Header Ads

  • Breaking News

    GS Hoàng Anh Tuấn - Tìm hiểu Lịch sử di dân Hoa Kỳ : Lịch sử nước Mỹ #1 – Bài giới thiệu về di dân

    Thể theo yêu cầu của nhiều độc giả từ Việt Nam muốn tìm hiểu về lịch sử di dân nước Mỹ một cách khách quan.

    Ban Biên tập Báo Quốc Dân sẽ giới thiệu loạt bài về Lịch sử di dân Hoa Kỳ do Giáo sư Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University biên soạn.
    Nguồn: tuannyriver.com

    Loạt bài sẽ gồm 10 bài

    Lịch sử nước Mỹ #1 – Bài giới thiệu về di dân

    Lịch sử nước Mỹ không dài bằng nhiều nước khác, mặc dù các chứng tích khảo cổ và địa chất định rằng người da đỏ có mặt ở Mỹ Châu hàng chục ngàn năm xưa. Vì quá ít chứng tích tài liệu ngôn ngữ, nên hầu hết thời gian trước ông Columbus được coi là “Đất Mỹ thời tiền sử.” Nhưng từ cuối thế kỷ 15, lịch sử đất này thay đổi mau chóng có nhiều tiến triển cũng như vấn đề, nhất là về đa dạng các chủng tộc và sắc tộc nhân loại.

    Từ hướng Á Châu đi qua biển Bering đến lục địa mới, người da đỏ đã sống khắp Nam Mỹ và Bắc Mỹ bao nhiêu thế kỷ. Rồi người da trắng bắt đầu qua vào thế kỷ 16, khi hai đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gởi người qua thám hiểm đất đai, kiếm vàng kiếm bạc, giảng đạo Công Giáo. Họ dùng quân đội xâm chiếm nhiều khu vực, rồi mở đồn điền trồng trọt, nhất là tại Nam Mỹ và các đảo vùng biển Caribe ở Châu Mỹ Latin. Sau này họ mua người da đen bên Phi Châu làm nô lệ lao động ở những đồn điền này.

    Người Pháp cũng bắt chước họ qua kiếm vàng, rồi buôn bán thương mại với thổ dân da đỏ trên lục địa Bắc Mỹ. Họ cũng bành trướng bằng thuộc địa hóa một vùng giữa Canada và Hoa Kỳ bây giờ. Vào đầu thế kỷ 17, tức khoảng thời kỳ Alexandre de Rhodes qua Việt Nam truyền giáo, dòng Tên bên Pháp gởi tu sĩ qua truyền đạo bên Bắc Mỹ. Đó là những bước đầu của thuộc địa hóa người Pháp, và cũng là nguồn gốc cho lý do thời nay người Canada vùng Quebec nói tiếng Pháp.

    So sánh với nước Pháp thì công cuộc thuộc địa hóa của nước Anh tại Bắc Mỹ trễ hơn trên bảy mươi năm. Nhưng một khi bắt đầu, con số di dân người Anh đi qua thuộc địa lên rất nhanh. Từ vài trăm người trong thập niên đầu của thế kỷ 17, con số di dân lên tới một phần tư triệu vào cuối thế kỷ, mà đa số là người Anh.

    Người Anh, nhất là ở những thuộc địa miền nam, cũng bắt chước người Bồ Đào Nha mua người nô lệ da đen từ Phi Châu, đa dạng hóa qua hành thức bóc lột con người và kinh tế qui mô. Vì thế, chỉ trong thế kỷ 17 thôi mà đất Mỹ đã khá đa dạng chủng tộc với người da đỏ, da trắng, da đen. Họ sống gần nhau và có nhiều liên hệ kinh tế cũng như văn hóa với nhau. Điều này là lý do sử gia lão thành Gary Nash tại Đại Học UCLA đặt tên quyển sách nghiên cứu nổi tiếng ra mắt năm 1974 và qua thêm sáu lần sửa đổi chút ít: Red, White, and Black: The Peoples of Early North America – Đỏ, Trắng, Đen: Các Dân Tộc Thời Tiên Khởi Bắc Mỹ.


    Đó là chủng tộc (race) thôi, chứ về sắc tộc (ethnicity) thì con số đa dạng tất nhiên là cao hơn nhiều. Người da đỏ có nhiều văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế, địa lý, và lối sống khác nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về họ trong kỳ tới.

    Người da đen bị bắt trong vũ lực thì phần nhiều từ vùng Trung Tây của Phi Châu, kế biển Đại Tây Dương. Nếu so sánh bản đồ bây giờ thì vùng này có từ Senegal và Gambia xuống các nước Bờ Biển Ngà, Ghana, và Nigeria, rổi đến Congo và cả Angola nữa. Nghĩa là họ bị cảnh tù đày nô lệ giống nhau, nhưng đến từ một vùng lớn lao có nhiều bộ lạc khác nhau. Cũng sẽ có bài riêng về họ trong sau này.

