những hành động này làm "cản trở các cuộc đàm phán COC" và "xói mòn sâu sắc niềm tin chính trị giữa hai nước".

    Ông cho rằng Trung Quốc đã "kiềm chế", nhưng "sự kiên nhẫn này có thể chấm dứt sớm".

    "Nếu Việt Nam không thừa nhận điều này, họ có thể sẽ phải trả giá cho quyết định thiếu khôn ngoan của mình. Nếu Việt Nam liều lĩnh đến mức kiện để đòi phân xử, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không án binh bất động," ông này viết.

    Từ đó, ông Wu Shicun nêu ra bốn kịch bản chính mà Trung Quốc có thể thực hiện một khi bị Việt Nam kiện ra tòa quốc tế.

    TQ 'có thể công bố các đường cơ sở của quần đảo Nam Sa'


    Theo bài báo, năm 1996, Trung Quốc đã công khai 28 điểm cơ sở và các đường cơ sở được kết nối bởi các điểm này của Quần đảo Xisha (Hoàng Sa theo cách gọi của Việt Nam) theo Luật năm 1992 về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của Trung Quốc.

    Trong những năm gần đây, Trung Quốc "luôn tự kiềm chế trong việc công bố các đường cơ sở của lãnh hải thuộc quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để bảo đảm mối quan hệ tốt với các nước ASEAN, duy trì sự ổn định ở Biển Đông và khuyến khích một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC."

    Do đó, nếu Việt Nam "tiếp tục khiêu khích, bao gồm kiện lên tòa quốc tế và đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh thổ và an ninh của quần đảo Nam Sa, Trung Quốc sẽ buộc phải công khai các đường cơ sở của lãnh hải thuộc quần đảo Nam Sa."

    'TQ sẽ không nương tay trước việc đánh bắt cá bất hợp pháp của VN'

    TQ có thể sẽ mạnh tay hơn đối với các tàu cá Việt Nam mà nước này cho là 'đánh bắt trái phép' tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, vẫn theo ông giám đốc NISCSS.

    "Trong những năm gần đây, tàu đánh cá của Việt Nam đã xâm nhập vào vùng biển nội địa và lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc. Họ nhắm mắt làm ngơ trước luật pháp và việc thực thi luật pháp của Trung Quốc, và thậm chí có những động thái nguy hiểm chống lại chính quyền Trung Quốc."

    "Thay vì giáo dục và kiểm soát các tàu đánh cá và ngư dân của mình, chính phủ Việt Nam đã đổ lỗi, bêu xấu Trung Quốc và thậm chí đưa ra những yêu cầu bồi thường vô lý."

    "Đối mặt với những hành động khiêu khích nghiêm trọng như vậy trên biển, Trung Quốc nên có những hành động quyết đoán và hiệu quả để răn đe."

    "Trung Quốc không thể chịu trách nhiệm cho tất cả các hoạt động phi pháp và trấn áp hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp của Việt Nam," học giả Trung Quốc viết.

    'TQ có thể ngăn chặn quá trình quân sự hóa của Việt Nam'


    Kịch bản thứ ba mà chuyên gia về Biển Đông của Trung Quốc đưa ra là Bắc Kinh có thể kiềm chế và ngăn chặn quá trình quân sự hóa Việt Nam trên các đảo và các rạn san hô mà Bắc Kinh cho rằng Việt Nam "đã chiếm đóng bất hợp pháp".

    "Quần đảo và các rạn san hô bị Việt Nam chiếm đóng bất hợp pháp như Song Tử Tây và đảo Trường Sa mang giá trị chiến lược, gây ra mối đe dọa cho đảo Ba Bình, Xích Qua Tiêu (Gạc Ma theo cách gọi của Việt Nam), Đông Môn Tiêu (Đá Tư Nghĩa theo cách gọi của Việt Nam) và Nam Huân Tiêu (Đá Ga Ven) và các đảo và rạn san hô khác do Trung Quốc kiểm soát."

    "Một khi tình hình xấu đi sau khi Việt Nam tiến hành kiện lên tòa trọng tài quốc tế, ngoài việc tiếp tục nhắc lại các quyền và yêu sách của mình trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ có những biện pháp đối phó như thường xuyên đưa tàu đến vùng biển lân cận các đảo và rạn san hô liên quan, đánh chặn và xua đuổi tàu Việt Nam vào vùng biển mà không được chấp thuận."

