Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Hoành Sơn - Phu chữ

    Một lớp học tại Bình Dương. Hình minh họa.

    Báo Tuổi Trẻ, ngày 13/10, có bài viết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo nghiêm túc tiếp thu vấn đề cử tri nêu về sách giáo khoa; sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm nếu vi phạm (1).

    Vâng, đó đoạn kết cho câu chuyện sách giáo khoa “đầy sạn” râm ran tại Việt Nam (VN) thời gian qua. Nó phác họa hình ảnh một nền giáo dục tả tơi, thiếu đạo đức khi các cháu bé đến tuổi đi học bị biến thành những con chuột bạch cho các cải cách, đổi mới và các nhóm lợi ích tha hồ in bán sách vô tội vạ. Nhưng lại thiếu nền tảng đạo đức và kiến thức phù hợp. Đến khi mang vào sử dụng mới lộ ra biết bao nhiêu sạn; đấy là những bài học gian dối lọc lừa, manh nha ngay trong sách giáo khoa, gián tiếp thâm nhập trí óc đơn sơ của trẻ nhỏ những điều xấu chực chờ bùng phát khi các em đến tuổi trưởng thành.

    Suốt từ năm 1975, sau khi thống nhất Bắc - Nam, đến nay, bộ giáo dục đã gây bao điều tiếng khi sách giáo khoa họ xuất bản độc quyền đã đi từ mỏng đến dày và ngày mỗi dày hơn vì khối lượng kiến thức nhồi nhét, nặng phần giáo điều và kinh tế mà nhẹ về hiệu quả và chủ đích của giáo dục là lấy học sinh làm trung tâm. Vì thế, cứ xoay đi xoay lại cải cách rồi đổi mới. Chúng khiến cho học sinh lớp 1 oằn mình dưới chồng sách, kèm theo nhiều khoản phí phát sinh đè nặng lên các gia đình nghèo tại VN (2). Mỗi học sinh là một phu khuân vác kiểu mới dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, vốn đầy dẫy bệnh thành tích thường dẫn đến việc ngồi nhầm lớp; nguyên do chính đến từ hệ thống giáo dục giáo điều, thiếu trọng tâm, lãng phí và biết bao vấn nạn khác.

    So sánh giáo dục giữa Cộng hòa và Xã hội chủ nghĩa: Miền Nam trước 1975 luôn chú trọng giáo dục lễ nghĩa và xây dựng nền tảng nhân bản cho học sinh. Quý bạn đọc cứ tìm sách giáo khoa miền Nam trước đây mà xem sẽ rõ. Miền Bắc trái lại, năm 1950 giáo dục phổ thông chỉ có 9 năm, sau đó đến năm 1956 thì tăng lên thành 10 năm phổ thông và sau 1975 thì lại tăng lên 12 năm phổ thông (3). Trước năm 1975, việc giáo dục ở miền Bắc tập trung mọi nguồn lực tuyên truyền cho tinh thần chiến đấu là chính, học ít để đi bộ đội sớm nhằm gia tăng lực lượng chiến đấu.

    Thời Việt Nam cộng hòa có Hoa Kỳ và nhiều tổ chức quốc tế viện trợ. Khi đó, kinh tế miền Nam đã khởi sắc và phát triển mạnh, xét trong khu vực và thời cuộc. Vậy mà trong lời nhắn gởi ở các sách giáo khoa thời đó đều có ghi: “sách này còn dùng cho các niên học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy bạ. Các em đừng ghi chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau dễ tẩy đi. Ví dụ như trong sách Toán” (4). Và còn những lời nhắc nhở gìn giữ sách khi về nhà rất nhân bản. Dạy học sinh vừa biết quý trọng các vật dụng, vừa rèn luyện tính ngăn nắp sạch sẽ, vừa biết nghĩ tới người khác và vừa học tính cần kiệm vốn từ lâu đã ăn sâu vào truyền thống văn hóa VN.

    Một điều hiển nhiên và rất khác của nền giáo dục nhiều nước trên thế giới chính là khơi dậy sự hứng khởi ham học, ham hiểu biết, dù chỉ là bắt đầu bằng vị giác rất chi ư là bình thường. Chẳng hạn, ở Israel, bài học đầu đời cho các bé khi nhìn thấy chữ viết chính là cảm giác con chữ ngọt như mật ong. Bố mẹ các em bôi mật ong lên những bảng đá khắc chữ để các em le lưỡi liếm và in sâu sự ngọt ngào học tập đó nơi tâm trí.

    VN ta ngược lại, bài học trong ngày tựu trường chính là đưa lưng làm phu khuân vác, người miền Bắc còn gọi là cửu vạn. Có lẽ đảng, nhà nước và bộ giáo dục muốn dạy ngay bài học tải đạn, lương thực trên đường Trường Sơn thời chiến tranh thuở nào vào tâm thức hồn nhiên của các bé, hầu nhớ nỗi gian nan khốn khó của thế hệ đi trước trong chiến tranh chăng? Và các học sinh còn làm nhiều thứ phu khác nữa, chúng ta thử lược qua sau đây:

    Nhìn mỗi em khệ nệ vác, xách, đeo, mang, khuân đủ cho thấy cái sự học chữ không hề đơn giản chút nào. Qua sông thời phải lụy đò, muốn hay con chữ phải khuân lấy đồ… nghề học tập bao gồm: Tiếng Việt tập 1,2 - Toán tập 1,2 – Đạo đức – Tự nhiên XH – Âm nhạc – Mỹ thuật – Hoạt động thể nghiệm – Giáo dục thể chất – Bộ thực hành toán TV 1.- Sách Tiếng Anh – Vở bài tập tiếng Việt –Vở bài tập tiếng việt tập 2 – Vở bài tập toán tập 1 – Vở bài tập toán tập 2 – Vở bài tập đạo đức – Vở bài tập tự nhiên xã hội – Vở bài tập âm nhạc –Vở bài tập Mỹ thuật – Vở bài tập hoạt động trải nghiệm – Thực hành tâm lý học đường – Văn hóa giao thông – Bác Hồ và những bài học về đạo đức – Tập trắng – Bảng viết (5).

    Dĩ nhiên không phải ngày nào các em cũng mang hết nhiêu đó thứ, nhưng con số ngày thường không phải là ít so với độ tuổi. Nó dẫn đến hệ lụy lớn lên các bệnh lý về xương sống, cong đốt sống, gù lưng là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, gánh nặng này chưa dừng lại ở đó, nó còn được chất thêm từ trong tư tưởng trẻ thơ những kiến thức nhồi nhét và nội dung không phù hợp.

    Trang Giaoduc.net nhận xét về bộ sách lớp 1 mới như sau: Khuyết điểm chung của hầu hết các bộ sách là lượng kiến thức đưa vào các bài học còn quá lớn với năng lực của học sinh lớp 1. Cụ thể, sách Tiếng Việt 1 của bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” sang học kỳ 2 cho học sinh học viết hoa, trong khi ở độ tuổi này thì viết chữ thường còn nhiều khó khăn (6). Đấy là chưa kể việc các tác giả soạn sách giáo khoa đã xuyên tạc những câu chuyện ngụ ngôn của các tác giả lớn như La Fontaine, Aesop hay Lev Tolstoy. Chúng ta không cần đi sâu vào phân tích nội dung, vì đó là điều mà bấy lâu nay xã hội VN đã mổ xẻ kỹ lưỡng.

    Điều đáng nói là việc gánh gồng kiến thức qua những cái gọi là tài liệu tham khảo. Đây mới là đỉnh cao của thứ trí tuệ dài dòng văn tự, rườm rà, nhiều sai sót mà không hiệu quả. Tại sao phải gắn thêm râu ria khi cả khuôn mặt lại không được tập chú cao độ. Đặc tính của giáo dục là hiệu quả. Bộ sách giáo khoa lẽ ra phải giúp các học sinh biết đọc biết viết, biết đếm và tính những phép đơn giản ngay trong chính sách giáo khoa, chứ không phải nại thêm đến tài liệu tham khảo? Học thêm, học kèm… Mở quá rộng chỉ thêm bối rối cho các em khi chẳng biết phải tin sách nào và không thể tập trung vào sách nào. Trí óc non nớt lớp 1 không thể như sinh viên nước ngoài viết một chủ đề cần tham khảo một số sách mà giáo sư giới thiệu.

    Vả lại, hội đồng soạn sách giáo khoa cho các em toàn giáo sư tiến sĩ, bậc thầy của các bậc thầy giảng dạy trực tiếp cho học sinh. Các vị này chả bao giờ có đứng lớp cầm tay dạy chữ cho học sinh; cho nên thiếu hẳn tính thực tế và chỉ vận dụng tư duy tâm lý học đường chủ quan cao siêu mà quên mất hiệu quả chính của giáo dục. Điều này được minh chứng suốt thời gian cải cách, đổi mới sách giáo khoa chả đi tới đâu, chẳng rút được kinh nghiệm thực tiễn giúp tạo hiệu quả thật sự trên các em học sinh. Bộ trưởng này lên ủng hộ nhóm này, bộ trưởng khác lên ủng hộ nhóm nọ. Hệ quả là học sinh bị biến thành những vật thí nghiệm không hơn không kém. Cái lưng đã cong vì gánh nặng sách vở nay cái đầu cũng dần mờ mịt chán nản việc học. Không có sáng tạo, đam mê học hỏi. Và thế là tệ nạn văn mẫu, chép văn, quay cóp, lịch học thêm học bớt dày đặc mà lại kém hiệu quả.

    Cứ nhìn vào Hàn quốc, sau chiến tranh họ dám can đảm chấp nhận muối mặt lấy nguyên bộ sách giáo khoa của Nhật Bản, dịch ra áp dụng cho nước mình, ngoại trừ các môn lịch sử, địa lý, ngữ văn (7) và một chút thay đổi cho phù hợp, thế thôi. Ngày nay họ đã phát triển mọi mặt thế nào? Tại sao VN không dám chấp nhận cái yếu kém của mình mà cứ chạy theo những cải cách - đổi mới vô bổ, thiếu khoa học và minh bạch. Hoặc chính thể cộng sản chỉ muốn dân ngu hầu dễ bề cai trị, nắm đầu dân hay sao? Trong khi con quan chức đứng đầu chính phủ, đảng bộ, ban ngành đều được gởi ra nước ngoài thụ hưởng những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Sau đó loạt thái tử đỏ, hạt giống đỏ nguồn này trở về tiếp nối cha mẹ làm phụ mẫu chi dân. Nếu nền giáo dục VN hiệu quả, xứng tầm vị thế quốc gia xã hội chủ nghĩa thẳng tiến lên cộng sản, việc quái gì phải qua bọn tư bản giãy chết học hành cho tốn cả núi tiền như thế. Thái độ đó minh chứng các vị ủy viên trung ương, bộ trưởng, chủ tịch, bí thư, giáo sư đi theo đảng cũng chả tin tưởng vào hệ thống giáo dục cả nước.

    Mục tiêu của bộ giáo dục chính là học sinh, nhưng nó không phải phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm, mà học sinh là con gà đẻ trứng vàng cho bộ GD, và có lẽ theo phương châm “vàng trong dân còn nhiều” nên tận thu qua trẻ em là an toàn và hợp lẽ nhất. Không phụ huynh nào muốn con em mình mới ngày đầu đi học lại thua kém bạn bè. Nguồn thu ở đấy chứ đâu ra. Đây là điểm son của bộ giáo dục, vốn là việc nhẹ lương cao. Nó làm động lực cho bộ giáo dục hằng năm hăng hái cải cách giáo dục và đổi mới giáo dục không ngừng. Quả là sáng kiến cho nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cái gì có lợi là cứ thế tận thu.

    Bên cạnh đó, các trường cũng vận dụng tâm lý thương và cưng chiều con của phụ huynh học sinh để mè nheo từ bộ đồng phục đi học đôi giày học thể thao cho đến tivi trang bị cho học sinh, tiền nước sạch, tiền tin nhắn thông báo tình hình học sinh, phụ phí này, phụ chi kia, kế hoạch nhỏ, lớn hội phụ huynh v.v… đa phần các em cấp 1 đều học bán trú, và thế là thêm khẩu phần ăn trưa, ăn lỡ cho các em được tận thu không khác gì việc thay đổi sách. Kể cả việc bộ giáo dục thông báo không thu học phí lớp 1 vậy mà phụ huynh cũng không hề được nghe nói đến. Trước năm 1975 và hiện nay ở nhiều nước, các học sinh đi học được miễn phí bữa ăn trưa nóng sốt, đầy đủ chất dinh dưỡng và đầy tính nhân văn (9). Đúng là nay đã khác xưa nhiều lắm.

    Bộ giáo dục đã chơi chiêu chính trị, nắm được các bé là nắm được phụ huynh. Và thế là các bé trở thành một dạng con tin mới để bộ GD tha hồ độc quyền thao túng cải cách sách dạy, độc quyền sản xuất và bán sách vở, thiết bị học đường, độc quyền nhồi sọ trẻ em từ tấm bé. Và rồi trẻ em biết gì mà cứ đội viên thiếu niên tiền phong, cô cậu bé khăn quàng đỏ, sao đỏ, đạo đức Hồ chí Minh. Ngay cả buổi chào cờ tôn vinh quốc kỳ cũng bị biến thành những buổi mít tinh đầu tuần tuyên truyền cho thể chế chính trị. Vào đến lớp học cũng thế, học sinh bị nhồi sọ lý tưởng cộng sản, đạo đức ông Hồ, tựa như trẻ cấp 1 ở Trung Quốc phải đọc những tự tưởng lý luận Tập Cận Bình (10). Đón các cấp lãnh đạo đảng cũng đưa các em nhỏ cầm cờ, trao hoa. 5 điều bác Hồ dạy và bắt các cháu nhỏ tuân giữ, nhưng chả thấy các cấp đảng ủy giữ gìn gì cả. Cứ xem danh sách đi tù của đảng viên sẽ rõ.

    Trường lớp là nơi học sinh bước đầu làm quen đời sống xã hội, học những điều căn bản để dần hội nhập đời sống chung cộng đồng. Nó không phải là lò đúc gạch, viên nào y hệt viên ấy. Ở VN, điều này thể hiện rõ nhất qua bảng thành tích tính tỉ lệ học sinh giỏi ở cấp I (11). Có lẽ chẳng có nước nào trên thế giới có tỉ lệ học sinh giỏi cao như ở VN, trường nào, tỉnh thành nào cũng đều ở mức cao ngất ngưởng trên 90 phần trăm và năm nào cũng thế. Đây là tâm lý của người dân Việt, nơi mỗi người đều có hình bóng ông quan trong đó. Dưới thể chế xã hội chủ nghĩa, tâm lý này được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Kết quả xã hội đầy thầy mà thiếu thợ: Qua những khảo sát thống kê đáng tin cậy, đến năm 2020, VN sẽ dư thừa hơn 70.000 giáo viên các cấp; còn nếu cứ giữ nguyên chỉ tiêu đào tạo như hiện nay, thì sẽ hơn 70.000 sinh viên Sư phạm ra trường không có việc làm (12).

    Giới trẻ luôn tìm việc nhẹ lương cao, có danh tiếng hơn là làm những công việc phù hợp với khả năng bản thân. Nó khởi nguồn từ căn bệnh giáo dục vĩ cuồng. Nó là bệnh thành tích nặng nề ăn sâu trong tâm khảm những kẻ đứng đầu ngành giáo dục, đã gây ra biết bao câu chuyện dở khóc dở cười như ngồi nhầm lớp: học sinh lớp 6 chưa đọc sõi vẫn được lên lớp, 1 học sinh lớp 6 xuống lại lớp 1 và cuộc kiểm tra phát hiện thêm 70 học sinh “ngồi nhầm lớp” như thế (13). Còn rất nhiều minh chứng khác cho thấy lớp trẻ VN không được chuẩn bị đầy đủ hành trang và các kỹ năng mềm cho việc tự lập của bản thân. Bước vào môi trường công việc các em luôn bị choáng và các nhà tuyển dụng phải đạo tạo thêm phần lẽ ra phải có ngay từ học đường. Nguyên do đến từ chính guồng giáo dục cồng kềnh, thiếu nền tảng, thiếu những cái lẽ ra phải có trong giáo dục. Những bộ sách chỉ được đầu tư để đẻ ra tiền chứ không phải được đầu tư để xây dựng nền tảng cho con người là câu trả duy nhất.

    Giáo viên đứng lớp dạy, bên cạnh những con ông cháu cha hoặc có mối quan hệ lớn được sở giáo dục địa phương thu xếp công việc ở các trường điểm có tiếng. Không quen biết, không có ô dù che chở, số giáo viên còn lại sẽ phải len lỏi vào các trường bằng phong bì… trường tiểu học từ 1 trăm triệu đến 150 triệu; cấp hai từ 150 triệu đến 250 triệu; cấp 3 cao hơn, cá biệt có những trường có tiếng tại các thành phố lớn, chạy vào làm giáo viên trường đấy có thể lên đến 500 triệu (14). Chạy có chân dạy xong còn phải gắng vào biên chế, thi công chức v.v… Vì thế, không lạ gì một thực tế đau lòng là ở nhiều địa phương, sinh viên giỏi có bằng Đại học sư phạm chính quy hẳn hoi mà thi vào biên chế vẫn trượt. Còn người dốt chỉ có bằng Cao đẳng sư phạm, thậm chí Trung cấp sư phạm thì lại đỗ đạt thành công chức?

    Chạy chọt, hối lộ, luồn cúi đưa phong bì, nhiều giáo viên nữ phải trao cả thân xác để có được chân công chức. Giáo viên như thế sẽ dạy bài học đạo đức gì cho học sinh? Nhất là những em lần đầu đến trường để nghe những giáo viên hối lộ, chạy tiền dạy bảo những điều tốt đẹp và bài học đạo đức làm người cho các em ư. Rồi những kiến thức dạy điều gian manh ngay trong các sách giáo khoa chẳng khác liều thuốc độc tiêm vào tiềm thức các em chực chờ ngày bùng phát. Chả trách gì tình trạng quay cóp, đạo văn, trộm bài, bạo lực học đường nhan nhản trong các học đường xã hội chủ nghĩa (15). Chuyện lãnh đạo thành phố bắt các cô giáo đi tiếp khách rồi coi nó là bình thường, thậm chí các vị lãnh đạo còn nói đó là vinh hạnh khi được phục vụ khách của đảng, của nhà nước (16).

    Về phía trường học có biết bao tệ nạn, môi trường học đường không an toàn cho học sinh đang diễn ra tựa cơm bữa, gây bao bức xúc, lo lắng. Phụ huynh chẳng biết con mình sẽ bị bạo hành, nghiện ngập hoặc tử vong bất cứ lúc nào: Hiện trạng bạo hành học đường từ phía giáo viên đánh học sinh, giữa các học sinh với nhau (17); ma túy được ra bán ngay trước cổng trường (18); trẻ mẫu giáo bị bỏ quên trên xe may chưa tử vong; học sinh lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe; Học sinh bị cây đổ đè chết ngay tại trường học; 3 học sinh tử vong vì sập cổng trường (19).

    Vài nét phác thảo những mầm non đất nước, là tương lai dân tộc, đang gánh gồng những bi đát do giáo dục gây ra như thế, để xem ai là kẻ chịu trách nhiệm những gì đang xảy ra. Điều đáng nói là những sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến tính mạng của học sinh đã không được điều tra, xem xét đến nơi đến chốn. Chỉ toàn là ém nhẹm, bám ghế mà chẳng thấy ông bộ trưởng, thứ trưởng nào từ chức lãnh trách nhiệm. Nó là bằng chứng cho một thể chế giảo hoạt và đùn đẩy trách nhiệm là chính. Do đó, mục tiêu giáo dục của VN hiện nay chỉ vì lợi nhuận cũng là điều dễ hiểu.

    Chẳng ai muốn con cái mình ngày càng lụn bại, nhất là trong việc học. Tuy nhiên, sự thản nhiên của đa số các bậc phụ huynh VN quả là đáng sợ. Trước nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi sợ đàn áp từ phía nhà cầm quyền khiến cảnh con cái dân Việt ngày càng cong lưng vì biết bao quang gánh nặng nề cuộc đời, hết đại dịch tới mưa gió bão lũ. Thôi thì đành tới đâu hay tới đó chứ mà cứ cải cách đổi mới nữa cũng chả đi đến đâu, ngoại trừ thay đổi thể chế hiện hành. Và người dân Việt đang đi đúng hướng khi chất vấn chuyện sách giáo khoa với thủ tướng khiến bộ giáo dục phải xem lại phương cách làm việc của bộ đối với mầm non đất nước, đúng như Benjamin Franklin từng nói: “Trách nhiệm đầu tiên của mỗi công dân là hãy chất vấn chính quyền.”

    https://www.voatiengviet.com/

    Không có nhận xét nào