Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 29 tháng 10 năm 2020



    Mỹ tăng cường hợp tác với Indonesia ở Biển Đông

    Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 29/10 cho biết Washington sẽ tìm kiếm cách thức mới để hợp tác với Indonesia tại Biển Đông.

    “Tôi mong đợi hai bên sớm hợp tác cùng nhau theo những cách thức mới để đảm bảo rằng an ninh hàng hải sẽ bảo vệ một số tuyến thương mại đông đúc nhất thế giới”, ông Pompeo nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 29/10.

    Trước đó, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia, ông Pompeo đã hoan nghênh “hành động quyết đoán” của Jakarta trong việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia tại vùng biển gần quần đảo Natuna, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.

    Ngoại trưởng Mỹ cho rằng yêu sách của Trung Quốc là “trái pháp luật”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia cho biết bà mong muốn thấy một khu vực Biển Đông “ổn định và hòa bình”, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng.

    Bà Retno nói thêm rằng Indonesia và Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng bằng cách tăng cường mua sắm quân sự, huấn luyện và tập trận, chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực.

    Bầu cử 2020 tốn kém nhất lịch sử Mỹ

    Theo ước tính của Trung tâm Phản ứng Chính trị (CRP), tổng chi phí cho cho các chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ dự kiến đạt mức kỷ lục gần 14 tỷ USD, gấp đôi chi phí cho cuộc bầu cử cách đây 4 năm.

    Bà Sheila Krumholz, Giám đốc của Trung tâm Chính trị Đáp ứng, cho biết, các nhà tài trợ đã rót số tiền kỷ lục vào giữa năm 2018, năm 2020 dường như là sự tiếp nối của xu hướng này – nhưng được tăng cường hơn. Bà nói thêm rằng, 10 năm trước, một ứng cử viên tổng thống quyên được tài trợ hàng tỷ USD là rất khó nhưng lần này, cả 2 ứng viên đều thu hút được số tiền tài trợ lớn.

    Trung tâm ước tính, chỉ riêng chi tiêu cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 sẽ là 6,6 tỷ USD, trong khi chi tiêu cho cuộc chạy đua vào Nghị viện sẽ là 7,2 tỷ USD.

    Con số này cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2016, trong đó các chiến dịch tranh cử tổng thống chi khoảng 2,3 tỷ USD và các chiến dịch Nghị viện chi 4,1 tỷ USD.

    Tính đến ngày 14/10, ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden đã huy động được 938 triệu USD trong quỹ vận động. Tổng thống Donald Trump đã huy động được 596 triệu USD tính đến giữa tháng 10.

    Trong cuộc bầu cử lần này, đảng Dân chủ đang chi gấp đôi đảng Cộng hòa. Chi tiêu cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ ước tính là 6,9 tỷ USD trong cuộc bầu cử năm 2020, trong khi chi tiêu của đảng Cộng hòa ước tính là 3,8 tỷ USD.

    Ông Joe Biden cùng vợ đi bỏ phiếu sớm

    Trang ABC đưa tin, vợ chồng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đi bỏ phiếu sớm trực tiếp hôm 28/10 tại tòa nhà Carvel ở thành phố Wilmington, bang quê nhà Delaware của ông, trở thành hai trong hơn 74 triệu người Mỹ đi bầu sớm.

    Trước khi bỏ phiếu, ông Biden đã dành cả ngày để tham gia các cuộc họp với các quan chức y tế địa phương về đại dịch viêm phổi Vũ Hán và dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu ở bang Delaware.

    Tổng thống Trump hôm 24/10 cũng đã đi bỏ phiếu sớm trực tiếp tại một thư viện ở thành phố West Palm Beach, bang Florida, nhưng đệ nhất phu nhân không đi cùng. Ông Trump chuyển đăng ký thường trú và đăng ký cử tri từ New York về Florida vào năm ngoái.

