Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử nước Mỹ #10: Tại sao Anh Quốc muốn thuộc địa hóa?

    Đế quốc Tây Ban Nha vào thời hoàng kim nhất, lúc đầu thế kỷ 17.  TBN có thuộc địa ở châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Phi, và châu Á (Phi Luật Tân bây giờ).  ~ pc blogspot.com

    Vào đầu thế kỷ thứ 17, thế lực của Anh Quốc không so sánh bằng đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.  Nhất là Tây Ban Nha, được mệnh danh là “Đế Quốc không thấy mặt trời lặn.” Mãi đến thế kỷ 19, mệnh danh này mới chuyển qua đế quốc Anh.

    Sau thám hiểm của Christopher Columbus, Tây Ban Nha gởi quân đội cũng như thường dân qua thuộc địa hóa nhiều khu vực bắc trung nam của Tân Thế Giới.  Bên Bắc Mỹ thì họ đến vùng đảo Tây Ấn:  tiếng Anh là West Indies, gọi là Ấn vì Columbus tưởng là mình đến Ấn Độ.  Ở Trung Mỹ thì họ xâm lấn Mễ Tây Cơ, gây chiến với đế quốc da đỏ Aztec và chiến thắng sau hai năm rưỡi, rồi tiến tới bán đảo Yucatán phía nam Mễ cũng như khu vực nước Guatamala bây giờ.  Còn dưới Nam Mỹ thì họ xâm chiếm đế quốc Inca vùng Peru, rồi thuộc địa hóa luôn các vùng Paraguay và Columbia.  Còn vùng Ba Tây hay Brazil thì thuộc về đế quốc Bồ Đào Nha.

    Có nhiều lý do đưa đến thành công thuộc địa hóa của hai đế quốc Tây Ban và Bồ Đào. Quân đội họ có vũ khí tối tân hơn đối thủ người da đỏ.  Họ móc nối đồng minh với một số bộ lạc da đỏ có hận thù với đối thủ chính của họ.  Rồi vì người da đỏ không có miễn dịch, nên con số người chết vì các bịnh như đậu mùa, sởi, và cúm rất cao. Không tới một thế kỷ thôi mà Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm chủ rất nhiều đất đai bên Tân Thế Giới.

    Vì không có miễn dịch, hằng triệu người da đỏ chết vì các bịnh người da trắng mang từ châu Âu qua, như bịnh sởi, cúm, đậu mùa, và thủy đậu.  Người châu Âu cũng lây vài bịnh từ người da đỏ như giang mai và viêm gan.  Nhưng con số người da trắng chết rất nhỏ khi so sánh với con số người da đỏ chết vì các bịnh mới lạ. ~ pc public.gettyburg.edu

    Có nhiều lý do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thuộc địa hóa hai châu Mỹ: vàng bạc, đất đai, và truyền giáo.  Hai đế quốc đều đạo Công Giáo, mà trong thế kỷ 16 giáo hội Công Giáo phải đối chọi với phong trào Tin Lành mới lên.  Cho nên một số tu sĩ trong các Dòng Phan Xi Cô, Dòng Đô Mi Ni Cô, và Dòng Tên ham muốn qua bên kia truyền giáo để có tân tòng Công Giáo mới.  Còn vàng bạc là niềm ham muốn của một số người cao mộng làm giàu, nhưng cũng là vì vàng bạc có giá trị kinh tế và thương mại cao nhất, chứ không phải tiền như chúng ta dùng bây giờ.   Vì vậy, họ khuếch trương kỹ nghệ đào mỏ, kiếm hay bắt người da đỏ nô lệ lao động mỏ, để mang vàng bạc về châu Âu.

    Nhưng quan trọng dài hạn của họ là khai khuẩn đất đai trồng trọt để mang về châu Âu bán cho người tiêu thụ.  Bên Ba Tây, đế quốc Bồ khai thác cây vang có nhớt làm thuốc nhuộm áo và giấy. Họ làm đồn điền trồng vang, rồi sau đó trồng thêm cocao (làm xô-cô-la) và nhất là trồng mía.  Vì trồng trọt mía cần rất nhiều sức người, họ mua bán người nô lệ da đỏ lúc đầu, rồi sau đó qua châu Phi mua nô lệ người da đen.  Chế độ nô lệ nhiều tàn nhẫn, sau này chúng ta sẽ tìm hiểu thêm.  Nhưng với tổ chức chế độ này, đế quốc Bồ Đào Nha “nhập cảng” chừng bốn triệu người nô lệ da đen vào Brazil, khoách trương kỹ nghệ làm đường của họ, một số chủ nhân làm giầu nhanh chóng.

