Header Ads

  • Breaking News

    Phùng Anh Khương - “Original jurisdiction” là gì? Tại sao Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có thể xét xử sơ thẩm?


    Ngoại lệ này là lý do đằng sau đơn kiện đòi lật ngược kết quả bầu cử của bang Texas.

    Nguồn ảnh: Bill Clark/CQ Roll Call.

    Phần lớn các tòa án tối cao của các nước trên thế giới là các tòa chung thẩm, tức là những tòa xét xử lần chót, hay nói theo một cách ngọt hơn là nơi mà các bên đi kiện và tòa án “lần cuối đi bên nhau”.

    Ví dụ như Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, thẩm quyền của tòa này được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014.

    Theo đó, tòa án này là “cơ quan xét xử cao nhất”, và họ chỉ có nhiệm vụ được giới hạn vào hai chức năng: giám đốc thẩm hay tái thẩm các bản án hay quyết định của các tòa cấp dưới.

    Các bản án hay quyết định đó tuy đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại đang bị kháng nghị. Khi đó, Tòa án Nhân dân Tối cao phải đóng vai trò quyết định cuối cùng về giá trị pháp lý của các bản án hay quyết định đó.

    Trong tiếng Anh pháp lý, các tòa án chung thẩm như Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam là những tòa án thuần túy có appellate jurisdiction – hay quyền xét xử thượng tố.

    Jurisdiction: Appellate hay là…?

    Tại sao phải có appellate đi trước jurisdiction? Vì chữ jurisdiction kia cũng có dăm bảy đường.

    Hai dạng quyền xét xử – jurisdiction hay được nhắc đến nhất chính là appellate jurisdiction và original jurisdiction.

    Original jurisdiction là quyền xét xử sơ thẩm, hay là quyền xét xử một vụ việc lần đầu tiên. Tính từ original ở đây mang cái nghĩa nguyên thủy từ gốc Latin originem, nghĩa là khởi nguyên hay đầu nguồn.

    Các hệ thống tòa án trên thế giới thường chia rành rẽ: các tòa thấp nhất có original jurisdiction để tiếp nhận và xử lý lần đầu các vụ việc, các tòa cao hơn và tòa cao nhất mới có appellate jurisdiction để xét lại các vụ việc khi cần thiết.

    Việc phân chia thẩm quyền này có lý do kinh tế: nó giúp đảm bảo việc phân bổ một cách hợp lý nguồn lực có hạn của hệ thống tòa án trong việc xử lý hàng đống vụ kiện.

    Thường thường, trách nhiệm của các tòa có original jurisdiction là trong bước xét xử sơ thẩm phải làm rõ nhất có thể về tất cả các dữ kiện của vụ việc (fact – ví dụ: chó nhà ai cắn anh bị cáo?).

    Trừ khi có các dữ kiện mới chưa hề được đưa ra các tòa cấp thấp, các tòa có appellate jurisdiction có thể không mất quá nhiều công sức làm rõ các dữ kiện của vụ việc mà tập trung vào làm rõ các yếu tố pháp lý của vụ việc (law – ví dụ: anh bị cáo cắn lại chó nhà người ta để tự vệ thì có vi phạm luật bảo vệ động vật không?).

    Các tòa án chung thẩm tối cao vì vậy thường không nhận xử một đơn kiện khi đơn đó mới lần đầu được gửi cho hệ thống tòa án.

    Tuy nhiên, tòa án chung thẩm tối cao của Hoa Kỳ là một ngoại lệ thú vị.

    Và đó là lý do phía sau đơn kiện mới đây của bang Texas đòi lật ngược kết quả bầu cử tại bốn bang Pennsylvania, Georgia, Wisconsin và Michigan.

    Original jurisdiction của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

    Không chỉ có appellate jurisdiction ở cấp cao nhất, chín thẩm phán hiện nay của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ còn có cả original jurisdiction.

    Việc này là chủ đích của những người sáng lập ra nhà nước Hoa Kỳ.

