Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 31 tháng 8 năm 2020

    Sức mạnh quân sự Mỹ-Nhật-Đài gấp 30 lần Trung Quốc

    Trong một cuộc phỏng vấn với Liberty Times, cựu quan chức của Quốc dân đảng (KMT) Đài Loan Lưu Thái Anh nói rằng khả năng quân sự của Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan cộng lại mạnh hơn 30 lần so với Trung Quốc, và cho biết thêm quân đội Trung Quốc chỉ có 40 đầu đạn hạt nhân chứ không nhiều như các báo cáo, Taiwan News đưa tin tối Chủ nhật (30/8).

    “Công nghệ vệ tinh tiên tiến và máy bay không người lái dùng trong quân sự của Mỹ đã được triển khai để khảo sát khu vực tranh chấp [Trung-Đài], vì vậy bất kỳ tên lửa nào từ Trung Quốc sẽ bị đánh chặn bởi tên lửa Patriot Advanced Capability-3 của Đài Loan và Nhật Bản trước khi vươn tới mục tiêu”, ông Lưu nói.

    Ông Lưu cũng đưa ra nhận định rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán, lũ lụt lớn và khủng hoảng kinh tế do chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ gây ra đang làm lung lay quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông đánh giá, với khả năng quân sự không mấy ấn tượng của Trung Quốc, sẽ là thực sự không khôn ngoan nếu Bắc Kinh bắt đầu một cuộc chiến với Hoa Kỳ.

    Bản cập nhật kiểm kê đầu đạn hạt nhân toàn cầu do Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố vào tháng Tư ước tính rằng Mỹ có khoảng 5.800 đầu đạn hạt nhân và bom, Nga có 6.372, Pháp có 290 và Trung Quốc có 320.

    Ông Lưu từng là quan chức tài chính trong chính phủ cố tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy những năm 1990, ông được biết đến như một người kiến tạo các mối quan hệ xuyên eo biển. Tuy nhiên mối quan hệ của ông với Bắc Kinh trở nên xấu đi sau khi ông Lý có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ. Một kỳ tích ngoại giao được cho là có đóng góp lớn của ông Lưu.

    Belarus: Bất chấp đe dọa, biểu tình lớn vẫn tiếp tục

    Hôm Chủ nhật (30/8), bất chấp đe dọa đàn áp, hàng chục nghìn người biểu tình ở Belarus đã tuần hành qua trung tâm của Thủ đô Minsk để một lần nữa lên tiếng yêu cầu tổng thống Alexander Lukashenko từ chức, The Guardian đưa tin.

    Hàng loạt cảnh sát chống bạo động đã phong tỏa các lối vào Quảng trường Độc lập nơi diễn ra cuộc biểu tình. Các nhân chứng thấy xe cảnh sát, xe buýt chở quân đội và vòi rồng được triển khai khắp thành phố.

    Tuy nhiên, việc lực lượng an ninh hiện diện dày đặc không ngăn cản được dòng người biểu tình, với số lượng ước tính hơn 100.000 người đã tập trung về trung tâm Minsk. Các thị trấn và thành phố khác ở Belarus người dân cũng tổ chức các cuộc tuần hành phản đối ông Lukashenko.

    Nhật: Xác định 3 ứng viên thay thế Thủ tướng Abe

    Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ tham gia cuộc đua tới vị trí thủ tướng sau khi ông Shinzo Abe rời khỏi vai trò này vì lý do sức khỏe, truyền thông Nhật cho biết thông tin hôm Chủ nhật (30/8), theo Reuters.

    Thông tin nay được hãng tin Kyodo trích nguồn tin giấu tên cho biết, nguồn tin này đánh giá rằng ông Suga là ứng viên giàu tiềm năng nhất.

    Ngoài ông Suga, đã có những ứng cử viên khác được xác định là sẽ tham gia cuộc đua kế nhiệm ông Abe, bao gồm cựu ngoại trưởng Fumio Kishida và cựu bộ trưởng quốc phòng Shigeru Ishiba.

    Pháp: Sĩ quan quân đội bị nghi làm gián điệp cho Nga

    Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly, thông báo rằng chính phủ Pháp đang điều tra một sĩ quan quân đội cấp cao vì “vi phạm an ninh” quốc gia, sau khi có nghi vấn rằng người này làm gián điệp cho Nga, theo bản tin hôm Chủ nhật (30/8) của The Guardian.

