Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 27 tháng 8 năm 2020

    Lượng người xem Đại hội Đảng Cộng hòa cao gấp 6 lần Đại hội Đảng Dân chủ

    Theo số liệu thống kê công bố ngày 25/8 của mạng truyền hình C-SPAN, số lượng người xem truyền hình trực tiếp Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa (RNC) tối thứ Hai (24/8) cao gần gấp 6 lần lượng người xem truyền hình trực tiếp đêm đầu tiên Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ (DNC).

    Theo Sound of Hope, dữ liệu này được công bố lần đầu bởi hãng truyền thông Capitol Hill. Theo số liệu, buổi phát sóng trực tiếp RNC tối thứ Hai đã thu hút xấp xỉ 440.000 lượt xem, trong khi lượng xem của buổi truyền hình trực tiếp đêm đầu tiên của DNC chỉ là 76.000 người.

    Theo xếp hạng truyền thống các kênh truyền hình do Nielsen Media Research công bố sau đó, khoảng 18,7 triệu khán giả truyền hình đã xem bài phát biểu trong đêm đầu tiên của DNC, và 21,8 triệu khán giả đã xem bài phát biểu của ông Biden, ứng viên tổng thống được đề cử chính thức của Đảng Dân chủ vào đêm cuối của DNC.

    Mặc dù vậy, so với số người xem bài phát biểu của bà Hillary Clinton sau khi được đề cử là ứng viên Tổng thống năm 2016, số người xem bài phát biểu của ứng viên Biden đã giảm 21%, và con số này cũng ít hơn 38% so với lượng người theo dõi Tổng thống Trump chấp nhận đề cử của RNC. Bài phát biểu của Tổng thống Trump đêm đó đã thu hút 34,9 triệu người xem (cao hơn 60% so với ông Biden).

    Ngoài ra, nhà phân tích cuộc thăm dò Lee Carter cho biết bài phát biểu đêm đầu tiên của RNC đã được rất nhiều cử tri độc lập chăm chú theo dõi. Cử tri độc lập là những cử tri ở giữa, không bày tỏ sự ủng hộ cố định đối với đảng nào. Bà nhìn nhận, những người ủng hộ ông Trump có bài phát biểu vào đêm đó đã kể lại câu chuyện về những trải nghiệm của cá nhân họ, vốn thực sự đã gây được tiếng vang với nhiều cử tri.

    Bà Carter nói: “Nói chung, bạn có thể thực sự cảm thấy rằng những cử tri độc lập đã phản hồi tích cực sau khi nghe những bài phát biểu này”.

    Nhật phản đối gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

    Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga hôm nay tuyên bố nước này phản đối bất cứ hành vi nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, theo Mainichi.

    Tuyên bố trên được đưa ra sau khi được đề nghị bình luận về việc Trung Quốc phóng hai tên lửa đạn đạo diệt hạm ra Biển Đông hôm 26/8. Ông Suga nói thêm rằng Nhật Bản đang theo dõi các động thái của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông “với sự quan ngại”.

    “Các vấn đề ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến hoà bình và ổn định của khu vực, là vấn đề lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có đất nước chúng tôi”, ông Suga nói.

    Ông Pompeo cáo buộc HSBC tiếp tục giao dịch với các quan chức bị trừng phạt

    Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tối 26/8 (giờ địa phương) đã chỉ trích HSBC vì ngân hàng này vẫn tiếp tục giao dịch với các cá nhân chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi không cho phép các giám đốc điều hành Hồng Kông của Next Digital, nhà xuất bản của Apple Daily truy cập vào thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng cá nhân của họ.

    Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết đây là một ví dụ khác về “chiến thuật bắt nạt cưỡng bức” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các công ty Anh. Theo SCMP, HSBC có trụ sở tại London, nhưng tạo ra lượng lớn lợi nhuận ở châu Á.

    “Các quốc gia tự do phải đảm bảo rằng lợi ích doanh nghiệp không bị ĐCSTQ điều khiển để hỗ trợ cho hành vi đàn áp chính trị của họ. Chúng tôi sẵn sàng giúp chính phủ Anh và các công ty của họ chống lại sự bắt nạt của ĐCSTQ và đứng về phía tự do”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

    Hàn Quốc đóng cửa Quốc hội vì Covid-19

    Quốc hội Hàn Quốc hôm nay đóng cửa tạm thời và nhiều nghị sĩ phải tự cách ly, sau khi một phóng viên từng tác nghiệp tại đây nhiễm nCoV, theo AFP.

    Nam phóng viên ảnh trên tác nghiệp tại cuộc họp Quốc hội Hàn Quốc hôm 26/8, sau đó phát hiện một người thân từng gặp vào cuối tuần trước bị nhiễm nCoV. Người phóng viên đã đi xét nghiệm và có kết quả dương tính.

    Anh tiếp xúc với khoảng 50 người ở Quốc hội, trong đó 32 người là các nghị sĩ và quan chức. Hơn 10 nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ, trong đó có chủ tịch đảng và lãnh đạo của đảng tại Quốc hội, đã đi xét nghiệm và tự cách ly.

    Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn vào tối 26/8 để thảo luận về cách xử lý và yêu cầu đình chỉ toàn bộ hoạt động từ ngày 27/8. Cả Quốc hội và một tòa nhà văn phòng của các nghị sĩ đều bị đóng cửa. Các đảng đối lập cũng hủy những cuộc họp dự kiến.

    Cảnh sát Nga xem xét vụ nhà đối lập Navalny


    Cảnh sát Nga hôm nay thông báo bắt đầu kiểm tra sơ bộ bệnh tình của lãnh đạo đối lập Navalny, sau khi Điện Kremlin bác khả năng ông bị đầu độc, theo AFP.

    Cảnh sát ở Siberia hôm 27/8 cho biết họ đã bắt đầu quá trình “kiểm tra trước khi điều tra” về nguyên nhân khiến lãnh đạo đối lập Alexei Navalny phải nhập viện ở thành phố Omsk hôm 20/8. Lực lượng này gọi đây là động thái để xác định “tất cả các tình huống” và quyết định xem có mở cuộc điều tra tội phạm hay không.

    Cảnh sát Siberia đã khám xét các địa điểm mà ông Navalny ghé qua cùng phòng khách sạn của ông. Họ cũng kiểm tra các đoạn video từ camera an ninh và tịch thu hơn “100 món đồ có thể làm bằng chứng”.

    Ông Navalny là lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga. Ông cảm thấy không khỏe và bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8. Các đồng minh của ông Navalny cho rằng ông Navalny có thể đã bị đầu độc khi uống một tách trà ở sân bay Tomsk.

    Trung Quốc bắt 12 nhà hoạt động dân chủ đang trên đường trốn sang Đài Loan

    Hôm Chủ nhật (23/8), 12 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trên biển khi họ đang cố gắng trốn thoát sang Đài Loan, Taiwan News đưa tin.

    Cảnh sát biển Trung Quốc hôm thứ Tư (26/8) thông báo trên Weibo rằng vào Chủ Nhật (23/8) họ đã bắt giữ hàng chục người vượt biên trái phép trên một chiếc tàu cao tốc ở phía đông nam Hồng Kông.

    Hôm thứ Năm (27/8), Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin 12 người trên chiếc tàu bị bắt mà cảnh sát biển Trung Quốc đề cập là các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, trong đó có nhà hoạt động nổi tiếng Andy Li (Lý Vũ Hiên), sáng lập viên của nhóm dân chủ “Câu chuyện Hồng Kông”.

    Vaccine Moderna cho đáp ứng miễn nhiễm tương tự ở già lẫn trẻ

    Trụ sở công ty Moderna tại Cambridge, Massachusetts.


    Công ty Moderna ngày 26/8 loan báo phân tích dữ liệu giai đoạn đầu thử nghiệm vaccine chống COVID cho thấy đáp ứng miễn nhiễm ở những người trưởng thành cao tuổi tương tự như ở những người trẻ.

    Hãng dược này là một trong những ứng viên hàng đầu trong cuộc chạy đua bào chế một vaccine chống virus corona an toàn và hữu hiệu. Vaccine ứng viên của Moderna đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người.

    Moderna đang báo cáo dữ liệu lâm thời từ cuộc nghiên cứu giai đoạn 1.


    Cuộc phân tích xem xét một liều 100-microgram được chọn cho thử nghiệm giai đoạn 3 trên quy mô lớn. Moderna nói đáp ứng miễn nhiễm trong những người tuổi từ 56 đến 70, trên 70, và những người trong nhóm tuổi từ 18 đến 55 giống nhau.

    Dữ liệu được trình bày tại cuộc họp của Ủy ban Cố vấn về Thực hành Miễn nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ hôm 26/8.

    Cho tới nay, công ty đã tuyển mộ được 13.000 người tham dự trong giai đoạn chót của cuộc nghiên cứu.

    Trung Quốc không cản được Chủ tịch Thượng viện Séc thăm Đài Loan

    Sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Trung Quốc đã không ngăn được chuyến thăm 5 ngày của Chủ tịch Thượng viện Séc đến Đài Loan vào 30/08.