    Còn người da trắng Âu Châu cũng di dân từ nhiều nước và nhiều vùng khác nhau. Mặc dù người Anh chiếm đại đa số di dân trong thế kỷ thứ 17, một số sắc tộc da trắng khác cũng có mặt trên đất Mỹ. Người Hòa Lan thương mại mạnh mẽ ở thành phố New York bây giờ; thật thế, thời đó họ gọi nó là New Amsterdam chứ không phải New York. Cũng khoảng lúc nước Anh bắt đầu thuộc địa ở Virginia, họ tạo một thuộc địa nhỏ gọi là New Netherland hay Tân Hòa Lan. Họ trao thuộc địa này cho nước Anh sau một cuộc chiến giữa hai nước. Ảnh hưởng nhỏ hơn Tân Hòa Lan là Tân Thụy Điển hay New Sweden, do các thương gia và chính phủ Thụy Điển xây dựng. Thuộc địa này cũng về tay người Anh sau chừng 17 năm.



    1664 ~ Lính Hòa Lan rời thành sau khi trao quyền cho lính Anh. Đây cũng là năm mà New Amsterdam đổi tên qua New York. ~ pc sonofthesouth.net

    Một ít người di dân gốc Đức cũng có mặt lúc đầu thế kỷ, nhưng phải tới thập niên 1680 họ mới di dân qui mô, mua đất và dựng một phố tại Pennsylvania gọi là Germantown, mà ta có thể dịch là Đức Thành. Họ qua rất đông trong thế kỷ thứ 18, và tới thời Cách Mạng nước Mỹ con số họ chỉ kém người Anh trong các sắc tộc da trắng.


    Niêm phong của Đức Thành trong chữ Latin vào cuối thế kỷ thứ 17. Bên phải vẽ cành nho, ở giữa lá hoa lanh, bên trái ống chỉ của người thêu dệt: ba biểu hiện cho đời sống người di dân gốc Đức lúc đó. ~ pc vizin.org

    Người Tô Cách Lan thì có hai loại. Một số di dân thẳng qua thuộc địa Anh bên Mỹ. Còn một số lớn hơn thì di dân hai lần: lần đầu qua vùng Ulster của Ái Nhĩ Lan (lúc đó thuộc về Anh), rồi lần hai qua Mỹ. Mặc dù tình cảnh và môi trường họ rất khác người Mỹ gốc Việt, lối đi hai lần của họ hao hao giống người bắc di cư vào nam thời 1954-1955 rồi hai mươi năm sau tị nạn bên Mỹ.

    Đó mới là năm sắc tộc Âu Châu – Anh, Hòa Lan, Thụy Điển, Đức, và Tô Cách Lan – di dân trong thời thuộc địa Anh. Ngoài ra còn số nhỏ những người từ Pháp, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, xứ Wales (tiếng Anh gọi họ là Welsh), và người gốc Do Thái từ các nước Tây Âu. Họ đến trong thế kỷ 17 và nhất là thế kỷ 18. Vì những sắc tộc này mà thế kỷ thứ 18 bớt Anh Hóa hơn thế kỷ trước và đa dạng hơn về văn hóa, ngôn ngữ, và truyền thống.

    Hiện tượng đa dạng hóa tiếp tục lên cao trong thế kỷ 19. Thứ nhất, con số di dân gốc Đức và Ái Nhĩ Lan tăng cao hơn trước rất nhiều. Rồi thêm con số nhỏ hơn từ các nước Bắc Âu: Na Uy, Đan Mạnh, Thụy Điển, và cả Phần Lan.

    Thứ nhì, trước đây hầu hết các sắc tộc da trắng qua từ các nước Tây Âu, nhưng nay có nhiều người di dân từ Trung Âu và Đông Âu như người Ý, Hy Lạp, Armenian, Ba Lan, Hung Gia Lợi, và người Do Thái nhất là từ Nga, Ba Lan, và các vùng Đông Âu. Ngoài ra còn có người Ả Rập di dân từ vùng Bắc Phi.

    Thứ ba, có mấy trăm ngàn người Nhật và Tàu từ Á Châu qua Mỹ kiếm việc, nhất là ở California và các tiểu bang miền tây. Sự xuất hiện của các sắc tộc da vàng này lại phong phú hóa thêm lịch sử nước Mỹ. Cũng như nhiều người di dân Âu Châu, họ qua đây vì nước Mỹ đang phát triển kỹ nghệ hùng hậu trong những thập niên sau Nội Chiến, có nhiều việc làm. Nên trong thời gian này rất nhiều người di dân làm việc tay chân trong các hãng xưởng, nhà máy, và xây cất hiện đại hóa thành thị.


