Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 14 tháng 10 năm 2020




     Ấn tượng thẩm phán Amy Coney Barrett trả lời trôi chảy hàng giờ chất vấn mà không cần ghi chép
     
    Bà Amy Coney Barrett trả lời mọi câu hỏi một cách trôi chảy mà không cần ghi chú

    Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện diễn ra vào ngày 13/10, các nhà quan sát đã để ý thấy rằng Thẩm phán Amy Coney Barrett đã trả lời trôi chảy hàng giờ chất vấn về các vấn đề tư pháp mà không cần sử dụng bất kỳ ghi chú nào.

    Bà Amy Coney Barrett hoàn toàn chỉ dựa vào trí nhớ của mình để trả lời các câu hỏi trong phiên điều trần kéo dài hàng giờ tại Thượng viện Mỹ để xác nhận vị trí của bà tại Tối cao Pháp viện.

    Sau nhiều giờ bà Barrett trả lời các câu hỏi về pháp lý và nhớ lại các phán quyết của chính mình và của các tòa án khác, Thượng nghị sĩ John Cornyn (R-Texas) đã hỏi rằng bà đã chuẩn bị như thế nào để có thể đối đáp trôi chảy như vậy.

    Ông Cornyn nói: “Bạn biết đấy, hầu hết chúng ta đều có nhiều sổ tay và ghi chú, sách và những thứ tương tự như vậy ở trước mặt. Bạn có thể giơ cho chúng tôi xem tài liệu bạn dựa vào để trả lời các câu hỏi của chúng tôi không?"

    "Có gì trên đó không?" - ông Cornyn hỏi.

    Bà Barrett chỉ cười và giơ lên tập giấy trắng đang đặt trước mặt mình.

    “Phía trên tập giấy chỉ có dòng chữ "Thượng viện Hoa Kỳ" thôi", bà đáp lại khi những tiếng cười khúc khích vang vọng khắp căn phòng.

    "Thật ấn tượng", ông Cornyn nhận xét.

    Hầu hết người dùng mạng xã hội đều đồng ý.

    “Việc viết ra các câu hỏi là điều thường thấy vì các Thượng nghị sĩ thường hỏi 12 câu liên tiếp và mong đợi câu trả lời đầy đủ cho tất cả”, một người dùng viết.

    Một người khác nói: "Tôi kinh ngạc trước sự thông tuệ của người phụ nữ này".

    Vào tháng 9/2020, bà Barrett (48 tuổi) đã được đề cử vào vị trí thay thế thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời. Bà Barrett là thư ký luật cho cố Thẩm phán Antonin Scalia từ năm 1998 đến năm 1999. Bà đã từng là thẩm phán của Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực 7 kể từ năm 2017.

    Trung Quốc, Nga, Cuba được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

    Trung Quốc, Nga và Cuba là 3 trong số 47 nước đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào hôm 13/10, nhưng sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh đã giảm hơn 20% so với năm 2016. Trong khi đó, Ả Rập Xê-út đã thất bại trong việc giành một chiếc ghế tại cơ quan có trụ sở tại Geneva này, theo tin từ Reuters.

    Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên cũng đã bầu Bờ Biển Ngà, Gabon, Malawi, Cuba, Bolivia, Uzbekistan, Pháp và Anh vào hội đồng 47 thành viên này. Senegal, Nepal, Pakistan, Ukraine và Mexico cũng đã được bầu lại cho nhiệm kỳ thứ hai kéo dài ba năm, theo Reuters.

    Các ứng viên được bầu bằng cách bỏ phiếu kín theo nhóm địa lý để đảm bảo tính đại diện đồng đều. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến cuộc cạnh tranh duy nhất với 5 ứng viên tranh cử 4 ghế, gồm Trung Quốc, Nepal, Pakistan, Ả Rập Xê Út và Uzbekistan. Cuối cùng, Ả Rập Xê Út đã không trúng cử.

    Thành viên Hội đồng không được giữ vị trí quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Các thành viên mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 1/1/2021.

    Giám đốc tại LHQ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Louis Charbonneau cho biết việc cạnh tranh nhiều hơn trong các cuộc bầu cử của LHQ là rất cần thiết. Ôg nói: “Nếu có thêm nhiều ứng viên, có thể Trung Quốc, Cuba và Nga cũng đã thất bại.”

    Ả Rập Xê Út đã nhận được 152 phiếu bầu vào năm 2016 để trở thành thành viên Hội đồng từ năm 2017 đến 2019, nhưng hôm 13/10, Riyadh chỉ nhận được 90 phiếu bầu, giảm 40%. Trong khi đó, Trung Quốc đã được bầu cùng ngày với 139 phiếu bầu, giảm hơn 20% so với lần cuối cùng họ giành được ghế vào năm 2016.

