Header Ads

  • Breaking News

    Bùi Đức Tính - Khi Mùa Đông Về

    – Hello! Anh quản lý nhân viên vắn tắt chào, rồi bước nhanh vào căn phòng làm việc của mình. Quay ra, anh đưa cho chúng tôi 3 áo khoác màu xanh dương, có in dấu hiệu của cơ quan từ thiện Công Giáo: – Tốt lắm! Gia đình anh vừa đúng 3 người cần cho một toán … không cần chờ thêm ai hết … Chỉ tay qua dãy bàn đang chất đầy các bịt ly và bình giữ nhiệt đã có sẵn cà phê, anh tiếp lời, giải thích công việc phải làm: – Cũng như năm trước! … cà phê có đường và không đường, … nửa ly mà thôi! … Ai không chịu thì bảo họ vào đây gặp … Mike …Vừa nói tên, vừa chỉ vào hướng bên trong bếp và anh lớn tiếng gọi: – Hello Mike!

    Người đàn ông mang kiếng cận, mặc áo trắng đồng phục nấu ăn trong nhà hàng đang bận rộn bên dãy lò gần đó, chắc là không có thời gian để lắng nghe câu chuyện bên ngoài này, nhưng nghe kêu tên mình, ngó ra thấy là bạn gọi thì cũng đưa tay lên chào:

    – Hello Rick!

    Anh quản lý vui vẻ vẫy tay với Mike:

    – Cám ơn Mike!

    Rồi anh quay lại nói thêm với chúng tôi:

    … hoặc là, quý vị bảo họ đến đây gặp … tôi!

    Khi nói đến chữ “tôi”, anh chỉ tay vào ngực mình đầy tự tin, một cách như nửa đùa-nửa thật, cùng cái nháy mắt thân thiện với chúng tôi; rồi trở lại với công việc trong khu nhà bếp.

    Anh quản lý có ý nói đùa, nhưng cũng rất thật!

    Thật vậy, hầu hết những người vô gia cư trong thành phố, đã có lần đến dự các buổi ăn của cơ quan từ thiện này, đều biết Rick và Mike. Họ không chỉ biết vì hai anh làm việc ở đây, mà còn đã biết nhau từ nhiều năm qua; từ lúc mà cả hai hãy còn là … sống vô gia cư như họ!

    Rick và Mike đều đã có một thời sống lây lất trên hè phố. Riêng Mike, đã từng tốt nghiệp về nấu ăn, đã có gia đình và công ăn việc làm đàng hoàng. Hoàn cảnh riêng của những người vô gia cư có khác nhau các nguyên nhân, hay là những gì đã an bài trong số phận; nhưng đều giống như nhau: một cuộc sống không nhà. Đa số đã tìm quên hôm nay và ngày mai; tìm cách thoát khỏi những đau xót của thể xác và tinh thần bằng rượu, bằng thuốc,…  Khi tỉnh và biết đói khát, họ thường nhờ vào các tổ chức từ thiện, như nơi này, để có thức ăn hay nơi trú thân qua đêm, nhất là vào những hôm trời mưa bão, băng tuyết.

    Và cũng từ nơi đây, rất nhiều người khốn cùng đã được giúp đở cai nghiện và tìm được lối quay về với xã hội cùng gia đình. Như Rick, anh đã làm bạn với ma túy từ lúc mới 14 tuổi, từng biết mua bán các thứ thuốc cấm lúc 17 tuổi; đến tuổi 41, anh được giúp cai nghiện và đã ở lại làm quản lý nhân viên cho cơ quan này. Như Mike, sau 23 năm nghiện ngập các thứ, nằm lăn lóc trên vỉa hè của nhiều thành phố; đến năm 57 tuổi, Mike đã tìm lại được niềm tin, có cuộc sống đầy ý nghĩa và là đầu bếp chính tại nơi đây, nơi đã cho anh chỗ trú thân và buổi ăn nhân ngày Giáng Sinh mà anh còn nhắc nhớ mãi.

    Công việc của đội ngũ nhân viên đông đảo trong nhà bếp, để chuẩn bị cho buổi ăn vào dịp Lễ Giáng Sinh, thật là không giản dị. Họ phải nấu và dọn ăn  trên 3 ngàn phần ăn hàng năm, phải cần đến cả ngàn ký thịt gà tây cùng hàng trăm ký cho mỗi thứ như khoai tây, các loại rau củ khác, … và 4 ngàn ổ bánh mì. Ngoài ra còn có món bánh ngọt tráng miệng kèm với kem.

    Mặc thêm chiếc áo khoác của anh quản lý đưa cho mượn, để che bớt mưa gió và để dễ nhận diện là nhân viên thiện nguyện của cơ quan; chúng tôi lấy hai bình cà phê và hai bịt ly, rời bếp và đi đến đoàn người xếp hàng bên ngoài.