    1900 ~ Thợ làm đường gốc Ý tại thành phố Springfield, Massachussetts. Cách mạng kỹ nghệ ở Hoa Kỳ đi cùng với thành thị hóa, nên có nhiều thay đổi ở các thị trấn và thành phố lúc đó, như xây đường xe điện trong hình này. ~ pc Springfield Technical Community College

    Lịch sử di dân lại biến chuyển trong thế kỷ 20. Nước Mỹ đã trở thành đế quốc và có thuộc địa hóa một số đất đai, kể cả Puerto Rico bên vùng Caribe và Phi Luật Tân bên Á Châu. Lịch sử thuộc địa này cho chúng ta thấy nguồn gốc có nhiều người Mỹ gốc Phi và gốc Puerto Rico (mà người Việt bên miền đông gọi là người Xì) sống tại Hoa Kỳ bây giờ. Còn nhiều lãnh thổ vùng biển Thái Bình Dương mà nước Mỹ chiếm trong thế kỷ 19, kể cả Hawaii mà sau này thành tiểu bang thứ năm mươi, nên dẫn đến một ít người di dân từ các đảo Thái Bình Dương.

    Bành trướng kinh tế cũng như liên hệ quân sự và chiến tranh dính líu Hoa Kỳ với những nước vùng Caribe, nên dẫn đến lý do có nhiều người di dân hay tỵ nạn gốc Dominican và Cuba, hoặc con số ít hơn từ Haiti và các nước Mỹ Latin. Bên Á Châu thì nhiều người Trung Hoa, Hong Kong, Đài Loan, và Đại Hàn di dân vì lý do chính trị hay kinh tế. Rồi chiến tranh Việt Nam, như ta biết, dẫn đến làn sóng tỵ nạn người Việt, Hmong, và Campuchia. Đó là chưa kể một số di dân từ nước Nga, Iran, Iraq, Ethiopia, Somalia, v.v. thường là vì lý do chính trị nhưng cũng có lúc kèm theo lý do kinh tế. Cuối cùng và quan trọng nhất là người Mỹ gốc Mễ. Vì một số đất đai Hoa Kỳ bây giờ thuộc vể Mễ Tây Cơ ngày xưa nên con số họ khá đông, và tới nay người Mễ vẫn tiếp tục vào Mỹ.


    Người di dân gốc Phi Luật Tân bán rau hoa trái cây tại thành phố San Lorenzo, Calif. (không rõ năm). Vì tiểu bang Cali phát triển nông nghiệp khá cao trong thế kỷ 19, một số người di dân Á Châu làm những việc trồng trọn và buôn bán nông phẩm. ~ pc wikipedia

    Những đất nước và dân tộc nêu trên cho ta thấy khái niệm đa dạng của lịch sử di dân nước Mỹ – và cũng gợi ý cho ta là lịch sử này có nhiều phức tạp chứ không đơn thuần. Tại sao ta ít thấy người da đỏ bây giờ? Tại sao nền nô lệ da đen tồn tại ở Mỹ lâu hơn các nước khác? Tại sao nhiều người sắc tộc này làm nghề này và sắc tộc kia làm nghề nọ? Tại sao có nhiều địa danh nghe quen quen dễ đọc, mà địa danh khác nghe là lạ khó phát âm? Đây chỉ là vài câu hỏi biểu hiện phức tạp của lịch sử nước Mỹ.

    Trong loạn bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu một chút về lịch sử này (a) qua sách vở bài viết nghiên cứu của ngành sử hàn lâm Hoa Kỳ, và (b) lối giải thích và dẫn dắt phù hợp với hiểu biết nói chung của người Việt, muốn biết thêm về lịch sử nước Mỹ nhưng đọc sách tiếng Anh (hay các bản dịch ra tiếng Việt) thấy khô khan hay khó hiểu.

    Tác giả hiện dậy môn nhân văn học và sử, và nghiên cứu về lịch sử văn hóa VNCH cũng như lịch sử người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Tác giả cũng dậy nhiều lớp sử tại bốn đại học Hoa Kỳ, thường nhất là lớp tổng quát lịch sử Mỹ tại Đại Học Pepperdine trong ba năm qua. Lớp sử này có nhấn mạnh về di dân, nên chủ đề phù hợp với loạt bài này.

    Dĩ nhiên, viết tiếng Việt cho người Việt rất khác dậy lớp tiếng Anh cho học sinh. Nên tôi sẽ cố gắng giải thích, diễn tả, phân tích, tham chiếu, và đưa thí dụ hợp với lối nhìn và hiểu biết của người Việt lớn lên tại Việt Nam. Trong năm 2016, mỗi tháng tôi sẽ viết một hay hai bài, tùy thời gian cho phép. Nếu muốn theo dõi qua email, xin bạn vào trang chính của mạng tuannyriver.com, rồi xuống dưới trang và bấm vào “Follow Blog Via Email.”

    Chi tiết lịch sử nhiều không xuể; loạt bài này chỉ là giới thiệu một số chủ đề về lịch sử di dân của một nước thôi. Nhưng cũng hy vọng nó giúp người Việt chúng ta hiểu thêm về nguồn gốc, phát triển, vấn đề của lịch sử di dân, các chủng tộc, và sắc dân ở xứ sở Đại Chủng Quốc.

        https://tuannyriver.com

    Không có nhận xét nào