    Ứng cử viên Joe Biden, 77 tuổi, hay nói nhầm trong các cuộc vận động tranh cử, làm dấy lên lo ngại ông không đủ trí lực để điều hành đất nước nếu được bầu làm tổng thống Mỹ.

    Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị kết án 17 năm tù

    Ông Lee, 78 tuổi, giữ chức Tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2013, bị truy tố hồi tháng 4/2018 với cáo buộc về tội tham ô và nhận hối lộ.

    Các công tố viên cho biết hầu hết các hành vi sai phạm của ông Lee diễn ra trong thời gian ông nắm quyền, hoặc khi ông còn là ứng viên trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007. Ông Lee bị cáo buộc nhận khoảng 10 triệu USD tiền hối lộ từ tập đoàn Samsung, cơ quan tình báo Hàn Quốc và cựu giám đốc điều hành một ngân hàng. Ngoài ra, ông Lee đã biển thủ khoảng 30 triệu USD từ một công ty phụ tùng ô tô mà ông sở hữu và trốn khoảng 280.000 USD tiền thuế doanh nghiệp.

    Tại toà, ông Lee Myung-bak luôn phủ nhận các cáo buộc, khẳng định mình vô tội và việc truy tố ông là đòn “trả thù chính trị” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in do cái chết của cố tổng thống Roh Moo-hyun, người tiền nhiệm của ông Lee.

    Mỹ: Philadelphia lệnh giới nghiêm vì bạo loạn


    Fox News đưa tin, thành phố Philadelphia, Mỹ hôm 28/10 đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối thứ tư đến sáng hôm sau khi các cuộc phá hoại và cướp bóc vẫn liên tiếp diễn ra tại đây.

    Nhiều thiết bị nổ đã được tìm thấy bên trong một chiếc xe tải gần trung tâm thành phố Philadelphia vào đêm 28/10, buộc cảnh sát đặc nhiệm thành phố và cảnh sát điều tra liên bang phải vào cuộc.

    Trong khi đó, những kẻ cướp bóc đang nhắm vào các cửa hàng trong khu Wynnfield của thành phố, không xa Đại học St. Joseph. Cảnh sát cho biết họ đã thực hiện 81 vụ bắt giữ, trong khi có 23 cảnh sát đã bị thương khi làm nhiệm vụ.

    Tình trạng bất ổn an ninh ở Philadelphia đã gia tăng sau khi cảnh cảnh sát đã bắn chết một thanh niên da màu mang theo dao hồi đầu tuần.

    Năm “điệp viên” Trung Quốc tại Mỹ bị bắt giữ về tội truy lùng các nhà đối lập

    Đăng ngày: 29/10/2020 - 12:48

    Trợ lý bộ trưởng Tư Pháp, phụ trách an ninh quốc gia, John Demers (T) trong một cuộc họp báo trực tuyến tại bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, ngày 28/10/2020 tại Washington DC. AP - Sarah Silbiger

    Chính quyền Mỹ đã cho biết: Năm “điệp viên” Trung Quốc đã bị bắt ngày hôm qua, 28/10/2020 tại Mỹ vì vai trò của họ trong chiến dịch gọi là “săn cáo” được Bắc Kinh khởi động, mượn danh nghĩa là chống tham nhũng để nhằm triệt hạ các nhà đối lập.

    Theo lời trợ lý bộ trưởng Tư Pháp Mỹ, John Demers, số bị bắt này nằm trong tổng số “8 điệp viên Trung Quốc đã bị truy tố vì chiến dịch cảnh sát bất hợp pháp đó”. Cũng theo quan chức Mỹ, ba người chưa bị bắt có lẽ vẫn còn ở Trung Quốc, trong lúc năm người còn lại đã bị bắt tại các bang California, New Jersey và New York và sẽ đưa ra trình diện thẩm phán trong ngày.

    Mỹ rút khỏi một thỏa thuận hợp tác địa phương với Trung Quốc

    Theo hãng tin Anh Reuters, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào hôm qua, 28/10/2020, cho biết đã xác định một chi nhánh tại Mỹ của một tổ chức do chính phủ Trung Quốc kiểm soát là “phái bộ nước ngoài” và tuyên bố là Mỹ rút khỏi một thỏa thuận thúc đẩy hợp tác cấp địa phương giữa hai nước.

