Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Phú Quốc sẽ hạ cánh an toàn?

    Ai sẽ là người rà soát lại những đảng viên có song tịch bằng các đầu tư để tránh vết nhơ đảng viên tìm chỗ hạ cánh an toàn sau khi đã vơ vét nặng túi?

    Mười hai giờ trưa ngày 25 tháng 8, báo SGGP đăng tin ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết về việc giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin Đại biểu Quốc hội TPHCM Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách các chính trị gia “mua” hộ chiếu châu Âu.

    Tuy nhiên, ông Tuý lưu ý báo chí “cần rất thận trọng khi xem xét thông tin từ các trang thông tin nước ngoài.” Ông Tổng thư ký, Người phát ngôn của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng yêu cầu “báo chí xác minh cẩn trọng, bởi ngay cả trang thông tin của Quốc hội Việt Nam cũng bị giả mạo.”

    Nói cách khác, những người làm công tác tổ chức nhà nước không muốn tin việc một Đại Biểu Quốc Hội có song tịch là thật. Bởi nếu thật thì đó lại là một sai phạm lớn trong công tác quản lý các bộ Trung ương. Gần mặt trời đến thế mà còn sai phạm thì huống gì là các cơ quan xa xôi hẻo lánh nơi mà các quan chức chính phủ không mấy thấy vi hành tận nơi.

    Thế nhưng đến chiều cùng ngày thì chính ông Phạm Phú Quốc đã thú nhận việc ông có quốc tịch của Đảo Síp là sự thật. Tuy nhiên ông không thừa nhận việc đã bỏ tiền ra mua quốc tịch của đảo quốc này với giá 2,15 triệu Euro mà là do gia đình bảo lãnh.

    Lời thú nhận có quốc tịch thứ hai này của ông Phạm Phú Quốc có lẽ là một điều sỉ nhục cho những người làm công tác tổ chức cán bộ của Quốc Hội và cả của đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh vì đã không theo sát được việc thay đổi quốc tịch của một đảng viên cao cấp.

    Và nếu không có trang tin nước ngoài như Al Jareeza phanh phui thì liệu ông Phạm Phú Quốc sẽ có công khai thông báo cho tổ chức? Nếu không có trang tin nước ngoài này thì đến khi nào ông Trần Văn Tuý và ông Nguyễn Hạnh Phúc mới được biết ông Phạm Phú Quốc đã có được quyển hộ chiếu màu đỏ bọc đô của EU trong tay?

    Ông Phạm Phú Quốc không phủ nhận việc có hai quốc tịch, tuy nhiên lại phủ nhận việc bỏ tiền ra mua quốc tịch thứ hai cho mình với giá 2,5 triệu đô la (2,15 triệu euro). Vậy có thật là bảo lãnh cho thân nhân và nhận quốc tịch Síp có thật dễ như ăn kẹo vậy hay không?

    Theo thông tin nhập cư vào Đảo Sip, có 4 cách để trở thành công dân Đảo Síp hợp pháp:

    1. Nhập tịch dựa trên số năm cư trú. Người xin nhập tịch phải ở Đảo Síp 7 năm. Thời hạn chờ đợi xét duyệt và được cấp quốc tịch là 1-2 năm.

    2. Kết hôn với một người Síp trong 3 năm và có 2 năm ở Đảo Síp. Nếu không có con chung và thời gian kết hôn chỉ tròn 3 năm thì phải giải trình vì sao có nguyện vọng xin quốc tịch Síp. Thời hạn chờ đợi xét duyệt và được cấp quốc tịch là 1-2 năm.

    3. Người gốc Síp.

    4. Chương trình đầu tư hay Hộ chiếu Vàng

    Để có được Hộ chiếu Vàng – Golden passport của đảo quốc này cần phải đầu tư 2 triệu euro vào bất động sản. Ngoài ra còn phải tự nguyện đóng góp 75.000 euro cho Quỹ Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ và 75.000 euro cho Tổ chức Phát triển Đất đai.

    Bên cạnh đó người xin Hộ chiếu vàng phải mua cho bản thân một căn nhà trị giá 500.000 euro. Việc đầu tư phải được thực hiện trước khi nộp đơn xin quốc tịch.

    Thời hạn để có được quốc tịch Síp trong chương trình đầu tư chỉ mất có 6,5 tháng.

    Trở lại với thông tin về các mốc thời gian mà ông Phạm Phú Quốc trả lời cho Tuổi Trẻ Online thì sẽ thấy các vấn đề sau đây.

    – Vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân. Con trai tôi học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài.

    Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.

    Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus.

    Vợ và con gái ông đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch đại Đảo Síp năm 2017 và đến năm 2018 làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho ông Phạm Phú Quốc, đến giữa năm 2018 thì ông đã có quốc tịch Síp. Tổng cộng thời hạn chỉ trong vòng 1 năm.

    Vợ con ông Quốc chắc chắn không có khả năng xin quốc tịch theo cách 1,2 và 3 vì không phải là người gốc Síp, không kết hôn với người Síp và cũng chẳng định cư ở đảo quốc nay trên 7 năm. Ngoài ra vợ con ông đã được cấp hộ chiếu trong thời gian là chưa đầy một năm. Vậy thì ai cũng có thể rút ra kết luận ở đây là vợ con ông Quốc đã “thực hiện các thủ tục xin quốc tịch đại đảo Cyprus” thông qua cách thức thứ 4, tức là Chương trình đầu tư hay Hộ chiếu Vàng

    Khi trả lời câu hỏi “Vợ và con ông có quốc tịch Cyprus vào thời điểm nào? Được biết để có quốc tịch Cyprus đòi hỏi phải có một khoản đầu tư khá lớn, hàng triệu USD?” ông Quốc không phủ nhận việc vợ con ông mua quốc tịch, đồng thời gián tiếp cho biết vợ và con trai ông có tiền để làm điều đó vì họ “đều là những doanh nhân”.

    Ông Quốc cho biết đến “giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus,” và “Tôi có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018.”

    Việc bảo lãnh cho ông Quốc sau khi vợ con ông có quốc tịch là hoàn toàn không có cơ sở. Để có được quốc tịch Síp thì ông Quốc phải sinh sống tại đảo quốc này ít nhất 2 năm, trong khi đó thì giữa năm 2018 ông Quốc đã có quốc tịch nước ngoài rồi.

    Vậy thì lý giải sao cho việc ông Quốc có được quốc tịch nước này nhanh tới như vậy?

    Chương trình đầu tư có nêu rõ, người đầu tư sẽ được nhập tịch cùng với toàn bộ gia đình gồm người hôn phối, con cái dưới 28 tuổi và cả con cháu sau này. Bố mẹ của người đầu tư cũng sẽ được nhập tịch nếu có sở hữu bất động sản trị giá ít nhất 500.000 euro.

    Xét theo các yêu cầu nhập tịch này thì:

    1. Chính ông Quốc đã xác nhận gián tiếp vợ ông là người đầu tư, nên con gái ông là người ăn theo nhập tịch.

    2. Nếu vợ ông là người đầu tư, thì ông không thể nhập tịch theo diện bảo lãnh như ông nói vì nếu bảo lãnh theo diện vợ chồng, ông không có đủ thời gian cư trú tại nước sở tại; và ông lại càng không thể được nhập tịch ăn theo nhờ làm bố mẹ của người trực tiếp đầu tư.

    Từ đây có thể kết luận là ông Phạm Phú Quốc chỉ nói đúng có một điều là “ ông đã có quốc tịch thứ hai từ năm 2018.”

    Ông cũng nói đúng luôn là ông không mua quốc tịch với giá 2,5 triệu đô la mà là vợ con ông mua.

    Trường hợp ông Phạm Phú Quốc nói đúng việc ông có được quốc tịch nhờ bảo lãnh của gia đình thì sẽ dẫn đến việc ông có được quốc tích theo cách thức bất hợp pháp và cơ quan chức năng của đảo Síp có thể sẽ tiến hành cuôc điều tra đường dây này.

    Ông Phạm Phú Quốc đã báo cáo với tổ chức đảng và cơ quan chủ quan nhưng liệu chỉ có báo cáo khi bị trang tin nước ngoài phanh phui làm cho mọi chuyện đổ bể?

    Cơ quan chủ quản, tổ chức đảng trực tiếp và ban tổ chức quốc hội sẽ xử vụ này ra sao? Hay lại chỉ bãi nhiệm chức Đại Biểu Quốc Hội của ông Phạm Phú Quốc như đã từng làm với bà Nguyệt Hường, người có quốc tịch Malta, trước đây và rồi mọi chuyện lại xí xoá cho qua?

    Ai sẽ là người rà soát lại những đảng viên có song tịch bằng các đầu tư để tránh vết nhơ đảng viên lại bỏ nước ra đi để tìm chỗ hạ cánh an toàn sau khi đã vơ vét nặng túi?


    https://vietnamthoibao

    Không có nhận xét nào