    Công việc làm đường từ mía tại một thuộc địa của Tây Ban Nha bên vùng Tây Ấn.  Qua hình vẽ này, chúng ta thấy được việc làm rất cực nhọc, nên họ kiếm hoặc bắt người khỏe mạnh.  Cũng vì nhân lực mà dẫn đến bành trướng buôn bán người nô lệ từ châu Phi qua châu Mỹ. ~ pc smithsonianmag.com

    Còn bên Tây Ban Nha cũng thế, buôn bán nô lệ để bành trướng nhu cầu trồng mía tại vùng Tây Ấn cũng như đào mỏ tại vùng Mễ Tây Cơ. Vào giữa thế kỷ 15, có người Tây Ban Nha đến vùng biển Florida lập thành tên thánh Augustine.  Thành phố St. Augustine bây giờ là hiện thân của lịch sử đế quốc Tây Ban Nha, cũng là thành phố xưa nhất được người da trắng thành lập trên 48 tiểu bang trên lục địa nước Mỹ.

    Nhưng  Tây Ban Nha không bành trướng vào miền Đông Bắc nước Mỹ. Một phần là họ không đủ nhân lực; một phần là họ không ham thời tiết lạnh trên miền Đông Bắc; một phần là họ kiếm được vàng bạc, đất đai, và hải cảng ở nơi khác rồi. Còn bên miền Tây lục địa, họ xuất hiện tại San Diego vào giữa thế kỷ 16 và có mặt đều đều trong hai thế kỷ tới, nhất là cho chuyện truyền giáo Công Giáo tới người da đỏ.  Nhưng có mặt thôi chứ không phải thuộc địa hóa.  (Mãi đến năm 1769, tức là gần tới thời kỳ Cách Mạng nước Mỹ, Tây Ban Nha mới có thuộc địa tại tiểu bang California bây giờ.)  Vì vậy, vùng đất to lớn trên Bắc Mỹ trở thành cơ hội thuộc địa hóa cho vài nước bên châu Âu khác, nhất là Nga (bên Alaska miền Tây Bắc của lục địa), Hòa Lan, và nhất là Pháp và Anh.

    Trong thế kỷ 16, người Anh coi Bắc Mỹ là khu vực ảnh hưởng của Tây Ban Nha, cũng như một căn cứ cho hải tặc. (Vì tàu thuyền là công cụ đi lại quan trọng, có rất nhiều hải tặc thời đó, lăm le cướp tàu thương mại.  Vì thế, có chuyện làm phim thành công tài chánh như Pirates of the Caribbean, phim diễu nhưng không phải không có căn cứ lịch sử.)  Họ  không coi Bắc Mỹ quan trọng cho quyền lợi quốc gia, và họ chú trọng vào thuộc địa hóa nước Ái Nhĩ Lan láng giềng.  Nhưng tới cuối thế kỷ, Anh Quốc cũng gởi người qua Bắc Mỹ thử đường thuộc địa.  Trong thập niên 1580, người Anh làm thử một thuộc địa tại North Carolina với hơn một trăm người, lấy tên là thuộc địa Roanoke. Nhưng chỉ tới vài năm thì bỏ đi vì người ta chết hết, nên không thành công chuyện này chút nào.

    Còn nước Pháp thì không chú trọng thuộc địa hóa bằng thương mại hóa.  Cùng với người da đỏ sống vùng Ngũ Hồ giữa Canada và Mỹ bây giờ, họ lập ra một hệ thống thương mại to lớn, quan trọng.  Lý do là da con hải ly.  Da con vật này có trị giá cao bên châu Âu bấy giờ trong kỹ nghệ làm nón loại sang.  Nhưng hải ly gần như mất giống bên châu Âu lúc này, nên một số người Pháp (và một thiểu số người Anh) qua Bắc Mỹ đánh cá rồi thấy cơ hội thương mại hải ly, nên họ bỏ đánh cá mà nhẩy vào buôn bán da.  Họ mua da con hải ly từ người thổ dân và mang về châu Âu làm nón giá trị và đắt tiền. Ngược lại, họ bán cho người da đỏ những đồ vật như quần áo vải, chậu đồng, trâm bạc, và súng đạn.