    Chính bản hiến pháp gốc năm 1787 của Hoa Kỳ quy định rằng Tối cao Pháp viện có original jurisdiction trong một số trường hợp cụ thể.

    Quy định đó nằm ở Khoản 2 Điều 3. Khoản này ghi rằng Tối cao Pháp viện có quyền tư pháp (judicial power) trong “các tranh cãi giữa hai bang hay nhiều bang hơn” (controversies between two or more States).

    Đặc biệt, khoản này ghi rõ:

    “In all Cases affecting Ambassadors, other public Ministers and Consuls, and those in which a State shall be Party, the supreme Court shall have original Jurisdiction. In all the other Cases before mentioned, the supreme Court shall have appellate Jurisdiction, both as to Law and Fact, with such Exceptions, and under such Regulations as the Congress shall make.”

    Dịch nghĩa:

    “Trong tất cả các Vụ việc ảnh hưởng đến các Đại sứ, các Công sứ và Lãnh sự, và các Vụ việc mà một Bang phải là một Bên trong Vụ việc, Tối cao Pháp viện phải có quyền xét xử sơ thẩm. Trong tất cả các Vụ việc khác đã nêu bên trên, Tối cao Pháp viện phải có quyền xét xử thượng tố, về cả mặt pháp lý và mặt dữ kiện, với các biệt lệ và thể theo các Quy định do Quốc hội ban hành.”

    Vì sao các nhà lập quốc Hoa Kỳ lại lao tâm vì các “tranh cãi giữa hai hay nhiều bang” đến mức phải để Tối cao Pháp viện có original jurisdiction như vậy?

    Các nghiên cứu lịch sử pháp lý của Linsley (2017) cho thấy hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mối lao tâm đó. Khi nước Mỹ mới hình thành, họ không phải là một quốc gia có sẵn đường biên giới, mà là 13 bang thuộc địa có tư cách chủ quyền độc lập.

    Việc khai sinh ra nước Mỹ không chỉ đơn giản là đánh bại Đế quốc Anh mà còn bao gồm cả việc phải thuyết phục 13 bang cùng hát bản rap “khi 13 ta về một nhà”.

    Các lãnh đạo bang muốn chính phủ liên bang mới phải có sẵn các cơ chế mạnh mẽ giúp phân xử một cách công bằng các tranh chấp quyền lợi pháp lý chính đáng cho bang của mình, khi mà họ không còn chủ quyền độc lập để tự bảo vệ các quyền lợi đó.

    Hoàn cảnh lịch sử như thế đã tạo ra Khoản 2 Điều 3 của bản Hiến pháp 1787, vốn là một cơ sở pháp lý cho đơn kiện ngày 7/12 của bang Texas.

    Chưa nói đơn kiện của bang Texas đúng sai thế nào, chỉ riêng việc cả hai bên đang tranh cãi của vụ việc đều là các bang của Hoa Kỳ đã dư lý do để vụ kiện rơi vào trường hợp “một Bang phải là một Bên”.

    Theo đó, bang Texas có thể lập luận rằng vụ việc nằm trong phạm vi original jurisdiction – quyền xét xử sơ thẩm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ – thể theo điều khoản nói trên của bản Hiến pháp 1787. Bang Texas vì vậy có thể gửi đơn thẳng lên Tối cao Pháp viện mà chả cần phải đi qua các tòa án thấp hơn ở cấp liên bang (federal courts).

    Tuy nhiên đến đây thì chúng ta phải làm rõ một câu hỏi pháp lý quan trọng: Việc có quyền xét xử sơ thẩm có bao hàm trách nhiệm bắt buộc phải xét xử sơ thẩm hay không? Đây là một câu hỏi còn gây tranh cãi.

    Những giới hạn thực tế của original jurisdiction 

    Một trong những lo ngại lớn nhất của Tối cao Pháp viện khi nhận xử tất cả các vụ việc original jurisdiction gửi lên cho họ chính là họ sẽ phải phân bổ rất nhiều nguồn lực có hạn của mình vào vụ việc đó, vì tự họ vừa phải làm rõ các dữ kiện (fact) vừa phải làm rõ các yếu tố pháp lý (law) mà không có sự trợ giúp của các tòa cấp dưới.

    Các nghiên cứu của McKusich (1993) và Linsley (2017) cho thấy rằng nhiều thế hệ các thẩm phán Tối cao Pháp viện đã ban hành một loạt các án lệ tạo cơ sở pháp lý cho tòa này có một thẩm quyền tùy nghi (discretion) trong việc lựa chọn có thụ lý các vụ kiện original jurisdiction hay không.

    Bản thân ngôn ngữ của bản Hiến pháp 1787 cho phép các thẩm phán Tối cao Pháp viện thiết lập thẩm quyền tùy nghi đó. Bởi vì Hiến pháp ban cho tòa quyền xét xử sơ thẩm (“shall have original jurisdiction”) chứ không ràng buộc tòa có nghĩa vụ xét xử sơ thẩm (ví dụ: “shall exercise judicial power within original jurisdiction”).

    Vì vậy, qua các án lệ của mình, các thẩm phán Tối cao Pháp viện đã xác lập một số các nguyên tắc sau về việc thụ lý các vụ original jurisdiction:

    1. Quyền xét xử sơ thẩm của tòa nên được sử dụng một cách tiết chế (sparingly). Án lệ ví dụ: Mississippi kiện Louisiana (1992)

    2. Tòa sẽ xem xét có thụ lý hay không dựa vào đánh giá bản chất quyền lợi (nature of interest) của bang đi kiện, với chú trọng vào tính nghiêm trọng (seriousness) và phẩm giá (dignity) của đơn kiện. Án lệ ví dụ: Massachusetts kiện Missouri (1939) và Illinois kiện City of Milwaukee (1972).

    3. Tòa sẽ không xét xử sơ thẩm khi vụ việc có thể được giải quyết tại một cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền khác. Án lệ ví dụ: Arizona kiện New Mexico (1976)

    4. Tòa sẽ xét xử sơ thẩm nếu như vấn đề của vụ việc nghiêm trọng đến mức đủ để gây ra chiến tranh nếu như các bang có chủ quyền độc lập. Án lệ ví dụ: Texas kiện New Mexico (1983).

    Không phải luật sư, luật gia Mỹ nào cũng hài lòng với cách sử dụng original jurisdiction một cách chọn lọc và có tiết chế như hiện nay của Tối cao Pháp viện.

    Hai thẩm phán đương nhiệm của tòa này, là Thẩm phán Clarence Thomas và Thẩm phán Samuel Alito, đã lên tiếng cho rằng cách sử dụng original jurisdiction này cần được xem xét lại (reconsider) trong các vụ Nebraska kiện Colorado (2016) và New Mexico kiện Colorado (2017).

    Tuy nhiên, các ý kiến này là ý kiến bất đồng thuộc phe thiểu số (dissenting opinion). Các vụ kiện cần năm phiếu thuận để đơn kiện original jurisdiction được tòa nhận xử. Cả hai vụ kiện nêu trên có ba phiếu chống và chỉ có hai ông Thomas và Alito bỏ phiếu thuận.

    Quy tắc stare decisis (tuân thủ tiền án lệ) buộc Tối cao Pháp viện phải tuân theo các án lệ đã ban hành trước đó của chính họ. Tuy nhiên, trong các trường hợp hãn hữu, các thẩm phán vẫn có thể đồng thuận không áp dụng một án lệ nào đó nữa nếu nó đã lỗi thời hay khiến vụ việc đi vào bế tắc.

    Như vậy, việc Tối cao Pháp viện có thụ lý đơn kiện của bang Texas hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Nó có vẻ tùy thuộc vào cách đánh giá vụ việc và mức độ đồng thuận của các thẩm phán trong việc áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá original jurisdiction đã có trong kho án lệ của tòa này.

    https://www.luatkhoa.org

    Không có nhận xét nào