Header Ads

  • Breaking News

    Huỳnh Minh Triết - Đảng Dân chủ Mỹ từng ủng hộ chế độ nô lệ?

    Trái với chủ trương bảo vệ quyền của người yếu thế mà họ tuyên bố theo đuổi ngày nay, Đảng Dân chủ Mỹ có một lịch sử đấu tranh để bảo vệ… chế độ nô lệ.


    Đảng Dân chủ do Andrew Jackson sáng lập năm 1828. Ngay sau đó, ông thắng cử, trở thành tổng thống thứ bảy của Hoa Kỳ (1829 – 1837). Andrew Jackson được cho là nhân vật quyền lực nhất và gây chia rẽ nhất nước Mỹ thời đó.

    Jackson là một chủ nô tàn bạo. Ông tin vào sự thượng đẳng của người da trắng, ủng hộ chế độ nô lệ, và kiên quyết chống lại phong trào đòi quyền của người da đen. Đảng Dân chủ trong thời kỳ đầu dưới sự lãnh đạo của Andrew Jackson và hậu duệ (Jacksonian Democrats) về cơ bản chia sẻ quan điểm của người sáng lập ra nó.

    Vụ Scott v. Sandford năm 1857 là một bằng chứng rõ ràng. Trong phán quyết cuối cùng của vụ kiện này, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết với tỷ lệ phiếu 7-2 rằng nô lệ là tài sản chứ không phải là công dân. Toàn bộ bảy thẩm phán bỏ phiếu đồng ý phán quyết này là người được Đảng Dân chủ bổ nhiệm, còn hai người bỏ phiếu chống là Đảng Cộng hòa.

    Tranh biếm họa mô tả Andrew Jackson cưỡi lừa. Đối thủ của Jackson thường gọi Đảng Dân chủ là lừa (jackass) để chọc tức ông. Nguồn: Henry R. Robinson/Wikimedia Commons.

    Vấn đề nô lệ khiến các liên minh chính trị bị chia rẽ sâu sắc. Năm 1854, một nhóm chống đối thành lập Đảng Cộng hòa với mục tiêu ngăn chế độ nô lệ lan sang phía Tây. Sự chia rẽ trong chính nội bộ Đảng Dân chủ vào lúc này giúp cho Abraham Lincoln thắng cử, trở thành tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa vào năm 1861. Lincoln được xem là biểu tượng của việc giải phóng nô lệ.

    Nhưng cuộc nội chiến nổ ra ngay sau đó, giữa hai phe Liên bang miền Bắc (Union) ủng hộ Tổng thống Lincoln và Liên minh miền Nam (Confederate States of America) theo chế độ nô lệ. Liên minh miền Nam đầu hàng năm 1865 và chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng chỉ sáu ngày sau, Lincoln bị ám sát. Phó Tổng thống Andrew Johnson, một hậu duệ của Andrew Jackson, lên nắm quyền và bác bỏ những cải cách mới chớm của Đảng Cộng hoà.

    Đảng Dân chủ giành lại sự thống trị ở các bang miền Nam. Bất chấp việc đã có ba tu chính án (13, 14 và 15) xoá bỏ chế độ nô lệ và bảo đảm quyền của người da đen, các bang miền Nam vẫn thông qua luật Jim Crow để tiếp tục duy trì bất công chủng tộc.

    Có thể dựa vào giai đoạn này để nói rằng Đảng Dân chủ quả là đã ủng hộ chế độ nô lệ hà khắc. Một số thành viên của đảng này còn bị cáo buộc là đã phát động cuộc nội chiến và sáng lập Ku Kux Klan, tổ chức chủ trương sử dụng bạo lực với người da đen. Tuy vậy, tuyên bố này được USA Today và Viện Poynter đánh giá là dễ gây hiểu nhầm.

    Đảng Dân chủ thay đổi chủ trương

    Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ngày nay vẫn giữ nguyên tên gọi, nhưng quan điểm chính trị thì thay đổi nhiều, sau những biến cố lịch sử phức tạp.

    Tera Hunter, Giáo sư Lịch sử thuộc Đại học Princeton nói rằng việc trói buộc Đảng Dân chủ với lịch sử ủng hộ chế độ nô lệ chỉ nhằm hạ uy tín hiện tại của đảng này. Cốt lõi của việc đó là “không chịu thừa nhận sự kiện tái cơ cấu đảng diễn ra vào giữa thế kỷ 20”, bà Hunt nói.