    Ông Pompeo tố cáo Hiệp Hội Hữu Nghị Đối Ngoại Nhân Dân Trung Quốc (CPAFFC) là đã “tìm cách ảnh hưởng trực tiếp và với ý đồ xấu” lên các nhà lãnh đạo địa phương và bang Mỹ để tăng cường sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

    Bão số 9 vừa qua, dự báo bão số 10 tiến vào miền Trung


    Hướng đi của bão Goni, cơn bão số 10.



    Trung tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (TTDBKTTVQG) ngày 29/10 thông báo, phía Đông Philippines hình thành cơn bão có tên quốc tế Goni và có khả năng đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.

    Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin dẫn thông báo của ông Hoàng Phúc Lâm phó giám đốc TTDBKTTVQG tại cuộc họp của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra cùng ngày.

    Theo ông Hoàng Phúc Lâm vào rạng sáng ngày 29/10 Đài khí tượng Nhật Bản đã phát tin bão có tên Goni xuất hiện và đang cách Biển Đông khá xa. Dự báo ngày 1/11 bão Goni sẽ tiến vào Biển Đông.

    Đại dịch cúm Tàu tại Đức và Âu Châu ngày 28/10/2020

    Các giới hạn về tiếp xúc sẽ bắt đầu ở Đức vào ngày 2 tháng 11. Các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống sẽ phải đóng cửa, chỉ có tối đa mười người từ hai hộ ở được phép gặp gỡ nơi công cộng: Thủ tướng Merkel và các thống đốc tiểu bang đã đồng ý về các hạn chế sẽ áp dụng từ thứ Hai. Các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống phải đóng cửa từ thứ Hai cho tới hết tháng, chỉ được phép bán mang đi hay mang đến tận nhà. Bán lẻ và sỉ vẫn được phép mở cửa. Trường học và nhà trẻ vẫn mở cửa. Các cơ sở giải trí phải đóng cửa: nhà hát, opera và phòng hòa nhạc phải đóng cửa từ ngày 2 tháng 11 cho đến hết tháng. Quy định này cũng áp dụng cho các cơ sở thể thao giải trí và nghiệp dư; ngoại trừ các môn thể thao cá nhân.


    Theo Viện Robert Koch, các cơ quan y tế đã báo cáo một kỷ lục 14.964 ca nhiễm trong vòng một ngày. Vào thứ Tư một tuần trước, con số này chỉ là 7595, tức tăng gấp đôi qua một tuần. Vào thứ Bảy có 14.714 trường hợp nhiễm mới được ghi nhận, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch cúm tàu ở Đức.

    Tình hình dịch bệnh đang tồi tệ hơn nhiều ở một số quốc gia châu Âu khác so với ở Đức. Không chỉ các ca nhiễm mới đang gia tăng đáng kể mà ở một số nơi, các khu chăm sóc đặc biệt cũng bắt đầu hết chỗ.

    Ở Bỉ: Các bác sĩ làm việc mặc dù chính bản thân đang bị nhiễm – bệnh nhân được chuyển sang Đức. Bỉ là quốc gia có nhiều ca nhất trong vòng 14 ngày trên 100.000 dân – giá trị này là 1390,9 vào thứ Ba, ở Đức là 144,3. Tức tỷ lệ lây nhiễm trên dân số cao gấp 10 lần ở Đức.

    Hệ thống y tế ở Séc cũng sắp đạt giới hạn. Trong tổng số gần 4.000 giường trong khu chăm sóc đặc biệt, chỉ còn khoảng 1.100 giường dành cho bệnh nhân Covid và tất cả các bệnh nhân khác. Hơn 13.000 nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã bị nhiễm virus cúm tàu. Hầu hết họ đều tiếp tục làm việc nếu như không xuất hiện các triệu chứng.

    Các bệnh viện ở Hà Lan đang chịu áp lực từ số bệnh nhân ngày càng tăng. Nhiều ca mổ đã bị hủy. Bệnh nhân cúm tàu chiếm một nửa giường bệnh trong khu chăm sóc đặc biệt. Hai bệnh nhân đầu tiên đã được chở máy bay sang thành phố Münster của Đức. Nhiều bệnh nhân nữa cũng sẽ được chuyển sang Đức.

    Ở Pháp, tình hình đặc biệt căng thẳng tại Paris và phía đông nam. Hôm thứ Hai, có khoảng 2.770 người bệnh nặng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt – tức là khoảng một nửa tổng công suất. Nếu không có các biện pháp nghiêm ngặt hơn, các bệnh viện trên toàn quốc có khả năng đạt sẽ tới giới hạn trong vòng hai tuần tới.

    Nhiều vùng ở Tây Ban Nha và Ý đã gióng chuông báo động. Triển vọng cũng ảm đạm đối với các nước nhỏ như Lithuania và Latvia. Ở Romania, ở một số nơi các bác sĩ đã phải quyết định ai có thể nhận được một suất trong phòng chăm sóc đặc biệt – những người trẻ tuổi hơn được ưu tiên.

    Kinh tế Mỹ tăng trưởng quý, nhưng vẫn âm theo năm

    Số liệu GDP quý ba của Mỹ sẽ được công bố hôm nay và dự kiến là một con số đáng kinh ngạc. Nền kinh tế có thể đã tăng trưởng khoảng 8% giữa quý ba và quý hai, phá vỡ mọi kỷ lục trong quá khứ về tăng trưởng quý. Thật không may, kết quả này đến sau sự sụt giảm sản lượng còn đáng kinh ngạc hơn là 9% trong quý hai, vì covid-19 đóng băng các hoạt động kinh tế.

    Sản lượng quý ba tăng vọt phản ánh việc nối lại một số hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Tuy nhiên, GDP của Mỹ vẫn thấp hơn 2% so với một năm trước. Vì vậy, trong khi Tổng thống Donald Trump có thể kỳ vọng con số GDP bội thu sẽ giúp thúc đẩy cho chiến dịch của ông trong những ngày cuối cùng trước bầu cử, người Mỹ vẫn đang cảm nhận nỗi đau của nền kinh tế bị suy yếu. Và họ bắt đầu lo lắng sự gia tăng ca nhiễm covid-19 mới sẽ làm cho mọi thành tựu phục hồi tiêu tan.

    Cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng TƯ Châu Âu

    Các chiến lược gia ECB sẽ có nhiều điều để thảo luận tại cuộc họp chính sách tiền tệ hôm nay. Lạm phát hàng năm đã giảm xuống dưới 0 trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát của ngân hàng là “gần, nhưng dưới” 2%. Số liệu GDP ngày mai dự kiến cho thấy tăng trưởng kinh tế ở khu vực đồng euro phục hồi trở lại trong quý ba. Nhưng sự phục hồi đó dường như không được lâu.

    Coronavirus lại đang lan rộng khắp lục địa và các chính phủ đang áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn lên hoạt động kinh tế. ECB đã có kế hoạch mua tới 1,35 nghìn tỷ euro (1,6 nghìn tỷ USD) trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp để giúp nền kinh tế chống chọi với đại dịch. Họ có nên làm nhiều hơn nữa không? Một số thành viên trong hội đồng thống đốc của ngân hàng sẽ đợi đến tháng 12 mới trả lời câu hỏi đó, vì khi ấy ngân hàng thực hiện đánh giá đầy đủ về triển vọng nền kinh tế. Do đó, hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán hôm nay ECB án binh bất động. Song, kỳ vọng là sẽ có nới lỏng trong tháng 12.

