Header Ads

  • Breaking News

    Lịch sử nước Mỹ #4 -Người da đỏ miền Đông

    Vùng nam Ohio là khu vực lớn nhất của văn hóa Hopewell. Nhưng hệ thống giao thiệp kinh tế của họ rộng lớn cả bên miền Đông và qua cả phía bên kia của con sông Mississippi. ~ pc wikimedia

    Tác giả: GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University
    Nguồn: tuannyriver.com

    Bắt đầu từ Tây Nam ta lên Tây Bắc.  Bây giờ, từ Tây Bắc chúng ta qua miền đông.

    Miền Đông nghĩa là vùng phía hướng đông của sông Mississippi với diện tích rất lớn. Mà tiền sử của người da đỏ miền đông cũng có nhiều giai đoạn. Quan trọng nhất là giai đoạn từ thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên đến đầu thế kỷ mười ba sau Công Nguyên (800 BC – 1200 AD).  Tên nói chung cho văn hóa thời gian này là văn hóa Woodland: wood là rừng và land là đất, nên chúng ta có thể dịch là văn hóa Đất Rừng – hoặc, hay hơn, là văn hóa Địa Mộc.

    Văn hóa Woodland có hai giai đoạn chính: văn hóa Adena và văn hóa Hopewell.  Văn hóa Adena tiến triền và tồn tại trong khoảng thời gian 800 trước Công Nguyên đến chừng 200 trước Công Nguyên.  Văn hóa này gốc nguồn từ vùng miền nam tiểu bang Ohio bây giờ.

    Xây cất là một thể hiện quan trọng nhất trong văn hóa.  Như chúng ta thấy qua hai bài trước, người da đỏ ở Tây Nam xây cất nhà cửa trong núi và người Tây Bắc xây cất nhà cửa cũng như phát triển nghệ thuật khá cao.  Về xây cất bên miền Đông, thì thời Adena nổi tiếng nhất là xây cất những gò đất.

    Có hai lý do họ xây gò.  Thứ nhất là để phụng vụ, họ dùng gò cao cho các nghi lễ tôn giáo và văn hóa xã hội.   Các gò loại này có hình thú vật bên trên, như chim, cá sấu, và rắn.  Nổi tiếng nhất là Gò Rắn – the Serpent Mound – tại nam Ohio, chừng 75 dặm phía đông thành phố Cincinnati.  Các học giả vẫn còn tranh cãi là gò này làm vào thời nào, có người cho là trước cả văn hóa Adena.  Nhưng ý kiến chính thống vẫn cho rằng gò hình thành khoảng thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, và biểu hiện cho văn hóa này.

    Gò Rắn xây với hình rắn quan co, đầu bên trái và đuôi bên phải hình.  ~ pc nlm.nih.gov

    Lý do thứ hai là gò dùng để chôn người chết.  Họ đào sâu đất, chôn một xác chết, rồi lấp chút đất nhưng vẫn dùng gò.  Sau một thời gian – có thể một chục hay hai chục năm sau – họ chôn xác mới.  Dần dần đất cao lên thành gò, khi đầy gò rồi họ mới lắp hẳn lại.  Dù mỗi xác có riêng biệt nhau, mỗi gò có thể chôn được nhiều người.  Có gò cao hơn 20 mét.

    Có hai giả thuyết về an táng trong gò.  Một giả thuyết là những người đước an táng là có vai vế quan trọng trong xã hội, như các trưởng lão, phủ thủy, và chiến sĩ.  Còn xác người thường thì hỏa thiêu, nhưng an táng toàn thân có nghĩa xã hội tôn vinh vai trò quan trọng của người đó.  Giả thích này căn cứ vào tính chất hệ thống trên dưới của xã hội họ.

    Giả thuyết thứ hai là gò chôn người có tính chất tập thể và gia đình hơn, nghĩa là người chôn cùng bộ lạc hay sắc tộc hay đại gia đình.  Giả thuyết này mới hơn, và có một chút bằng chứng từ thử nghiệm bằng DNA.  Bằng chứng không nhiều nên chưa đủ thuyết phục các nghiên cứu gia.  Nhưng nó chứng tỏ một phần quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu để hiểu biết thêm về thời tiền sử tại Bắc Mỹ.

    pc touringohio.com

    Một loại bằng chứng thông thường hơn là đồ vật chôn theo người chết.  Như Ai Cập, Trung Hoa, và nhiều văn hóa khác, người Adena tin rằng người chết cần đồ quý giá sau khi chết.  Khi đào gò, các nhà khảo cổ kiếm thấy một ít vật liệu bằng đồng, mica, đá thạch, hay vỏ ốc xà cừ.  Dù họ còn tranh cãi về ý nghĩa và lý do tại sao các vật liệu này trong gò an táng, các vật dụng được chôn giúp chúng ta hiểu thêm về kinh tế Adena.

    Hệ thống buôn bán của người Adena phát triển là vì địa lý có nhiều sông hồ, thuận tiện cho di chuyển và liên lạc hơn.  Đây là một khác biệt to lớn khi so sánh với hai vùng Tây Nam và Tây Bắc.  Dãy núi to lớn Rockies chạy từ Canada xuống bắc Arizona không những cô lập hai miền Tây Nam và Tây Bắc với nhau, mà con cô lập cả hai với những miền khác.  Di chuyển rất ư khó khăn, nên công việc thương mại và buôn bán hạn hẹp, hiếm có.

    Ngược lại, người da đỏ Adena gần gũi các sông vùng nam Ohio, bắc Kentucky, tây Pennsylvania, và West Virginia bây giờ. Họ lượm gặt cây trái, săn bắn thú vật, và bắt cá sông hồ.  Họ không trồng trọn cho lắm.  Nhưng họ cũng dần dần phát triển kỹ nghệ làm vật dụng để trao đổi và buôn bán với dân vùng khác.  Họ rất may mắn có vị trị lợi điểm cho di chuyển: theo dòng sông Ohio đi một ít tới dòng Mississippi.

    Rồi có nhiều dòng sông nhỏ hơn không có trên bản đồ, như sông Illinois tại tiểu bang cùng tên bây giờ. Hoặc sông Wabash bây giờ trong tiểu bang Indiana.  Hoặc hai sông chạy qua thành phố Pittsburgh bây giờ là dòng Allegheny và Monongahela.  (Vì sông Ohio cũng chảy qua Pittsburgh, nên một số cơ sở trong thành phố lấy tên Three Rivers: Ba Dòng Sông.)  Rồi còn nhiều suối, lạch, và các hồ nhỏ.  Ngoài ra, người Adena không quá xa Ngũ Đại Hồ, nên họ có thể liên lạc trao đổi với các thổ dân vùng bên kia năm đại hồ này.

    Địa lý thuận lợi giúp người Adena có được tài nguyên thiên nhiên từ những vùng khác.  Lý do chúng ta biết được là vì một số tang vật và hiện vật kiếm thấy trong các gò an táng được làm bằng vật liệu không có ở địa phương.

    Đến thời văn hóa Hopewell, phát triển kinh tế và buôn bán còn nhiều hơn, rộng hơn.  Ngoài hệ thống sông hồ ra, miền này hầu hết đồng bằng, nên di chuyển dễ dàng hơn từ miền Tây núi cao, và nới rộng hệ thống kinh tế qua bên kia sông Mississippi.  Thật thế, danh từ Hopewell áp dụng không phải chỉ vào những bộ lạc vùng nam tiểu bang Ohio bây giờ, mà các bộ lạc bên kia sông Mississippi như ở Missouri, Kansas, Iowa, và Minnesota. Trên miền bắc thì có các bộ lạc tại tiểu bang New York bây giờ. Những bộ lạc này có nhiều chia sẻ với nhau, nên lối sống họ có nhiều điểm giống nhau.  Họ không xây cất gò chôn như người Adena trước, mà nhấn mạnh về thủ công.

    Một khác biệt lớn lao nữa giữa người Hopewell và Adena là người Hopewell chuyển hướng từ săn bắn và thu lượm cây trái qua trồng trọt, nông nghiệp.  Mặc dù có một số bộ lạc di chuyển sau một thời gian, đa số họ cư ngụ trong làng lâu dài hơn người Adena. Lúc đầu thì họ trồng đậu, hướng dương, hà thủ ô, hạt dẻ, quả óc chó, và các loại cây có hạt khác.  Dần dần, họ da tăng trồng trọt bắp.

    Nông nghiệp giúp người Hopewell đầy đủ lương thực và dẫn đến khuých trương thủ công nghiệp.  Như chúng ta thấy từ hai bản đồ trên và dưới, những bộ lạc văn hóa Hopewell không những trao đổi kinh tế lẫn nhau, mà còn buôn bán với các bộ lạc văn hóa khác như ở Florida hay vùng núi bên gần Colorado bây giờ.  Qua hệ thống buôn bán rộng lớn, họ thu nhập vật liệu như đồng (copper) phía bắc của đại hồ Superior bên tiểu bang Minnesota và Ontario bây giờ.  Hoặc bạc (silver) từ miền Đông Nam Canada.  Hoặc chất silic (chert) từ bên kia sông Mississippi.  Hoặc răng cá mập (shark teeth) khu biển Virginia.  Hoặc, theo dòng Mississippi xuống miền Nam, các vỏ sò to (marine shells) vùng vịnh các tiểu bang Alabama và Florida bây giờ.

    pc National Geographic

    Kinh tế Hopewell trao đổi tài nguyên từ những vùng khác, và cũng phát triển một tầng lớp thủ công như nói bên trên.  Thợ thủ công của họ chuyên môn làm các vật dụng cần thiết cũng như đồ trang điểm.  Về đồ dùng thường xuyên, họ có thể biến chế hắc diệm thạch (obsidian) hay đá silic làm dao kiếm để trao đổi với thổ dân vùng núi, vì người bên đó săn bắn thú vật to lớn như gấu và nai sừng tấm.

    Hay họ dùng  các vỏ thủy sản chế ra nữ trang, hoặc huy chương và các đồ trang trí cá nhân cũng như cho bộ lạc.   Chẳng hạn, họ cắt mica lấy từ vùng North Carolina làm hình chim thú.  Hay dùng đồng làm áo giáp che ngực.

    Văn hóa Hopewell bắt đầu tàn khoảng thế kỷ thứ năm sau Công Nguyên. Về nông nghiệp, người da đỏ bắt đầu chú trọng vào bắp vì họ có các loại bắp tốt hơn, làm thay đổi lối trồng trọt trước đây.  Săn bắn cũng thay đổi vì họ dần dần bỏ đi dao kiếm và thế vào cung tên lan tràn từ văn hóa miền Alaska.  Tràn lan của cung tên dẫn đến thay đổi đường lối săn bắn thời Adena và Hopewell.

    Làng da Hopewell ~ pc ohiohistory.org

    Tới thế kỷ thứ sáu thì văn hóa Hopewell chuyển qua văn hóa Mississippi đến trong kỳ tới.  Trước khi đi qua nền văn hóa này, chúng ta tự nhắc một lần nữa là văn hóa tiền sử của người da đỏ phong phú, đa dạng.  Miền Đông khác miền Tây Bắc cũng như Tây Nam, một phần vì địa lý, nhưng cũng một phần về đầu óc con người. Bài viết trên chú trọng về hệ thống buôn bán và thủ công.  Nó thể hiện và phản ảnh một điểm khác thường nơi miền Đông, và đa dạng hóa lối kinh tế của người da đỏ ngày xưa.  Đa dạng hóa là một căn bản về lịch sử văn hóa Mỹ, có từ xưa chứ không mới mẻ gì.


    Tác giả: GS Hoàng Anh Tuấn (Tuan Hoang), Pepperdine University
    Nguồn: tuannyriver.com

    Độc giả cứ tự tiện sao lại cho nơi khác, nhưng yêu cầu kèm theo tên tác giả, đại học, và nguồn mạng trên.  Bấm vào đây để xem loạt bài. 

    https://tuannyriver.com/2016/06/01/lich-su-di-dan-nuoc-my-4-nguoi-da-do-mien-dong/

    Không có nhận xét nào