Header Ads

  • Breaking News

    Đại-Dương - Đông Nam Á trong trò chơi nguy hiểm: đi dây


    Sau khi bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích thẳng thừng, không bằng ngôn từ ngoại giao phải đạo, tại Diễn đàn Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc 2020, Tập Cận Bình đã vận dụng hết công suất tuyên truyền để dụ dỗ các nước khác chấp nhận vai trò lãnh đạo Thế giới thay cho Donald Trump.

    Tập Cận Bình phát biểu: “Chúng ta hãy chung tay gìn giữ, củng cố các giá trị hòa bình, phát triển, bình đẳng, công lý, dân chủ và tự do vốn được chia sẻ bởi tất cả chúng ta, nhằm xây dựng một dạng quan hệ quốc tế mới, vì một cộng đồng chia sẻ tương lai chung của nhân loại. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới tốt hơn cho tất cả”.

    Nhân loại hiện có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định mọi nguyên tắc để nền kinh tế thế giới hoạt động trong môi trường công bằng về thương mại quốc tế. Nhưng, từ khi gia nhập WTO năm 2001, Bắc Kinh đã không điều chỉnh hay chuyển các quy định pháp luật và các thủ tục hành chính theo các quy định của WTO. Trái lại, tăng cường sức mạnh cho khu vực quốc doanh, phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài, hé cửa thị trường Hoa Lục, không tôn trọng quyền tài sản trí tuệ.

    Nhân loại cũng có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định rõ ràng về hải phận, quyền-chủ-quyền và quyền-tài-phán của các quốc gia duyên hải. Nhưng, Bắc Kinh áp đặt chủ quyền lên “vùng biển lịch sử”, một khái niệm bị Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA) bác bỏ trong Phán quyết ngày 12-07-2016. Bắc Kinh không tham gia, chẳng công nhận bất chấp phán quyết của PCA mang tính chất chung thẩm.

    Dư luận quốc tế tỏ vẻ ngạc nhiên vì chẳng biết Tổng bí thư Đảng Cộng sản Tàu kiêm Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có hiểu rõ ý nghĩa các giá trị đã đề cập và thực tế từng được áp dụng như thế nào tại Trung Cộng đối với công dân, các quốc gia láng giềng hoặc xa xăm?

    Giới quan sát quốc tế cho rằng khái niệm “Nhân loại mệnh vận cộng đồng thể” do Tập Cân Bình nêu ra vốn đã được Giang Trạch Dân đã áp dụng với Việt Nam tại Hội nghị Thành Đô năm 1991 “Vận mệnh tương quan. Sơn thủy tương liên. Lý tưởng tương thông. Văn hóa tương đồng”. Nó trói giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam không thể vượt ra khỏi sự thống trị của Bắc Kinh.

    Khái niệm đó giúp cho Bắc Kinh ru ngủ láng giềng cũng như các nước nhỏ trên khắp thế giới sập vào chiếc bẫy “đồng hoá tiệm tiến”. Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông mất dần bản sắc dân tộc khi trở thành một tỉnh của Trung Cộng. Việt Nam, Lào, Mayanmar, Ngoại Mông, Trung Á đang trong tầm ngắm.

    Sang Thế kỷ thứ 21, khái niệm “Vận Mệnh Chung” mới được Bắc Kinh biến thành chiến lược trường kỳ tập trung vào “toàn cầu hoá, biến đổi khí hậu, cải tổ quản trị toàn cầu”.

    Bài phát biểu của Tập Cận Bình tập trung vào hai điểm chính: (1) Chỉ trích chính sách của Donald Trump đang được cộng đồng nhân loại bắt đầu chấp nhận. (2) Thuyết phục các nước nhỏ tin vào khả năng lãnh đạo thế giới của Trung Cộng.

    Thái Lan là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ suốt hơn 200 năm, tạo điều kiện ổn định chính trị có ảnh hưởng tới các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhưng, Đại tướng xuất ngũ Prayut Chan-o-cha được bổ nhiệm vào chức Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan năm 2010 đã cầm đầu cuộc đảo chánh nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra năm 2014 và nắm quyền Thủ tướng kiêm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Prayyut dựa vào giới Trung thành Hoàng gia và Quân đội để thanh trừng các thành phần chống đối trong xã hội mà bổ nhiệm 250 Dân biểu và Thượng nghị sĩ nên tái cử vào năm 2019. Prayut và các tướng lãnh đương quyền hoặc xuất ngũ gắn kết với Trung Cộng khiến dân chúng tức giận, nhất là giới trẻ yêu chộng tự do, dân chủ thực sự như Tây Phương nên Hành pháp và Lập pháp không chịu tu chỉnh Hiến pháp theo khát vọng của dân tộc.

    Bị dân chúng phản đối, Prayut phải dừng kế hoạch mua hai tàu ngầm của Trung Cộng.

    Thái Lan theo mô hình Quân chủ Lập Hiến của Anh Quốc. Nhưng, đã bị 20 cuộc đảo chính quân sự do Vua giữ vai trò lãnh đạo Quân Đội nên các tướng lãnh được chủ động trong các cuộc lật đổ chính quyền. Do đó, quyền công dân rất hạn chế trong việc thành lập chính phủ đại diện rộng rãi cho cử tri.

    Tổng thống Rodrigo Duterte nhiệm chức ngày 30-06-2016, nhưng, phớt lờ Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển (PCA): Yêu sách “chủ quyền lịch sử” trên Biển Nam Trung Hoa (SCS) của Trung Cộng không có giá trị pháp lý. Tức là vụ Phi Luật Tân kiện Trung Cộng đã thắng tuyệt đối, nhưng, Duterte tuyên bố xa lánh Tây Phương, kể cả Hoa Kỳ để thặt chặt quan hệ với Nga và Trung Cộng thông qua đối thoại và thương thuyết.

    Trung Cộng và ASEAN từng đối thoại và thương thuyết về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) suốt 20 năm mà chẳng có tí tiến bộ nào nếu ASEAN chưa công nhận yêu sách “chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh! Thương thuyết cứ diễn ra trong khi Bắc Kinh độc quyền khai thác tài nguyên và hành xử chủ quyền trên SCS.

    Khi Duterte doạ sẽ cấm binh sĩ Mỹ đến Phi Luật Tân tập trận chung nhằm làm hài lòng Tập Cận Bình liền bị Tổng thống Trump tweet “Đỡ tốn kém!”. Biết hố nên Duterte tạm ngưng chuyện đi dây công khai giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.

    Tổng thống Duterte đã đánh mất một cơ hội bảo vệ quyền-chủ-quyền của Bãi cạn Scarborough vì không sử dụng hợp lý Phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển để buộc Bắc Kinh phải tôn trọng quyền hành nghề của ngư dân Phi Luật Tân tại ngư trường truyền thống Scarborough, kể trong đầm chứa nhiều hải sản mà Bắc Kinh giữ độc quyền.

    Phi Luật Tân tuần tra trên không ở SCS bị Bắc Kinh cáo buộc “khiêu khích bất-hợp-pháp”. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Teodoro Locsin Jnr tuyên bố hôm 20-08-2020 sẽ gọi Hoa Thịnh Đốn nếu có cuộc tấn công nhắm vào chiến hạm của Phi Luật Tân.

    Hải Quân Mỹ đang đưa “sát thủ không-người-lái” MQ-9 Reaper đến SCS sau khi tập trận hỗn hợp Hải Quân và Thuỷ Quân Lục chiến kéo dài suốt tháng 9 ở ngoài khơi California. MQ-9 Reaper được dùng chống chiến tranh du kích ở Trung Đông, kể cả vụ sát hại Thiếu tướng Qassem Soleimani của Iran. MQ-9 Reaper có thể hoạt động bên ngoài tầm kiểm soát của Trung Cộng và Nga.

    Phát biểu tại Diễn đàn LHQ 2020, Tổng thống Rodrigo Duterte đã có những lời lẽ cứng rắn hơn đối với Trung Cộng như “uy nghiêm của luật pháp” khi đề cập tới tình hình trên Biển Nam Trung Hoa. Manila tố cáo Bắc Kinh khảo sát vùng biển mà cả hai bên tuyên bố chủ quyền, cho lực Hải Cảnh tịch thu thiết bị đánh cá của ngư dân Philippines gần một Bãi cạn Scarborough, chĩa laser đe dọa chiến hạm của Phi Luật Tân. Thói đi dây giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ của Duterte suốt 4 năm cầm quyền khiến dư luận nghi ngờ mục tiêu thực sự của Manila.

    Tiếp theo, bài phát biểu của Tổng thống Indonesia, Joko Widodo đều kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Cộng hạ nhiệt vì chiến tranh sẽ khủng khiếp và chẳng ai có lợi. ASEAN thực sự sai lầm khi cần kinh tế Trung Cộng và an ninh Hoa Kỳ.

    Trong giao thương, ASEAN, ngoại trừ Tân Gia Ba, đều bị thâm hụt mậu dịch với Trung Cộng. Ngược lại, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.

    ASEAN cần phát triển hạ tầng theo Sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) của Bắc Kinh mà không quan tâm tới kết quả đen tối cho các quốc gia ở Châu Phi, Nam Á khi phải cho phép Trung Cộng kiểm soát các hải cảng do Bắc Kinh độc quyền xây dựng với giá cao ngất trời.

    Djibouti, Ethiopia, Lào, Maldives và Tajikistan được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là có nguy cơ mắc nợ cao. Djibouti phải cho phép Trung Cộng xây hải cảng quân sự. Sri Lanka phải để Bắc Kinh sử dụng hải cảng Hambantota trong 99 năm. Pakistan phải cho phép Hải quân Trung Cộng xử dụng một hải cảng gần Ấn Độ Dương.

    Thủ đoạn của Bắc Kinh rất rõ ràng: không đấu thầu công khai, nâng giá nhiều lần khi xây dựng, mở rộng việc xây cất so với ban đầu, xây xong không có hiệu quả kinh tế cho các nước nhận đầu tư trong khi Bắc Kinh lợi đơn, lợi kép nhờ sự ngây thơ hoặc ham tiền (hối lộ) của Trung Cộng.

    Trung Cộng chứ không phải Hoa Kỳ gây căng thẳng trên Biển Nam Trung Hoa.

    Sau Đệ nhị Thế chiến, Hải quân Hoa Kỳ tình nguyện nhận trách nhiệm bảo vệ và duy trì an ninh hàng hải trên thế giới, kể cả Biển Đông Trung Hoa (ECS) và Biển Nam Trung Hoa (SCS). Hoa Kỳ tôn trọng hải phận, quyền-chủ-quyền và quyền-tài-phán của các quốc gia trong thời bình được quy định trong UNCLOS dù cho Quốc hội Hoa Kỳ không phê chuẩn Công ước này. Chi phí đó không phải là con số nhỏ trong ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ.

    Dù đã tham gia soạn thảo và phê chuẩn UNCLOS, nhưng, Bắc Kinh không tuân thủ mà còn tự ý áp đặt luật pháp quốc gia trên vùng biển quốc tế buộc Hoa Kỳ phải cương quyết bảo vệ Luật Biển và an ninh cho mọi quốc gia xử dụng ECS và SCS.

    Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á không thể vì sợ chiến tranh mà rơi vào chiến lược “bắp cải” (tầm ăn dâu) của Bắc Kinh.

    Tổng thống Rodrigo Duterte và người đồng nhiệm Joko Widodo phát biểu tại Liên Hiệp Quốc đều kêu gọi Trung Công và Hoa Kỳ hạ nhiệt theo phát biểu của Thủ tướng Tân Gia Ba, Lý Hiển Long hồi đầu năm nay rằng ASEAN không thể chọn bên.

    Sự thực, Cha già dân tộc Tân Gia Ba, Lý Quang Diệu từng xác định chiến lược “nước nhỏ muốn tồn tại phải dựa vào cường quốc mạnh nhất trên thế giới”. Từ Lý Quang Diệu tới Lý Hiễn Long đều thoả mãn mọi yêu cầu của Hoa Kỳ liên quan đến an ninh trên SCS. Hải đội Khu trục hạm của Mỹ rồi Cận duyên hạm Tác chiến đồn trú ở Tân Gia Ba để bảo đảm an ninh trên SCS. Phi cơ hải tuần P-8 Poseidon và P-3 Orion đồn trú ờ Tân Gia Ba để giám sát mọi hoạt động trên Biển Nam Trung Hoa.

    Dù được Hoa Kỳ mời mà Việt Nam không có trong danh sách 10 quốc gia tham dự Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay ở Hawaii vì chưa được Bắc Kinh cho phép? Các nước tham gia: Úc Đại Lợi, Brunei, Gia Nã Đại, Pháp, Nhật Bản, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ, Tân Gia Ba.

    Các chuyên gia quốc tế so sánh tương quan lực lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng trên Biển Nam Trung Hoa đều đồng ý rằng Bắc Kinh chỉ đánh võ mồm để làm thoả mãn tâm lý Đại Hán và hù các tiểu quốc Đông Nam Á.

    Các quốc gia duyên hải Đông Nam tuy khác nhau về thể chế chính trị, nhưng, sự tồn vong của dân tộc bao giờ cũng quan trọng vào hàng đầu.

    Đại-Dương

    https://baotgm.net/

    Không có nhận xét nào