    "Việc này sẽ cắt đứt nguồn cung cấp hậu cần cho quân đội Việt Nam đồn trú trên các đảo và rạn san hô, cũng như kiềm chế và ngăn chặn quá trình quân sự hóa trên các đảo và các rạn san hô mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp. Các biện pháp quản lý và kiểm soát sẽ được thực hiện nếu cần thiết."

    'TQ có thể khởi xướng việc thăm dò dầu khí trong lô Wan'an Bei'

    "Crestone Energy Corp, một công ty của Hoa Kỳ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã ký hợp đồng vào ngày 8/5/1992 để khai thác dầu ở lô Wan'an Bei-21 (lô dầu 136-03 theo cách gọi của Việt Nam) tại Bãi Tư Chính ở vùng nước liền kề quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), trong sự phản đối mạnh mẽ và sự quấy rối của nhà cầm quyền Việt Nam," ông Wu Shicun cho hay về kịch bản thứ tư.

    "Để ngăn chặn tình hình xấu đi và xung đột leo thang, cuối cùng phía Trung Quốc đã tạm hoãn hợp đồng này."
    "Tuy nhiên, để bảo đảm quyền kiểm soát vĩnh viễn đối với Bãi Tư Chính và độc quyền về tài nguyên dầu khí ở đó, Việt Nam đã tiếp tục hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài và tiến hành thăm dò đơn phương tại Bãi Tư Chính. Vào tháng 5/2019, Việt Nam đã tiến hành thăm dò dầu đơn phương tại vùng biển thuộc Bãi Tư Chính, dẫn đến đối đầu với Trung Quốc."

    "Trong những năm qua, việc khai thác dầu trái phép ở Biển Đông đã trở thành trụ cột kinh tế chiínhcủa Việt Nam, chiếm 30% GDP. Nếu Việt Nam nộp đơn kiện lên tòa trọng tài, Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội này và trực tiếp vào Bãi Tư Chính mà không có bất kỳ "trách nhiệm pháp lý" nào trong việc khởi động thăm dò dầu khí trong lô Wan'an Bei."

    "Đây sẽ là một bước đột phá cho Trung Quốc, thăm dò dầu khí đầu tiên tại khu vực Nam Sa," bài báo kết luận.

    Việt Nam 'chuẩn bị' kiện Trung Quốc thế nào?


    Vấn đề kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan đến cách tranh chấp trên Biển Đông được các đại biểu quốc hội Việt Nam đưa ra nghị trường hồi cuối năm 2019.

    Trong phiên họp Quốc hội sáng 31/10/2019, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế liên quan tới việc nước này xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền khác.

    Phát biểu của ông Dương Trung Quốc trước Quốc hội sáng cùng ngày được cho là 'thẳng thắn' khi ông đặt câu hỏi "sao báo cáo trước Quốc hội lại né tránh gọi tên Trung Quốc?"

    Sau đó, vào ngày 06/11/2019, tại một hội nghị ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói Việt Nam sẽ ưu tiên chọn đàm phán, nhưng nếu đàm phán không mang lại kết quả, thì Việt Nam bắt buộc phải cân nhắc "những sự lựa chọn khác".

    Ông Trung nói: "Chúng tôi hiểu rằng các biện pháp đó gồm tìm hiểu các tài liệu chứng minh, nhờ hòa giải, hàn gắn, thương thuyết, trọng tài và cả kiện tụng", theo tường thuật của Reuters.

    Vào tháng 1/2020, Bộ Quốc phòng Việt Nam trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng về vấn đề Trung Quốc trên Biển Đông, đã nêu rõ "cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp".

    Quan điểm kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cũng được nhiều chuyên gia về Biển Đông của Việt Nam ủng hộ. Trao đổi BBC Tiếng Việt hồi cuối năm 2019, ông Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu luật Quốc tế, nói Việt Nam đã khá chậm trong việc phản ứng lại hành động của Trung Quốc trong vụ Bãi Tư Chính.

    Ông Hoàng Việt cho rằng nếu không ngay lập tức có các giải pháp tức thì để tranh thủ ủng hộ của thế giới, trong đó có việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, thì hậu quả có thể khó lường.

    https://www.bbc.com/

    Không có nhận xét nào