Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 15 tháng 7 năm 2020


    60 nghị sĩ Canada kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc

    Một lá thư chung được ký kết bởi 62 thành viên Nghị viện, bốn thượng nghị sĩ, cựu Chủ tịch Hạ viện và hơn 20 nhóm cộng đồng của Canada đang kêu gọi nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt Magnitsky đối với các quan chức Bắc Kinh và Hồng Kông đối với các tội danh vi phạm nhân quyền.


    Được khởi xướng bởi Liên minh Canada Hồng Kông (ACHK), bức thư yêu cầu Thủ tướng Justin Trudeau, phó Thủ tướng Chrystia Freeland và Ngoại trưởng François-Philippe Champagne xử phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông “chịu trách nhiệm trực tiếp cho các tội ác nhân quyền xảy ra ở Tây Tạng, khu vực Đông Turkestan (Tân Cương) bị chiếm đóng, và Hồng Kông”.

    “Canada cần có lập trường mạnh mẽ chống lại sự vi phạm nhân quyền trắng trợn và tổ chức một nỗ lực đa phương giữa các quốc gia chia sẻ các giá trị chung để đòi lại vị thế lãnh đạo của chúng ta trên trường quốc tế”, bức thư viết.

    Tàu chiến Mỹ áp sát Trường Sa


    Tàu khu trục Mỹ USS Ralph Johnson (ảnh: Petty Officer 3rd Class Anthony Collier/DVIDS).

    Tàu khu trục Mỹ USS Ralph Johnson hôm 14/7 xuất hiện gần quần đảo Trường Sa, một ngày sau khi chính quyền Mỹ ra thông cáo bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

    DVIDS, trang chuyên cung cấp hình ảnh của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 14/7 đã đăng tải bức ảnh cho thấy tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson (DDG 114) xuất hiện gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

    “Ralph Johnson được triển khai để thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải và các nỗ lực hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, DVIDS cho biết.

    Trung Quốc tuyên bố trả đũa Mỹ về Hồng Kông


    Bắc Kinh hôm nay tuyên bố sẽ áp các biện pháp trừng phạt các cá nhân và thực thể Mỹ để trả đũa sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành một đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì sự can thiệp của chính quyền nước này đối với nền tự trị của Hồng Kông.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ động thái mới nhất của Mỹ và kêu gọi Washington ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước đưa tin.

    Luật trừng phạt Trung Quốc được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông vào đêm 30/6, một động thái chính thức kết liễu chính sách “một quốc gia, hai chế độ” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hứa hẹn đảm bảo cho Hồng Kông, khi tiếp quản thành phố này từ Anh Quốc vào ngày 1/7/1997.

    New York Times sẽ chuyển 1/3 nhân viên từ Hồng Kông sang Hàn Quốc

    Tờ Hong Kong Free Press hôm nay đưa tin, New York Times sẽ chuyển một phần ba nhân viên ở Hồng Kông tới Seoul, Hàn Quốc, vì lo ngại luật an ninh quốc gia và những thách thức trong việc đảm bảo giấy phép tác nghiệp.

    “Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc tại Hồng Kông tạo ra rất nhiều sự mơ hồ về việc các quy định sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động và nghiệp vụ báo chí của chúng ta”, ban điều hành New York Times viết trong email gửi tới các nhân viên, được đăng trên website của báo hôm nay.

    Ban lãnh đạo tờ báo cũng cho biết họ cần lập kế hoạch khẩn cấp và bắt đầu chuyển đội ngũ biên tập viên ra khỏi đặc khu, tới các nước khác trong khu vực.

    “Bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động đều có khả năng làm suy yếu hoạt động báo chí của chúng tôi”, ban lãnh đạo New York Times viết.

    Hội nghị Biển Đông thường niên lần thứ 10

    Ngày 14/7/2020, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, Mỹ) (Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á) tổ chức Phiên 1, Hội nghị Biển Đông thường niên lần thứ 10.

    Diễn giả chính, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell, đã có bài phát biểu quan trọng về chính sách của Mỹ ở Biển Đông.

    Thảo luận chính: Richard Javad Heydarian, chuyên gia, Philippine Daily Inquirer; Nong Hong, Giám đốc điều hành, Viện nghiên cứu Trung - Mỹ; TS. Nguyễn Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Biển Đông.

    Hội nghị được tổ chức nhằm phân tích và thảo luận chuyên sâu về tình hình Biển Đông và dự kiến triển vọng.