    Khi mới thành lập vào đầu thế kỉ 19, Đảng Dân chủ có chủ trương chính phủ tối thiểu và tự do cá nhân tối đa (nghe rất giống Đảng Cộng hòa bây giờ đúng không?). Những người theo Đảng Dân chủ tự hào gọi mình là “những người bảo thủ” (conservatives) muốn bảo vệ nước Mỹ truyền thống, còn Đảng Cộng hòa thì bị coi là những người cấp tiến (radicals) vì đòi thay đổi nguyên trạng.

    Tình thế đã thay đổi một cách ngoạn mục. Ngày nay, Đảng Cộng hòa tự xưng là phe bảo thủ, còn Đảng Dân chủ thì mới bị dán nhãn là những kẻ cấp tiến cánh tả.

    Lịch sử ghi nhận sự thay đổi về chủ trương của hai đảng trên hầu hết các khía cạnh.

    Quá trình thay đổi này bắt đầu với Tổng thống Franklin D. Roosevelt (thuộc Đảng Dân chủ) và chủ trương New Deal (Chính sách Mới) mà ông khởi xướng. New Deal là một chuỗi chính sách và chương trình của chính phủ nhằm ứng phó với hậu quả của cuộc Đại Suy thoái 1929 – 1933

    Có hai thứ ở New Deal khiến các thành viên Đảng Dân chủ thời đó phật lòng: sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền liên bang và sự mở rộng của các nghiệp đoàn lao động. Nhiều người ủng hộ Đảng Dân chủ ở miền Nam bắt đầu chuyển sang Đảng Cộng hoà để phản đối. Ngược lại, những người da đen được New Deal bảo vệ quyền lợi thì chuyển hướng sang Đảng Dân chủ. Xu hướng này ngày càng mạnh lên trong thời kì đầu của Phong trào Dân quyền vào thập kỷ 1950 và 1960.

    Những năm 1960 đánh dấu sự thay da đổi thịt của hai đảng. Mặc dù đúng là tỷ lệ ủng hộ Đạo luật Dân quyền 1964 của Đảng Cộng hòa có nhỉnh hơn, biến cố quan trọng này mang đậm dấu ấn của Đảng Dân chủ. Người đề xướng đạo luật từ 1963 là một tổng thống Dân chủ, John F. Kennedy, người không lâu sau đó bị ám sát. Người ký thông qua đạo luật này năm 1964 cũng như Đạo luật Bỏ phiếu 1965 (Voting Rights Act) cũng là một tổng thống Dân chủ: Lyndon B. Johnson.

    Trong khi đó, Đảng Cộng hoà lại thay đổi chiến lược. Theo giáo sư Eric Foner thuộc Đại học Columbia, đảng này coi việc người da đen bỏ phiếu cho mình là đương nhiên, và quyết định chuyển mình về phía Nam để thu hút nhóm cử tri doanh nhân da trắng. Các chiến dịch tranh cử của Barry Goldwater (1964) và Richard Nixon (1969) đánh dấu cuộc hoán đổi vị trí mang tính lịch sử của hai đảng về vấn đề chủng tộc.

    Một bằng chứng cho thấy rõ sự đảo chiều là trong khi 23 nghị sĩ da đen đầu tiên của Hoa Kỳ là người của Đảng Cộng hòa, có tới 131/140 nghị sĩ da đen tiếp theo là người của Đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ hiện đại đã nắm vị thế gần như thống lĩnh đối với lá phiếu của người da đen tại Mỹ.

    Nói như giáo sư Foner, ta cần hiểu rằng các đảng phái tiến hoá và thay đổi qua thời gian. Quan điểm của họ ngày nay không giống quan điểm của họ trong thế kỷ trước nữa.

    Ngoài ra, việc phán xét cũng cần được đặt trong bối cảnh lịch sử phù hợp. Vào đầu thế kỷ 19, chế độ nô lệ gần như phổ biến trên toàn cầu. Phần lớn những bậc khai quốc công thần của nước Mỹ, bao gồm cả George Washington và Thomas Jefferson, đều là những chủ nô.

    https://www.luatkhoa.

    Không có nhận xét nào