    “Điều tôi có thể xác nhận là một sĩ quan cấp cao đang phải đối mặt với các thủ tục pháp lý vì vi phạm an ninh”, bà Parly nói, và từ chối tiết lộ thêm thông tin.

    Viên sĩ quan này là một trung tá làm nhiệm vụ trong lực lượng của khối NATO ở Ý, và được nhìn thấy tiếp xúc với một người đàn ông được xác định là đặc vụ của GRU, cơ quan tình báo quân đội Nga.

    Tây Ban Nha: Cháy rừng lớn, hơn 3000 người sơ tán

    Một trận cháy rừng ngoài tầm kiểm soát đang hoành hành ở vùng Andalusia, miền nam Tây Ban Nha, buộc hơn 3.100 người phải sơ tán, chính quyền sở tại cho biết thông tin hôm Chủ nhật, theo AP.

    Ngọn lửa bùng phát hôm thứ Năm tại vùng núi gần thị trấn Almonaster la Real, cách 75 dặm (hơn 100 km) về phía tây bắc của thành phố Seville, thuộc khu vực tây nam Tây Ban Nha. Khu vực chịu hỏa hoạn đã lan rộng khoảng gần 40 dặm vuông (xấp xỉ 60 km2).

    16 máy bay trực thăng và 8 máy bay khác đang giúp hơn 500 nhân viên công lực giải quyết vụ cháy. “Rất khó để nói khi nào đám cháy rừng sẽ được kiểm soát” vì điều kiện thời tiết đóng vai trò quan trọng, Juan Sanchez, thuộc Sở Cứu hỏa Rừng Andalusia, cho biết.

    ‘Chỉ số bí ẩn’ ở Trung Quốc cho thấy ông Trump có khả năng tái đắc cử rất cao

    Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, giữa Donald Trump và Joa Biden, ai có thể trở thành người chiến thắng. Các cuộc thăm dò khác nhau ở Hoa Kỳ thường tuyên bố rằng ông Biden đang dẫn trước, nhưng dữ liệu từ một “tổ chức bí ẩn” cho thấy ông Trump sẽ tái đắc cử.

    Tổ chức bí ẩn này không phải là Cục Tình báo Trung ương Mỹ, MI5 của Anh, KGB của Liên Xô, Cục Đặc nhiệm và Tình báo Israel hay Hội Triều Dương ở Bắc Kinh (những người đã tham gia phá nhiều vụ án lớn và quan trọng về lạm dụng ma túy của những người nổi tiếng ở Trung Quốc, Hội Triều Dương sau này được dùng để chỉ các gián điệp nằm vùng). “Tổ chức bí ẩn” có thể dự báo chiến thắng của ông Trump lại chính là từ Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, theo Secretchina.

    Ngay từ cuối năm 2019, các nhà sản xuất ở Nghĩa Ô, phía bên kia đại dương so với Hoa Kỳ đã nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng cho các sản phẩm ủng hộ ông Trump, bao gồm cờ cổ vũ, mũ, áo phông…

    Các cuộc thăm dò có thể không chính xác và các phương tiện truyền thông có thể nói dối, nhưng các đơn hàng hàng hóa của Nghĩa Ô là trung thực. Một nhà sản xuất ở Nghĩa Ô cho biết: “Khách hàng của tôi chỉ yêu cầu làm riêng sản phẩm về Trump, các ứng cử viên khác hầu như không có. Khả năng là ông Trump có được sự ủng hộ lớn”.

    Trung Quốc kêu gọi châu Âu đoàn kết chống lại


    Trung Quốc đã kêu gọi châu Âu cùng nhau đối đầu với “các lực lượng Mỹ cực đoan” đang thúc đẩy việc “đoạn tuyệt hoàn toàn với Trung Quốc” khi Washington cố gắng xây dựng một liên minh xuyên Đại Tây Dương chống lại Bắc Kinh.

    Hôm 30/8, phát biểu trước các khán giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, Ngoại trưởng Vương Nghị đã chỉ trích khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói rằng “chúng tôi không bao giờ nói về ‘Trung Quốc trên hết’”.