    Link: https://www.csis.org/events/online-event-tenth-annual-south-china-sea-conference-keynote-and-session-one

    Hoa Vi: Anh Quốc không cưỡng lại được áp lực của Mỹ


    Trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay 15/07/2020 chủ yếu được dành cho chủ đề lễ Quốc Khánh Pháp được cử hành một cách rất đặc biệt vào hôm qua trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn gây lo ngại. Tuy nhiên, một đề tài khác cũng rất được báo giới Pháp quan tâm là quyết định của nước Anh cấm tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi tham gia mạng 5G tại nước này.

    Số phận của Hoa Vi tại Anh Quốc đã được nhật báo kinh tế Pháp Les Echos nêu thành tựa chính trang nhất “5 G: Luân Đôn đuổi Hoa Vi”, trong lúc ở trang quốc tế, nhật báo cánh hữu Le Figaro vi von: “Boris Johnson loại Hoa Vi ra khỏi cuộc chơi tại Anh Quốc”.

    Les Echos: Tranh cãi chung quanh cái giá phải trả khi loại Hoa Vi


    Sau khi nhắc lại quyết định của chính quyền Anh vào hôm qua, theo đó thì các công ty Anh bị cấm mua thiết bị của Hoa Vi kể từ năm tới, và phải tiến hành việc dỡ bỏ dần dần các thiết bị 5G của tập đang sử dụng từ đây đến 2027, Les Echos đã nhấn mạnh đến cuộc tranh luận đã bùng lên chung quanh cái giá mà Anh phải gánh chịu khi loại bỏ tập đoàn Trung Quốc ra khỏi mạng 5G của mình.

    Theo Les Echos, Hoa Vi hiện là nhà cung cấp 1/3 ăng ten điện thoại di động ở Châu Âu. Cấm Hoa Vi vì lý do an ninh quốc gia sẽ tốn kém rất nhiều cho các công ty viễn thông. Vấn đề là tốn kém bao nhiêu vẫn là một ẩn số.

    Covid-19 : Chính quyền Trump bỏ quyết định tước visa du học sinh


    Chính phủ Mỹ ngày 14/7/2020 thông báo từ bỏ quyết định tước visa nhập cảnh đối với các sinh viên nước ngoài mà vào niên học tới sẽ vẫn học từ xa do tình hình dịch bệnh. Đây là một thắng lợi của các trường đại học sau một cuộc chiến tư pháp với chính quyền Donald Trump.

    « Phiên xử trước một thẩm phán liên bang ở Boston cuối cùng chỉ kéo dài có vài phút. Trước đó, tòa án này đã thụ lý đơn kiện của các trường đại học Harvard và MIT, phản đối quyết định của chính quyền Mỹ tước visa các sinh viên nước ngoài nếu như các giờ học được thực hiện hoàn toàn trên mạng.

    Đầu phiên xử, thẩm phán Allison Burroughs thông báo rằng cơ quan di trú đã xem xét lại các thông báo của họ, từng gây ra nhiều lời chỉ trích gay gắt. Khoảng 20 cơ sở đào tạo và trường đại học danh tiếng đã đệ đơn kiện chính phủ.

    Tại nhiều cơ cở đào tạo, có thông báo một mùa khai trường từ xa tùy theo diễn tiến dịch bệnh, hàng ngàn sinh viên nước ngoài có thể sẽ bị buộc rời khỏi Hoa Kỳ. Một số trường đại học thậm chí thông báo các giờ học đặc biệt sao cho các sinh viên có thể chứng minh được sự hiện diện và có thể triển hạn visa mà không phải lo lắng.

    Một số người tố cáo chính quyền Trump sử dụng cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay để thông qua luật nhập cư.

    Sự đổi ý bất ngờ này là một thắng lợi cho các trường đại học và các du học sinh, kể từ giờ có thể yên tâm theo đuổi chuyện học hành trên đất Mỹ vào mùa khai trường. »

    Giới chức Mỹ: Tiến trình sản xuất vaccine chống COVID đã bắt đầu


    Trong lúc số ca nhiễm virus corona được xác nhận trên thế giới vượt quá 11 triệu, với trên 570 ngàn người chết, Hoa Kỳ cho biết dự kiến bắt đầu sản xuất vaccine tiềm năng vào cuối mùa hè này.

    Kênh tin tức tài chánh có trụ sở tại Mỹ CNBC ngày 13/7 loan tin một giới chức cao cấp trong chính quyền Trump cho báo giới biết tiến trình sản xuất vaccine đang diễn ra dù chưa chắc loại vaccine nào-nếu có-sẽ thành công.

    Giới chức được trích lời cho biết hiện nay đã tiến hành việc mua thiết bị, bảo đảm địa điểm sản xuất, và mua nguyên vật liệu.

    CNBC cho hay hai công ty liên hệ đến việc phát triển vaccine là Moderna và Johnson & Johnson theo dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine trên người giai đoạn cuối vào tháng này.

    Ông Trump ‘không quan tâm’ thỏa thuận giai đoạn 2 với Trung Quốc


    Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không quan tâm đến việc đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2, theo Reuters.

    “Hiện tại tôi không quan tâm tới việc đàm phán với Trung Quốc”, ông Trump trả lời khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với CBS News rằng liệu có phải các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc sẽ không diễn ra.

    “Chúng tôi đã thực hiện một thỏa thuận thương mại tuyệt vời”, ông Trump nói, đề cập đến thỏa thuận Giai đoạn 1 được ký vào tháng Một. “Nhưng ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, mực thậm chí còn chưa ráo, họ đã tấn công chúng ta bằng dịch bệnh. Vì vậy, hiện tại, tôi không quan tâm đến việc đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận khác”.

    Anh công bố kế hoạch ‘cấm cửa’ Huawei


    SBS News đưa tin, hôm thứ Ba, bất chấp các đe dọa từ Bắc Kinh, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch từng bước loại bỏ việc sử dụng thiết bị của Huawei trong các mạng viễn thông hiện tại và trong dự án xây dựng mạng 5G của Vương quốc Anh.

    Phản ứng trước động thái này, Nhà Trắng nói rằng quyết định của London “phản ánh sự đồng thuận quốc tế ngày càng tăng rằng Huawei và các nhà cung cấp không đáng tin cậy khác gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, bởi chúng mang ơn Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng ca ngợi động thái này trong một tuyên bố: “Chúng tôi hoan nghênh Vương quốc Anh có kế hoạch cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G trong tương lai và loại bỏ các thiết bị Huawei không đáng tin cậy khỏi các mạng hiện có”.

    Armenia và Azerbaijanin xung đột biên giới căng thẳng

    Hôm thứ Ba, quân đội Armenia và Azerbaijanin tiếp tục có các cuộc đụng độ ở khu vực biên giới giữa hai nước, theo Deutsche Welle.

    Quân đội hai nước láng giềng đã sử dụng pháo hạng nặng trong các cuộc giao tranh bắt đầu nổ ra từ hôm Chủ nhật. Azerbaijan cho biết 11 binh sĩ và 1 thường dân của họ đã thiệt mạng, trong khi Armenia nói rằng trong cuộc đụng độ hôm thứ Ba khiến họ đã mất 4 binh sĩ.

    Armenia và Azerbaijanin từng có một cuộc đụng độ căng thẳng trên biên giới kéo dài 4 ngày vào năm 2016. Những cuộc xô sát lẻ tẻ gây chết người cũng thường xuyên diễn ra ở biên giới hai nước trong nhiều năm qua.

    Ông Trump ký luật trừng phạt Trung Quốc về Hồng Kông


    Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba thông báo ông đã ký ban hành một đạo luật trừng phạt Trung Quốc vì sự can thiệp của chính quyền nước này đối với nền tự trị của Hồng Kông.

    Politico đưa tin, Tổng thống Trump phát biểu trong Vườn Hồng của Nhà Trắng: “Giờ đây, Hồng Kông sẽ được đối xử giống như Trung Quốc đại lục. Không có đặc quyền, không có đãi ngộ kinh tế đặc biệt và không có xuất khẩu công nghệ nhạy cảm”.

    Tổng thống Trump cũng nói rằng chính phủ của ông sẽ áp dụng mức thuế rất cao đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Hồng Kông, giống như mức thuế Hoa Kỳ đang áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc.

    Mỹ sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

    Hôm thứ Ba, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền Trump có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc có hành vi thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

    Theo CNBC, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết thông tin này trong một sự kiện trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

    Ông Stilwell nói rằng chính quyền Trump “có dư địa” để có thể xem xét bất kỳ phương án nào nhằm ngăn chặn Trung Quốc đòi hỏi các yêu sách bất hợp pháp tại Biển Đông.

    “Không có gì là không được xem xét. Có dư địa cho việc này”, ông Stilwell nói. “Hành động cụ thể và hữu hình – đó là ngôn ngữ mà Trung Quốc có thể hiểu được”

    Không có nhận xét nào