Header Ads

  • Breaking News

    Song Chi - Từ câu nói “ký sinh trùng” nghĩ về những phận đời sống “bên lề”

    Dư luận mấy hôm nay đã phản ứng nhiều về việc biên tập viên Nguyễn Anh Quang của VTV1 dùng từ "sống ký sinh trùng" để nói về những gánh hàng rong trong bản tin tài chính phát sóng ngày 17.8.

    Nguyên văn câu biên tập viên Anh Quang nói: "Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay chủ yếu là phục vụ khách nước ngoài tại TP HCM trở nên tiêu điều. Khi những con phố không còn sức sống thì những gánh hàng rong - vốn được xem là sống ký sinh trùng lên trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?"

    Trước sự phản ứng giận dữ của dư luận, biên tập viên này sau đó đã xin lỗi trên facebook cá nhân và nói rằng do mình “nói nhịu” từ “ký sinh” thành “ký sinh trùng”. Thật ra cả hai đều nói về tên gọi, hoặc cách thức mà một loài vật sống bám, sống gửi trên cơ thể sinh vật khác, lấy chất dinh dưỡng từ các sinh vật đó để sống. Nói như vậy vừa sai vì những người bán hàng rong tự lực mưu sinh trên đường phố, không sống bám vào ai, vừa có ý miệt thị, khinh thường họ. Nhất là khi đài truyền hình VTV lại tránh né để cho phóng viên chịu “đòn” mà không chính thức xin lỗi nhân dân.

    Từ đó nhiều người khui lại những sai phạm của đài truyền hình VTV, ví dụ bên dưới video đăng tải đoạn phát ngôn trên ở youtube có một ý kiến của một người tên Huy Tran (hiện video này đã bị xóa):

    "đúng là đài VTV - Vua Tin Vịt, hồi trước thì vu khống nông dân người ta dùng chổi chà quét rau, bây giờ thì nó rủa người bán hàng rong là ký sinh trùng, xúc phạm nghề giáo trong phim "Nhặt xương cho thầy", thậm chí kỳ thị luôn mấy đứa nhỏ bị tự kỷ trong cái game "Bố ơi mình đi đâu thế", lấy chiếc khăn của đồng bào dân tộc Thái để đóng khố, biểu diễn trên sân khấu trong X-Factor, dàn dựng nạn phá rừng tại Đắc Lắk, trong 1 bản tin thế giới thì đưa nhầm logo của Qũy Tiền Tệ Quốc Tế IMF thành International Mother Fucker. Những thằng những con Biên Tập Viên của cái đài này thực chất cũng chỉ là cái đám bưng bô, bợ đít, nâng bi cho cái đảng, làm nhiệm vụ tẩy não nhân dân, chúng hoang tưởng mình đang làm nhà bảo tồn văn hóa truyền thống, làm nhà đạo đức học nên muốn nói gì nói, muốn làm má thiên hạ cũng được, miệng chúng kêu gọi bình đẳng, công bằng rồi chính miệng chúng nó phân biệt giai cấp ra thẳng mặt luôn."

    Có người thì đặt ra câu hỏi thật ra ai mới đang sống bám vào ai, rằng chính đảng và nhà nước cộng sản mới đang sống bám trên lưng 95, 96 triệu người dân VN. Có người lại nhắc đến cái văn hóa “ít khi chịu cám ơn hoặc xin lỗi” của người Việt, so với nhiều dân tại nhiều quốc gia văn minh, phát triển khác. Nhà thơ Trần Tiến Dũng thì giận dữ nói đến chính sách phân biệt tinh vi giữa miền Nam, miền Bắc lâu nay:

    “Cái thằng ở đài VTV gọi dân mua gánh bán bưng Sài Gòn là: Ký sinh trùng, nó tên gì hả? Mà cũng không cần biết tên nó, vì đâu chỉ mình nó, cả đài VTV, cả bầy dân mới phất ngoài đó cũng coi khinh dân nghèo Sài Gòn- Miền Nam! Chúng nó mắng dân nghèo miền Nam nói chung là ký sinh trùng, đó là giây phút nói thật điều chúng thường trực có trong ý nghĩ của chúng.

    Đảng của chúng, chế độ của chúng, chiến thắng của chúng, tài nguyên quốc gia trong tay chúng, nhà tù, pháp trường của chúng...Cái thời nằm hầm, ở rừng mở mồm đường mật: gọi má xưng con, để có cái ăn, còn đường sống mà đoạt chính quyền qua rồi.

    Nhìn lại đi (cả mấy ông bà cộng sản miền Nam) hơn 45 năm qua người miền Nam có không gian hòa bình bằng thân phận gì? Không cần phải đưa dẫn chứng thêm nữa về suy kém hạ tầng xã hội- dân sinh hay bị vơ vét lạm thu thuế... chỉ cần dẫn một câu của ông Trọng: "Tổng bí thư phải là người miền Bắc có lý luận". là đủ rõ, chúng chẳng những coi thường, coi khinh và đặt luật miệng xác định người phương Nam kể cả người theo chúng là dân hạng hai…”

    Tất cả những phản ứng đó có thể hiểu được. Còn nói như bài báo “Biên tập viên VTV đã xin lỗi, tại sao dân mạng cứ phải 'đánh người chạy lại' đến toác đầu mẻ trán mới hả lòng?” (Tin tức online): “Phải chăng vì đang dịch bệnh nên một bộ phận dân mạng hơi rảnh và cần chỗ xả stress?", hoặc bảo những người chửi mắng kia là “Đu fame' để câu like, câu tương tác” là không đúng, vì như đã nói ở trên, những người chịu trách nhiệm cao nhất từ Trưởng Ban Biên tập cho đến Giám đốc Đài vẫn chưa chính thức xin lỗi.

    Báo chí truyền thông là để phục vụ nhân dân mà đi miệt thị nhân dân, những người đã đóng thuế vào ngân sách nhà nước để nhà nước trả lương cho mình, rồi khi làm sai thì những người chịu trách nhiệm cao nhất lại né thì dư luận phản ứng là phải.

    Bài viết này không nhằm nhắc lại những chuyện đó, mà nói đến những chuyện khác.

    Từ bài viết trên VOA “VTV gọi người bán rong là ‘ký sinh trùng’, cộng đồng mạng phẫn nộ”, chợt giựt mình nhận ra số người sống bằng những nghề nghiệp tự do, buôn gánh bán bưng, mưu sinh trên vỉa hè, lề đường, đường phố…tại VN quá nhiều. “Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO hồi năm 2016 cho hay số người lao động phi chính thức, trong đó có một tỷ lệ lớn là người bán rong, lên đến trên 18 triệu người trong tổng dân số hơn 90 triệu của Việt Nam”.

    Tại các thành phố, tỉnh lỵ lớn nhỏ ở VN, từ trong hẻm/ngõ ra tới đường cái, ở đâu mà chúng ta chẳng nhìn thấy hình ảnh những con người đang sống nhờ vào cái vỉa hè, cho tới đường phố? Có bao nhiêu nghề nghiệp khác nhau, từ việc ngồi một chỗ, đặt một cái thúng xôi, một xe bánh mì, một cái tủ sửa đồng hồ, điện thoại, sửa giày, làm khóa, khắc tên trên bút…cho tới lang thang đi bán từng xấp vé số, hàng rong, chè cháo, đậu hũ, hủ tiếu gõ…Đó thực sự là những cuộc sống “bên lề”-bên lề đường và bên lề của cái hệ thống nhà nước, vì tự mưu sinh, lời lỗ tự chịu.

    Ở một cái quốc gia có cái tên là một nước “xã hội chủ nghĩa” như VN nhưng lại không có hệ thống an sinh xã hội để lo cho trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành, người thất nghiệp, người bị tai nạn, người không có khả năng làm việc v.v…Ngay cả người già không phải ai cũng được lãnh tiền già và nếu có thì số tiền ấy cũng chả thấm vào đâu.

    Đối với số lượng đông đảo những con người phải sống nhờ vào cái vỉa hè hoặc đường phố đó, nhà nước này hoàn toàn không có bất cứ một chính sách hỗ trợ nào. Còn nhớ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, từ một vài bài báo nhắc đến đội ngũ bán vé số bị mất nguồn thu nhập vì giai đoạn “đóng cửa”, đời sống hết sức lao đao, thế là những người có lòng hảo tâm liền quyên góp giúp họ. Một số đại lý bán vé số cũng chia sẻ chút ít giúp họ qua những ngày khó khăn. Thật trớ trêu. Chính đội ngũ bán vé số ấy đã đóng góp vào cái ngân sách lãi “khủng” hàng tháng hàng năm của ngành bán vé số tại các địa phương cho tới trung ương, nhưng khi có đại dịch thì nhà nước chả hỗ trợ gì cho họ.

    Dân mình vốn có lòng thương người, “lá rách đùm lá nát” nên những “sáng kiến” “ATM gạo, “ATM thực phẩm miễn phí”…ra đời, với dòng chữ rất cảm động “Nếu khó khăn hãy nhận một phần, Nếu bạn ổn xin nhường người khác”.

    Còn nhà nước trước dư luận xôn xao nghe đâu cũng duyệt ra gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ VNĐ để hỗ trợ cho các thành phần dân chúng khác nhau… Riêng đội ngũ làm nghề tự do, bán hàng rong có bao nhiêu người được nhận trợ cấp, và nhận được bao nhiêu, không rõ. Nhưng họ cũng quen rồi, không tán thán. Họ không hề biết rằng ở các nước khác, từ Hoa Kỳ, châu Ậu, Bắc Âu, Úc, Canada…khi có đại dịch xảy ra, mọi thành phần trong xã hội đều được chính phủ trợ cấp, giúp người dân sống nhẹ nhàng qua những ngày dịch: người đi làm, người thất nghiệp, người lao động tự do, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn… Người nào đang mượn nợ ngân hàng thì ngân hàng cho phép hoãn 3 tháng không phải trả, các chủ cho thuê nhà, thuê đất kinh doanh thì giảm tiền thuê v.v…

    Trên khắp các nẻo đường VN, phía sau mỗi một con người đang làm những nghề lao động tự do, bán hàng rong, sống nhờ vào cái vỉa hè, đường phố đó là những câu chuyện đời buồn nhiều hơn vui, là cả một gia đình đang sống nhờ vào thu nhập nhỏ nhoi ấy.

    Là những con người từ miền Trung miền Bắc dắt díu nhau vào Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Nẵng…thuê nhà chung với nhau cho đỡ tốn kém, rồi đẩy một chiếc xe mì gõ, một gánh bắp xào, đậu hũ…ra đường dãi nắng dầm mưa tiết kiệm từng đồng gửi về quê nuôi cha mẹ già, con thơ. Là một người mẹ đã già, trên 70 nhưng vẫn phải đi bán vé số nuôi con nuôi cháu bị tâm thần, thiểu năng. Là người mẹ gánh theo con giữa trời nắng chang chang đi bán nuôi những đứa con khác ở nhà. Là người chồng sức khỏe hao mòn cõng thêm vợ tàn tật trên lưng ra đường kiếm thêm chút cháo. Là người lính thương phế binh VNCH cụt hết hai chân ngồi vá xe đầu đường, thỉnh thoảng cầm cây đàn hát thêm mua vui v.v….

    Tôi đã từng bao nhiêu năm đi ăn bao nhiêu món hàng rong từ Nam ra Bắc, nghe không biết bao nhiêu câu chuyện đời khác nhau của những người nghèo sống “bên lề” ấy.

    Không phải vô cớ mà dư luận phẫn nộ khi so sánh những con người lương thiện, không làm hại ai đó với những quan chức to nhỏ có cuộc sống hết sức giàu có, xa hoa, nhưng làm ăn hoang phí, tham nhũng, vung tiền ngân sách như vung mớ giấy vụn qua cửa sổ, làm nghèo đất nước, làm hại cho dân không biết bao nhiêu mà kể. Có đặt những bức tranh tương phản đó bên cạnh nhau mới thấy cái giá máu xương phải trả để có được sự thống nhất ngày hôm nay là quá đắt và là một sự mỉa mai cay đắng!

    Mặt khác, nhìn vào đội ngũ những người lao động tự do, buôn gánh bán bưng…ở VN, để thấy thực chất “sức mạnh của nền kinh tế” VN. Những nước giàu thường không có nhiều người phải ra đường sống. Họ có việc, mà nếu họ không có việc thì họ có thể xin trợ cấp nhà nước đề sống tạm trong thời gian tìm việc. Vẫn có những người bán thức ăn đường phố nhưng không nhiều và trở thành một thứ văn hóa, tô điểm thêm cho thành phố, chứ không phải hàng chục triệu người phải sống bám vào đó như ở VN.

    Có hai nguồn thu nhập không hề nhỏ trong nền kinh tế VN, đó là đội ngũ những người làm nghề tự do, buôn gánh bán bưng và những cơ sở kinh doanh nhỏ. Nhà nước VN từ trước tới nay thường chỉ nghĩ tới việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp tập đoàn nhà nước, cho cán bộ công nhân viên đi làm.,.còn hai thành phần này hoàn toàn không được quan tâm gì.

    Giữa những giai đoạn khó khăn như đại dịch này, chính họ, không chỉ cần được hỗ trợ mà ngược lại, nếu họ tồn tại và kiếm sống được, thỉ kinh tế VN cũng có cơ phục hồi.

    https://www.rfavietnam.com/node/6438

    Không có nhận xét nào