    Mỗi năm, số người chờ đến phiên để vào ăn tiệc Giáng Sinh nơi đây càng đông hơn. Có phải chăng, nỗi đau thương khốn khổ của nhân loại dưới trần thế đã không hề giảm bớt!

    Hãy còn sớm lắm!

    Mãi đến 10 giờ 30 phút, phòng ăn mới mở cửa cho vào, nhưng từ trước 8 giờ sáng, hàng người đã dài hơn một góc đường rồi! Như các năm qua, người ta đến chờ để được nhận một trong ba ngàn phần ăn, từ cơ quan từ thiện này. Họ đã phải đứng trong mưa gió hay tuyết lạnh hơn cả giờ, để đến phiên mình được vào bên trong phòng ăn, nơi có bài thánh ca, không gian yên ấm, trang hoàng cây thông và đèn màu; nơi họ được mời ngồi vào bàn với các món ăn còn nóng ấm của ngày Lễ Giáng Sinh với thịt gà tây, cùng gói quà nhỏ thường là đôi vớ và bao tay …

    Đối với những người kém may mắn này, buổi ăn nhân ngày Lễ Giáng Sinh, trong khung cảnh yên ấm chan hòa tình thương như hôm nay, là bửa tiệc thịnh soạn, sang trọng nhất trong năm; có thể là lần đầu, hay biết đâu … sẽ là lần cuối cùng trong đời mình!

    Mỗi toán phục vụ cà phê bên ngoài gồm có ba người, vì công việc và cũng vì an toàn. Một người phân phát ly, hai người cầm bình giữ nhiệt chứa cà phê. Mỗi bình cà phê đều có ghi rõ loại cà phê bằng chữ  lớn, chữ “có đường” màu đỏ hay chữ “không đường” màu đen; để trong nhà bếp và người nhận cà phê đều thấy biết. Cà phê “không đường” dành cho những ai không thích uống cà phê có đường, hay bị bệnh phải kiêng cử chất có đường. Để nhiều người trong hàng sớm có chút cà phê nóng cho đở đói và ấm lòng, cần chia nhường với nhau, mỗi lần chỉ được nhận nửa ly cà phê. Nếu rót đầy mỗi ly thì rất mau cạn bình; nhân viên phải trở vào nhà bếp lấy bình cà phê khác và thời gian chờ có cà phê phải lâu hơn gắp đôi. Hơn nửa, rót nhiều thì cà phê cũng bị lạnh rất nhanh vì thời tiết giá lạnh của mùa đông. Có được ly cà phê trong tay cũng ấm tay và đở đói khát đôi chút. Hầu hết đều hài lòng qua ánh mắt và tiếng cám ơn. Nhưng cũng có vài người không vừa ý; khi có tiếng bực dọc nặng lời bảo phải rót cà phê cho đầy ly, thì mình vẫn vui vẻ chìu họ và rồi không ai buồn phiền thêm chi cả. Đấy cũng chỉ là những bực dọc và phản ứng rất bình thường theo đòi hỏi của cơn đói, vốn triền miên; mà những ai đã trãi qua rất dễ thông thông cảm. Còn nhớ thân phận đã từng bị giam cầm, gọi là “cải tạo”, sau khi miền Nam mất tự do; chắc hẵn chưa quên cơn đói triền miên và nỗi thèm khát đủ thứ. Thèm từ cái vô cùng quý giá đã bị cướp đoạt, từ sau tháng 4 năm 75, đó là được làm con người và có được tự do. Thèm đến các món ăn thật tầm thường như chút vị thơm ngọt khi đi ngang qua thùng đường mía, dù là loại rẻ tiền, màu đường đen đủi. Biết khao khát từng hớp nước cơm, hôm nào may mắn được bạn mình làm trong nhà bếp để dành cho một ly nhỏ; dù là nước từ chảo cơm tù đã nấu với khoai sùng trộn cùng mớ gạo đã củ mốc. Mớ gạo ấy có sâu bám dính lấy nhau thành từng cục lớn, lớn hơn trái chanh, nhiều cục sâu mốc như thế lắm, nhưng loại bỏ thì bị mất rất nhiều gạo. Gạo lúc này quý lắm! Hớp nước cơm như thế ấy vẫn rất quý! Biết đâu nó còn giúp ngăn ngừa hay giảm đi cơn bệnh phù thũng trong chốn tù đày. Tôi còn nhớ, mình ngậm và nuốt chậm chậm để lắng nghe vị ngon ngót, beo béo của chất đạm thấm dần vào vị giác và rồi lan ngấm trong cơ thể mình … Trong chương thứ sáu, với tựa đề là Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, của tác phẩm Gìn Vàng Giữ Ngọc, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã có viết:

    “Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý “Vật chất quyết định hết thảy”. Chúng lầm! Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin vào đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào.”

    Có đôi bàn tay cùng cầm giữ cái ly cà phê; đôi bàn tay đang bị run rẩy vì đói lạnh, hay vì yếu bệnh, hay vì cả hai. Bên cạnh cái bất cần đời khi đã quá từng trải với kiếp sống không nhà, có dáng dấp e thẹn cúi đầu hay dấu mặt dưới vành nón, của những người bất hạnh mới gia nhập vào đời sống trên hè phố. Trong ly cà phê trên tay rồi sẽ có những giọt nước mưa vô tình, chắc cũng có cả nghẹn ngào và nước mắt! … Nước mắt xót đau khi vận hạn đen tối, công danh sự nghiệp gặp lúc kém may mắn. Đoàn người gồm đủ các lứa tuổi và thể trạng. Hầu hết còn sức khỏe tự bước đi, một số ít phải chống nương với gậy hay đã phải ngồi trên xe lăn. Có thanh niên trai tráng, có thiếu nữ với đôi mắt tô xanh son phấn nhoè nhoẹt, có mái tóc bạc trắng lẹp xẹp nước mưa … Gồm đủ các sắc dân, da trắng không ít và cũng lắm người da màu; trong đó cũng có người Việt mình!

    Mùa này, trời không tuyết thì mưa và tiết trời vẫn giá lạnh. Cái áo khoác có dấu hiệu của nhân viên thiện nguyện, mặc thêm bên ngoài, không giúp được lâu; một lúc sau thì nước mưa cũng bám theo mặt theo cổ, thấm dần vào các lớp áo bên trong. Mình thấy lạnh, nhưng chắc hẳn không sao bằng nỗi giá lạnh khi không nhà và thiếu cả mái ấm gia đình. Cái lạnh, cái ướt át và tăm tối cứ thế bám theo cuộc đời họ, không biết cho đến bao giờ mới rời đi …

     Mưa suốt từ sáng sớm đến lúc này đã hơn ba giờ chiều. Có lúc trời mưa hạt rơi lưa thưa, nhưng vẫn chưa bao giờ chịu tạnh dứt. Các mảng tuyết còn sót lại hồi sáng, đã tan mất trong nước mưa tự lúc nào rồi. Lề đường và lối ra vào nhà bếp bây giờ sạch băng tuyết, dễ đi hơn. Thời tiết có ấm hơn nên mới có mưa, nhưng cái ướt át thì không ấm và dễ chịu trong mùa đông trên vùng Bắc Mỹ.

    Nghe chúng tôi bước vào bếp hỏi tìm cà phê, Rick bước ra báo tin: 

    – Mình đã hết cà phê rồi!

    Khả năng của cơ quan từ thiện có giới hạn và tùy thuộc vào sự trợ giúp hàng năm của những người hảo tâm.

    Cởi trả áo khoác cho anh ấy, chúng tôi ra về. Các nhân viên thiện nguyện đang trở vào nhà bếp với bình cà phê đã cạn và rồi sẽ không còn trở ra với bình cà phê trên tay nửa. Mưa vẫn còn và hàng người chờ phần ăn vẫn còn dài. Thật tội nghiệp cho những ai đến muộn, không biết sẽ còn được những gì cho họ …

    Chiều về.

    Mùa đông, trời tối xuống nhanh lắm. Cuối năm, ngày càng ngắn lại. Mới hơn bốn giờ chiều, cơn mưa mù mờ làm đất trời tối sầm xuống.

    Từ giữa tháng 11, một số đài phát thanh tại địa phương đã có chương trình nhạc Giáng Sinh. Các bài hát mùa Giáng Sinh nơi đây dễ làm mình thấy nhớ quê hương lắm. Khi mùa đông về, mùa Giáng Sinh cũng trở về; mang theo nụ cười và niềm vui đoàn tụ trong gia đình yên ấm, cùng nỗi xót xa đau cho những kẻ không nhà, thiếu mái ấm gia đình. Năm nay, trong cơn dịch cúm lạ còn đang bùng phát đợt thứ hai, dân chúng nơi đây vẫn chưa có thuốc chủng ngừa trước tháng 12; buổi ăn cho những người bất hạnh bên trong phòng ăn ấm cúng, chắc khó mà thực hiện được như những năm trước đây. Hàng người chờ phần ăn ngày Lễ Giáng Sinh hàng năm vẫn dài thêm, năm nay sẽ càng dài hơn vì luật giữ khoảng cách trong công chúng …

    Mùa đông trên xứ người!

    Khi mùa đông về, các lễ hội vui mừng nơi đây vẫn khó mà khoả lấp được nỗi lòng luyến nhớ quê hương, và … có ai thấu tình cô lữ trong đêm đông không nhà!

    Quê nhà!

    Ôi ta nhớ nhung … đường về xa vẫn xa!

    Mùa đông 2020

    Bùi Đức Tính

    https://www.tvvn.org

    Không có nhận xét nào