Header Ads

  • Breaking News

    Mạnh Kim -Thái Lan: khi tiếng nói giới trẻ vang động

     
    NYTimes

    Tương tự cuộc biểu tình chấn động Hong Kong năm 2019, cuộc xuống đường của người Thái Lan kéo dài từ tháng 7-2020 đến nay đã được tổ chức bởi sinh viên học sinh. Chưa bao giờ giới trẻ Thái Lan quyết liệt đòi thay đổi như lần này. Trong những cuộc xuống đường, người ta thấy có có nhiều nữ sinh và thậm chí những thiếu niên độ tuổi 15…

    Khi được thả vào ngày 26-8-2020, Tattep Ruangprapaikitseree lập tức vi phạm luật tại ngoại khi tiếp tục tổ chức biểu tình. 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Chulalongkorn, Tattep là một trong những thủ lĩnh chủ yếu của phong trào phản kháng “Tự do Nhân dân”, hình thành với những yêu cầu chính: giải tán Quốc hội, sửa đổi Hiến pháp và chấm dứt đàn áp người dân. Tattep là một trong 31 nhà hoạt động chính trị hiện nằm trong danh sách theo dõi của chính quyền. “Chúng ta không thể tách rời các vấn đề kinh tế với những vấn đề chính trị, vì chúng là một” – Tattep phát biểu – “Nếu chúng ta có nền chính trị tốt tạo ra phúc lợi tốt cho tất cả người dân Thái thì chúng ta mới có nền kinh tế tốt”.

    Xuất thân từ gia đình lao động nghèo, Tattep cảm nhận rõ như thế nào là bất công xã hội và ý nghĩa của việc một quốc gia cần phải có “nền chính trị tốt”. Năm 2016, Tattep cùng một người bạn đã tổ chức hội thảo về chính trị tại Đại học Chulalongkorn với một trong những diễn giả khách mời là Hoàng Chi Phong (Tattep ra phi trường đón Hoàng Chi Phong nhưng Hoàng bị chính quyền Thái cấm nhập cảnh). Sau khi tốt nghiệp đại học, Tattep bắt đầu tổ chức hết cuộc biểu tình này đến chiến dịch chống đối khác, với sự ủng hộ của cha mình. Ngày 12-1-2020, Tattep tổ chức cuộc chạy thi được đặt tên “Chạy để chống lại độc tài”…

    Nổi tiếng không kém Tattep là nữ sinh viên 21 tuổi Panusaya Sithijirawattanaku của Đại học Thammasat. Ngày 10-8-2020, Panusaya, bất chấp việc có thể ngồi tù, đã đăng đàn trong khuôn viên đại học và đọc Bản tuyên ngôn 10 điểm với nội dung chỉ trích trực tiếp Hoàng gia. Tại Thái, vua là “Thiên tử”. Người Thái thậm chí lạy vua như lạy Phật. Lần này, “mệnh nước” đã xoay vần. Vua là đối tượng được nhắm trực tiếp với những chỉ trích chưa từng có. Lần đầu tiên, khán giả xem phim trong các rạp chiếu bóng đã không đứng dậy “chào vua” trước mỗi buổi chiếu nữa. Giới trẻ Thái đang so sánh Panusaya với Chu Đình (Hong Kong), người lớn hơn cô hai tuổi. “Họ (chính quyền) nói tôi điên. Tôi bị mất trí và tôi nên chết đi cho khuất mắt” – Panusaya kể – “Họ xem chúng tôi là mối đe dọa vì dám bước qua lằn ranh cấm nhưng 10 điểm tuyên ngôn giờ đây đang được thảo luận ở cả hai phía ủng hộ lẫn chống đối. Đó là những gì mà thế hệ chúng tôi cần”.

    Những thanh niên như “Hoàng Chi Phong”-Tattep Ruangprapaikitseree hoặc “Chu Đình”-Panusaya Sithijirawattanaku là những người thật sự can đảm. Chính quyền không hề nương tay trong đàn áp. Sirawith Seitiwat, 28 tuổi, tốt nghiệp khoa chính trị học Đại học Thammasat, đã bị đánh dã man đến mức giờ anh gần như bị mù. “Tôi bị theo dõi ở học xá, thư viện và thậm chí siêu thị” – Sirawith kể – “Họ hiện vẫn theo dõi và đôi khi cảnh sát đến nhà để “bảo vệ” tôi”. Có quá nhiều điều không bình thường khiến giới trẻ nói riêng và những trí thức có nhân cách trí thức nói chung không thể ngồi im bất động. Công lý đang nghiêng về phía kẻ giàu có và quyền lực. Vorayuth Yoovidhya, cháu của tỷ phú Chaleo Yoovidhya (đồng sáng lập hãng nước giải khát Red Bull) đã bị cáo buộc tội say rượu và lái xe cán chết một cảnh sát năm 2012 nhưng nhanh chân chạy ra nước ngoài trước khi bị bắt. Vụ án nhanh chóng “chìm xuồng” với sự can thiệp của chính quyền.

    Có thể hiểu tại sao giới trẻ giờ không ngần ngại khi nói: “Chúng tôi sẽ chiến đấu vì dân chủ, chiến đấu cho tự do, chiến đấu cho công bằng. Chúng tôi sẽ không cúi đầu, khuất phục và bò bất cứ lần nào nữa. Là con người với nhau, không ai lớn hơn ai cả. Không ai nhiều quyền lực hơn ai cả” – như phát biểu của Justin Samutprakan, một trong những thủ lĩnh giới trẻ của chiến dịch biểu tình lần này. Khi nói lẫn hành động, họ cảm nhận rõ sự nguy hiểm họ sẽ đối mặt. Cách đây không lâu, ba nhân vật bất đồng chính kiến bỗng dưng mất tích suốt vài tháng. Năm 2019, hai thi thể trong số đó được phát hiện bên bờ sông Mekong, với tứ chi bị trói và bụng đầy bê tông! Ba người khác, được tin là trốn sang Việt Nam, cũng mất tích từ đó đến nay. Tổng cộng, theo các tổ chức nhân quyền, ít nhất 9 người bất đồng chính kiến đã mất tích trong hai năm qua…

    Tháng 6-2020, Wanchalerm Satsaksit, người tổ chức phong trào dân chủ Thái Lan, được vài nhân chứng thấy ông bị một nhóm vũ trang trói vào chiếc xe hơi và bắt cóc đi mất, từ căn hộ riêng ở Phnom Penh (Campuchia). Wanchalerm Satsaksit, 37 tuổi, đã trốn sang Campuchia sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái năm 2014. Ngày 8-6-2020, cựu Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan (mùa giải 2017), Maria Poonlertlarp, viết trên trang Instagram cá nhân, yêu cầu chính quyền trả lời trước việc mất tích của Wanchalerm Satsaksit. Vào ngày trước khi bị bắt cóc ngày 4-6-2020, Wanchalerm còn đăng một post trên Facebook, chỉ trích Thủ tướng Prayuth Chan-ocha…

    Tính đến ngày 15-10-2020, khi chính quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp mới, cảnh sát cho biết 22 người đã bị bắt, trong đó có Bunkueanun "Francis" Paothong và Ekachai Hongkangwan - cả hai có thể đối mặt án chung thân nếu bị xử theo Điều luật 110 tội “có ý định gây bạo lực đối với Hoàng gia” (họ biểu tình lúc đoàn xe của hoàng hậu Suthida chạy trên đường ngày 14-10-2020). Tuy nhiên, tình hình không có bất kỳ dấu hiệu gì hạ nhiệt. Ba ngón tay – biểu trưng cho sự phản kháng 2020 mà người biểu tình Thái Lan lấy từ phim “The Hunger Games” – vẫn tiếp tục giơ cao…

    Nguồn: Nikkei Asia và New York Times

    https://thenewviet.com/

    Không có nhận xét nào