Header Ads

  • Breaking News

    Vì hoà bình và dân chủ, châu Âu phải hậu thuẫn Đài Loan

    Thủ tướng Đức Angela Merkel (áo màu sáng), đương kim chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, tham gia Thượng Đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc ngày 14/09/2020. Ảnh chụp tại phủ thủ tướng Đức ở Berlin. via REUTERS - HANDOUT

    Tỉnh thức trước chính sách ương ngạnh một chiều của Trung Quốc, châu Âu đoàn kết lên giọng với Bắc Kinh; chiến thắng biểu tượng của phe Navalny trong cuộc bầu cử đầy gian lận tại Nga; Loukachenko “nộp mình” cho Putin; Covid-19 bùng lên trong mùa khai giảng đại học tại Pháp: Đây là những chủ đề nóng trên báo Pháp hôm nay 15/09/2020.

    Nóng theo nghĩa đen là tựa chính trên trang nhất của La Croix: "Nước Mỹ bị lửa táp", từ California cho đến bang Washington, bầu trời đầy than khói, Los Angeles gần như chết ngạt.

    Tại châu Âu, thượng đỉnh Liên Âu và Trung Quốc qua truyền hình hôm thứ Hai 14/09/2020 được bình luận qua nhiều góc độ với cùng một nhận định: Châu Âu đoàn kết, cứng rắn với Bắc Kinh và phải làm như thế để bảo vệ quyền lợi của mình trước một “đối thủ toàn diện”.

    Le Figaro với bốn tựa lớn : “Khi châu Âu thức tỉnh...”, “Châu Âu lên giọng với Trung Quốc”, Chiến tranh với Washington, Bắc Kinh tán tỉnh Bruxelles” nhưng “27 thành viên châu Âu siết chặt hàng ngũ đối đầu”.

    Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết thêm “phản ứng cứng rắn của châu Âu bắt đầu có kết quả” cụ thể là trong tiến trình đàm phán hiệp định bảo vệ đầu tư.

    Quan hệ châu Âu-Trung Quốc-Đài Loan: Gió xoay chiều ?

    Trong khi đó, Le Monde đăng nguyên văn lời kêu gọi: “Châu Âu phải ủng hộ Đài Loan”. Tác giả là tập thể chuyên gia và nghị sĩ châu Âu có tiếng tăm, trong đó có nhiều vị từng thuộc xu hướng “thông cảm” với Bắc Kinh.

    Nhưng tại sao Liên Âu phải “chống lưng” cho Đài Loan trong khi cam kết với Bắc Kinh chỉ công nhận có một nước Trung Hoa ?

    Theo các tác giả, châu Âu cần phải xét lại chính sách đối với Đài Loan và quan hệ giữa Hoa Lục và hải đảo. Từ lâu nay, châu Âu theo đuổi mục tiêu duy trì “cân bằng giữa nguyên tắc "dân tộc tự quyết, giải quyết xung khắc qua biện pháp ôn hòa" và nguyên tắc "một nước Trung Hoa" và "một quốc gia hai chế độ" » theo tuyên truyền của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

    Thế nhưng, thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian gần đây đặt châu Âu và thế khó xử nếu không điều chỉnh chính sách.

    Trung Quốc phá hoại nguyên trạng

    Cho đến nay, chính sách của châu Âu đối với Đài Loan dựa trên bốn từ : Duy trì nguyên trạng. Châu Âu không bao giờ khuyến khích Đài Loan độc lập, luôn từ chối đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do, cũng không ủng hộ Đài Loan gia nhập một tổ chức quốc tế kể cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Châu Âu chỉ xem Đài Loan là một “thực thể” vì lý do thực dụng, từ cấp visa cho đến quan hệ thương mại. Nhưng “nguyên trạng” đã bị phá hoại và hết còn ý nghĩa chính đáng vì một tay Trung Quốc.

    Các tác giả đưa ra một danh sách rất dài, xin trình bày sơ lược : Trước hết là mô hình « một quốc gia hai chế độ” đối với Hồng Kông. Bắc kinh đã chà đạp hiệp định quốc tế năm 1984. Dân Hồng Kông không muốn bị đảng Cộng Sản cai trị thế mà Bắc kinh đáp trả bằng áp bức. Đây là một bằng chứng giúp Đài Loan và cộng đồng quốc tế thấy rõ thế nào là lòng chân thành của Trung Quốc. Mô hình “nhất quốc lưỡng trị” đã bị dân Đài Loan cực lực tẩy chay, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của tổng thống Thái Anh Văn hồi tháng Giêng.

    Điểm cốt lõi thứ hai là trong khi châu Âu luôn nhấn mạnh đến “giải pháp thương lượng và hòa bình” thì Bắc Kinh ngày càng xa một giải pháp hoà bình. Trong khu vực, đảng Cộng Sản Trung Quốc tự xưng là “hiện thân” của Nhà nước Trung Quốc, tự quyền đóng cọc biên giới, độc đoán quyết định ai là người Trung Hoa, bất chấp luật quốc tế, và quyền tự do của mỗi con người.

    Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để đe dọa: Biên giới Ấn độ, Biển Đông, biển Hoa Đông, chà đạp lên cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Ai không đồng ý với định nghĩa của Bắc Kinh ai là người Trung Quốc, cái gì là của Trung Quốc thì sẽ bị trừng phạt, gây áp lực kinh tế. Châu Âu không thể không biết.

    Trong khi đó, Đài Loan ngày nay trở thành một “thực thể” dân chủ, đa nguyên. Châu Âu phải gia tăng đối thoại với giới dân chủ Đài Loan, kể cả các tác nhân chính trị cao nhất (chính phủ). Đài Loan phải được yểm trợ gia nhập các tổ chức quốc tế như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, làm quan sát viên cũng được, truyền thông Đài Loan, tiếng quan thoại, phải được hội nhập vào hệ thống vệ tinh châu Âu hầu làm suy yếu tình trạng độc tôn của Trung Quốc.

    Đã đến lúc châu Âu phải đương cự lại cái gọi là « đòi hỏi chính đáng” của Bắc Kinh. Nếu không, châu Âu sẽ tiếp tay đưa người dân Đài Loan vào bàn tay của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

    Biện chứng pháp

    Theo các chuyên gia và nghị viên châu Âu, đây không phải là chủ nghĩa “xét lại”. Châu Âu ủng hộ “nguyên trạng” nhưng theo một diễn tiến hợp lý và “biện chứng” : Bởi vì Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng “nguyên trạng” cho nên châu Âu cũng phải thay đổi chính sách đối với Đài Loan để duy trì ổn định. Trung Quốc phải tôn trọng quyền sống của Đài Loan.

    Châu Âu phải khuyến cáo rõ ràng với Trung Quốc là nếu dùng vũ lực thì sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng, kể cả bị cắt đứt quan hệ chính trị và kinh tế với các nền dân chủ châu Âu, không khuất phục thái độ áp đặt của Trung Quốc.

    Châu Âu thức tỉnh

    Le Monde cũng có một bài phóng sự dài về vụ “12 thanh niên Hồng Kông tranh đấu cho dân chủ bị giam tại Hoa lục”. Chiếc thuyền vượt biển sang Đài Loan bị tuần duyên Trung Quốc chận bắt. Thân nhân không biết số phận của con cái mình ra sao.

     

    Cũng theo Le Monde, ngành công nghệ cao của Trung Quốc bị đe dọa vì các cú đấm điếng người của Donald Trump. Những đại tập đoàn Hoa Vi, Tiktok … bị Mỹ trả đũa.

    Trong bài châu Âu tỉnh thức, Le Figaro phân tích thêm : Chủ nghĩa đế quốc của Tập Cận Bình và phản ứng vùng dậy theo bản năng của Donald Trump đã giúp cho châu Âu hết mù lòa vì thị trường Trung Quốc. Khủng hoảng Covid-19 tiếp theo đánh thức châu Âu ra khỏi cơn mê.

    Châu Âu mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối diện ngày hôm qua, không những thấy rõ mục tiêu bành trướng của anh Cộng Sản khổng lồ, mà còn ý thức được sức mạnh của chính mình để đương cự lại: Kiên quyết đòi Trung Quốc mở cửa thị trường theo thế đối đẳng. Con đường tơ lụa hay ngoại giao khẩu trang không còn đủ sức che giấu chính sách đối ngoại hung hăng của đế quốc đỏ.

    Do vậy, châu Âu đặt một loạt điều kiện: Cạnh tranh công bằng, tôn trọng luật quốc tế, chấm dứt nạn gián điệp đánh cắp công nghệ và tuyên truyền. Áp lực trên hồ sơ nhân quyền, Hồng Kông, Tân Cương được đưa vào đối thoại giữa hai đại cường.

    Cũng theo Le Figaro, gió đã đổi chiều trong quan hệ Bắc Kinh-Bruxellles : Mệt mỏi vì thái độ của Trung Quốc, vụ đại dịch, chiến lược đế quốc của Hoa Vi, đàm phán dai dẳng trên nhiều hồ sơ mà không đi đến đâu, hành động vi phạm nhân quyền liên tục của Bắc Kinh, 27 thành viên châu Âu quyết định đoàn kết đối đầu với Trung Quốc. Hơn ai hết, châu Âu phải tự lực, tự cường vì không có ai trợ giúp.

    Bầu cử Nga: Phe Navalny ghi điểm

    Đưa tin về khủng hoảng chính trị ở Belarus, Le Figaro đề tựa “ Putin biểu diễn hành động ủng hộ Loukachenko”.

    Tổng thống Belarus được tiếp tại Sotchi một cách lạnh nhạt, chỉ được một viên tỉnh trưởng ra đón ở phi trường. Từ Litva, lãnh đạo đối lập Svetlana Tsikhanovskaia cảnh báo Putin : mọi thỏa thuận, mọi nhượng bộ của Loukashenko đều không có giá trị.

    Theo La Croix, hai bên thảo luận về “hội nhập” và Loukachenko xin vay thêm nợ 1 tỷ đôla. Sự ủng hộ của Nga chắc chắn sẽ có điều kiện : Putin đòi lập một căn cứ quân sự ở Belarus và thống nhất tiền tệ với Nga.

    Trong khi đó, cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Nga hôm Chủ Nhật được báo chí Pháp chú ý vào hai điểm: Gian lận hàng loạt nhưng phe của Navalny, lãnh tụ đối lập bị đầu độc, giành được một số chiến thắng biểu tượng nhất là tại Tomsk, nơi ông uống ly trà định mệnh và ở Novossibirk, nơi mà hàng loạt quan chức chính quyền bị tố tham ô.

    Le Monde phân tích qua bài « Bầu cử thông minh”. Les Echos với bài “Phe Navalny đạt chiến thắng biểu tượng” và kèm theo thông tin: “Macron thúc giục Putin làm sáng tỏ nghi án đầu độc”.

    Có sự sống trên Sao Mai ? Không nên mừng vội

    Thông tin Yoshihide Suga chuẩn bị lên thay thủ tướng Shinzo Abe đều được các báo đưa tin. Tất cả đều nhìn nhận là không biết rõ nhân vật khá khô khan này. Tuy nhiên, điều được dự báo là thủ tướng tương lai của Nhật sẽ không ngồi quá một năm vì tối đa là đến năm sau sẽ bầu lại Quốc Hội. Từ nay đến đó, chính sách kích thích kinh tế của Shinzo Abe sẽ được tiếp tục thi hành.

    Đại dịch Covid-19 đang trở thành một vấn đề nát óc ở Pháp. Chính quyền hai thành phố lớn ở miền nam và đông nam là Marseille và Bordeaux ban hành biện pháp hạn chế gắt gao các cuộc họp mặt thân hữu lẫn gia đình không quá 6 người, trừ gia đình đông con. Quán giải khát tiếp tục mở cửa nhưng khách phải đứng…

    Trong lúc đó, mùa tựu trường đại học đã bắt đầu. Le Monde đưa độc giả đến một số trường tiêu biểu nơi xảy ra những ca lây nhiễm trong cư xá. Les Echos tương đối lạc quan hơn với tựa “Tăng trưởng kinh tế Pháp hồi sinh cho dù bị đại dịch”.

    Cuối cùng, về vũ trụ, Le Figaro cảnh báo : Trên Kim Tinh không có dấu hiệu của sinh vật đâu nhé ! Cuối tuần qua, một nhóm nghiên cứu Anh-Mỹ loan báo tìm thấy chất phosphine PH3 chung quanh Sao Mai. Rất có thể “có siêu sinh vật trong lớp mây”. Trên thực tế, cách đo đạc của nhóm khoa học này đã được kiểm chứng là không chính xác. Dù sao đi nữa PH3 là hóa chất rất độc.

    https://www.rfi.fr/vi

    Không có nhận xét nào