Header Ads

  • Breaking News

    Bầu cử TT Hoa Kỳ năm 2020: Các cách nhìn của Gs Nguyễn văn Tuấn, BS Võ Xuân Sơn và BS Nguyễn Đan Quế


    (Ahoy There / For The Times)

    GS Nguyễn văn Tuấn - Định luật vô thường và bầu cử 

    Cuối cùng thì kết quả tổng tuyển cử cũng khá rõ ràng: ông Joseph Robinette Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Mĩ. Ông Trump trước hay sau thì cũng phải chấp nhận qui luật vô thường (impermanence) trong chánh trị, và nên ghi nhận đó là một lực dẫn đến tiến bộ xã hội. 

    Kết quả trên thật ra cũng không quá ngạc nhiên, nhưng kết quả đó cũng khó nói rằng ông Biden đã 'thắng'. Số cử tri bầu cho ông Trump cũng chẳng kém bao nhiêu so với số bầu cho ông Biden. Tân tổng thống thừa biết rằng gần phân nửa công dân Mĩ không muốn ông là tổng thống của họ. Ông đắc cử không phải do có chương trình nghị sự rõ ràng, mà do thành công trong việc 'mạ kẽm' Trump như là một mối đe doạ đến nền dân chủ Hoa Kì [1].

    Những quan sát viên công tâm đều đánh giá rằng trong 4 năm qua, chánh phủ Trump làm được nhiều điều tốt [2, 3]. Cải cách tư pháp liên bang được xem là di sản lớn nhứt của ông. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thu nhập của người dân tăng, tỉ lệ nghèo giảm nhanh cũng là những thành công. Trump tạo ra một cái khung chánh sách cho cộng đồng người da đen và Hispanics được xem là điểm sáng mà ngay cả Obama cũng không làm được. Trump định hướng lại mối quan hệ với Tàu một cách thực tiễn hơn. Trump khống chế Iran và định hướng lại chánh sách ở Trung Đông với hiệp ước hoà bình giữa các bên. Trump buộc các đồng minh NATO phải tăng cường ngân sách quốc phòng và bớt lệ thuộc vào Mĩ. 

    Nhưng những thành công về chánh sách đó bị lu mờ bởi tánh cách cá nhân của ông. Ông có vẻ không nhận thức được cái uy nghiêm của ngôi vị tổng thống (majesty of presidency) của một nước hùng mạnh nhứt thế giới và lãnh đạo thế giới tự do. Qua những cách nói [có khi] cay độc cùng cách tweet [có khi] xúc phạm, ông đã làm cho ngôi vị tổng thống bị sứt mẻ. Ngay cả nhiều nhân vật cao cấp trong đảng Cộng Hoà cũng không chịu nổi tánh cách của ông. Cuối cùng thì kẻ báo oán ông Trump không ai khác hơn là chính ông (chớ không phải là ông Biden, vì ông này không thể nào so sánh với Trump được).

    Không biết các bạn thì sao, chớ tôi nhìn sự thay đổi tổng thống bên Mĩ (hay thủ tướng ở Úc) như là một phần trong qui luật vô thường, tức là ... tự diễn biến. Không có cái gì là vĩnh viễn cả. Cái gì cũng thay đổi. Ngay cả tế bào trong mỗi chúng ta chết đi và được thay thế bằng tế bào mới trong mỗi khoảnh khắc, thì huống chi là chức vụ tổng thống. Cũng như sự chu chuyển của tế bào rất cần thiết cho sự sống, thay đổi tổng thống cũng rất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một quốc gia. Nhìn như vậy thì thấy qui luật vô thường rất cần thiết cho tiến bộ xã hội. Những lãnh đạo không chấp nhận qui luật vô thường chỉ tự làm họ đau khổ và làm cho đất nước lạc hậu. 

    _____ 

    [1] https://apnews.com/.../joe-biden-wins-white-house-ap...

    [2] https://thehill.com/.../519924-trumps-successes-foreign...

    [3] https://www.realclearpolitics.com/.../trumps_top_10...

    https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1115686552211994

    GS Nguyễn văn Tuấn - Cách nhìn của Phật giáo về chánh trị và bầu cử 

    7/11/2020

    Quan sát cuộc tổng tuyển cử ở Mĩ với kết quả sít sao và những tranh tụng sắp tới làm tôi nghĩ đến triết lí Phật. Câu hỏi đặt ra là triết lí Phật có giúp gì cho chúng ta một tầm nhìn (insight) về chánh trị và bầu cử. Đọc trong sách Phật giáo thì hoá ra là có câu trả lời. 

    Chữ 'chánh trị' đối với nhiều người ở Việt Nam là nguy hiểm và người ta tránh chạy, không muốn bàn về nó. Nhưng thật ra, chữ này trong tiếng Anh, 'politics', có nghĩa rất ... Phật. Chánh trị hiểu theo nghĩa thông thường là cạnh tranh giữa các nhóm hay cá nhân để có quyền lực lãnh đạo. Nhưng chánh trị cũng có thể hiểu theo nghĩa tích cực hơn, và đó là nghệ thuật điều chỉnh và trật tự hoá các mối quan hệ giữa các nhóm và cá nhân trong cộng đồng. Đó là cách hiểu của Phật giáo.

    Định nghĩa hay cách hiểu trên rất ư là nhứt quán với ý tưởng Duyên Khởi (Dependent Origination). Ý tưởng này phát biểu rằng tất cả các sự vật trên đời này đều có liên quan với nhau. Nói một cách hơi xa là nguồn gốc của vũ trụ, cũng giống như một cá nhân hay một sự vật, tùy thuộc vào một chuỗi nguyên nhân, và chuỗi nguyên nhân này sẽ tiến hóa theo chu kì sanh, tử và tái sanh. Cũng giống như ngọn nến tại thời điểm này khác với ngọn nến của thời điểm trước đó, nhưng ngọn nến diễn ra một cách liên tục, mỗi nhiệm kì tổng thống chỉ là tạm thời, đến lúc thì cũng phải qua đi trong khoảnh khắc để nhường cho một nhiệm kì mới, và qui trình cứ vậy mà luân chuẩn. Điều này cũng có nghĩa là qui trình và mục tiêu của chánh trị cũng chỉ là những hoạt động chịu sự chi phối của qui luật Nhân Quả. Có 3 nguyên lí chánh trong qui luật này. 

    Nguyên lí thứ nhứt là cơ hội bình đẳng. Theo nguyên lí này, chánh trị có thể mô tả là những hành động và giải pháp nhằm tạo ra những cơ hội tối đa cho tất cả chúng sanh hoàn thành tiềm năng sanh tồn của họ. 'Chúng sanh' ở đây dĩ nhiên phải hiểu là bao gồm con người, gia cầm, súc vật, thực vật. Do đó, nếu chánh sách chỉ đem lại lợi ích cho con người mà gây tác hại đến môi trường thì vẫn chưa đáp ứng được quan điểm này. 

    Nguyên lí thứ hai là tôn trọng đối phương. Nếu không có cái này (ví dụ như bản ngã, ta) thì cũng không có cái kia (đối phương). Đối phương, dù có thể bất đồng chánh kiến, nhưng vẫn là một thực thể cần phải chung sống và phát triển. Đặt trong bối cảnh tranh cử, quan điểm này có thể hiểu là các ứng viên phải tôn trọng lẫn nhau, vì không có họ thì mình cũng chẳng hiện hữu. Trọng tâm của sự đau khổ của con người là tình trạng Si ('ignorance' trong tiếng Anh), có nghĩa là không biết. Chính Si dẫn đến khát khao quyền lực, không buông quyền lực và khởi động Nhân Quả. 

    Nguyên lí thứ ba là không gây tổn hại đến đối phương. Những hành vi gây tổn hại đến danh dự của đối phương là mang tính thống trị hơn là điều chỉnh mối quan hệ. Chiếu theo quan điểm này thì những gian lận trong bầu cử hay những thoá mạ nhau trong tranh luận là không nên. 

    Quan điểm quan trọng nữa là không có ai chiến thắng. Bởi vì kết cục lúc nào cũng khó đoán trước được và ai cũng có phiếu, thậm chí số phiếu rất sít sao nhau như trong lần tuyển cử này, nên trong thực tế không có ai chiến thắng cả. Nếu có chỉ là một ảo vọng con số mà thôi. Nếu 3 quan điểm này được tôn trọng thì có lẽ chánh trị sẽ là một lãnh vực hoạt động xã hội rất lí tưởng, và trong đó không có ai được xem là kẻ bại hay kẻ thắng. 

    OK, các bạn am hiểu Phật giáo có thể thêm để tôi học hỏi tiếp.

    BS Xuân Sơn Võ – Trump vĩ đại 

    Nếu không có cuộc bầu cử lần này, thì tôi chỉ đơn thuần mong muốn Trump thắng cử vì ông là người kiên quyết ngăn chặn sự bành trướng của Trung cộng. Cái mong muốn cho ông thắng cử chỉ đơn thuần vì ông mang lại thuận lợi cho đất nước của tôi trong cuộc chiến giữ Biển Đông.

    Thế nhưng, những diễn biến xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mấy ngày qua cho tôi thấy một Trump khác, mà trước giờ tôi chưa thấy. 

    Cho đến mấy ngày trước đây, Trump trong mắt tôi là một Tổng thống có lắm chiêu trò mà đối thủ của ông không dự đoán được, nhưng tính cách của ông thì đôi khi hơi bốc đồng, nói năng đôi khi hơi bạt mạng, không phù hợp với cách mà một Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa kì cần thể hiện. Nói chung, ông có vẻ hơi võ biền, không phù hợp lắm với vị trí thượng lưu.

    Tôi biết đến Trump lần đầu tiên khi vụ li dị của ông với người vợ gốc Đông Âu được báo chí đưa tin. Trong trí nhớ của tôi thì có lẽ ông giàu lắm, vì bà vợ đó được chia một cái máy bay và một tòa lâu đài. Sau đó, khi đến Trump Tower ở New York, cái tên Trump mới in vào đầu tôi, rằng Trump là một tỉ phú Mỹ. Nói thật là cho đến tận bây giờ, tôi cũng không biết ông kinh doanh những cái gì.

    Chắc hẳn Trump phải là một người có tài trong kinh doanh. Bằng chứng là ông đã là một tỉ phú. Trong xã hội Mỹ bây giờ, chắc khó có tỉ phú nào giàu lên nhờ hối lộ, hoặc câu kết với quan chức cầm quyền để bòn rút tài nguyên quốc gia và tiền thuế của dân. Trong 3 năm đầu điều hành nước Mỹ, ông đã đưa nước Mỹ đến gần với cái “great again” mà ông thường vẫn nói. Chắc chắn ông phải là người có tài thực sự. Thật tiếc là cái dịch cúm Tàu đã làm cho các thành quả của ông bị ảnh hưởng nặng nề. 

    Những gì xảy ra trong mấy ngày qua xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã cho tôi thấy một khía cạnh khác về ông. Ông đã điều hành nước Mỹ trong sự chống đối của các thế lực có quyền lực cực kì lớn. Những thế lực đó có thể biến những tờ báo, những hãng thông tấn hàng đầu thế giới trở thành những kẻ tung fake news, hoặc giở những chiêu trò truyền thông bẩn. Chắc chắn đó không thể là những thế lực tầm thường. Trong một môi trường như vậy, mà ông vẫn đưa nước Mỹ tiến lên, thì chắc chắn ông phải thật sự vĩ đại.

    Nhìn lại những gì ông làm, ông thực sự là người yêu nước. Còn nhớ năm nào, một người bán phở ở Las Vegas giải thích cho tôi tại sao họ thuê người “Mễ” phụ bán. Họ cho rằng người “Mễ” chăm chỉ, ít đòi hỏi như người Việt. Sau đó tôi mới được biết, vấn đề nằm ở chỗ rất nhiều người “Mễ” là dân nhập cư lậu, làm việc chui, nên ngoài việc chăm chỉ, ít đòi hỏi, họ còn đồng ý được trả lương khá thấp (làm chui mà). 

    Và nước Mỹ có hàng chục triệu người “Mễ” nhập cư bất hợp pháp, tức là có hàng chục triệu người Mỹ bị những người nhập cư lậu giành mất việc làm. Vấn đề là bao nhiêu đời Tổng thống Mỹ, không ai dám đụng vào cái ung nhọt đó. Đó là quyền lợi của khá nhiều doanh chủ. Vậy mà Trump lại kiên quyết chọc vào cái ổ kiến lửa đó.

    Ông là Tổng thống Mỹ kiên quyết thực hiện hầu hết các cam kết khi ông tranh cử. Có lẽ, ông là người thực hiện được nhiều cam kết khi tranh cử nhất trong số các Tổng thống Mỹ. Ông là người biết giữ chữ tín. Ông là Tổng thống Mỹ biết tôn trọng cam kết.

    Người ta bảo để cho cúm Tàu phát triển tràn lan ở Mỹ là lỗi của Trump. Vậy thì nguyên thủ của nước nào ngoài Việt nam là không có lỗi trong vụ để cho dịch cúm Tàu phát triển tràn lan ở nước mình? 

    Người ta đổ lỗi cho ông chia rẽ nước Mỹ, và trong chừng mực nào đó, ông chia rẽ cả người Việt. Ông chia rẽ nước Mỹ, hay những kẻ bị ông đụng chạm đến quyền lợi đang cố gắng chia rẽ nước Mỹ? Hãy cứ nhìn những gì các hãng truyền thông làm với ông mấy ngày nay thì thấy, ai là người đang thực sự chia rẽ nước Mỹ. Còn người Việt nam, vốn dĩ họ đã chia rẽ từ bao nhiêu đời nay rồi, từ thời Lạc Long Quân – Âu Cơ đến giờ, sao lại đổ lỗi cho ông?

    Mãnh hổ nan địch quần hồ. Có thể ông sẽ không thắng trong đợt bầu cử này. Nhưng tôi nể ông đã không buông xuôi. Ông đã và đang chiến đấu như một chiến binh quả cảm. Dù có tiếp tục làm Tổng thống hay không, thì ông đã và luôn là một Trump vĩ đại.

    https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/1871328819690902

    Tương lai nào cho Mỹ quốc?

    Nguyễn Đan Quế

    8-11-2020

    Mỹ lập quốc đã 244 năm. Cơ học lượng tử ra đời gần 100 năm, đưa đến Cách Mạng Số mà Mỹ hàng đầu. Nhưng đồng thời, cơ học lượng tử cũng đưa đến khám phá về bản chất con người: tinh thần và vật chất là 2 dạng thể hiện ra của sinh năng. Tất nhiên dẫn đến CÁCH MẠNG NHÂN BẢN HÓA NHÂN LOẠI. Và 2020 là phát súng lệnh.

    ***

    Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 tái đi tái lại, lan nhanh nhiều nơi trên thế giới, chết cả triệu người, chưa có vaccine, không biết khi nào kết thúc, nhân loại đang tính chuyện sống chung. Covid làm đình trệ mọi hoạt động xã hội từ du lịch, thể thao đến đi học, đi làm…nghĩa là tác động xã hội lên con người giảm hẳn ngược chiều trở về 0.

    Hơn thế nữa, lại thêm cách ly bắt buộc, cách ly tại nhà, giãn cách xã hội, học / làm việc / hội họp online…, sau bao năm tháng liên tục bị xô đẩy tất bật từ sáng đến tối, chẳng mấy ai có thì giờ ngồi tĩnh lặng suy nghĩ sâu về bên trong chính con người mình. Thậm chí, không còn biết mình là ai, thuộc về thực tại này như thế nào, sống làm gì. Mọi việc dường như như có cái gì không thật can thiệp vào!

    Đến cuối năm 2020, lại thêm vụ tranh cử ở Mỹ. Chia rẽ, hạ nhau, phóng tin thất thiệt, fake news, tung ‘thuyết âm mưu’, cáo buộc gian lận, tố tham nhũng… thôi đủ thứ của chiến dịch đảng phái xảy ra nơi siêu cường Số hàng đầu của văn minh Tây phương. Mọi người bàng hoàng, khủng hoảng, ngán ngẫm, nghi ngờ tự do – dân chủ.

    Nhớ lại khi Liên Xô sụp đổ, người dân trong khối cộng sản vồ lấy dân chủ Tây phương, bây giờ vỡ mộng lần nữa. Hóa ra, cả nhân loại toàn cầu đều là nạn nhân, bị điều kiện hóa bởi những chiêu bài tuyên truyền ‘rất phi con người’ của cả cộng sản lẫn tư bản, của cả duy vật lẫn duy tâm.

    Khủng hoảng Covid và khủng hoảng bầu cử xảy ra gần như cùng một lúc, cùng tác động, trong một giai đoạn vô cùng đặc biệt của lịch sử phát triển loài người: Sự ra đời của Cơ Học Lượng Tử (1927) dẫn đến Cách Mạng Số như www, smartphone, AI, robot…; và đồng thời chỉ rõ mối tương quan giữa tinh thần và vật chất: Tinh thần & Vật chất là 2 mặt của Sinh Năng. Sinh Năng là 1 phần của Vũ Trụ Năng và Vũ Trụ Năng trực tiếp ảnh hưởng trên Sinh Năng. Tinh thần & Vật chất hỗ tương tác động và có thể hoán chuyển qua Sinh Năng. Chứ không phải cái nọ có trước và ‘đẻ’ ra cái kia theo duy vật hay duy tâm. Khi ý thức con người trong xã hội đổi, cả xã hội trong đó có chính trị và tôn giáo phải đổi, tỷ lệ thuận với thức tỉnh quần chúng.

    Tác động xã hội Covid-19 và bầu cử Mỹ tạo cho con người khắp nơi một ‘trải nghiệm gây thức tỉnh’ do có dịp suy nghĩ ‘bên trong’ về thân phận mình. Cùng lúc, tác động tuyên truyền điều kiện hóa từ bên ngoài lên người dân mất tác dụng vì các bên tranh cử ‘đa phương với tính xã hội’ và ‘đơn phương mang tính dân tộc’ còn lo ‘chửi lộn’.

    Nhờ kết hợp ‘bên trong’ với ‘bên ngoài’, mà Bản Chất Cội Nguồn (lúc ra chào đời) nay đột nhiên dễ xuất hiện nơi người có tuổi đời, có hiểu biết, có kinh nghiệm sống… Đó chính là tự lột xác. Đó chính tự nhân-bản-hóa mình! Một khi đã thức tỉnh, đã ngộ, khó u mê lại và có sức lan tỏa.

    Covid-19 và bầu cử Mỹ đã phát triển thành lực đẩy chính trị quan yếu từ hạ tầng làm thay đổi hẳn xã hội. Chính trị thượng tầng phải thích ứng theo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, thay đổi từ gốc rễ đi lên, chứ không phải từ giới chính trị cầm quyền đi xuống như từ trước đến nay.

    Bầu cử Mỹ đã chọn đa phương. Tương lai phụ thuộc Mỹ thích ứng như thế nào với Cao Trào Nhân Bản Hóa Xã Hội. Đây chính là lối ra cho các vấn nạn từ bao lâu nay của xã hội Mỹ như phân biệt chủng tộc, nhập cư, da trắng thượng đẳng…. chỉ bởi vì: Nay mới ngộ ra bản chất đích thực của con người,

    Bs Nguyễn Đan Quế, Chủ tịch Cao Trào Nhân Bản

    https://baotiengdan.com/2020/11/08/tuong-lai-nao-cho-my-quoc/


    Không có nhận xét nào