    Hãng tin Taiwan news cho biết, ngày 25/08 có 70 nhà lãnh đạo từ Nghị viện châu Âu, Mỹ, Canada và Úc đã ra tuyên bố ủng hộ chuyến thăm Đài Loan của phái đoàn Séc và tố cáo áp lực của Trung Quốc trong việc phá hỏng chuyến đi.

    Bộ Ngoại giao Đài Loan ra thông cáo hôm thứ Ba (25/8) hoan nghênh Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil và phu nhân. Thông cáo nêu rõ, chuyến thăm sẽ “tăng cường trao đổi và hợp tác kinh tế và thương mại giữa quốc hội hai nước”

    Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức đương nhiệm của cộng hòa Séc, kể từ Cách mạng Nhung năm 1989.

    Chủ tịch Thượng viện sẽ được tháp tùng bởi một phái đoàn gồm 90 người, bao gồm Thị trưởng Praha thân Đài Loan Zdenek Hrib, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Pavel Fischer, và một số chính trị gia khác. Cùng tham gia sẽ có các học giả Séc, doanh nhân, đại diện văn hóa, truyền thông và giám đốc của Dàn nhạc Prague Philharmonic.

    Theo thông cáo báo chí, trong thời gian ở Đài Bắc, ông Vystrcil và các thành viên khác của nhóm sẽ gặp Tổng thống Thái Anh Văn, Thủ tướng Lại Thanh Đức và các bộ trưởng Ngoại giao, Khoa học & Công nghệ, Văn hóa và Bộ trưởng Y tế & Phúc lợi.

    Chủ tịch Thượng viện Séc Vystrcil sẽ được mời phát biểu tại Viện Lập pháp (Quốc hội Đài Loan – PV). Ông dự kiến cũng​ có bài phát biểu tại Đại học Chính trị Quốc gia vào ngày 31/08. Nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Công dân, dự kiến ​​sẽ chia sẻ quan điểm của mình không chỉ về quan hệ kinh tế và kinh doanh mà còn về dân chủ, tự do, và các vấn đề xã hội.

    Công ty Thái Lan nhượng bộ trước cuộc tẩy chay của người biểu tình

    Chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Burger King ở Thái Lan hôm 26/8 đã chịu nhượng bộ trước lời kêu gọi tẩy chay của người biểu tình, vốn trước đó cáo buộc tập đoàn này quảng cáo trên một kênh truyền hình bị coi là thân chính phủ, theo Reuters.

    Những người ủng hộ các cuộc biểu tình đã mở chiến dịch trên mạng, kêu gọi tẩy chay chuỗi nhà hàng Burger King, tập đoàn Minor International Pcl và các doanh nghiệp khác đã quảng cáo trên kênh của Nation Multimedia Group.

    Một phát ngôn viên của Minor Food Group cho biết đã rút quảng cáo. Reuters dẫn lời công ty nói trong một tuyên bố rằng họ “chấp nhận quan điểm của khách hàng và sẽ cân nhắc sử dụng truyền thông phù hợp ngay lập tức”.

    Trong khi đó, Chủ tịch Nation Multimedia Group Shine Bunnag nói với hãng tin Anh rằng cuộc tẩy chay là “hành động bắt nạt xã hội từ một nhóm côn đồ bàn phím”.

    Theo Reuters, các cuộc biểu tình do học sinh và sinh viên dẫn đầu đã diễn ra gần như hàng ngày trong suốt hơn một tháng để yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu lãnh đạo quân nhân, từ chức.

    Mỹ trừng phạt quan chức, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia « quân sự hóa » Biển Đông

    Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra biện pháp cụ thể để ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng quân sự ở Biển Đông. Hôm qua, 26/08/2020, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo trừng phạt nhiều quan chức, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các hoạt động xây dựng cơ sở quân sự ở Biển Đông, cũng như dùng vũ lực ngăn cản các quốc gia Đông Nam Á khai thác các nguồn tài nguyên trên biển.

    Trong thông cáo nói trên, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo các quan chức Trung Quốc, trực tiếp phụ trách hay tham gia vào việc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các tiền đồn quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông, sẽ không được cấp visa vào Mỹ. Việc hạn chế visa cũng có thể áp đặt đối với thân nhân đương sự. Theo nhiều nhà quan sát, đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ có các biện pháp trừng phạt cụ thể nhắm vào các giới chức và doanh nghiệp, bị cáo buộc giúp quân đội Trung Quốc quân sự hóa nhiều thực thể địa lý tranh chấp ở Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác đòi hỏi chủ quyền.

    Không có nhận xét nào