Header Ads

  • Breaking News

    Dự án Cần Giờ: Đừng để có lỗi với nhân dân

    Báo cáo đánh giá tác động môi trường (gọi tắt là ĐTM) thường được coi là cơ sở để hợp thức hóa một dự án.
    Dự án Cần Giờ: Đừng để có lỗi với nhân dân
    Dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.870ha đã được Bộ Tài Nguyên Môi Trường thông qua 12/6/2020. Nhìn lại nội dung thẩm định này, ta có thể thấy nhiều điều chưa được làm rõ.

    Để bạn đọc không nhầm lẫn, hình ảnh dưới đây mô tả vị trí của dự án. Dự án không nằm trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Đây cũng là lý do cơ bản nhiều ngày qua các Facebooker và người nổi tiếng nhấn mạnh rằng vị trí này của dự án không ảnh hưởng gì đến môi trường cả, chẳng có gì phải hi sinh ở đây cả.

    Có ảnh hưởng đến Khu Dự Trữ Sinh Quyển Rừng Ngập Mặn Cần Giờ hay không?

    Tuy nhiên, thông tin tôi có được lại cho thấy câu chuyện phức tạp hơn nhiều so với quan niệm đơn giản là "nằm xa không ảnh hưởng" mà những người ủng hộ chọn lựa đưa ra tranh luận.

    Vào năm 2018, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ gửi cho Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ (thuộc Vingroup) một văn bản có nội dung như sau:

    "Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường nguồn nước của hệ thống sông rạch kết nối với Biển Đông. Tuy khu vực thực hiện dự án không nằm trong ranh giới Rừng phòng hộ Cần Giờ, nhưng việc ô nhiễm môi trường (đặc biệt là nguồn nước), từ một số loại chất thải (chất thải rắn, dầu mỡ, tăng độ đục của nước sông…) phát sinh trong quá trình thực hiện dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của hệ động vật - thực vật rừng ngập mặn vốn có tính nhạy cảm rất cao với các tác nhân thay đổi môi trường".

    Văn bản này được gửi đến Vingroup vào tháng 6/2018, trước khi ĐTM được phê duyệt một thời gian dài.

    Ý kiến trên đây từ Ban quản lý rừng phòng hộ có hai ý rõ rệt:


    1. Rừng ngập mặn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước của hệ thống sông rạch kết nối với Biển Đông.

    Trong nội dung ĐTM của dự án mà chúng tôi có được chỉ viết một câu: "khu vực quy hoạch không làm giảm diện tích rừng ngập mặn và không tác động trực tiếp đến Khu dự trữ sinh quyển"

    Có thể chủ đầu tư dự án cho rằng chỉ cần không đụng vào đất rừng ngập mặn thì không ảnh hưởng gì. Trong khi đó, khoảng cách từ nơi dự án khổng lồ san nền lấp biển đó tới lõi rừng chỉ 18km.

    Phản hồi trên của BQL rừng ngập mặn cần giờ còn cho thấy một nguy cơ khác: nếu nguồn nước thay đổi, bị ô nhiễm hoặc biến động, hệ sinh thái này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì độ nhạy cảm cao.

    Trong khi đó, trong ĐTM dự án ước tính họ sẽ san lấp mặt bằng với hơn 137 triệu m3 cát lấy từ nơi khác, và nạo vét 11 triệu m3 đất của bãi triều Cần Giờ để làm biển hồ nhân tạo.

    Bản ĐTM cũng cho thấy dự án này cần đến năm trạm xử lý nước thải sinh hoạt tương đương công suất 66.000m3/ngày đêm, và hai trạm xử lý nước thải y tế công suất 1.000m3/ngày đêm.

    Lượng nước thải này khi đẩy ra môi trường sẽ tác động ra sao lên nguồn nước thường xuyên ra vào hệ thống kênh rạch trong rừng ngập mặn? - Bản ĐTM không hề nói tới.

    2. Ô nhiễm môi trường như chất thải rắn, dầu mỡ, tăng độ đục của nước sông… phát sinh trong quá trình thực hiện dự án có khả năng gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của hệ động vật - thực vật rừng ngập mặn vốn có tính nhạy cảm rất cao

    Ý này cũng bị hội đồng thẩm định ĐTM thắc mắc nhiều lần trong phiên họp thẩm định ĐTM sau đó.

    PGS.TS Lương Văn Thanh viết trong bản thẩm định ghi ngày 12/10/2018: "Thi công kè biển sẽ là hạng mục gây ô nhiễm nguồn nước và thủy sản hơn nhiều so với san lấp cát, tuy nhiên chưa thấy [dự án] đề cập đến khả năng gây ô nhiễm do thi công các bờ kè bao quanh."

    Ông Thanh cũng thắc mắc tuyến đê kè bao dự án phía biển "chiếm tới 3/4 chiều dài bờ biển huyện Cần Giờ thì sẽ tác động thế nào tới sự phát triển rừng ngập mặn của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ? Ảnh hưởng tới mức nào? (Chưa thấy dự báo tác động này trong ĐTM)".

    Chỉ riêng nội dung Chương 3 của báo cáo ĐTM đưa ra, các nhà nghiên cứu đã liên tục đặt câu hỏi về tác động đến đa dạng sinh học, chưa rõ về hiện trạng tài nguyên sinh vật, cũng như không rõ môi trường sẽ chịu ảnh hưởng ra sao khi tính đến lượng cát khổng lồ san lấp đổ vào và làm kè biển.

    Trong giải trình mà công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ gửi cho UBND TPHCM viết họ kỳ vọng sẽ đón 9-10 triệu lượt khách tham quan/năm khi thực hiện dự án ở quy mô 2.870 ha.

    Số lượng du khách khổng lồ này và những vấn đề về rác thải, tiếng ồn, ô nhiễm nước… đã không được đề cập gì đến trong đánh giá tác động môi trường.

    Đánh giá ảnh hưởng rừng trong... hai trang giấy


    Trong biên bản phiên họp đánh giá về bản ĐTM này, hầu hết các nhà khoa học và giới chuyên gia đều đặt câu hỏi về hiện trạng và tác động tương lai đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Không có câu hỏi nào được trả lời. Phần đánh giá này trong ĐTM dài… 2 trang giấy. (Trang 199-201 - ĐTM)

    Trong nội dung hai trang giấy, ĐTM chủ yếu nêu hiện trạng đất đai, thừa nhận khi san lấp sẽ làm tăng độ đục tại khu vực rộng lớn và vùng ảnh hưởng sẽ lớn hơn 2.718 ha. ĐTM cho rằng kè chắn sóng, đê biển, đê chắn sóng "không tác động nhiều đến môi trường sống các loài" (trong khi các ý kiến của giới chuyên gia hoàn toàn ngược lại).

    ĐTM thừa nhận "dự án sẽ thu hẹp khu vực kiếm ăn của các loài chim" tại khu vực dự án, và lý giải chim sẽ… chuyển sang khu vực lân cận đi ăn nên kết luận là "không gây tác động lớn đa dạng về chim trong khu vực".

    Trong hai trang giấy này, nhiều lần cụm từ "tác động không lớn", "không tác động" được lặp lại chỉ trong nội dung từ hai đến ba dòng, không có giải thích, bằng chứng hay lý luận khoa học gì thêm, cho thấy những người thực hiện ĐTM này đã không có tìm hiểu kỹ lưỡng đến những tác động nghiêm trọng đến rừng ngập mặn mà các nhà khoa học nêu ra.

    Đến ngày 28/1/2019, khi Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường ký phê duyệt văn bản ĐTM này (2), nội dung về rừng ngập mặn Cần Giờ vẫn còn bị bỏ ngỏ tại điều kiện 3.1 là "tiếp tục nghiên cứu các giai đoạn tiếp theo tác động của việc thực hiện Dự án đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ" - chứng tỏ nội dung này đã không được bổ sung làm rõ - dù dự án được duyệt.

    Tại sao Bộ Tài Nguyên Môi Trường có thể phê duyệt một dự án trong khi nó vẫn chưa trả lời được các câu hỏi mà chuyên gia và các nhà nghiên cứu chất vấn? Đặc biệt phần đánh giá về rừng ngập mặn Cần Giờ này chính là cốt lõi của những tranh cãi vừa qua giữa các bên chống và ủng hộ dự án này.

    Đến thời điểm thực hiện bài viết này, tôi được biết Vingroup vẫn chưa bổ sung thêm phần nội dung cho điều kiện 3.1 trên, và cũng không công bố thêm thông tin gì về phần này, nhưng dự án Đô thị Du Lịch Cần giờ đã được bật đèn xanh.

    Cát lấy từ đâu ra?

    Lượng cát khổng lồ 137,616 triệu m3, theo công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ cần để đắp nền được báo cáo lấy từ các mỏ như sau:

    10 mỏ đã khảo sát và giao cho Công ty Cần Giờ: 30,21 triệu m3

    Cát và nền tận dụng từ phần đào biển hồ với chiều sâu đào -4m: 30 triệu m3.

    Nguồn nạo vét sông Soài Rạp và Lòng Tàu: 20 triệu m3.

    Vùng khảo sát mới tại Cần Giờ - TPHCM: 63,65 triệu m3.

    Bản giải trình này cũng liệu kê các mỏ cát tại Đồng Bằng Sông Cửu Long như các lựa chọn bổ sung/thay thế nếu các mỏ bên trên không được cấp phép: Mỏ cát Bình Đại (Sông Cửa Đại, Bến Tre) - 4 triệu m3; Mỏ cát Sông Tiền, Đồng Tháp (140 triệu m3), Mỏ cát trên Sông Tiền, Đồng Tháp do Công ty TNHH MTV xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp khai thác, hơn 4,9 triệu m3; mỏ cát Sông Hậu, Sóc Trăng 1,6 triệu m3. Tổng khối lượng cát kỳ vọng từ các mỏ này là 150,5 triệu m3.

    Đây là điểm làm nổi bật quan ngại của các nhà khoa học ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với tình trạng sạt lở nghiêm trọng và khai thác cát ồ ạt đang diễn ra trong khu vực này.

    Nhiều năm qua, khai thác cát ở đồng bằng sông cửu long đã gây sạt lở, sụt lún nghiêm trọng hai bên bờ, làm thay đổi dòng chảy. Theo một nghiên cứu từ Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tổng khối lượng khai thác cát dọc sông Tiền và sông Hậu vào khoảng 28 triệu m3/năm, trong khi đó lượng bùn cát đổ về hạ lưu mỗi năm một giảm vì các hồ chứa và thủy điện ở thượng nguồn tiếp tục tăng lên. Nhiều tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã cấm khai thác cát và Việt Nam đã cấm bán cát sang nước ngoài để bảo vệ khu vực Đồng Bằng. (4)

    Một dự án như khu Đô thị Du lịch Cần Giờ, với kỳ vọng khai thác đến hơn 137 triệu m3 cát có thể gây ảnh hưởng trầm trọng và lâu dài về môi trường đến các mỏ cát/nguồn cát mà công trình này nhắm tới.

    Và hầu hết chúng đều nằm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

    Không rõ "tiềm lực ngủ yên", "rừng vàng biển bạc" hay mong mỏi giàu có của bà con Cần Giờ sẽ được hiện thực hóa ra sao bằng một dự án lấn biển, nhưng Cần Giờ - trước hết là khu rừng làm lá phổi xanh và quả thận của cả TPHCM - làm sạch không khí và nước thải từ toàn bộ các thành phố công nghiệp ở khu vực Đồng Nai - Sài Gòn trước khi đổ ra Biển Đông.

    Khu rừng này sẽ ra sao nếu một dự án khổng lồ mọc lên với kè nhân tạo, kè chắn sóng, biển nhân tạo?

    'Chúng tôi đã hết sức thận trọng'

    Mới nhất, tại một cuộc họp báo ngày 20/7, lần đầu tiên Vụ Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (Bộ TN-MT) đã trả lời các câu hỏi về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

    Theo báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Hải. Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường, nói:

    "Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt ĐTM. Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, ĐTM của dự án đã được thông qua bởi hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật".

    "Với biện pháp thi công xây dựng tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất, kết quả đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua các mô hình toán cho thấy dự án lấn biển Cần Giờ tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ".

    Ông Hải cũng nói:

    "Việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án lấn biển Cần Giờ được thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 điều 25 Luật bảo vệ môi trường. Quá trình xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

    Mọi hoạt động phải dựa trên sự phát triển bền vững sinh thái, đảm bảo mục tiêu bảo tồn nguyên vẹn rừng ngập mặn Cần Giờ và có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường. Đồng thời hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát nước...

    Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được thông qua."

    Cũng trong ngày 20/7 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập dự án Cần Giờ tại buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP.HCM.

    Theo tờ Tuổi Trẻ "Đề cập đến dự án lấn biển Cần Giờ và một số công trình trọng điểm khác, Thủ tướng cho biết cơ bản đồng ý với kiến nghị của TP.HCM và nêu rõ tinh thần trung ương ủng hộ TP.HCM phát triển xứng tầm."

    Dường như cấp lãnh đạo cao nhất đã chấp thuận cho dự án tiến hành.

    Chỉ mong rằng, như lời ông Nguyễn Xuân Hải, chính phủ "sẽ kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết" để không có lỗi với nhân dân.

    https://www.bbc.com/

    Không có nhận xét nào