    Azerbaijan thắng thế trên chiến trường nhưng hoà đàm vẫn bế tắc

    Các cuộc đàm phán quốc tế về Nagorno-Karabakh, chẳng hạn như cuộc gặp được tổ chức hôm nay ở Geneva, thường không thu hút được nhiều sự chú ý. Cái gọi là nhóm Minsk, do Mỹ, Pháp và Nga đồng chủ trì, đã được nói mãi trong nhiều năm qua, nhưng không có kết quả. Giờ đây, vấn đề này đã thu hút được cả thế giới chú ý.

    Thất vọng vì thiếu tiến bộ [trong tiến trình đàm phán], tháng trước Azerbaijan đã mở một cuộc chiến toàn diện để giành lại các lãnh thổ mà họ mất vào tay người Armenia trong những năm 1990. Ngoài Nagorno-Karabakh, những khu vực này bao gồm bảy vùng liền kề tạo thành vùng đệm giữa Nagorno-Karabakh và Armenia. Sau một tháng chiến đấu, lực lượng Azerbaijan hiện đã kiểm soát một phần ở bốn trong số bảy vùng và đã ở trong tầm bắn phá tuyến đường tiếp tế chính nối Armenia và Nagorno-Karabakh. Trừ khi các cuộc đàm phán ở Geneva công nhận thực tế mới này trên thực địa, và để cho Azerbaijan đề xuất một lịch trình cụ thể cho Armenia rút quân, chiến tranh vẫn sẽ tiếp diễn.

    Người Ba Lan biểu tình phản đối luật cấm phá thai

    Phụ nữ trên khắp Ba Lan nghỉ học và nghỉ làm trong tuần này để phản đối phán quyết của tòa án hiến pháp vào ngày 22 tháng 10 về việc hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận phá thai. Các quy định của nước này, vốn đã được coi là khắt khe nhất châu Âu, sẽ không còn cho phép bác sĩ phá thai trong các trường hợp thai nhi bị dị tật nặng và không thể phục hồi, vốn chiếm hầu hết tất cả các ca phá thai hợp pháp ở Ba Lan.

    Các chính trị gia trong đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền, được giáo hội Công giáo hậu thuẫn, từ lâu đã kêu gọi hạn chế chặt chẽ việc phá thai. Quyết định của tòa án đã bị các nhóm nhân quyền lên án. Nó cũng không được người dân ủng hộ: theo một cuộc thăm dò được tiến hành vào tuần này, 63% người Ba Lan ủng hộ việc phá thai trong những trường hợp thai nhi bị dị tật nghiêm trọng. Chỉ 13% số người được hỏi ủng hộ phán quyết. Dù vậy, bất chấp những lời chỉ trích trong và ngoài nước, các lãnh đạo PiS vẫn bảo vệ nó. Phán quyết có hiệu lực ngay khi được công bố chính thức.

    Exxon thoái vốn khỏi Biển Bắc

    Exxon đang thu hẹp kinh doanh. Sau khi bán cổ phần ở Na Uy vào năm ngoái, gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ đã ấn định thời hạn cuối cùng là hôm nay để bán tài sản của họ tại vùng biển của Anh ở Biển Bắc. Các công ty trong toàn ngành đã và đang thoái vốn khỏi các tài sản cũ, thay vào đó quay sang các tài sản mới hơn, hứa hẹn hơn. Exxon đã tìm cách bán các hoạt động ở Biển Bắc— đã hơn 50 năm tuổi — ít nhất là trong năm qua.

    Mặc dù tài nguyên của khu vực đang cạn đi nhưng người mua vẫn quan tâm. Chevron và ConocoPhillips bán các mỏ cũ ở Biển Bắc vào năm ngoái với giá lần lượt là 2 tỷ USD và 2,7 tỷ USD. Nhưng đó là trước đại dịch, trong khi giờ đây cầu và giá dầu giảm trên toàn cầu. Bất kỳ tin tức nào về các đề nghị mua giá cao bất ngờ trước khi công bố thu nhập quý vào ngày mai cũng sẽ làm nức lòng các nhà đầu tư của Exxon, những người đã được cảnh báo về kết quả chung đáng thất vọng.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào