Header Ads

  • Breaking News

    Hoang Nguyen - Chính sách đối ngoại của Trump: Quốc phòng và hợp tác quốc tế. Chính sách đối ngoại của Trump: Thương mại và kinh tế

    Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo khối NATO tại London ngày 4/12/2019. Ảnh: Getty Images.

    Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.

    Kỳ 1: Trung Quốc


    Quốc phòng

    Donald Trump ưu tiên cho quân đội, bằng cách gia tăng chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy các chương trình vũ khí quan trọng mới, và một phân nhánh tập trung vào nghiên cứu vũ trụ. Ông cũng hứa sẽ giảm bớt các cam kết quân sự của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Trung Đông, trong khi đó tập trung vào “sự cạnh tranh giữa các cường quốc”, đối với Trung Quốc và các nước khác.

    Trump nhấn mạnh sự gia tăng ngân sách quốc phòng trong hai năm đầu nắm quyền, đạt 716 tỷ USD vào năm 2019. Ông cũng đề xuất chi khoảng 750 tỷ USD vào năm 2020, và 740 tỷ USD cho năm tài chính 2021 sắp tới.

    Chính quyền [Donald Trump] đưa ra Chiến lược Quốc phòng năm 2018 (2018 National Defense Strategy) – là bản tóm tắt đầu tiên kể từ năm 2014 – nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu, đặc biệt tập trung vào sự cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.

    Vận động để rút các lực lượng của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, mặc dù Trump đã tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đó vào năm 2017. Đảo ngược chính sách trước đây của Mỹ, Trump nhiều lần theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, và đạt được một thỏa thuận vào tháng Hai năm 2020 để cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ, đổi lấy sự đảm bảo rằng Taliban rằng sẽ không tài trợ cho các nhóm khủng bố. Vào tháng Bảy năm 2020, quân số của Hoa Kỳ tại nước này đã giảm xuống còn 8.600 quân, so với khoảng 12.000 quân hồi đầu năm.

    Ban hành một kế hoạch phòng thủ tên lửa được cập nhật vào năm 2019, là bản cập nhật đầu tiên kể từ năm 2010. Trong đó nhấn mạnh việc sử dụng các công nghệ mới và hệ thống hoạt động không gian nhằm bảo vệ Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

    Công bố ý định thành lập một phân nhánh thứ sáu của quân đội – Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (U.S. Space Force). Vào năm 2019, ông tái thành lập Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ (U.S. Space Command) như là một trong 11 bộ chỉ huy tác chiến hợp nhất, và là bước đầu tiên theo hướng đó.

    Chính quyền [Donald Trump] đưa ra Đánh giá Tình hình Hạt nhân năm 2018 (2018 Nuclear Posture Review) – là bản cập nhật đầu tiên kể từ năm 2010 – công bố các kế hoạch về vũ khí hạt nhân mới kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, và mở rộng các trường hợp sử dụng.

    Rút Mỹ khỏi hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 với lý do Nga vi phạm hiệp ước này. Nhưng Trump cũng bày tỏ hy vọng về các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí mới với Moscow.

    Đảo ngược một chính sách từ thời Obama vốn cho phép nhân viên chuyển giới phục vụ công khai trong quân đội.

    Hợp tác quốc tế

    Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi các hiệp định và cam kết quốc tế mà ông cho rằng là đang làm cạn kiệt nguồn lực của Hoa Kỳ, tranh cãi với các đồng minh lâu năm về các vấn đề từ quốc phòng đến thương mại, và chỉ trích những thể chế toàn cầu mà ông cho rằng buộc Hoa Kỳ phải “hy sinh chủ quyền”. Các đề xuất ngân sách của ông tìm cách cắt giảm viện trợ nước ngoài, và tạo điều kiện hơn trong việc hỗ trợ các chính sách của nước Mỹ.

    Trump đã rút Mỹ khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế lớn mà Obama đã ký kết, bao gồm: Hiệp định khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran, và thỏa thuận thương mại châu Á – Thái Bình Dương hay còn được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

    Nhiều lần đặt câu hỏi về tầm quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – một liên minh được thành lập trong Chiến tranh Lạnh – và cân nhắc việc rút Mỹ khỏi tổ chức này. Trump cho rằng các thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng để đáp ứng các nghĩa vụ của mình, một ngụ ý phù hợp với lời kêu gọi của ông đối với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả nhiều tiền hơn cho sự bảo vệ của Hoa Kỳ.

    Vào tháng Sáu năm 2020, Trump tuyên bố rút gần 10.000 quân Mỹ khỏi nước Đức, từ khoảng 35.000 xuống còn 25.000 quân. Ông gọi Đức “chậm trễ trong các khoản thanh toán” cho NATO, và đề xuất rằng một số binh sĩ có thể được chuyển đến Ba Lan thay thế.

    Trump cũng rút khỏi Hiệp ước Toàn cầu về Di cư của Liên Hợp Quốc (UN Global Compact for Migration), một khuôn khổ quản lý sự gia tăng của vấn đề di cư xuyên biên giới, nhằm “khẳng định lại chủ quyền đối với biên giới của chúng ta”.

    Chỉ trích các cơ quan quốc tế như Tòa án Hình sự Quốc tế và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì đe dọa chủ quyền quốc gia và “chỉ trích nước Mỹ”. Ông nói rằng các quốc gia khác nên đóng một khoản lớn hơn trong ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

    Ký sắc lệnh hành pháp ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court) về những tội ác chiến tranh do lực lượng Hoa Kỳ và nhân viên CIA ở Afghanistan gây ra, và áp đặt lệnh cấm vận đối với các cá nhân liên quan đến tòa án.

    Tranh chấp với các đối tác lâu năm của Hoa Kỳ, bao gồm cả Liên minh Châu Âu (EU), mà Trump gọi là “kẻ thù” trong thương mại.

    Sẵn sàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo độc tài, bao gồm cả các đối thủ của Hoa Kỳ, hơn những tổng thống tiền nhiệm. Donald Trump đã có các cuộc hội đàm trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và đưa ra khả năng sẽ gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

    Đề xuất tìm cách cắt giảm ngân sách cho viện trợ nước ngoài gần một phần ba, và chỉ hướng nó đến “những người bạn của chúng ta”. Cuối cùng, Quốc hội đã không thông qua đề xuất này và Trump đã từ bỏ kế hoạch cắt giảm khoảng 4 tỷ USD viện trợ năm 2019.

    Chính sách đối ngoại của Trump: Thương mại và kinh tế

    Trung Quốc không phải nước duy nhất bị nhắm đến trong chiến lược thương chiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: ABC News.

    Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên kiêm đương kim tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.


    Thương mại

    Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, Donald Trump đã chỉ trích hệ thống thương mại toàn cầu mà ông cho rằng nó bị lợi dụng để chống lại lợi ích của Hoa Kỳ, gây nên tình trạng thâm hụt thương mại lớn, làm giảm sút ngành sản xuất và việc làm của người dân Mỹ.

    Trump đã rút khỏi thỏa thuận thương mại giữa 12 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Obama trong tuần đầu tiên nắm quyền.

    Tham gia vào một cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, áp thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong nhiều giai đoạn và khiến Trung Quốc trả đũa. Các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Trump và Tập đã diễn ra, nhưng không thành công.

    Đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), mà Trump gọi là “một trong những thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được ký kết”. Một thỏa thuận được cập nhật mới với Canada và Mexico (Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada) đã được ký kết vào năm 2018 và được Quốc hội thông qua, sau khi Đảng Dân chủ thương lượng một số điều khoản khắt khe hơn về lao động và môi trường.

    Hoàn thiện một phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ-Hàn Quốc vào năm 2018, cho phép Hoa Kỳ bán nhiều ô-tô hơn vào thị trường Hàn Quốc.

    Dừng các cuộc thương lượng về đàm phán thương mại Hoa Kỳ-EU vốn diễn ra từ thời Obama, được gọi là Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership). Sau khi Trump đe dọa áp thuế đối với ô-tô nhập khẩu của EU, ông và các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới, mà hiện đang diễn ra.

    Bắt đầu từ năm 2018, Trump đã áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu mà ông cho là cần thiết để chống lại tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc; tuy lệnh áp thuế này đã được áp dụng rộng rãi đối với nhiều nước, bao gồm cả các đồng minh của Hoa Kỳ. Ông cũng áp thuế đối với các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu.

    Gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một “thảm họa”, và đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức này. Ông cáo buộc Trung Quốc và những nước khác đã lạm dụng các quy định ưu đãi của WTO đối với các nước đang phát triển.

    Kinh tế

    Donald Trump nhấn mạnh các chính sách cắt giảm thuế và bãi bỏ những rào cản về kinh tế mà theo ông là giúp thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và tạo việc làm. Đại dịch coronavirus năm 2020 khiến nước Mỹ rơi vào suy thoái, với các khoản chi liên quan đến coronavirus trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia tăng cao.

    Thúc đẩy dự luật thuế được Quốc hội thông qua vào năm 2017, theo đó giảm thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, thay đổi cách đánh thuế các công ty đa quốc gia, giảm thuế thu nhập cá nhân, cùng các điều khoản khác.

    Trong bối cảnh chi tiêu liên bang gia tăng, cùng với thâm hụt ngân sách tăng lên gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2019 và nợ quốc gia vượt quá con số 16 nghìn tỷ USD, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office) ước tính dự luật cải cách thuế năm 2017 sẽ làm tăng thêm gần 2 nghìn tỷ USD vào khoản nợ này trong 10 năm tới.

    Vào tháng Ba năm 2020, với hoạt động kinh tế tạm ngừng liên quan đến coronavirus, Trump đã một dự luật kích thích trị giá 2 nghìn tỷ USD, là gói kích thích lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Gói này bao gồm: trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho người dân Mỹ, mở rộng trợ cấp thất nghiệp, và một chương trình mới nhằm hướng hàng trăm tỷ USD đến các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn.

    Thúc đẩy việc bãi bỏ rộng rãi các quy trình trên toàn bộ nền kinh tế, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, tài chính, y tế, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp.

    Tìm cách nới lỏng sự giám sát đối với Phố Wall, cho rằng các tổ chức tài chính đã bị “tàn phá” bởi các quy trình khắt khe. Năm 2018, Trump đã ký ban hành cải cách Đạo luật Dodd-Frank, nhằm giảm bớt các quy định đối với các ngân hàng nhỏ, và chính quyền của ông đã giảm mạnh việc thực thi các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.

    Đề xuất một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, gồm 200 tỷ USD chi tiêu liên bang trực tiếp, và phần còn lại được tạo ra bởi các ưu đãi của khu vực tư nhân, tuy kế hoạch này chưa được Quốc hội thông qua. Vào năm 2019, Trump đã đồng ý một kế hoạch trị giá 2 nghìn tỷ USD, tuy không thành công, với các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội.

    https://www.luatkhoa.org/

    Không có nhận xét nào