Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 29 tháng 11 năm 2020

    Chuyên gia quốc tế sẽ vào Vũ Hán điều tra nguồn gốc COVID-19, phải chăng là quá muộn?

     

    Gần một năm sau khi bùng phát dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán – Trung Quốc, các chuyên gia quốc tế cuối cùng cũng có thể đến nơi này để điều tra nguồn gốc của loại virus này. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom đã khẳng định điều này vào hôm thứ Sáu (27/11). Quốc tế lo ngại rằng Bắc Kinh đã trì hoãn gần một năm mới cho phép các chuyên gia quốc tế vào Vũ Hán để điều tra nguồn gốc căn bệnh, “Mọi khả năng tìm thấy dấu hiệu liên quan sẽ ‘tan thành mây khói’!”

    Theo báo cáo của Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức xác nhận dịch viêm phổi virus corona mới bùng phát ở Vũ Hán vào cuối tháng 12 năm ngoái. Sau khi Australia, Mỹ và các nước yêu cầu điều tra nguồn gốc virus, hai chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Trung Quốc vào tháng 7, nhưng chỉ có thể lưu lại Bắc Kinh ba tuần và liên tục bị chính quyền cản trở không cho đến Vũ Hán để điều tra.

    Cách đây vài ngày, từ các tài liệu nội bộ và các cuộc phỏng vấn của WHO và hơn 50 nhà ngoại giao, tờ New York Times đã nắm được thông tin rằng, yêu cầu điều tra nguồn gốc của virus ở Vũ Hán, Trung Quốc của WHO đã bị ĐCSTQ từ chối và ngăn cản ở các mức độ khác nhau. WHO cuối cùng đã phải khuất phục trước Bắc Kinh.

    Ngày 27/11, WHO đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến, phóng viên đã trực tiếp hỏi ông Tedros Adhanom rằng liệu các chuyên gia quốc tế của WHO có thể đến Vũ Hán để điều tra thực địa về nguồn virus hay không? Ông Tedros khẳng định chắc chắn rằng các chuyên gia quốc tế sẽ vào Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của virus. Gần một năm sau khi dịch bùng phát, nhóm chuyên gia quốc tế mới xác nhận có thể vào được nơi bắt đầu bùng phát dịch để điều tra thực địa.

    Ông Tedros vẫn chưa cho biết ngày cụ thể nhóm chuyên gia quốc tế đến điều tra thực địa ở Vũ Hán. Ngoài ra, các nhân sĩ quốc tế lo ngại rằng Bắc Kinh trì hoãn đến một năm mới cho phép các chuyên gia quốc tế vào Vũ Hán để điều tra nguồn bệnh, “Mọi khả năng tìm thấy dấu hiệu liên quan sẽ ‘tan thành mây khói’”.

    ĐCSTQ rất không tích cực đối với việc điều tra nguồn gốc virus của các chuyên gia quốc tế. Kể từ tháng Ba, chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần thay đổi quan điểm và đổ lỗi nguồn gốc virus là đến từ các nước như Ý, Hoa Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc quân đội Mỹ mang virus đến Vũ Hán, kết quả khiến Mỹ hết sức bất mãn.

    Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu việc hợp pháp hóa cần sa trong tuần sau

    Hôm 27/11, lãnh đạo đa số Hạ viện Steny Hoyer thông báo Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào ngày 2/12 – 4/12 tới đây cho các dự thảo luật được đệ trình trước đó, bao gồm đạo luật cho phép hợp pháp hoá cần sa.

    Năm dự luật sẽ được xem xét vào ngày 2/12, trong đó nổi bật có Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài do Thượng nghị sĩ John Kennedy đưa ra và được Thượng viện thông qua vào tháng 5. Luật này sẽ loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu họ tiếp tục không tuân thủ quy định kiểm toán của Hoa Kỳ.

    Vào cuối tuần, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu về 23 dự luật và nghị quyết khác, bao gồm Đạo luật Cơ hội, Tái đầu tư và Xử lý Cần sa (MORE) năm 2019, đạo luật này sẽ hợp pháp hoá cần sa.

    Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler đã giới thiệu dự luật vào năm ngoái cùng với Thượng nghị sĩ Kamala Harris.

    “Bất chấp việc hợp pháp hóa cần sa ở các bang trên toàn quốc, những người có tiền án về cần sa vẫn bị đối xử với quyền công dân hạng hai. Các lá phiếu, quyền tiếp cận giáo dục, việc làm và nhà ở của họ đều bị ảnh hưởng tiêu cực,” ông Nadler nói.

    “Việc thực thi luật cần sa có động cơ phân biệt chủng tộc đã tác động không tương xứng đối với các cộng đồng da màu. Cần phải sửa lại cho đúng điều này, coi việc sử dụng cần sa là lựa chọn cá nhân và là vấn đề sức khỏe cộng đồng chứ không phải hành vi phạm tội. Tôi tự hào tài trợ cho Đạo luật MORE để hợp pháp hoá cần sa ở cấp liên bang, xóa bỏ gánh nặng không cần thiết về việc kết án cần sa đối với rất nhiều người Mỹ và đầu tư vào các cộng đồng đã bị tổn hại một cách không cân xứng bởi cuộc chiến chống ma túy.”

    Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng viên Joe Biden đã nhiều lần thay đổi lập trường về việc hợp pháp hoá cần sa. Nhìn chung, ông Biden không phải là người ủng hộ việc này, nhưng vẫn lựa chọn Phó tướng là người có quan điểm hoàn toàn trái ngược, mà theo các nhà phân tích, nhằm lấy thêm phiếu bầu của người da màu.

    Tương tự, bà Kamala cũng thể hiện những mâu thuẫn trong lập trường, khi một mặt rất tích cực vận động cho việc hợp pháp hoá cần sa, nhưng bà “đã đưa hơn 1.500 người vào tù vì phạm tội cần sa, và sau đó cười về điều đó khi được hỏi liệu bà ấy đã bao giờ hút cần sa chưa. Bà ấy đã chặn bằng chứng có thể giải thoát một người đàn ông khỏi án tử hình cho đến khi tòa án buộc bà ta phải làm như vậy. Bà ta giam những người quá thời hạn tù để sử dụng họ làm lao động rẻ mạt cho bang California. Và bà ta đã chiến đấu để duy trì hệ thống bảo lãnh tiền mặt có tác động đến người nghèo theo cách tồi tệ nhất”, theo Tulsi Gabbard.

    Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ là nơi bắt nguồn của virus corona mới

    Mới đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đăng một báo cáo trên trang Express U.K tuyên bố loại virus corona mới (visus viêm phổi Vũ Hán, COVID-19) có thể bắt nguồn từ Ấn Độ. Tuyên bố này đã vấp phải nhiều chỉ trích như những lần trước đó Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ, cho Ý là nguồn gốc nơi sinh ra dịch bệnh.

    à nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc đã phân tích bộ gen của virus corona mới để tìm ra chủng có ít đột biến nhất, sau đó truy tìm nguồn gốc của nó. Nhóm này đã tuyên bố rằng “chủng ít đột biến nhất” có nguồn gốc từ Ấn Độ hoặc từ một quốc gia láng giềng.

    Nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết virus corona có thể được truy nguyên sớm nhất vào tháng 7/2019, vài tháng trước khi nó được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán vào tháng 12.

    Các nhà nghiên cứu Trung Quốc viết trong nghiên cứu của họ: “Phân tích thống kê về sự đa dạng của chủng SARS-CoV-2 ở các quốc gia/khu vực khác nhau cho thấy, tiểu lục địa Ấn Độ có mức độ đa dạng chủng loại virus cao nhất. Hơn nữa, dựa trên tỷ lệ đột biến của SARS-CoV-2, chúng tôi ước tính rằng sự lây truyền SARS-CoV-2 sớm nhất trên vật chủ là người có thể được truy tìm từ tháng 7 hoặc tháng 8/2019.”

    “Cả thông tin địa lý của chủng ít đột biến nhất và sự đa dạng của chủng đều cho thấy rằng tiểu lục địa Ấn Độ có thể là nơi lây truyền SARS-CoV-2 từ người sang người sớm nhất, tức là ba hoặc bốn tháng trước khi bùng phát ở Vũ Hán,” các nhà nghiên cứu tuyên bố.

    Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, virus lây lan sang người trong bối cảnh đợt nắng nóng gay gắt ở khu vực phía bắc Ấn Độ, làm tăng khả năng con người và động vật dùng chung một nguồn nước. Các điều kiện cho phép virus lây lan từ động vật sang người.

    “Từ tháng 5 đến tháng 6/2019, đợt nắng nóng dài thứ hai được ghi nhận đã hoành hành ở miền bắc-miền trung Ấn Độ và Pakistan, tạo ra cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng ở khu vực này”, theo báo cáo đăng trên Express U.K. “Tình trạng thiếu nước khiến các loài động vật hoang dã như khỉ tham gia vào cuộc tranh giành nước, giết chóc lẫn nhau và chắc chắn sẽ làm tăng cơ hội tương tác giữa người và động vật hoang dã.”

    Các nhà khoa học sau đó gọi virus là “không thể tránh khỏi” và tuyên bố rằng Vũ Hán là một phần của đợt bùng phát mở rộng.

    Tuy nhiên, việc Trung Quốc liên tục đưa thông tin sai lệch xung quanh vấn đề virus corona, trước là cáo buộc vô căn cứ Hoa Kỳ, sau lại tiếp tục đổ lỗi cho nước Ý đã là nơi phát tán virus corona, đã vấp phải nhiều chỉ trích. Nghiên cứu mới này trái ngược với báo cáo rằng virus bắt nguồn từ Vũ Hán và lây lan sang nhiều nước khác trên thế giới khi chính quyền Trung Quốc ngăn không cung cấp thông tin chính xác về đợt bùng phát.

    Báo cáo trên bị chỉ trích nặng nề từ các chuyên gia nghiên cứu virus. Ông David Robertson, một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Virus của Đại học Glasgow, gọi bài báo của Trung Quốc là “rất sai lầm”, theo Daily Mail.

    Ông Robertson nói: “Cách tiếp cận của tác giả trong việc xác định các chuỗi virus ‘ít đột biến nhất’ là… vốn mang định kiến.” Ông nói thêm: “Các tác giả cũng đã bỏ qua các dữ liệu dịch tễ học phổ biến khắp nơi cho thấy sự xuất hiện rõ ràng ở Trung Quốc và virus lây lan từ đó.”

    “Bài báo này không bổ sung gì cho hiểu biết của chúng tôi về SARS-CoV-2,” ông nhấn mạnh.

    WHO: Chưa có cơ sở khẳng định Covid-19 từ ngoài nhập vào Trung Quốc

    Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục tìm cách giảm nhẹ vai trò của Trung Quốc trong việc để đại dịch Covid-19 bùng lên khắp thế giới, với luận điểm virus gây bệnh đến trước hết là từ nước ngoài. Hôm qua, 27/11/2020, một lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng bác bỏ luận điểm đó.

    Một ngày sau khi truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan tin về khả năng virus gây đại dịch Covid-19 đến từ nước ngoài, trước khi xuất hiện tại Vũ Hán, chủ yếu thông qua con đường bao bì thực phẩm đông lạnh, hôm qua, bác sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành các chiến dịch khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, khẳng định : hiện tại WHO không có bằng chứng nào để kết luận virus corona chủng mới xuất phát từ bên ngoài Trung Quốc, và phát hiện chính thức đầu tiên về virus này, cho đến nay, là tại một chợ thực phẩm ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, hồi cuối tháng 12, năm ngoái.

    Theo Reuters, trong cuộc họp báo qua mạng từ Genève, bác sĩ Mike Ryan nhấn mạnh: « từ quan điểm y tế công cộng, cần phải tiến hành điều tra nguồn gốc dịch bệnh, nơi xuất hiện các ca bệnh đầu tiên ». Theo ông, các bằng chứng phát hiện được tại Vũ Hán có thể sẽ cho phép lần tới các manh mối khác. Bác sĩ Mike Ryan nhắc lại là WHO có ý định cử các nhà nghiên cứu tới chợ thực phẩm Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc của virus corona gây bệnh Covid-19.

    Trong lúc điều tra trên thực địa tại Vũ Hán vẫn chưa được tiến hành, trong tháng 11/2020 này, chính quyền Trung Quốc dường như có nhiều nỗ lực nhằm kéo sự chú ý của công luận sang hướng khác, theo Sari Arho Havren, chuyên gia về Trung Quốc, người Phần Lan, làm việc tại Bruxelles và Hồng Kông. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/11, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố một số công trình nghiên cứu mới đây cho thấy nguồn gốc của virus của bệnh Covid-19 là một « vấn đề khoa học phức tạp ».

    Doanh số bán hàng trên mạng đạt kỉ lục trong ngày Thứ Sáu Đen ở Mỹ

    Doanh số bán hàng trên mạng trong ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) đạt kỉ lục ở Mỹ trong khi người tiêu dùng kích chuột chất đầy giỏ hàng trực tuyến thay vì đến các cửa hàng truyền thống vì lo ngại về đại dịch.

    Người tiêu dùng đã chi khoảng 9 tỉ đôla trên các website bán lẻ ở Mỹ vào ngày Thứ Sáu Đen sau Lễ Tạ ơn, theo dịch vụ theo dõi mua sắm trực tuyến Adobe Analytics. Đó là mức tăng 22% so với kỉ lục trước đó là 7,4 tỉ đôla được thiết lập vào năm 2019, AP đưa tin.

    Trong khi đó, số lượng người đến các cửa hàng truyền thống giảm mạnh do các nhà bán lẻ cố gắng ngăn các đám đông bằng cách cắt giảm giờ làm việc và hạn chế những đợt khuyến mãi ồ ạt, theo Sensormatic Solutions, một công ty theo dõi bán lẻ.

    Đồ Trang sức và giày dép chứng kiến mức sụt giảm doanh số bán hàng trực tiếp lớn nhất, theo RetailNext, một website theo dõi mua sắm. Doanh số quần áo giảm 50%, trong khi doanh số đồ gia dụng giảm 39%.

    Ngay cả với sự sụt giảm đó, Black Friday vẫn có thể sẽ là một trong những đợt mua sắm trực tiếp lớn nhất ở Mỹ trong năm nay, theo Brian Field, giám đốc cao cấp của Sensormatic đặc trách tư vấn bán lẻ toàn cầu. Ông nói nhiều người vẫn sẽ mua sắm trực tiếp cho dịp lễ, nhưng sẽ chọn những ngày giữa tuần khi lượng khách ít hơn. Những đợt giảm giá mạnh tại cửa hàng và lo ngại về thời gian vận chuyển lâu cũng có thể thu hút người mua sắm gần dịp Giáng sinh.

    Adobe dự kiến ngày thứ Hai sẽ là ngày bán hàng trực tuyến lớn nhất trong lịch sử Mỹ, với chi tiêu ước tính từ 10,8 tỉ đến 12,7 tỉ đôla, theo AP.

    ByteDance được cho thêm 1 tuần nữa để bán TikTok cho công ty Mỹ, nếu không sẽ bị chặn


    Hôm thứ 4 vừa rồi, chính quyền tổng thống Trump tuyên bố sẽ cho ByteDance thêm 7 ngày để công ty chủ quản mạng xã hội video TikTok giải quyết xong thương vụ để bán chi nhánh TikTok Mỹ cho những công ty Mỹ quản lý. Trước đó, chính phủ Mỹ đã cho ByteDance thêm 15 ngày để hoàn tất thương vụ giữa họ với liên minh Oracle – Walmart, và đáng lẽ TikTok đã hết hạn đàm phán từ hôm thứ 6 vừa rồi. Theo lịch trình mới, ByteDance sẽ có deadline tới ngày 4/12 để bán chi nhánh TikTok Mỹ cho công ty Mỹ, nếu không muốn bị chặn dịch vụ không được kinh doanh tại nước này.

    Trước đó, ByteDance cũng đã phải lên tiếng ở tòa án, yêu cầu xem xét lại những động thái của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) thuộc chính quyền tổng thống Donald Trump. Lý do của TikTok rất đơn giản, đó là nhiều tuần trước đó, công ty chủ quản TikTok là ByteDance hoàn toàn chẳng nhận được thông báo hay tin tức gì từ phía CFIUS về thời hạn cuối cùng yêu cầu họ phải bán chi nhánh TikTok Mỹ cho đối tác tiềm năng là một công ty của Mỹ, vì chính quyền của ông Trump lo ngại nguy cơ bảo mật và riêng tư của người dùng TikTok tại đất nước này.

    Không biết đến tháng 1 thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp với TikTok.

    Tiến sĩ Fauci gợi ý sẵn sàng đóng một vai trò trong ‘chính quyền’ Biden


    Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm quốc gia, một trong những thành viên nổi bật nhất trong hoạt động ứng phó đại dịch viêm phổi Vũ Hán của chính phủ cho biết ông sẵn sàng cho một “vai trò mở rộng” trong chính quyền Biden, theo Independent.

    Tin tức trên được Independent đưa ra trong bối cảnh các phe cánh Đảng Dân chủ đang quyết liệt đấu đá tìm cách chen chân vào nội các Biden.

    Ông Fauci đã giữ vai trò của mình trong 6 chính quyền tổng thống khác nhau. Những đánh giá đôi khi không rõ ràng của ông về phản ứng đối với dịch viêm phổi Vũ Hán ở Mỹ khiến ông mâu thuẫn với Tổng thống Trump.

    Quan hệ giữa ông Fauci và Tổng thống Trump ngày càng xa cách trong nhiều tháng, với việc ông không được mời tham dự các cuộc họp với tổng thống.



    Không có nhận xét nào