    “Hiện tại, quan hệ Trung – Mỹ đang ở trong tình trạng nghiêm trọng nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao bắt đầu … [với Mỹ] công khai ép buộc các nước khác chọn phe và cố gắng biến mối quan hệ Trung – Mỹ trở nên xung đột và đối đầu.”

    “Tại thời điểm quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, trên cơ sở chịu trách nhiệm về số phận chung của nhân loại, Trung Quốc và EU nên cùng nhau chống lại mọi xu hướng kích động thù hận và đối đầu,” ông Vương Nghị nói.

    Ngoại trưởng Trung Quốc đến Paris sau khi cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien đến thăm thành phố này một tháng trước đó để thông báo cho các quan chức châu Âu về chiến lược chung chống lại ảnh hưởng địa chính trị và công nghệ của Trung Quốc.

    Ông Tập: Cần xây ‘pháo đài bất khả xâm phạm’ tại Tây Tạng, khiến Phật giáo Tây Tạng phù hợp triết lý ĐCSTQ


    Điều quan trọng là phải khiến Phật giáo Tây Tạng phù hợp với triết lý của ĐCSTQ, đồng thời xây dựng một “pháo đài bất khả xâm phạm” để duy trì sự ổn định tại khu vực, ông Tập tuyên bố tại một diễn đàn hai ngày về quản trị tương lai Tây Tạng ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy (29/8), theo Hindustan Times.

    Ông Tập nói thêm rằng cần phải tăng cường phòng thủ và an ninh biên giới của Khu tự trị Tây Tạng (TAR), giáp Ấn Độ và Bhutan, đồng thời cho biết cần phải tăng cường giáo dục người dân Tây Tạng đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai.

    Bắc Kinh giành quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950, theo cách mà chính quyền Bắc Kinh mô tả là một “cuộc giải phóng hòa bình”, giúp khu vực Himalaya xóa bỏ quá khứ “phong kiến”.

    Tuy nhiên, các nhóm người Tây Tạng lưu vong, dẫn đầu bởi nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong Đạt Lai Lạt Ma và các nhóm nhân quyền cho rằng sự cai trị của Bắc Kinh tương đương với “sự diệt chủng văn hóa”.

    Giáo dục chính trị và tư tưởng cần được tăng cường trong các trường học ở Tây Tạng để “gieo mầm mống yêu nước trong sâu thẳm trái tim mọi thanh niên”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.

    Nghiên cứu: COVID hiếm gây bệnh nặng hay tử vong nơi trẻ em

    Trẻ em và người trẻ ít bị bệnh nặng vì COVID-19 hơn người lớn, và số trẻ em chết vì đại dịch này cũng rất hiếm, theo cuộc nghiên cứu ở Anh được công bố ngày 27/8.

    Cuộc nghiên cứu trên các bệnh nhân COVID điều trị tại 138 bệnh viện ở Anh cho thấy chưa tới 1% là trẻ em, và trong số này dưới 1% tử vong, tất cả đều đã bị bệnh nặng hay bị rối loạn về sức khỏe.

    “Chúng tôi có thể hầu như chắc chắn rằng COVID tự nó không gây hại cho trẻ em trên một mức độ đáng kể,” giáo sư Malcom Semple thuộc đại học Liverpool ở Anh, người đồng chỉ đạo cuộc nghiên cứu, cho biết.

    Ông nói thực sự là trẻ em nhiễm COVID bị nặng hay tử vong rất hiếm.

    Dữ liệu toàn cầu về sự lây lan của đại dịch virus corona cho thấy là trẻ em và người trẻ chỉ chiếm từ 1% đến 2% các ca COVID trên thế giới. Đại đa số các ca trẻ em nhiễm COVID thường nhẹ hay không có triệu chứng, ít ca tử vong được ghi nhận.

    Đối với cuộc nghiên cứu này, được đăng trên báo y học BMJ, toán của ông Semple xem xét dữ liệu từ 651 em bé và trẻ em dưới 19 tuổi nhập viện vì COVID trong giai đoạn từ 17/1 đến 3/7.

    Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em có thể có một chuỗi triệu chứng bao gồm đau cuống họng, buồn nôn, ói, đau vùng bụng, tiêu chảy, nổi ngứa cùng với những triệu chứng đã được biết của COVID-19 là sốt, khó thở và ho.

    Philippines nói yêu sách Biển Đông của Trung Quốc ‘chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ’

    Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết ‘đường chín đoạn’ mà Trung Quốc sử dụng để tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là bịa đặt, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh chiếm đóng trái phép lãnh thổ biển của Philippines. Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh bùng phát sau khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012 và leo thang trong thời gian gần đây, theo Republic World.

    Ngày 23/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Ông nói “các quyền lợi được cho là lịch sử” của Bắc Kinh đối với khu vực nằm trong đường chín đoạn không tồn tại “ngoại trừ trong trí tưởng tượng của họ”.

    “Ngư dân của chúng tôi hoạt động bên trong Vùng đặc quyền kinh tế EEZ, và cũng tương tự như vậy với việc tuần tra trong khu vực của tàu bè và máy bay của chúng tôi. Họ (Trung Quốc) là những người đã và đang thực hiện các hành động khiêu khích bằng cách chiếm đóng trái phép một số khu vực trong EEZ của chúng tôi. Do đó, họ không có quyền tuyên bố rằng họ đang thực thi luật pháp của họ”, ông nói với các phóng viên trong một tin nhắn.

    Vụ Jacob Blake: Ông Trump sẽ đến thăm Kenosha trong bối cảnh bất ổn do biểu tình

    Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến thăm thành phố ở Wisconsin, nơi đã chứng kiến ​​tình trạng bất ổn lan rộng kể từ khi một người đàn ông da đen bị một cảnh sát bắn vào lưng và bị thương nặng.

    Ông Trump sẽ đến Kenosha vào thứ Ba tới (1/9), Nhà Trắng cho biết.

    Tổng thống sẽ gặp gỡ các quan chức thực thi pháp luật và đánh giá thiệt hại từ các cuộc biểu tình gần đây.

    Jacob Blake đã bị liệt sau khi bị một sĩ quan bắn bảy phát và không rõ liệu anh ta có thể đi lại được hay không.

    Vụ nổ súng gây ra các cuộc biểu tình bạo loạn ở Kenosha và các thành phố khác trên khắp nước Mỹ.

    Thủ tướng Đức Merkel kêu gọi đề cao cảnh giác trước đại dịch

    Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo việc chiến đấu với đại dịch Covid-19 sẽ khó khăn hơn trong những tháng tới khi hàng nghìn người tập trung ở Berlin để phản đối các biện pháp hạn chế.

    Các bình luận của bà Merkel theo sau một loạt các biện pháp chống dịch mới, bao gồm phạt tiền đối với bất kỳ ai bị nhìn thấy không đeo khẩu trang ở những khu vực bắt buộc phải đeo, lệnh cấm các sự kiện lớn cho đến cuối năm và các quy định cách ly mới đối với khách du lịch, tờ Local đưa tin.

    Trong cuộc họp báo thường niên vào mùa hè hôm thứ Sáu, bà Merkel đã kêu gọi người dân Đức nâng cao cảnh giác trước đại dịch.

    Bà nói: “Trong những tháng tới, điều quan trọng là phải giữ cho tỷ lệ lây nhiễm thấp khi chúng ta ở trong nhà – tại nơi làm việc, trường học và trong nhà.”

    Người biểu tình Black Lives Matter lật đổ tượng Thủ tướng đầu tiên của Canada

    Đoạn video cho thấy những người biểu tình dùng dây thừng để kéo đổ bức tượng đã tồn tại 120 năm. Những người biểu tình ủng hộ phong trào ‘Black Lives Matter (Người da đen đáng được sống)’ tuyên bố bức tượng này là sự tôn vinh chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, theo The Express.

    Khi bức tượng rơi khỏi cột, đầu của bức tượng đập vào trụ đá và bị văng ra ngoài.

    Những người biểu tình sau đó đã chụp ảnh tạo dáng với phần đầu bức tượng.

    Khi bức tượng bắt đầu rơi xuống, tiếng reo hò và ăn mừng đã vang lên từ đám đông.

    Thị trưởng thành phố Montreal Valérie Plante đã lên án “những hành vi phá hoại diễn ra chiều nay ở trung tâm thành phố Montreal”.

    Black Lives Matter ở bề mặt là một phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc, nhưng đằng sau nó là hệ ý thức cánh tả cực đoan với các hành vi gây bạo loạn và phá hủy các công trình công cộng.

    Không có nhận xét nào