    Thái Lan: Phe chống chính phủ và ủng hộ hoàng gia xuống đường

    Hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ và phe ủng hộ Quốc vương Maha Vajiralongkorn hôm 14/10 đã xuống đường trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng sau ba tháng người dân tuần hành thể hiện quan điểm, theo Reuters.

    Hãng tin Anh nói rằng người biểu tình chống chính phủ khởi hành từ Tượng đài Dân chủ để tiến tới khu phức hợp của chính phủ để yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu thủ lĩnh quân nhân, từ chức, cũng như có hiến pháp mới. Theo Reuters, họ cũng yêu cầu việc cải tổ chế độ quân chủ.

    Tin cho hay, cách đó vài mét là sự hiện diện của các lực lượng an ninh, nhân viên nhà nước và những người ủng hộ hoàng gia trước khi một đoàn xe của hoàng gia chuẩn bị đi qua.

    Dù xảy ra một số vụ ẩu đả chớp nhoáng, hai bên tránh xa nhau, nhưng Reuters cho rằng sự đối đầu lại gây lo ngại về tình trạng bạo lực trên đường phố giữa những người ủng hộ và chống chính quyền trước cuộc đảo chính năm 2014.

    Hãng tin Anh cho biết rằng người biểu tình đã có hành động hiếm hoi là thách thức trực tiếp quốc vương hôm 13/10, hét lên khi đoàn xe của ông đi qua sau khi 21 nhà hoạt động bị bắt trong cuộc đụng độ với cảnh sát.

    Trump nói ‘Trung Quốc thắng’ nếu Biden đắc cử

    “Cuộc bầu cử này là một lựa chọn đơn giản”, Hindustan Times dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với đám đông người ủng hộ khi vận động tranh cử ở thành phố Johnstown, bang Pennsylvania hôm 13/10. “Nếu Biden thắng, Trung Quốc thắng. Tất cả các quốc gia khác đều chiến thắng. Chúng ta sẽ bị mọi người xâu xé. Nếu chúng tôi thắng, mọi người cũng thắng, Pennsylvania thắng, và Mỹ thắng. Rất đơn giản”.

    Cũng trong buổi tranh cử, ông Trump gọi đối thủ Joe Biden là “gã buồn ngủ”, kẻ “đầu hàng” Trung Quốc và đó là lý do tại sao Trung Quốc muốn Biden giành chiến thắng vì ông ấy “sẽ gửi việc làm của người dân Mỹ” đến Bắc Kinh.

    “Biden sẽ loại bỏ thuế quan của tôi đối với Trung Quốc – ông ấy đã nói rằng ông ấy sẽ loại bỏ thuế quan đối với Trung Quốc. Một điều không đổi trong chiến lược của Biden là đầu hàng. Đó là lý do tại sao Trung Quốc và các nước cánh tả đang khao khát Biden giành chiến thắng vì ông ấy sẽ gửi việc làm của chúng ta đến Trung Quốc. Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ nếu gã buồn ngủ đó đắc cử”.

    Philippines điều hơn 200 dân quân ra Biển Đông


    Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với trang Rappler vào ngày 13/10, Phó Đô đốc Hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo cho biết họ chuẩn bị triển khai 2 đại đội thuộc Đơn vị Địa lý Lực lượng Vũ trang Công dân (CAFGU) tới Biển Đông. Mỗi đại đội này có khoảng 120 nhân sự.

    “Mục đích của việc này là nhằm đối phó với Trung Quốc bằng lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh trên Biển Đông”, ông Bacordo giải thích.

    Phó đô đốc Barcado cho biết dân quân biển sẽ được trang bị xuồng cao tốc và súng trường, chịu sự quản lý của Bộ tư lệnh miền Tây và Bộ tư lệnh miền Bắc của quân đội Philippines. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, họ cũng có trách nhiệm thực hiện hoạt động trinh sát, do thám và tình báo cho quân đội.

    Triều Tiên thành lập Đại học quốc phòng mang tên Kim Jong Un

    Hãng Yonhap ngày 14/10 đưa tin CHDCND Triều Tiên xác nhận đã thành lập trường đại học mang tên Chủ tịch Kim Jong Un. Thông tin được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên tiết lộ trong lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng hôm 10/10.

    Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thành lập một trường đại học mang tên lãnh đạo đương nhiệm, dù đã có nhiều trường mang tên các cố lãnh đạo như Kim Il Sung và Kim Jong Il.

    Theo Yonhap, đại học này chuyên đào tạo sinh viên khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển vũ khí.

    Hôm 13/10, trong chuyến thăm tỉnh South Hamkyong, ông Kim Jong Un tuyên bố sẽ xây 25.000 ngôi nhà tại Komdok và các khu vực bị bão lũ tàn phá.

    Nga tuyên bố đáp trả EU vụ Navalny

    Reuters ngày 14/10 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ đáp trả tương xứng trước các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với trường hợp của nhà phê bình Điện Kremlin Alexei Navalny.

    Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu hôm 12/10 ủng hộ kế hoạch của Pháp – Đức về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người Nga bị nghi ngờ dính líu đến vụ đầu độc ông Navalny bằng chất độc thần kinh.

    Ông Navalny bất tỉnh khi đang đi từ Siberia đến Moscow vào tháng 8. Nhà lãnh đạo đối lập được đưa đến Đức để điều trị, và các bác sĩ phát hiện ông đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.

    Đụng độ tiếp diễn ở Karabakh bất chấp thỏa thuận

    Hãng tin TASS dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Armenia cho biết lực lượng vũ trang Azerbaijan vẫn tấn công từ nhiều hướng vào Nagorno-Karabakh trong suốt ngày 13/10, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn trước đó.

    Đại diện Bộ Quốc phòng Armenia, ông Artsrun Hovhannisyan, cho biết: “Hôm nay, các lực lượng vũ trang của Azerbaijan đã mở một cuộc tấn công từ 3 đến 4 hướng. Các trận chiến đã diễn ra suốt cả ngày. Giao tranh dữ dội đã xảy ra ở khu vực phía bắc. Đây có lẽ là một trong những trận đánh khó khăn nhất trong cuộc chiến này”.

    Cuộc đụng độ mới nhất giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra từ ngày 27/9, với các trận chiến dữ dội diễn ra ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

    Theo AP, trong hơn 2 tuần xung đột, khoảng 600 người đã thiệt mạng, trong đó có 73 dân thường.

    Hơn 30.000 chuyên gia y tế ký tên phản đối phong toả vì virus Vũ Hán



    Hơn 32.000 bác sĩ và nhà khoa học y tế trên thế giới đã ký một bản kiến nghị phản đối việc phong toả nhằm hạn chế sự lây lan virus corona Vũ Hán, với lý do biện pháp này đang gây ra “thiệt hại không thể khắc phục được”.

    Theo The Epoch Times, tính đến ngày 13/10, hơn 23.000 bác sĩ và 9.000 các nhà khoa học y tế và sức khỏe cộng đồng đã ký kiến nghị.

    Bản kiến ​​nghị được khởi xướng bởi Tiến sĩ Martin Kulldorff, giáo sư Đại học Harvard; Tiến sĩ Sunetra Gupta, giáo sư Đại học Oxford và Tiến sĩ Jay Bhattacharya, giáo sư Trường Y Đại học Stanford.

    Bản kiến nghị đề ngày 4/10 viết rằng: “Đến từ khắp nơi trên thế giới, thuộc cả phe cánh tả và cánh hữu, chúng tôi đã cống hiến sự nghiệp của mình để bảo vệ mọi người. Các chính sách phong toả hiện tại đang tạo ra những tác động tàn phá đối với sức khỏe cộng đồng trong cả ngắn hạn và dài hạn”.

    Tuyên bố cho biết việc phong toả dẫn đến kết quả bệnh tim mạch trở nên tồi tệ hơn, ít khám sàng lọc ung thư hơn, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em thấp hơn và sức khỏe tâm thần giảm sút. Họ lập luận rằng điều này trong tương lai sẽ dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng cao quá mức, tầng lớp lao động và thế hệ trẻ sẽ là những người “gánh chịu nặng nề nhất”.

    “Bắt học sinh nghỉ học là một sự bất công nghiêm trọng”, bản kiến ​​nghị tiếp tục. “Giữ nguyên các biện pháp này cho đến khi có vắc-xin sẽ gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được”.

    Vương Nghị hô hào ASEAN ‘cảnh giác’ với chiến lược của Mỹ trong khu vực



    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 13/10 trong chuyến công du ở Malaysia đã kêu gọi các nước thành viên ASEAN “cảnh giác” trước chiến lược của Mỹ ở Biển Đông và các khu vực khác trong khu vực.

    Trang tin Nikkei Asia Review dẫn lời ông Vương Nghị nói trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Malaysia: “Chúng tôi (Trung Quốc và Malaysia) đều thấy rằng Biển Đông không nên là nơi để các cường quốc tranh nhau phô diễn tàu chiến. Trung Quốc và ASEAN có đầy đủ năng lực và trí tuệ, cũng như trách nhiệm duy trì hòa bình (ở Biển Đông)”.

    Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc mô tả chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Washington, trong đó Mỹ trở thành một đối tác đáng tin cậy trong khu vực, là một “nguy cơ an ninh” đối với Đông Á.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào