Header Ads

  • Breaking News

    Điệp Mỹ Linh – Nụ hôn đêm Giáng Sinh

    Truyện ngắn


    Nhìn thẳng vào mắt Kelly, Mai lắc đầu:

    - Bà xử ép tôi. Nếu tình thế đưa đến như bà nói thì tôi xin gặp Sếp của cơ quan này, ngay chiều nay.

    Kelly nhấn nút điện thoại. Vì lịch sự, Mai bước ra cửa để khỏi nghe cuộc điện đàm. Chỉ một thoáng thôi, Kelly gọi:

    - Cô Nguyen! Ông Lee đang có mặt tại văn phòng của ông ấy; cô có thể gặp ông ấy ngay bây giờ.

    - Ông Lee nào? Tôi muốn gặp ông Heinline, Sếp của cơ quan này.

    - Ông Heinline đi rồi. Ông Lee vừa thay thế ông Heinline cách nay vài hôm.

    Vì tính ít trò chuyện, Mai thầm ngạc nhiên, nhưng không nói. Vói lấy mảnh giấy bị Kelly “buộc tội”, Mai nói “Cảm ơn” rồi quay ra cửa.

    Nghe tiếng gõ cửa, Lee vẫn chăm chú nhìn vào computer và nói:

    - Vào đi.

    - Chào ông Lee.

    Lee ngẫng lên. Vừa thấy Mai, Lee thoáng giật mình, nhíu mày. Mai cũng hơi ngỡ ngàng vì thấy Lee trông quen quá. Lee nói tiếng Việt:

    - Chị làm ơn đóng cửa lại.

    Sau khi Mai đóng cửa, Lee hỏi:

    - Có phải chị là Nguyễn Thị Hoàng Mai, ngày xưa học…

    Lee chưa dứt câu, Mai đã nhớ ra:

    - Còn anh là Lê Bảo Toàn, ngày xưa đàn Guitar và Piano trong ban văn nghệ, đúng không?

    - Chị cũng là một “cây xanh giờn” chứ đâu có vừa!

    - Bỏ hết rồi!

    - Tại sao bỏ? Bỏ cái gì?

    - Chuyện dài dòng lắm. Còn anh chị, lên “chức” Nội/Ngoại gì chưa?

    - Chuyện của chị dài dòng thì chuyện của Toàn cũng không thể ngắn được. Bây giờ mình giải quyết chuyện Kelly trước, nha! Mời chị ngồi.

    Nghe Toàn xưng tên như ngày xưa, Mai thầm vui. Sau khi nghe Mai trình bày sự việc, Toàn cười:

    - Toàn nghĩ chị không phải là người đầu tiên rơi vào tình cảnh này. Hiện tại kinh tế khó khăn, mấy tam cá nguyệt vừa qua công ty vẫn lỗ lã cho nên họ tìm cách để nhân viên thâm niên tự xin nghỉ việc, công ty khỏi phải trả tiền thất nghiệp và họ sẽ thuê người mới, trả lương thấp hơn. Đó là một cách tiết kiệm cho công ty chứ không phải Kelly có ý xấu với chị.

    - Như vậy là không công bằng.

    - Toàn sẽ giải quyết trường hợp của chị một cách công bằng; vì những điều chị đòi hỏi để việc làm của chị được kết quả tốt là những điều rất quan trọng để bảo đảm cho công ty; sau này, nếu công ty bị kiểm kê.

    Toàn xoay người, chỉ vào computer, tiếp:

    - Toàn đã đọc hồ sơ cá nhân của chị; chỉ khổ một điều là tiếng Anh không có dấu mà mấy ông bà Mỹ lại không viết chữ đệm “Hoàng” cho nên Toàn không nghĩ Mai Nguyen là chị. Toàn nhận thấy tìm được một nhân viên làm việc chăm chỉ, có kinh nghiệm như chị không phải dễ. Một lý do khác là, sau mấy mươi năm bặt tin, nay gặp lại chị, Toàn rất vui mừng vì Toàn được sống lại những ngày hồn nhiên của thời được bạn cùng trường tặng biệt danh là “Toàn Antique”.

    Ngày xưa Mai được nhiều nam sinh để ý vì nàng đẹp, hiền, phong cách quý phái, nghiêm trang. Toàn được nhiều học sinh đặt biệt danh “Toàn Antique” vì Toàn “cả gan” theo đuổi và không cần che giấu sự say mê của Toàn đối với Hoàng Mai – người học trên Toàn hai lớp và lớn hơn Toàn hai tuổi.

    Bây giờ gặp lại và được Toàn hứa sẽ giải quyết công việc một cách tốt đẹp, Mai rất vui, chào “Mr Lee”, trở về bàn làm việc của nàng.

    Chiều, trên đường lái xe về nhà, trong khi Mai bùi ngùi nhớ lại mảnh giấy nhỏ, chữ viết rất nắn nót “Je t’aime” , phía dưới ký tên Toàn, được gắn nơi ghi-đông xe đạp của nàng thì điện thoại cầm tay reng. Nàng nhấn nút speaker, “Allo”. Tiếng của Toàn:

    - Mọi việc đã giải quyết xong. Mai chị cứ vào làm việc bình thường, xem như không có gì xảy ra cả, nhé!

    Tự dưng Mai cảm thấy buồn buồn. Sang Mỹ, bạn của Mai ai cũng đi học lại; chỉ riêng Mai thì phải đi làm ngay; vì Nhuận – người chồng mà Mai vừa ly dị – ngày xưa cũng như sau 1975, không cho nàng đi học. Số vốn văn hóa và kiến thức mà Mai có được là nhờ Cha Mẹ của nàng nuôi nàng ăn học cho đến khi Nhuận cưới nàng!

    Sự thua thiệt và những cay đắng, khổ lụy trong đời làm vợ lúc nào cũng được Mai âm thầm chịu đựng và che giấu; vì nàng nhớ lời Cha Mẹ dạy “Xấu chàng, hổ thiếp!” Do đó các con cũng như bằng hữu không ai biết gì về bề trái của Nhuận. Ngược lại, Nhuận mặc cảm và nghĩ rằng nhiều người đã hiểu rõ con người thật của chàng cho nên Nhuận thường bịa những chuyện không đâu về Mai để nói với các con và mọi người – chỉ với mục đích làm cho mọi người không có cảm tình với nàng. Vì vậy Mai chỉ thích sống thầm lặng, không muốn giao thiệp với ai cả.

    Sau khi dùng cơm tối xong, điện thoại reng, Mai “Allo”. Giọng của Toàn:

    - Lúc chiều, Mai đi về có bị kẹt xe không?

    Nhận thấy Toàn không dùng chữ “chị” nữa, Mai thoáng lưỡng lự rồi đáp:

    - Dạ, cảm ơn Boss, không bị kẹt xe. Còn Boss có bị kẹt xe hay không?

    - Cho xin chữ Boss đi!

    - Vậy thì gọi là Mr. Lee, được không ạ?

    - Vâng, trước mặt nhân viên khác thì nên giữ kẻ; ngoài ra, cứ gọi tên như ngày xưa.

    - Dạ.

    - Chiều mai, Mai ở lại dự tiệc Giáng Sinh chứ?

    - Dạ, ít khi tôi tham dự lắm; vì tôi không thích đám đông.

    - Người đã từng xuất hiện trước công chúng không biết bao nhiêu lần mà bây giờ lại không thích đám đông, lạ thật!

    Mai không thích đám đông vì mỗi khi cùng Nhuận xuất hiện trước đám đông lúc nào Nhuận cũng có những hành động và cử chỉ nhố nhăng để tạo sự chú ý của mọi người, làm Mai mắc cở. Đôi khi gặp người bạn cũ, biết khả năng văn nghệ của Mai, yêu cầu nàng lên sân khấu thì – trước khi Mai kịp trả lời – Nhuận đáp ngay:

    -Thôi, bả không thích đâu.

    Nhưng, ngay sau đó, Nhuận đến xin ban tổ chức cho chàng hát một bài. Nghe Nhuận “hét” Mai chỉ biết lắc đầu, cúi mặt. “Hét” xong, Nhuận:

    -Xin khán giả một tràng pháo tay.

    Trong khi mọi người vỗ tay, Nhuận vẫn còn đứng trên sân khấu, mở ví, lựa tờ giấy bạc nào “lớn” nhất, tặng ban nhạc. Trên đường trở về chỗ ngồi, Nhuận vừa đi vừa than phiền hơi lớn để nhiều người cùng nghe:

    -Ban nhạc này chơi tệ quá chứ gặp ban nhạc khác tui hát hay hơn nhiều!

    Đang buồn vì nhớ lại quãng đời không vui với Nhuận, Mai nghe giọng của Toàn:

    - Hoàng Mai!

    - Dạ. Xin lỗi. Đang bị phân tâm.

    - Mai ở lại đự tiệc, vì Toàn, nha!

    - Dạ, vâng!

    Chiều hôm sau, cạnh cây Noel rực rỡ và trong tiếng nhạc Giáng Sinh rộn rã, mọi người vừa ăn uống vừa cười đùa vui vẻ. Bất ngờ Kelly đưa cao chiếc mũ đỏ của ông già Noel, vẫy qua vẫy lại, nói:

    - Xin các bạn chú ý! Xin các bạn chú ý!

    Im lặng. Kelly tiếp:

    - Giáng Sinh năm nay chúng ta có Sếp mới. Đó là niềm vui, đúng không?

    Trong khi ai cũng nhìn Toàn, cười, Kelly tiếp:

    - Tôi đoan chắc với các bạn, nếu các bạn được nghe Sếp mới của chúng ta đàn/hát thì bữa tiệc Giáng Sinh hôm nay sẽ vượt xa những ý nghĩa bình thường.

    Toàn nhìn Kelly bằng ánh mắt ngạc nhiên, không hiểu do đâu Kelly biết được Toàn chơi đàn. Nhưng Toàn nhớ lại ngay. Cách nay hai hôm, lúc đưa Joshua – cháu nội đầu tiên của Toàn – đi học Piano, Toàn gặp Kelly đưa con đi học Violon. Muốn lấy lòng Sếp, Kelly tỏ ra thân mật với Joshua. Joshua vô tình cho Kelly biết rằng Joshua thích học Piano và Guitar vì Joshua muốn giống ông Nội. Kelly giữ kín chi tiết này, đợi đến hôm nay mới dành ngạc nhiên cho mọi người. Toàn bước ra, đứng giữa phòng, nghĩ rằng chàng có thể từ chối mà không ngại bị mất lòng ai:

    - Cảm ơn Kelly. Cảm ơn các bạn. Nhưng tôi đi làm tôi không mang đàn theo.

    Kelly cười lớn, khoát tay cho Ted. Ted chạy vào văn phòng lấy Guitar ra. Toàn tròn mắt nhìn Kelly:

    - Đàn của ai vậy, Kelly?

    - Tôi biết Ted chơi Guitar. Hôm qua tôi nhờ Ted đem theo Guitar cho tôi mượn.

    Mọi người cùng cười. Kelly vào văn phòng, tắt băng đang phát thanh ca khúc Mừng Giáng Sinh. Toàn so giây đàn, nói:

    - Bây giờ tôi xin đệm để các bạn cùng hát Silent Night. Okay?

    Im lặng. Toàn dạo phân đoạn đầu rồi bắt giọng: “Silent night…” Mọi người tiếp vào: “holy night. All is calm, all is bright…” Nhìn cây Noel rực rỡ ánh đèn và nghe một tổng hợp âm thanh không đồng nhất, Toàn cảm thấy vui vui. Thỉnh thoảng Toàn cười và lắc đầu vì vài người bắt vào không đúng nhịp.

    Riêng Mai, khung cảnh Giáng Sinh và giai điệu dịu dàng của ca khúc Silent Night gợi lại trong lòng nàng những buổi chiều Giáng Sinh xưa, khi Nhuận nhắn về, bảo nàng và các con thay quần áo đẹp, chờ sẵn, Nhuận sẽ về đưa Mẹ con nàng đi nhà thờ Đức Bà xem lễ và đi phố xem đèn Giáng Sinh. Nàng và các con chờ đến khuya cũng vẫn không thấy Nhuận về. Gần sáng, Nhuận về. Mai thuật lại tình cảnh các con và khuyên Nhuận khi đã hứa với các con thì nên giữ lời để dạy cho con những bài đức dục tốt. Nhuận nạt:

    -Tụi nó là con tui chứ bộ tụi nó là ông Nội tui hay sao mà bắt tui giữ lời.

    Thế là vợ chồng cãi nhau và bao giờ cũng chấm dứt bằng những cái tát, những cú đá do Nhuận “tặng” Mai. Về sau Mai mới biết lý do Nhuận không về với Mẹ con nàng là vì Nhuận bận vui say với vũ nữ/với “bồ”.

    Đang buồn vì kỷ niệm xưa bị khơi động, Mai thoáng giật mình vì tiếng Kelly:

    - Cô Nguyen! Đi về.

    Nhìn quanh, mọi người tuần tự ra về, nhân viên an ninh bắt đầu mở tất cả đèn, Mai vội vàng theo Kelly. Vừa cho xe nổ máy, Mai nhận được điện thoại của Toàn:

    - Mai rời phòng hội chưa?

    - Dạ rồi. Đang cho máy xe nổ.

    - Chiều nay Mai bận gì không?

    - Dạ, không. Toàn cần gì?

    - Toàn mời Mai ghé nhà thăm Lam Ngọc – “bà đầm” của Toàn – được không?

    Rất muốn làm quen với vợ của Toàn để dễ có thái độ đối với Toàn, Mai đáp:

    - Dạ, cho xin địa chỉ.

    Thấy Mai xúc động quá độ, Toàn đưa nàng rời phòng của Lam Ngọc, nhẹ nhàng khép cửa phòng lại. Sau khi dìu Mai ngồi vào xa lông, Toàn đích thân lấy một ly nước đá lạnh đem đến cho nàng. Mai đón nhận, hớp từng ngụm nhỏ. Đợi cho sự xúc động của nàng dịu xuống, Toàn bảo:

    - Mai ra sân sau ngắm vườn của Toàn, nha!

    Biết Toàn muốn tránh ánh mắt tò mò của Linda – người đàn bàn da đen giúp việc – Mai đáp: “Okay”.

    Thấy trên deck chỉ có một chiếc ghế, Mai hơi ngạc nhiên, nhưng nhớ lại tình cảnh của Toàn, đành im lặng. Linda đem ra một ghế cao. Toàn ngồi vào ghế thấp, mời Mai ngồi vào ghế cao, thở dài:

    - Sau giờ làm việc và cuối tuần, đây là “giang sơn” của Toàn.

    Sự xúc động vẫn còn nặng trong lòng, Mai chỉ biết thở dài. Trong khi Toàn chưa biết gợi chuyện bằng cách nào thì Linda rụt rè xuất hiện, nói nhỏ với Toàn:

    - Mr. Lee, văn phòng bác sĩ để lời nhắn trong máy điện thoại.

    - Cảm ơn. Tôi sẽ nghe sau.

    Mai tỏ ra lo lắng:

    - Toàn nên nghe ngay, nhỡ có gì khẩn cấp cho Lam Ngọc thì sao?

    Toàn chần chừ. Mai và Toàn đều có cùng cố tật, khi nào bị xúc động mạnh thì phát ngôn bằng tiếng Anh:

    - Please, Toàn!

    Toàn thở dài, đi vào nhà.

    Khi trở ra, thấy Mai nhìn chàng như chờ đợi, Toàn nói, giọng không vui:

    - Họ nhắc Toàn về những điều phải làm trước khi trở lại để họ theo dõi tình trạng cuộc giải phẫu vừa qua.

    - Tại sao Toàn bị giải phẫu?

     

    - Toàn bị Prostate cancer!

    - Oh, No!...No!

    Mai gục mặt vào lòng bàn tay, khóc! Toàn vịn vai nàng:

    - Hoàng Mai! I’m okay! I’m okay!

    Với đôi mắt nhạt nhòa, Mai ngước nhìn Toàn. Toàn nhìn nàng bằng đôi mắt ửng đỏ. Nếu không thấy bóng Linda nơi cửa sổ bếp, có lẽ Mai đã chồm về phía Toàn, “hug” Toàn thật chặt như muốn truyền nghị lực cho người em trai. Sau phút xúc động, Toàn nói:

    - Toàn mời Mai về nhà với mục đích để Mai biết rõ cuộc sống của người bạn xưa, chứ không phải để Mai thương hại Toàn.

    - Không! Tôi cảm phục Toàn thì đúng hơn.

    - Nhiều khi Toàn buồn cho thân phận của mình và Toàn không thiết tha điều gì nữa!

    - Đừng nên bi quan, Toàn ạ! Hãy nói chuyện với các con của Toàn xem các cháu có nghĩ đến một giải pháp nào khác để cất bớt gánh nặng cho Toàn hay không?

    - Vâng, có. Nhưng, vì khi Lam Ngọc bị “stroke”, nằm trong phòng hồi sinh thì ở phòng đợi Toàn nguyện rằng: Nếu ơn Trên cứu Lam Ngọc qua được cơn ngặt nghèo này, Toàn thề sẽ chăm sóc nàng đến mãn đời!

    - Toàn thủy chung với Lam Ngọc, đó là điều quý hóa mà không phải người đàn ông nào cũng có thể thực hiện được. Để thể hiện lòng chung thủy tuyệt đối của Toàn dành cho Lam Ngọc, tôi nghĩ Toàn không nên kết thân với bất cứ một phụ nữ nào khác.

    - Toàn không phải là Thánh. Toàn chỉ là người đàn ông bình thường. Mai không nghĩ rằng người đàn ông cũng cần một bờ vai – nhất là bờ vai của một phụ nữ mà đã hơn một lần người đàn ông đó mơ tưởng – khi tinh thần bị suy sụp hay sao?

    - Nhưng Toàn chưa biết gì về gia cảnh của tôi.

    - Hôm đầu tiên Mai gặp Toàn, Toàn đã cho Mai biết rằng Toàn đã đọc hồ sơ cá nhân của Mai rồi, nhớ không? Hơn nữa, bây giờ cũng như ngày xưa, tình cảm Toàn dành cho Mai lênh láng và trong lành như dòng suối chảy xuôi một chiều; Mai không phải đáp ứng

    - Lam Ngọc bị như vậy bao lâu rồi?

    - Khoảng hơn mười năm.

    - Lúc nào tôi cũng tưởng rằng cuộc đời của tôi bị vùi dập đến thê thảm. Nhưng bây giờ biết rõ hoàn cảnh của vợ chồng Toàn, tôi mới thấy rằng những gì đã đến trong đời tôi so với sự không may của gia đình Toàn thì chẳng là gì cả!

    - Thôi, ngồi đây nói toàn chuyện buồn không hà! Mời Mai vào nhà, mình đàn, hát cho vui.

    Mai ngồi vào xô-pha. Toàn đến bên Piano. Toàn “gõ” vài “notes” để bắt giọng rồi vừa đàn vừa hát:

    “Yêu ai, yêu cả một đời.

    Tình những quá khắc khe khiến cho lòng ta

    Đau tủi cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ…” (1)

    Mai đến bên Toàn, hỏi nhỏ:

    - Tại sao Toàn chọn ca khúc này?

    - Để tặng Hoàng Mai.

    - Toàn không ngại Lam Ngọc nghe Lam Ngọc buồn à?

    - Lam Ngọc chỉ khác thực vật vì bà ấy tự thở được. Thế thôi!

    - Xin lỗi. Tôi không còn lòng dạ nào để nghe đàn nữa. Toàn cho hôm khác, nha!

    Vừa đậy nắp Piano Toàn vừa đáp: “Vâng.” Tiễn Mai ra cửa, Toàn hỏi:

    - Tối thứ Bảy này Mai có thể cho Toàn mời Mai đi nghe nhạc, được không?

    - Đến mấy “clubs” hít khói thuốc không tốt đâu. Vả lại tôi khiêu vũ dỡ lắm.

    Vừa lắc đầu Toàn vừa lấy ví ra vừa đáp:

    - Không. Đây là một buổi hòa nhạc quốc tế.

    Toàn cho Mai xem vé vào cửa buổi hòa nhạc của Yanni. Mai không nén được vui mừng:

    - Làm thế nào Toàn biết tôi thích Yanni?

    - Đây là quà của con trai của Toàn. Sau khi nghe Toàn kể về sự hội ngộ bất ngờ với Mai và hai chữ “Je t’aime” ngày xưa Toàn gắn lên ghi-đông xe đạp của Mai, cháu cười, ra vẻ cảm thông. Sáng nay cháu ghé sở, tặng Toàn hai vé vào cửa và “Chúc Ba tìm được niềm vui.”

    Toàn và Mai cùng cười. Toàn tiếp:

    - Mấy giờ chiều mai Toàn có thể đón Mai được?

    - Tôi tự lập quen rồi.

    Biết Mai còn ngại ngùng, Toàn không ép, trao nàng một vé vào cửa.

    Nhìn khung vải màu xanh thẫm điểm những ngôi sao lấp lánh trên sân khấu, Mai tưởng như nàng có thể thấy lại vùng trời đầy sao của những ngày thơ dại. Những ngày thơ dại đó, Mai đã sống với âm thanh, với ánh sáng, với những buổi hòa đàn và những tràng pháo tay vang dội mà lúc nào Mai cũng ấp ủ trong lòng như những kỷ niệm không bao giờ nhạt phai. Khi thấy đoàn nhạc công từ từ tiến lên sân khấu, vào vị trí, phía sau nhạc cụ của mỗi người, Mai chợt cảm thấy xót xa và tội nghiệp cho những buổi hòa đàn ngày xưa!

    Mai thầm nghĩ, ban nhạc tầm cỡ như vậy thì nhạc trưởng thế nào cũng xuất hiện một cách rực rỡ, đầy hào quang hoặc là một cách đạo mạo với một “baton”(2) trên tay. Nhưng không! Yanni xuất hiện với quần trắng, giày Tennis, áo thun đen ngắn tay, mái tóc bồng bềnh, dài chấm vai. Trong từng tràng pháo tay vang dội, với dáng vẻ rất tự nhiên và đầy tự tin, Yanni cười tươi, để tay phải lên lồng ngực bên trái, cúi chào khán giả.

    Yanni bước vào giữa hai Keyboards, mỗi Keyboard có ba tầng, trong tư thế sẵn sàng. Vừa khi tràng pháo tay của khán giả hơi dịu xuống, Yanni phất tay trái về phía ban nhạc. Tổng hợp âm thanh trổi lên cùng lúc với bàn tay phải của Yanni lướt nhanh trên phím Keyboard. Yanni phất tay trái về hướng nào thì tất cả nhạc cụ từ hướng đó trổi lên.

    Thấy Yanni vừa điều khiển ban nhạc bằng tay trái, tay phải vừa đàn theo, vừa nhún chân, lắc vai rồi nghiêng người, hất mái tóc bồng bềnh theo mỗi thì mạnh (temps fort), Mai kinh ngạc đến sửng sờ. Mai biết có những “conductors” (3) điều khiển ban nhạc không cần “baton” – như nhạc sư Mozart – nhưng vừa điều khiển bằng tay trái và hòa đàn với ban nhạc bằng tay phải thì nàng chỉ thấy một Yanni mà thôi.

    Giữa khi Yanni như hòa nhập/như quay cuồng theo dòng nhạc thì Mai chợt nhớ câu nói của Elvis Presley: “Music should be something that makes you gotta move, inside or outside.”

    Trong phần trình diễn, tất cả nhạc khúc được trình tấu đều do Yanni sáng tác. Lắng nghe một lúc, Mai nhận ra dòng nhạc của Yanni là sự phối hợp tuyệt vời giữa nhạc Jazz, Classical và Soft Rock. Khi nghe được những giai điệu dịu dàng, thiết tha của nhạc khúc Nightingale, Mai nghiêng sang Toàn:

    - Toàn có nhận biết là nhạc của Yanni phản phất âm hưởng nhạc Á Đông hay không?

    - Dĩ nhiên. Yanni là dân Greece mà. Tên thật của Yanni là Yiànnis Hryssomàllis.

    - Sao Toàn biết hay vậy?

    Toàn cười, không đáp. Mai tiếp:

    - Tôi nghe và thích Yanni từ lâu, nhưng chưa bao giờ thấy Yanni trình diễn.

    - Đây cũng là lần đầu Toàn thấy Yanni. Yanni có một kỹ thuật trình diễn rất khác lạ.

    - Trong văn học/nghệ thuật mình phải tự tìm cho mình một nét riêng.

    -Đúng!

    Bản nhạc dứt. Thấy khán giả vừa vỗ tay vừa đứng lên, Mai và Toàn cũng đứng lên. Yanni lại cúi chào với bàn tay phải để lên lồng ngực bên trái. Khán giả từ từ ngồi xuống. Yanni bước sang chiếc Piano à queue. Với giọng trầm và ấm, Yanni giới thiệu nhạc khúc Felitsa mà Yanni đã sáng tác để tặng Mẹ.

    Nghe Yanni nói tiếng Anh như một người Mỹ chính gốc, Mai lại nghiêng sang Toàn:

    - Sao Yanni nói tiếng Anh hay quá vậy?

    - Yanni tốt nghiệp cử nhân Tâm Lý Học từ đại học Minesota mà.

    Tự dưng Mai cảm thấy buồn và xót xa cho Elvis Presley; vì, trước khi trở thành thần tượng của không biết bao nhiêu triệu người trên thế giới, Elvis Presley là một chàng tài xế xe tải! Elvis Presley và Yanni chỉ giống nhau ở một điểm là cả hai đều tự học nhạc lý mà thành danh.

    Từ nãy giờ chỉ thưởng thức toàn nhạc hòa tấu, bây giờ nghe Yanni giới thiệu và ca sĩ Jeanette Clinger dịu dàng xuất hiện trong khi ban nhạc đang dạo phân đoạn đầu, Mai tự hỏi, không hiểu làm thế nào giọng của Jeanette có thể “lên” đến những âm vực cao đến như thế? Khi giọng “soprano” của Jeanette vang khắp hội trường thì sự tuyệt vời trong màn trình diễn này không những chỉ với tiếng ngân dài mà còn là sự bất ngờ đầy thú vị đối với Mai – Jeanette Clinger không hát mà chỉ hò theo giai điệu của nhạc khúc. Trong khi âm thanh của dàn Violon “đưa” giọng hò của Jeanette vút cao như cánh hạc chao lượn trong không gian tràn ngập ánh trăng thì âm thanh trầm trầm của giàn Violoncelles như bóng của cánh hạc chập chờn/chập chờn trên đồi thông im lìm.

    Đang bị giọng hò của Jeanette cuốn hút, Mai chợt cảm nhận được hơi ấm nơi cánh tay của nàng. Một cách nhẹ nhàng và từ tốn, bàn tay của Toàn chạm vào tay của Mai. Những xao xuyến nhẹ nhàng dâng lên cùng lúc với những ý tưởng đã dày vò nàng suốt đêm qua và cả ngày nay. Không biết bao nhiêu lần Mai đã tự hỏi: Chấp nhận tình yêu của Toàn có phải là tội lỗi hay không? Các con sẽ nghĩ gì? Bằng hữu sẽ nghĩ gì? Ở tuổi này mà nàng lại vương vấn vào cuộc tình “tay ba”? Nhưng nghĩ lại, suốt mấy mươi năm làm vợ của Nhuận, Mai đã giữ được Nhuận cho riêng nàng hay không? Và nàng đã phải chia xẻ Nhuận cho bao nhiêu phụ nữ khác? Khi các con vào đại học, đứa nào thích phân khoa gì thì tự chọn phân khoa đó; có đứa nào chọn ngành theo ý muốn của Mai không? Khi lập gia đình các con cũng chủ động tất cả chứ có đứa nào hỏi ý kiến nàng đâu? Còn bằng hữu, từ mấy mươi năm qua bằng hữu đã bị Nhuận “đầu độc” tinh thần rồi; vậy thì Mai có cần ý kiến của những người bạn đó hay không? Nếu yêu Toàn mà cố tình tách rời người vợ bệnh tật của Toàn ra khỏi vòng tay bảo bọc của Toàn thì đó là tội lỗi. Còn yêu Toàn chỉ vì muốn chia xẻ nghịch cảnh của Toàn; chỉ vì muốn đem đến cho Toàn chút hạnh phúc muộn màng trong chuỗi ngày còn lại của Toàn thì…

    Giòng ý tưởng của Mai bị đứt đoạn vì tiếng vỗ tay vang dội. Đèn sáng. Khán giả lại đứng lên vỗ tay trong khi Yanni hơi khom người – lại để bàn tay phải lên lồng ngực – cúi chào.

    Sau khi choàng áo ấm cho Mai, Toàn đưa nàng ra chỗ đậu xe. Trước khi Mai bước vào chiếc SUV, Toàn nắm tay nàng:

    - Mai! Cảm ơn Mai đã cho Toàn những giờ phút rất cần thiết cho đời sống nội tâm của Toàn.

    Mai mỉm cười, im lặng. Toàn từ từ kéo nhẹ tay nàng về phía chàng. Mai tựa đầu lên vai Toàn rồi đưa tay mở cửa xe. Toàn nâng tay nàng cho đến khi nàng ngồi vào sau tay lái. Mai hạ cửa kính xuống, nói: “Bye, Toàn”. Toàn đưa tay giữ cửa kính để cửa kính không thể quay lên rồi nhìn nàng đắm đuối. Mai hơi bối rối, nhưng không tránh ánh nhìn của Toàn. Toàn hơi chồm vào trong xe, đặt lên môi Mai nụ hôn thật dịu dàng. Ánh đèn đường soi rõ hai ngấn lệ long lanh từ đôi mắt buồn của Mai. Rời môi nhau, Toàn bịn rịn:

    - Drive carefully, Hoàng Mai!

    - Take care of yourself. Take care of her too!

    - I love you.

    Xa xa, tiếng đàn rộn rã trong nhạc khúc Jingle Bells của James Lord Pierpont vang lên văng vẳng như niềm hạnh phúc vừa chớm dậy trong lòng Toàn./.

    ĐIỆP MỸ LINH

    http://www.diepmylinh.com

     (1) Nỗi Lòng của Nguyễn Văn Khánh.
    (2) Cây nhỏ để điều khiển ban nhạc.
    (3) Người điều khiển ban nhạc.




    Không có nhận xét nào