Header Ads

  • Breaking News

    Mạnh Kim - Bí mật “mật mã 2035” của Tập Cận Bình

    Cả Mao Trạch Đông lẫn Tập Cận Bình đều liên quan hai “con số bí ẩn” – theo bài viết khá thú vị của tác giả Katsuji Nakazawa trên Nikkei Asia (29-10-2020). Những con số đó là gì và chúng nói lên điều gì?

    Hai con số mà Katsuji Nakazawa đề cập là “8341” và “2035”. Trong khi “8341” liên quan Mao Trạch Đông thì “2035” được xem là “mật mã” của Tập Cận Bình. Và muốn “giải” được mật mã Tập Cận Bình thì phải trở lại thời Mao Trạch Đông. “8341” là mật danh mà Mao Trạch Đông dùng để đặt cho Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương – đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Cộng. Điều kỳ lạ là Mao Trạch Đông chết năm 83 tuổi (tính theo “tuổi âm”), 41 năm sau khi giữ ngôi vị lãnh tụ cao nhất của Đảng Cộng sản lẫn Quân đội Trung Quốc (kể từ năm 1935).

    Con số này ra đời lúc nào? Theo nhiều tài liệu, nó có nguồn gốc từ Hội nghị Tuân Nghĩa (Zunyi Conference) tổ chức ở Tuân Nghĩa (Quảng Châu) từ ngày 15 đến ngày 17-1-1935, ở giai đoạn Mao đang tổ chức chiến dịch Trường Chinh vang động lịch sử. Hội nghị này thay đổi quyền lãnh đạo “tam nhân đoàn” (Bác Cổ, Lý Đức, Chu Ân Lai) với việc bổ sung Mao làm ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, hình thành nên nhóm lãnh đạo cấp cao gồm Trương Văn Thiên, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông. Cũng từ hội nghị trên, Mao được khôi phục quyền chỉ huy Hồng quân.

    “8341” đã trở thành con số bí ẩn mang tính “huyền thoại” trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nó trở thành con số “thần thánh” khi “thánh” Mao dường như tiên đoán được chính xác thời điểm mình từ trần và cả số năm mình ngồi ghế lãnh tụ. Sau khi Mao chết ngày 9-9-1976, “mật mã” “8341” vẫn tiếp tục “sống”. Năm 1993, khi Trung Quốc phóng một vệ tinh nhân sinh nhật lần thứ 100 của Mao, một bảng vàng khắc “8341” đã được đặt bên trong vệ tinh!

    Tương truyền rằng (lịch sử Trung Hoa đầy dãy cái gọi là “tương truyền”), một đạo sĩ đã ban cho Mao con số bí ẩn trên trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, và rằng nhân vật cận kề bên Mao trong cuộc diện kiến lịch sử đó (giữa Mao với đạo sĩ “thần tiên”) sau này được Mao phong làm chỉ huy trưởng Đơn vị cảnh vệ 8341. Lại có một “tương truyền” rằng “8341” là số serie của khẩu súng bộ binh yêu thích thời Mao còn trẻ. “Lý thuyết” này có vẻ hợp lý khi sau này Mao dùng con số đó để đặt tên cho lực lượng cảnh vệ. Nó cũng có vẻ hợp với câu nói nổi tiếng của Mao: “Sức mạnh chính trị đến từ nòng súng”.

    Với Tập Cận Bình, con số bí ẩn là “2035”. Tại sao Tập dùng “2035”? “Mật mã” này ra đời cách đây ba năm khi nó xuất hiện trong một diễn văn mà Tập phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc. Tập tuyên bố Trung Quốc “sẽ cơ bản hiện thực hóa công cuộc hiện đại hóa vào năm 2035”, thời điểm mà Trung Quốc qua mặt Mỹ trở thành sức mạnh kinh tế lớn nhất thế giới. Đó là một tuyên bố quan trọng, nếu không muốn nói là một chỉ thị tối cao, để Trung Quốc có thể hãnh diện tổ chức 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản vào năm 2049.

    Với quyền lực bao trùm như hiện nay, chẳng ai có thể cản Tập ngồi thêm “nhiệm kỳ” năm năm nữa (từ 2022 đến 2027) và thậm chí thêm 10 năm (từ 2022 đến 2032). Điều trùng hợp giữa “8341” và “2035” không chỉ là, vào năm 2035, Tập sẽ 83 tuổi (“tuổi âm”) – cùng tuổi mà Mao chết; mà còn ở chi tiết rằng Trung đoàn Cảnh vệ của Mao được chính thức làm lễ thành lập vào tháng 6-1953 – cùng tháng sinh của Tập. Nếu con số bí hiểm “8341” hiện thân cho sự trường cửu lãnh đạo của Mao thì “2035” đối với Tập Cận Bình cũng ám chỉ tương tự, rằng từ nay đến 2035, Tập vẫn tiếp tục ngồi ở vị trí lãnh đạo tối cao để chứng kiến ngày Trung Quốc thống trị thế giới.

    Cần nói thêm, Hội nghị toàn thể lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX (còn được gọi là “Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX”) vừa bế mạc ngày 29-10-2020 sau bốn ngày làm việc. Tại hội nghị này, “mật mã “2035” của Tập Cận Bình một lần nữa đã được nhấn mạnh, với “Kế hoạch năm năm phát triển kinh tế và xã hội quốc gia và các mục tiêu dài hạn cho năm 2035”. Không chỉ đề cập đến “mục tiêu dài hạn” liên quan xây dựng sức mạnh kinh tế, sức mạnh khoa học và công nghệ, và sức mạnh tổng thể của quốc gia…, “mật mã 2035” còn nói đến việc “duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của hai vùng lãnh thổ Hong Kong và Macau, đồng thời thúc đẩy sự phát triển hòa bình của các mối quan hệ xuyên eo biển và sự thống nhất đất nước”.

    Hãy để ý đến chi tiết gọi là “thống nhất đất nước”. Điều này không là ám chỉ mơ hồ gì nếu không phải là một xác quyết rằng bằng mọi giá phải thu tóm được Đài Loan. Đây mới chính là điều cốt lõi nhất trong mật mã “2035” của Tập Cận Bình mà tác giả Katsuji Nakazawa đã không đề cập.

    https://thenewviet.com/

    Không có nhận xét nào