    Trao đổi thương mại giữa người Pháp và người da đỏ vùng Đại Ngũ Hồ. Một bên mang da hổ ly, một bên mang nồi niêu bằng đồng, giao kéo cũng như súng đạn. ~ pc nativeamericanroots.net

    Nhưng đến đầu thế kỷ 17 thì cả hai Pháp và Anh nhăm nhe lại chuyện thuộc địa.  Năm 1608, người Pháp lập thành phố Quebec và thuộc địa hóa một khu vực to lớn gọi là Tân Pháp: Nouvelle-France hay New France. Còn một năm trước thì nước Anh bắt đầu thuộc địa Jamestown tại Virginia.  Thuộc địa Jamestown có rất nhiều gian khổ, nhất là không đủ thức ăn gây ra nạn đói trong một mùa đông hai năm sau, đến nỗi người Anh phải tạm bỏ đi trong một thời gian ngắn.  Tình hình lúc đó chắc có vẻ giống thuộc địa Roanoke.  Nhưng sau đó, thêm người di dân bên Anh nên họ dựng lại cơ sở tại địa phương này và thành công trong chuyện thuộc địa.  Vì thành công này mà 1607, năm thành lập Jamestown, được coi rất ư quan trọng trong lịch sử nước Mỹ.

    Tại sao Anh Quốc muốn thuộc địa hóa Bắc Mỹ?  Câu hỏi này có nhiều khía cạnh trong trả lời.  Khía cạnh thứ nhất là kinh tế, nhất là khi so sánh Anh Quốc với các nước như Tây Ban Nha và Pháp.  Đối với nước Pháp, nước Anh lệ thuộc vào thương mại hải ly.  Đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, họ lệ thuộc tiêu thụ và thương mại về đường, xô-cô-la, thuốc nhuộm, cũng như vàng bạc.  Cả ba nước trên đều có thương mại rộng rãi với người thổ dân da đỏ.  Thấy họ lợi lộc trong nửa thế kỷ qua làm một số người Anh suy nghĩ kỹ càng hơn về vấn đề thuộc địa hóa.  Lối nhìn này được gọi là chủ nghĩa trọng thương (tiếng Anh là mercantilism): thương mại để tăng cường quyền lợi và quyền hành của nước mình.  Nước Anh lúc đó thấy mình sa sút hơn mấy nước láng giềng, nên thuộc địa hóa nơi xa xôi được coi lại là vấn đề cần làm cho quyền lợi quốc gia.

    Khía cạnh thứ nhì là vấn đề tôn giáo. Thế kỷ thứ 15 là thế kỷ của cách mạng Thiên Chúa Giáo bên châu Âu.  Các giáo phái Tin Lành được lập ra chống lại giáo hội Công Giáo La Mã.  Các nước Pháp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha đều tồn tại Công Giáo, còn nước Anh thì lập ra Anh Giáo.  Nên việc thuộc địa cũng có một khung cảnh tranh chấp tôn giáo đằng sau.

    Ngoài ra, ngay cả trong Anh Giáo cũng có một thiểu số Tin Lành cho là Anh Giáo chưa đi đủ về cách mạng tôn giáo, vẫn còn nhiều điều trong tín ngưỡng cũng như thần học còn giống Công Giáo quá.   Họ gọi họ là Thanh Giáo: Puritans, tức theo chữ “pure” nghĩa là thanh hay trong.  Vì khác biệt về tôn giáo cũng như tổ chức chính trị, họ không ngại qua một vùng khác, nên họ coi thuộc địa bên Bắc Mỹ là một cơ hội cho giáo phái của mình.

    Khía cạnh thứ ba là dân số.  Trong cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, nước Anh có vài nạn dịch giết chết nhiều người.  Vậy mà dân số họ vẫn tăng khá cao, nên không đủ đất đai trồng trọt cho mọi người.  Cuối thế kỷ 15 có khoảng 2.5 triệu người. Nhưng tới năm 1600, chỉ hơn một trăm năm sau, dân số lên tới 4 triệu.  Rồi sáu mươi năm sau lên một triệu nữa thành 5 triệu.  Con số người nghèo cũng cao hơn cùng với gia tăng dân số.  Nhiều người từ miền quê phải lên tỉnh kiếm ăn, thường là làm thuê làm mướn, không có bảo đảm kinh tế hay cuộc sống. Rồi tội ác như ăn cắp và ăn cướp cũng cao hơn, làm người Anh cảm thấy xã hội hỗn loạn hơn và cần giải pháp nhanh chóng hơn.

    Hình từ thế kỷ 16, vẽ người nghèo ăn mày, rách rưới quần áo đi chân không, xin tiền người giầu.  Vấn đề đói kém có nhiều lý do, mà cũng gây ra nhiều chuyện khác. Nên chính phủ và xã hội Anh muốn coi lại vấn đề thuộc địa hóa. ~ pc wikipedia

    Còn một vấn đề liên quan đến dân số ở vùng quê: luật mới về rào lại đất đai, gọi là luật “enclosure.”  (To enclose: rào lại, ngăn lại, đóng lại.) Trước thế kỷ 16, phần nhiêu đất đai ở Anh được coi là đất công, không có làm rào.  Tới thời gian này, suy nghĩ người Anh càng ngày càng nghiêng về sở hữu tư nhân, nên luật lệ bắt đầu thay đổi.  Đất được bán cho tư nhân, thường thường là người rất giàu có, rồi họ rào lại để nuôi cừu lấy len cho kỹ nghệ vải đang lên bấy giờ.

    Ngược lại, luật rào đất đai làm khổ người nghèo, nên nước Anh tăng con số người bần nông.  Nhiều người từ miền quê phải lên tỉnh kiếm ăn, thường là làm thuê làm mướn, không có bảo đảm kinh tế hay cuộc sống. Rồi tội ác như ăn cắp và ăn cướp cũng cao hơn, làm người Anh cảm thấy xã hội hỗn loạn hơn và cần giải pháp nhanh chóng hơn. Do đó, một số thương gia và chính trị gia cho rằng thuộc địa mới là giải pháp tốt đẹp cho vấn đề tăng dân cũng như dân nghèo túng.  Rồi một số dân nghèo, nhất là thanh niên độc thân, cũng nghĩ rằng qua một thuộc địa là cơ hội làm giầu.

    Vì những lý do này, người Anh cũng như chính phủ Anh có nhiều nhăm nhe đến chuyện thuộc địa.  Như nói trên, năm 1607 chính phủ Anh đem người qua bên Virginia bây giờ lập phố Jamestown: 105 người, toàn đàn ông và con trai.  Lịch sử thuộc địa có ba miền, thì Jamestown là nguồn gốc của những Thuộc Địa Miền Nam (Southern Colonies).  Rồi mười ba năm sau, vào mùa hè năm 1620, khoảng 150 người đạo Thanh Giáo, cả nam lẫn nữ, đi tàu qua vùng Massachussetts bây giờ, lập ra một thuộc địa có tên là Plymouth. Đây là khởi đầu của vùng thuộc địa thứ hai, miền Tân Anh hay New England.  Còn miền thứ ba thì cuốt thế kỷ 17 mới có: những Thuộc Địa Miền Trung (the Middle Colonies). Vùng này ở giữa Tân Anh và Miền Nam, bây giờ là các tiểu bang New York, New Jersey, Delaware, và Pennsylvania.

    Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về ba miền thuộc địa trong những kỳ tới, nhất là những loại người di dân cũng như người thổ dân tại từng miền.


    Tác giả:  GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University ~ Nguồn: tuannyriver.com.  Độc giả cứ tự tiện sao lại cho nơi khác, nhưng yêu cầu kèm theo tên tác giả, đại học, và nguồn mạng trên.  Bấm vào đây để xem loạt bài.

    Không có nhận xét nào