Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 29 tháng 9 năm 2020

     Vài nét về cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên giữa Donald Trump và Joe Biden

    Cuộc tranh luận tổng tuyển cử đầu tiên giữa Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ diễn ra vào 21h tối 29/9 (tức 8h sáng thứ Tư ngày 30/9 giờ Việt Nam).

    Một số chi tiết trong cuộc tranh luận đã được tiết lộ. Năm nay do nguyên nhân dịch bệnh, hai ứng viên sẽ không bắt tay nhau và không bắt tay người điều hành, một truyền thống tồn tại lâu đời. Hai ứng viên tổng thống cũng không cần phải đeo khẩu trang khi tranh luận trên sân khấu, theo Secret China.

    Cuộc tranh luận đầu tiên sẽ bắt đầu tại thành phố Cleveland, vùng đông bắc Ohio. Địa điểm cụ thể là trường đại học Case Western Reserve, một trong những trường đại học tư thục hàng đầu tại Hoa Kỳ. Người chủ trì cuộc tranh luận là Chris Wallace, một trong những người dẫn chương trình tên tuổi trên đài Fox News.

    Ủy ban tranh luận tổng thổng (CPD) này bao gồm các thành viên của hai đảng, và họ đã đồng tổ chức và cử hành các cuộc tranh luận tổng thống được hơn 30 năm. Đây là lần đầu tiên truyền thống bắt tay bị hủy bỏ, ngoài ra CPD cũng thông báo hai ứng cử viên Tổng thống sẽ không đeo khẩu trang khi lên sân khấu.

    Ông Peter Eyre, cố vấn của CPD nói với báo giới: “Khi bước lên sân khấu, Tổng thống Trump sẽ đứng ở bục phát biểu phía bên phải sân khấu theo hướng nhìn về phía khán giả, và cựu Phó Tổng thống Biden sẽ đứng ở bục phát biểu phía bên trái”.

    Cả ông Trump và ông Biden sẽ đứng trong suốt quá trình tranh luận, trong khi người điều hành Wallace sẽ ngồi ở bàn đối diện với hai ứng viên.

    Sẽ có một số lượng nhỏ khách mời được nhận vé vào trong hội trường tranh luận, cùng với sự có mặt của các nhân viên phục vụ tranh luận, các phóng viên, nhà báo, biên tập viên thời sự, bao gồm biên tập viên thời sự của Fox News.

    Cố vấn cấp cao của CPD Peter Eyre cho biết: “Mọi người trong hội trường tranh luận phải tuân thủ các quy trình an toàn và sức khỏe, bao gồm xét nghiệm Covid-19”.

    Toàn bộ cuộc tranh luận sẽ kéo dài 90 phút, được chia thành 6 chủ đề, mỗi chủ đề dài 15 phút, trong quá trình tranh luận, không có giờ nghỉ giữa giờ và không có thời gian để hai ứng viên Tổng thống phát biểu khai mạc.

    Các chủ đề của cuộc tranh luận được ông Chris Wallace lựa chọn và được CPD công bố vào tuần trước. Đây là những vấn đề trọng đại đã làm chấn động nước Mỹ trong năm nay. Sáu chủ đề này bao gồm:

    1. Cuộc chiến đề cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện

    2. Đại dịch tồi tệ nhất càn quét toàn cầu trong một thế kỷ qua.

    3. Nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.

    4. Biểu tình và bạo lực nổ ra ở các thành phố trên khắp nước Mỹ.

    5. Tính công bằng của cuộc bầu cử.

    6. Thành tích của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

    Ông Peter Eyre nói: “Người dẫn chương trình Chris Wallace sẽ hỏi Tổng thống Trump câu hỏi đầu tiên”.

    Mỗi ứng viên Tổng thống có hai phút để trả lời các câu hỏi của người dẫn chương trình. Sau đó, hai ứng viên cũng có cơ hội đối đáp với nhau.

    Ông Peter Eyre nói thêm: “Người dẫn chương trình sẽ sử dụng thời gian trong buổi tranh luận để thảo luận sâu hơn về những vấn đề này. Như tiền lệ, người dẫn chương trình sẽ tự chọn câu hỏi, hai ứng viên, hai nhóm chiến dịch hoặc ủy ban tranh luận sẽ không biết câu hỏi đó. Người dẫn chương trình sẽ có quyền mở rộng chủ đề thảo luận và đảm bảo hai ứng viên có khoản thời gian tranh luận tương đương”.

    Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Chris Wallace từng chủ trì cuộc tranh luận thứ 3 và cũng là cuối cùng giữa Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton.

    Hôm Chủ nhật (27/9), ông Wallace tuyên bố trên Fox News rằng, ông sẽ cố gắng khiến bản thân trở nên vô hình nhất có thể, đồng thời đảm bảo hai ứng viên Tổng thống tập trung vào thảo luận các chủ đề chính, và để mọi người xem các cuộc tranh luận trên TV ở nhà biết được tại sao họ nên bầu cho người này thay vì người kia.

    Trước thềm cuộc tranh luận tổng thống Mỹ lần thứ nhất

    Tổng thống Donald Trump kỳ vọng cuộc tranh luận trên truyền hình vào tối nay với Joe Biden, đối thủ của ông từ đảng Dân chủ, sẽ giúp ông lật ngược tình thế. Thăm dò cho thấy ông đang ở mức 43%, so với 50% số phiếu của Biden. Chi tiết về các khoản thanh toán thuế thu nhập liên bang thấp của Trump, được công bố trên New York Times, có thể còn làm ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của ông hơn nữa. Nhưng lịch sử cho thấy các cuộc tranh luận hiếm khi tạo ra khác biệt.

    Theo phân tích của The Economist, kể từ năm 1976, mức thay đổi trung bình trong các cuộc thăm dò của đảng đương nhiệm từ hai tuần trước cuộc tranh luận đầu đến hai tuần sau cuộc tranh luận cuối là 0%. Kể từ năm 1960, vị trí dẫn đầu chỉ thay đổi một lần trong mùa tranh luận, vào năm 2000, khi George W. Bush vượt qua Al Gore một thời gian ngắn. Điều này cho thấy tình hình có thể bị thay đổi. Để làm được như vậy, ông Trump phải thuyết phục được các cử tri rằng ông có thể làm tốt hơn trong nhiệm kỳ hai. Vấn đề là nhiều cử tri đã quyết định rồi.

    Tổng thống Trump lại được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 2021


    Một nhóm gồm 4 giáo sư luật người Úc đã đề cử Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho giải Nobel Hòa bình năm 2021.

    The Epoch Times đưa tin, hôm 28/9, một trong 4 vị giáo sư là ông David Flint cho biết, nhóm đề cử Ông chủ toà Bạch Ốc vì “học thuyết Trump”, tức cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của vị đương kim Tổng thống Mỹ.

    “’Học thuyết Trump’ quá phi thường, tương tự như rất nhiều điều ông Donald Trump đã làm; ông ấy tuân theo 2 yếu tố dường như không có ở rất nhiều chính trị gia. Trước hết, ông ấy hiểu lẽ thường tình. Và ông ấy làm việc là lấy lợi ích quốc gia làm trọng tâm, do đó trong hoàn cảnh của chúng ta, điều này cũng thúc đẩy lợi ích trong liên minh các nước phương Tây”, giáo sư Flint nói trong một buổi phát sóng trực tuyến trên Sky News.

    “Với ‘học thuyết Trump’, ông ấy đã quyết định rằng nước Mỹ sẽ không tiếp tục tham gia vào các cuộc chiến tranh bất tận – những cuộc chiến không đạt được gì ngoài việc khiến hàng nghìn người Mỹ trẻ tuổi phải ngã xuống trong khi đất nước phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ, trong khi không giải quyết được vấn đề gì tại các quốc gia mà Mỹ tham chiến. Vì vậy, ông Trump đang muốn giảm xu hướng việc Mỹ tham chiến tại bất cứ đâu”.

    Ông Flint cũng chỉ ra cách tiếp cận không chính thống, nhưng hiệu quả và thiết thựcc của ông Trump đối với tình trạng bế tắc ở khu vực Trung Đông, nơi hầu hết các quốc gia từ chối lên bàn đàm phán với Israel.

    Một số nước Ả Rập, trong đó có Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Israel trong tháng này. Các bên đều ghi nhận công lao của ông Trump với vai trò trung gian trong các thỏa thuận.

    Những gì Donald Trump làm đi ngược lại mọi lời khuyên, nhưng ông ấy đã làm điều đó với lẽ thường tình, ông ấy đã đàm phán trực tiếp với các quốc gia Ả Rập liên quan và Israel, rồi đưa họ xích lại gần nhau. Và nhiều nước khác nhiều khả năng sẽ theo gót thỏa thuận này, trong đó bao gồm các nước Ả Rập và Trung Đông từ đó kiến tạo một mạng lưới hòa bình thống trị tại khu vực”, ông Flint nói.

    Giáo sư Flint cũng đề cập tới cách ông Trump đã “làm dịu căng thẳng liên quan đến Triều Tiên”, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và thỏa thuận khí hậu Paris như những lý do để đề cử Tổng thống Trump cho giải Nobel Hòa Bình.

    Trước đó, hôm 9/9 Tổng thống Trump được nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2021, vài tuần sau khi ông làm trung gian đàm phán giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sau đó, một nghị sĩ Thụy Điển hôm 11/9 đề cử chính quyền của Tổng thống Trump, chính phủ Kosovo và Serbia cho giải Nobel Hòa bình 2021 về hợp tác kinh tế và đàm phán thương mại.

    Nền kinh tế tồi tệ của Nam Phi


    Ngay cả trước covid-19, Nam Phi đã trải qua cuộc suy thoái lần thứ hai trong hai năm. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức trên 20% trong suốt hơn 20 năm, và giờ còn tệ hơn. Hôm nay, Nam Phi dự kiến báo cáo tỷ lệ thất nghiệp khoảng 34%. Khoảng 3 triệu người được cho là đã mất việc làm giữa covid-19 và phong tỏa. Khoảng 2 triệu trong số này là phụ nữ. Những người lao động chân tay cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

    OECD ước tính trong năm nay kinh tế Nam Phi sẽ giảm 11,5%, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác mà tổ chức này thực hiện dự báo. Năm tới, họ cho rằng GDP sẽ chỉ tăng 1,5%. Trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động gia tăng, bấy nhiêu có thể không đủ để ngăn thất nghiệp tiếp tục tăng. Trong khi đó, kế hoạch cải cách cơ cấu của bộ trưởng tài chính nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng lại sa vào một vũng lầy chính trị.

    New York loay hoay mở lại trường học


    Các trường công lập của Thành phố New York hôm nay mở cửa trở lại. Sau khi đã hoãn mở lại hai lần — và sau khi công đoàn giáo viên đe dọa hành động pháp lý và đình công — thị trưởng Bill de Blasio thông báo 1,1 triệu học sinh trường công lập của thành phố sẽ được quay lại lớp học. Gần một nửa số trường đã chọn tiếp tục hình thức học từ xa áp dụng từ trong phong tỏa, trong khi 54% còn lại sẽ kết hợp giữa học từ xa và học trên lớp, đồng nghĩa phải có thêm giáo viên.

    Thị trưởng dường như đã đánh giá thấp mức độ khó khăn của việc mở lại trường học trong bối cảnh đại dịch và thiếu hụt 11.900 giáo viên. Quản lý quá trình trở lại lớp học trên một đơn vị hành chính rộng lớn và đa dạng như vậy chắc chắn là khó khăn, nhưng giáo viên, hiệu trưởng và phụ huynh đã phàn nàn về sự thiếu chuẩn bị và thông báo hỗn loạn từ Sở Giáo dục thành phố. Học sinh vẫn chưa trở lại bàn học (và laptop), trong khi đã có 100 trường ghi nhận ít nhất một ca covid-19, trong đó có 65 giáo viên.

    Tình hình ngành bán lẻ của Anh


    Bất kỳ ai mong đợi phục hồi “hình chữ V” từ cuộc suy thoái coronavirus ở Anh có thể nhìn sang dữ liệu doanh số bán lẻ. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), các con số cao hơn 4% trong tháng 8 so với tháng 2 (tháng cuối cùng không bị đại dịch ảnh hưởng). Nhưng số liệu bán hàng thô không phải là toàn bộ câu chuyện. Hôm nay, British Retail Consortium, cơ quan thương mại của ngành, sẽ công bố một bản cập nhật trên phạm vi rộng hơn, và kém lạc quan hơn.

    ONS cho biết chi tiêu trực tuyến hiện chiếm khoảng một phần tư tổng doanh số bán hàng, tăng từ khoảng một phần năm trước phong tỏa. Các dịch vụ như nhà hàng và tiệm cắt tóc đã chứng kiến mức hồi phục nhu cầu nhỏ. Cho đến nay, hơn 125.000 việc làm ngành bán lẻ đã bị mất và hơn 13.000 cửa hàng phải đóng cửa. Với việc thắt chặt giãn cách xã hội, sẽ còn nhiều tin xấu hơn chờ đợi các chủ shop.

    Đức và làn sóng covid-19 thứ hai


    So với các điểm nóng coronavirus như Pháp hoặc Tây Ban Nha, làn sóng thứ hai của Đức có vẻ vừa phải: các ca bệnh mới được xác nhận vào khoảng 1.500 ca mỗi ngày. Các trung tâm y tế phi tập trung thực hiện tốt công việc theo dõi tiếp xúc và việc đeo khẩu trang hiện là tiêu chuẩn. Song số ca nhiễm vẫn đang tăng dần, đặc biệt là ở các thành phố như Berlin và Hamburg. Điều này khiến Thủ tướng Angela Merkel lo lắng. Bà chiều nay sẽ chủ trì một cuộc họp với thủ hiến 16 bang của Đức (những người chịu trách nhiệm chính về các biện pháp ngăn ngừa).

    Như mọi khi, mỗi người một ý: Markus Söder, thủ hiến Bavaria, muốn giới thiệu một hệ thống “đèn giao thông” quốc gia, theo đó các khu vực bị ảnh hưởng nặng có nghĩa vụ thắt chặt các hạn chế, nhưng một số lãnh đạo của các bang miền đông tương đối ít bị thiệt hại thì phản đối những đề xuất như vậy. Trong khi đó, bà Merkel có những ưu tiên rõ ràng hơn: giữ nền kinh tế ổn định và trường học mở cửa. Các sự kiện công cộng lớn như các trận đấu bóng đá nằm ở cuối danh sách của bà. Sẽ có một cuộc thảo luận sôi nổi.

    Nỗ lực mở lại kinh tế, Mỹ sắp phát 150 triệu bộ xét nghiệm COVID nhanh
     
    Tổng thống Donald Trump ngày 28/9 loan báo chính phủ liên bang Mỹ sẽ gửi 150 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID tới các tiểu bang để mở lại trường học và bảo đảm an toàn cho các trung tâm chăm sóc người cao niên.

    “Việc này sẽ hơn gấp đôi số xét nghiệm đã làm,” ông nói khi loan báo kế hoạch tại Vườn Hồng Toà Bạch Ốc.

    Tổng thống cho biết 50 triệu bộ xét nghiệm sẽ được đưa tới ‘các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất’ trong đó có các viện dưỡng lão và các trung tâm chăm sóc sức khoẻ cho người cao niên.

    Vẫn theo lời ông, 100 triệu bộ xét nghiệm còn lại sẽ được giao cho các tiểu bang và lãnh thổ của Mỹ để ‘hỗ trợ nỗ lực mở lại nền kinh tế và trường học lập tức và nhanh nhất có thể.’

    Bộ xét nghiệm nhanh do hãng Abbott sản xuất cho kết quả t rong vòng 15 phút.


    Quan chức Hàn Quốc: Triều Tiên đã thiêu thi thể người bị bắn

    Yonhap đưa tin, lãnh đạo đảng đối lập Hàn Quốc hôm nay khẳng định Triều Tiên đã ra lệnh hỏa thiêu thi thể của quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc bị bắn.

    “Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác minh qua thông tin tình báo đặc biệt rằng Triều Tiên đã ra lệnh cho các quan chức của họ tẩm xăng và hỏa thiêu thi thể”, lãnh đạo đảng đối lập Quyền lực Nhân dân (PPP) Joo Ho-young cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài Hàn Quốc YTN, đề cập vụ một quan chức Bộ Đại dương và Nghề cá nước này bị lính Triều Tiên bắn chết ở vùng hải giới.

    “Đó không phải những gì Bộ Quốc phòng tự đánh giá, mà là thông tin họ nghe được chính xác thông qua tình báo đặc biệt”, ông Joo nhấn mạnh.

    Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/9 nói rằng một quan chức 47 tuổi thuộc Bộ Đại dương và Ngư nghiệp mất tích khỏi con tàu 499 tấn trưa 21/9 khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Sau đó, Seoul hôm 25/9 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xin lỗi về vụ việc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố các binh sĩ chỉ đốt những vật liệu trôi nổi gần người đàn ông, không thiêu xác người này.

    Tổng thống Philippines bất bình với Facebook

    Reuters cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 28/9 nói rằng Facebook cần xem lại mục đích hoạt động ở Philippines khi không giúp chính phủ nước này làm điều có ích cho dân.

    “Nghe này Facebook, chúng tôi cho phép các ông hoạt động ở đây với hy vọng các ông có thể giúp chúng tôi. Nhưng giờ đây, khi chính phủ không thể tán thành hay ủng hộ điều gì đó vì lợi ích của người dân, thì mục đích của các ông tới đất nước tôi là gì?”, ông Duterte phát biểu trên truyền hình hôm 28/9.

    Tuyên bố trên được ông Duterte đưa ra sau khi Facebook hôm 22/9 thông báo xóa một loạt tài khoản ảo, trong đó có các tài khoản từ Philippines, được cho là chuyên chia sẻ nội dung ủng hộ Tổng thống và những lời chỉ trích nhắm vào nhóm vũ trang chống chính phủ Quân đội Quốc gia Mới (NPA).

    Facebook cho rằng một số tài khoản ảo này có liên quan tới quân đội và cảnh sát Philippines, tuy nhiên, họ đều phủ nhận.

    Mỹ giam giữ người Canada gửi thư chứa chất độc cho Tổng thống Trump

    Reuters đưa tin, ngày 28/9, H. Kenneth Schroeder Jr., một thẩm phán liên bang Mỹ ở Buffalo, New York ra lệnh giam giữ Pascale Cecile Veronique Ferrier, 53 tuổi, một cư dân của tỉnh Quebec, Canada. Người phụ nữ bị bắt vì tình nghi gửi bức thư chứa chất độc ricin cho Tổng thống Donald Trump.

    Kenneth Schroeder cho biết ông đã xem xét bằng chứng của chính phủ cho thấy Ferrier đã mang gần 300 viên đạn vào thời điểm bà bị bắt khi cố gắng nhập cảnh vào Mỹ hồi đầu tháng, cũng như dấu vết của ricin được tìm thấy tại nhà của Ferrier ở Quebec.

    Veronique Ferrier sẽ được áp giải đến Washington, DC, nơi bà bị truy tố.

    Bộ trưởng Quốc phòng: Không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sắp gây chiến với Đài Loan

    Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Yen De-fa hôm nay nói trước nghị viện: “ĐCSTQ vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích chống lại Đài Loan, nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng phát động một cuộc chiến toàn diện”.

    Ông Yen cho biết thêm, một trong những dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra là quân đội từ các vùng đất liền của Trung Quốc bắt đầu đổ bộ dọc theo phía đông, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó đang xảy ra.

    Theo Bộ trưởng Quốc phòng Yen De-fa, các lực lượng của Đài Loan đang duy trì tinh thần chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong thời bình và chưa tăng cường mức độ cảnh giác. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và nền dân chủ của hòn đảo.

    Thủ tướng Su Tseng-chang cũng phát biểu trước nghị viện, cảnh báo những kẻ tấn công sẽ phải trả giá đắt vì người dân Đài Loan kiên trì bảo vệ bản thân và lãnh thổ của họ.

    Thị trưởng Romania tái đắc cử nhiệm kỳ 3 dù đã qua đời


    AP đưa tin, thị trấn Deveselu ở Romania hôm 28/9 đã công bố kết quả bầu cử với phần thắng thuộc về thị trưởng Ion Aliman, 57 tuổi. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 của ông Aliman. Tuy nhiên, điều đặc biệt là ông Aliman đã qua đời 2 tuần trước đó vì biến chứng của viêm phổi Vũ Hán.

    Nhiều người dân sau đó đã ra thăm mộ và thắp nến tưởng niệm ông Aliman. Một người đàn ông nói: “Đây là chiến thắng của ông. Chúng tôi biết ông sẽ tự hào về chúng tôi. Hãy yên nghỉ nhé. Ông là thị trưởng đích thực của chúng tôi”.

    Ông Aliman, một cựu quan chức hải quân, qua đời hôm 17/9 tại một bệnh viện ở Bucharest. Tên của ông đã được in trên phiếu bầu cử và không thể xóa đi. Một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.



    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào