Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 16 tháng 10 năm 2020


    Tổng tuyển cử tại New Zealand 

     
    Chỉ có một vấn đề được đặt ra cho cuộc bầu cử của New Zealand vào ngày mai: cách Jacinda Ardern xử lý covid-19. Điều đó đồng nghĩa với chỉ một kết quả: chiến thắng cho Đảng Lao động của bà. Thủ tướng được ca ngợi như một vị cứu tinh vì đã dập tắt lây nhiễm trong cộng đồng không chỉ một mà tận hai lần. Người dân New Zealand giờ có thể tận hưởng những quyền tự do mà các nước khác chỉ có thể mơ ước.

    Phe đối lập chính, đảng trung hữu Quốc gia, đã tự tạo khó khăn cho mình bằng cách thay ba lãnh đạo kể từ tháng 5. Lãnh đạo mới nhất, Judith “Crusher” Collins, gần đây đã cố gắng tăng cơ hội cho mình bằng cách đổ lỗi cho những người béo về bệnh béo phì của họ. Các cuộc thăm dò cho thấy bà Ardern sẽ giành được 46% phiếu bầu, mang lại cho bà 59 ghế trong quốc hội đơn viện — chỉ thiếu một vài ghế để có đa số. Chưa đảng nào từng lãnh đạo một mình trong hệ thống đại diện theo tỷ lệ của New Zealand. Nếu Đảng Lao động thiếu ghế, họ vẫn có thể liên minh tốt với Đảng Xanh.

    Liên minh đối lập của Pakistan tập hợp lực lượng

    Sân vận động đã được đặt trước, xe buýt được thuê và biểu ngữ được vẽ sẵn. Hôm nay, Phong trào Dân chủ Pakistan (PDM), một liên minh mới của các đối thủ của Imran Khan, tổ chức cuộc mít tinh đầu tiên tại Gujranwala ở Punjab. Đây là bài thử sức đầu tiên cho nhóm có mục tiêu cao cả này: không chỉ loại bỏ ông Khan mà còn cả “nhà nước trên nhà nước” — tức giới tinh hoa quân sự từ lâu đã thao túng chính trị và giúp đưa ông Khan lên nắm quyền.

    PDM kì vọng nỗi bất bình với giá cả tăng sẽ giúp sức cho họ. Ông Khan đã cho phép cuộc mít tinh, mặc dù có báo cáo về việc các nhà hoạt động bị bắt và một số tuyến đường bị chặn. Những thành viên lớn nhất của PDM, Liên đoàn Hồi giáo Pakistan và Đảng Nhân dân Pakistan, đã bị chèn ép từ sau từ cuộc bầu cử 2018 và các lãnh đạo của họ bị cáo buộc tham nhũng. Hôm nay, họ sẽ xác định liệu họ có thể quay lại vũ đài chính trị, hay ông Khan có còn an toàn hay không.

    Thổ Nhĩ Kỳ công bố phát hiện mỏ khí lớn


    Vào thứ Bảy, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ công bố một số tin tốt về việc phát hiện khí đốt gần đây ở Biển Đen. Hồi tháng 8, ông công bố phát hiện mỏ khí lớn nhất trong lịch sử đất nước — ít nhất 320 tỷ mét khối khí ngoài khơi bờ biển phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, ông dự kiến sẽ nâng con số đó lên 400 tỷ, đủ để đáp ứng nhu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 9 năm.

    Ông Erdogan cho biết ông dự kiến sản xuất sẽ khởi động từ 2023. Các chuyên gia nói có thể mất nhiều thời gian hơn. Ít nhất trong ngắn hạn, khí đốt dưới đáy biển sẽ không thể khắc phục được các vấn đề đang gây ra cho nền kinh tế. Đất nước này đang phải đối mặt với cuộc suy thoái lần thứ hai trong ba năm và một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới do chính mình tạo ra. Đồng lira đã giảm 25% so với đồng đô la trong năm nay. Và nó hầu như không lên nổi sau tuyên bố của ông Erdogan vào tháng 8. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ cần cải cách hơn là cần hydrocarbon.

    Bolivia chuẩn bị bầu tổng thống

    Chủ nhật này, người dân Bolivia sẽ đi bỏ phiếu với hy vọng chấm dứt một năm bất ổn dân sự. Tháng 11 năm ngoái, các cuộc biểu tình đã lật đổ chính phủ thiên hướng xã hội của Evo Morales, theo sau cuộc bầu cử bị hủy hoại bởi các cáo buộc ông dàn xếp bỏ phiếu. Một cuộc thanh sát của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ đã phát hiện ra gian lận; nhưng những người ủng hộ ông Morales nói ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính.

    Lần này, các cuộc thăm dò dự đoán sẽ phải có bầu cử vòng hai giữa Luis Arce, cựu bộ trưởng tài chính từ đảng của ông Morales, và Carlos Mesa, một cựu tổng thống theo đường hướng trung dung. Nhưng ông Arce có thể thắng ở vòng đầu tiên. Người chiến thắng sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và một xã hội bị chia rẽ nặng nề. Người dân Bolivia đang tích trữ lương thực để đề phòng biểu tình sau bầu cử, mặc dù các cải cách tòa án bầu cử có nghĩa là kết quả đáng tin cậy hơn. Không bên nào sẽ có đa số trong Quốc hội, điều có thể dẫn đến thế bế tắc, nhưng cũng có thể là ít chủ nghĩa thân hữu hơn và nhiều chủ nghĩa thực dụng hơn. Nếu vậy, Bolivia sẽ tốt hơn.

    Miền Nam nước Mỹ không còn là thành trì của Đảng Cộng Hòa

    Có lẽ không nơi nào tốt hơn Macon ở Georgia để Donald Trump tập hợp những người ủng hộ, nơi ông sẽ xuất hiện vào tối nay. Mặc dù Quận Macon – Bibb, nơi phần lớn là người Mỹ gốc Phi, ủng hộ Hillary Clinton vào năm 2016, các quận xung quanh lại rất bảo thủ. Ông Trump cần các phiếu bầu ở đây để bù đắp cho việc ông gần như chắc chắn thua ở Atlanta và các vùng ngoại ô của nó — hai ứng viên đang cạnh tranh sít sao ở Georgia.

    Những ngày mà miền Nam còn nằm vững chắc trong tay Đảng Cộng hòa đang dần qua đi. Virginia giờ đây chắc chắn bỏ phiếu cho Dân chủ. Joe Biden dẫn trước không xa nhưng ổn định ở Bắc Carolina. Ngoài Georgia, Florida và thậm chí là Texas, nơi chưa từng có đảng viên Dân chủ nào chiến thắng kể từ Jimmy Carter năm 1976, đều đang rất sít sao. Miền Nam đang thay đổi: các vùng ngoại ô Atlanta có dân số đa chủng tộc trong khi dân số da đen cũng như Latin của Georgia đang tăng nhanh hơn người da trắng. Vùng Tam giác Nghiên cứu Bắc Carolina thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Dân số của Virginia hiện tập trung xung quanh các vùng ngoại ô giàu có, dân trí cao của Washington, DC. Tương lai của miền Nam không đỏ cũng không xanh, mà là màu tím.

    Nhiều công ty công nghệ lớn dồn tiền cho Biden, chống Trump

    Các công ty công nghệ lớn đang đóng góp 95% số tiền cho chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, mặc dù họ được cho là đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, WIRED trích dẫn một nghiên cứu cho hay.

    Các hãng công nghệ bắt đầu ủng hộ các ứng viên thiên tả từ thời Obama, và họ vẫn tiếp tục truyền thống đó cho đến nay, theo tạp chí xuất bản định kỳ hàng tháng WIRED của Mỹ, số ra ngày 6/10.

    Nhân viên của sáu công ty công nghệ, bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Facebook, Microsoft và Oracle, đã ủng hộ 4.787.752 USD cho Biden và 239.527 USD cho Trump. Sự chênh lệch lớn giữa khoản tiền ủng hộ cho hai ứng viên tổng thống phản ánh rõ xu hướng thiên tả của các công ty công nghệ có đại bản doanh ở Thung lũng Silicon.

    Ngoài ra, đa số nhân viên của những công ty này còn có lịch sử biểu tình tập thể chống lại chính quyền Trump ngay từ những ngày đầu ông Trump lên nắm quyền.

    Hơn 2.000 nhân viên Google từng biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cư do Tổng thống Trump ban hành. Một lần nữa vào năm 2018, họ phản đối Dự án Maven, dự án phát triển trí thông minh nhân tạo cho Lầu Năm Góc, WIRED đưa tin.

    Nguy cơ lũ chồng lũ sẽ xuất hiện tại các tỉnh miền Trung Việt Nam từ nay đến tháng 11


    Các tỉnh miền Trung sẽ hứng chịu nhiều cơn lũ từ giờ đến tháng 11

    Hà tĩnh đến Thừa Thiên Huế có thể xuất hiện lũ đặc biệt lớn trong những ngày tới, nguy cơ lũ chồng lũ.

    Đó là dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Việt Nam vào ngày 16/10 và được truyền thông quốc nội loan.

    Hiện các tỉnh miền Trung tiếp tục chịu ảnh hưởng của những đợt mưa lớn. Cụ thể ở Quảng Trị vào đêm 15 và rạng sáng 16, mưa lớn đã khiến một trường học ở TP Đông Hà ngập nặng. Công An phải dùng xuồng để đưa các thầy, trò ra khỏi trường.

    Nước sông Hiếu cũng đã tràn vào các khu dân cư khiến nhiều nhà dân ngập sâu trên 1 mét.

    Tại Quảng Nam, nhiều thuỷ điện thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn tiếp tục xả nước điều tiết. Do đó, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam dự báo sẽ có một đợt lũ lớn trong những ngày tới nếu mưa vẫn tiếp tục.

    Chiều 16/10, do mưa lớn khiến đường ngập sâu, Sở Giáo dục Đào tạo Thừa Thiên Huế đã có công văn khẩn cho học sinh nghỉ học từ ngày 17/10.

    Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm khí tượng thuỷ văn VN trả lời trên Tuổi Trẻ online rằng, Trung tâm dự báo từ nay đến hết năm 2020 vẫn còn khả năng có từ 4-6 áp thấp nhiệt đới, bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó có từ 2 đến 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền VN. Ngoài ra, do mưa lớn nên lũ vẫn còn diễn biến phức tạp đến tháng 11.

    Pháp-Covid-19: 24 giờ trước giới nghiêm, Pháp ghi nhận 30.000 ca lây nhiễm mới

    Lệnh giới nghiêm từ 21 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/10/2020 tại vùng Paris-Ile-de-France và 8 thành phố khác. Studio graphique FMM

    Paris, ngoại ô và 8 tỉnh thành đang ở trong tình trạng báo động tối đa, còn một buổi tối tự do cuối cùng trước khi lệnh giới nghiêm đi vào hiệu lực, từ 21 giờ đến 6 giờ kể từ thứ Bảy 17/10/2020 trong một tháng. Các chỉ số Covid-19 đều xấu, trong 24 giờ qua, hơn 30 ngàn trường hợp lây nhiễm mới được phát hiện.

    Lệnh giới nghiêm, trong đêm đầu tiên, bắt đầu lúc 00 giờ thứ Bẩy 17/10 đến 6 giờ sáng tại thủ đô Paris, vùng ngoại ô vành đai, cùng với 8 tỉnh lớn trong tình trạng báo động tối đa gồm Lyon, Lille, Toulouse, Montpellier, Saint-Etienne, Aix-Marseille, Rouen và Grenoble.

    Tổng cộng khoảng 20 triệu dân sẽ phải ở nhà mỗi đêm từ 21 giờ đến 06 giờ sáng trong vòng bốn tuần và chỉ được phép ra đường với lý do bất khả kháng hoặc có chứng nhận đặc miễn.

    Quỹ từ thiện của Clinton bị buộc tội trốn thuế lên tới 2,5 tỷ USD

    Một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã ra phán quyết rằng khiếu nại trốn thuế chống lại Quỹ Clinton nên được tiếp tục xem xét, The BL đưa tin.

    Quỹ Clinton được thành lập vào năm 1997 bởi vợ chồng cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton với mục tiêu phục vụ các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Just The News, quỹ này bị cáo buộc trốn khoản tiền thuế lên tới 2,5 tỷ đô la.

    Thẩm phán Tòa án Thuế Hoa Kỳ David Gustafson đã từ chối quyết định hôm 8/10 miễn truy cứu Quỹ Clinton của Sở Thuế vụ (IRS), sau khi hai chuyên gia thuế nộp đơn khiếu nại quỹ của gia đình Clitn vì nó vi phạm các điều khoản miễn thuế.

    Thẩm phán Gustafson nói rằng hai người tố cáo quỹ Clinton, John Moynihan, một cựu quan chức Cơ quan Thực thi Ma túy và Larry Doyle, một chuyên gia thuế doanh nghiệp, “đã cung cấp‘ tài liệu đáng tin cậy, cụ thể ’hỗ trợ cho các cáo buộc của họ”.

    Thẩm phán Gustafson cho rằng, IRS đã “lạm dụng quyền quyết định của mình” trong việc cố gắng bác bỏ các cáo buộc chống lại Quỹ Clinton.

    Trung Quốc tung bầy UAV tấn công tự sát

    Trung Quốc đã phát triển một loại thiết bị bay không người lái tấn công tự sát với chi phí thấp. Mới đây, chúng đã được điều động bầy đàn để tấn công mục tiêu trong một cuộc thử nghiệm, truyền thông đại lục loan tin, theo SCMP.

    Thiết bị này đưa vào hoạt động như một phần của chiến lược hợp nhất quân sự – dân sự của chính phủ, một người trong Quân đội Trung Quốc giấu tên nói với SCMP. Chính sách này tìm cách thúc đẩy phát triển quân sự với sự hỗ trợ của khu vực dân sự và tư nhân.

    Thủ tướng Thái tuyên bố không từ chức

    Reuters đưa tin, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố hôm thứ Sáu rằng ông sẽ không từ chức sau khi hàng chục nghìn người xuống đường bất chấp việc vi phạm các lệnh cấm biểu. Trước đó, ông Prayuth đã ban hành các biện pháp khẩn cấp chống biểu tình kéo dài tới 30 ngày.

    Sau cuộc họp nội các khẩn cấp, ông Prayuth nói với các phóng viên rằng luật sẽ được sử dụng để chống lại những người vi phạm lệnh cấm tụ tập với mục đích chính trị.

    “Tôi sẽ không nghỉ việc”, ông nói. “Chính phủ phải sử dụng sắc lệnh khẩn cấp. Chúng tôi phải tiếp tục vì tình hình trở nên bạo lực…Lệnh sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, hoặc ít hơn nếu tình hình dịu đi”.

    Quốc vương Malaysia kêu gọi các chính trị gia ngừng gây bất ổn


    Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah hôm thứ Sáu đã kêu gọi các chính trị gia không kéo đất nước rơi vào tình trạng bất ổn chính trị hơn nữa và thúc giục họ giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán và theo hiến pháp, theo Reuters.

    Bình luận của nhà vua được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực giữa Thủ tướng Muhyiddin Yassin và lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim, chỉ bảy tháng sau một cuộc tranh cãi khác dẫn đến việc Muhyiddin thành lập chính phủ mới.

    Anwar đã gặp nhà vua trong tuần này để chứng minh rằng ông có đa số phiếu bầy để thành lập một chính phủ mới với sự giúp đỡ của những người đã rời hàng ngũ chính quyền hiện tại. Nhưng các cuộc họp tiếp theo tại cung điện đã bị hủy do lệnh hạn chế di chuyển nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19.

    Các tay súng Pakistan hạ sát 14 nhân viên an ninh, phản đối dự án Vành đai Con đường


    Một cuộc phục kích đã giết chết 14 nhân viên an ninh trong đoàn xe hộ tống các nhân viên của Công ty TNHH Phát triển Dầu khí (OGDCL) trên đường cao tốc ven biển ở quận Gwadar của Pakistan hôm thứ Năm (15/10), Nikkei đưa tin.

    Các nhân viên của OGDCL, công ty lớn nhất Pakistan về giá trị vốn hóa thị trường, đang tiến hành một cuộc khảo sát địa chất để thăm dò khí đốt trong khu vực rộng 2.407 km vuông. Cuộc tấn công diễn ra tại khu vực Sarpat, cách cảng Gwadar 300 km về phía đông.

    Theo Inter-Services Public Relations (ISPR), kênh truyền thông của các lực lượng vũ trang Pakistan, những người thiệt mạng trong vụ tấn công là 7 nhân viên thuộc lực lượng dân quân Frontier Corps và 7 nhân viên bảo vệ cho OGDCL.

    Baloch Raji Ajoi Sangar, một tổ chức liên minh các nhóm ly khai dân tộc Baloch, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Cũng chính nhóm này đã tấn công Sở Giao dịch Chứng khoán Pakistan vào tháng 6/2020 và đã cảnh báo Trung Quốc ngừng thực hiện các dự án Vành đai và Con đường ở tỉnh Baluchistan.

    Nhật Bản không tham gia ‘Mạng Sạch’ của Mỹ

    Tờ báo Yomiurit trích dẫn các nguồn tin cho biết hôm nay (16/10), Nhật Bản đã nói với Mỹ rằng Tokyo sẽ không tham gia kế hoạch của Washington nhằm loại trừ các công ty Trung Quốc, ít nhất là vào thời điểm này, theo Reuters.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng 8 đã công bố một bản cập nhật kế hoạch mang tên “Mạng Sạch” (Clean Network) cấm các nhà mạng cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây và các ứng dụng thiết bị di động có nguồn gốc Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào