Header Ads

  • Breaking News

    Quyền con người và chính trị

    Les droits humains au centre de la politique ou la politique au centre des droits humains ?

    Diễn từ nhận huy chương Quyền Con Người Ramon Sanchez ngày 10.12.2020 tại Mexico.

     

    TS Nguyễn Hữu Động. Ảnh: internet

    Đọc nguyên bản tiếng Pháp ở cuối trang.

    Uỷ ban Mexico Quyền Con Người (CMDH) Trao huy chương Ramón Sánchez cho TS. Nguyễn Hữu Động

    Ngày 10 tháng 12.2020, vào Ngày quốc tế Quyền con người, Uỷ ban Mexico Quyền con người (Comisión Mexicana de Derechos Humanos A.C. / CMDH) đã trao Huy chương Quyền Con Người Ramón Sánchez cho tiến sĩ Nguyễn Hữu Động, vinh danh những đóng góp quốc tế nhằm bảo vệ nhân quyền trong khuôn khổ các hoạt động của Liên Hợp Quốc ở Châu Mỹ Latin.

    Quyền con người ở trung tâm chính trị hay chính trị ở trung tâm quyền con người ?

    Ngày quốc tế quyền con người đầu tiên của tôi là vào năm 1991 ở Salvador, cụ thể là ở tỉnh San Miguel. Đó cũng là lần đầu tiên những người trách nhiệm địa phương của Mặt trận Farabundo Marti Giải phóng Dân tộc và của Quân đội Salvador gặp nhau mà không mang vũ khí để đối thoại thay vì đụng độ trên chiến trường. Từ ấy, đối với tôi, quyền con người sẽ trở thành động cơ của sự hoà giải dân tộc, hay ít nhất của sự hoà nhã chính trị.

    Tôi tới Salvador gần như trong hành lý của Iqbal Riza (nguyên chánh văn phòng của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc), sau chuyến công tác tổ chức bầu cử ở Nicaragua rồi Haïti với Horacio Boneo (chủ nhiệm đầu tiên của Vụ hỗ trợ bầu cử của LHQ). Thời ấy, mọi sự diễn ra giản đơn : hai ông anh muốn tôi đi đâu thì tôi xách vali đi đấy. Nhiệm vụ cụ thể là gì không mấy quan trọng, các « sếp » quyết định, mình không biết làm thì vừa làm vừa học, điều quan trọng là làm sao xứng đáng với sự tin cậy của các « thủ trưởng » đại diện cho tổ chức mà chúng tôi phục vụ.

    Giai đoạn đầu của phái bộ (ONUSAL) là giám sát việc thực thi các hiệp định về quyền con người. Với cương vị điều phối viên ở các tỉnh San Miguel, Usulután, La Unión và Morazán, tôi phụ trách một êkíp khoảng một trăm người, gồm những luật gia, cảnh sát, quân nhân và sĩ quan chính trị. Sau những đêm dài nghiền ngẫm các tài liệu quốc tế về quyền con người, tôi chỉ có một ý niệm lờ mờ về các quyền ấy nhưng tuyệt nhiên không biết làm thế nào để giám sát.

    Thế là phải vừa làm vừa học. Viên đại tá phụ trách Lữ đoàn III ở San Miguel (sau hiệp định hoà bình, sẽ được cử làm Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia đầu tiên) trở thành bạn tôi. Một hôm, khi tôi giải thích cho anh ta là cần phải nỗ lực tôn trọng các quyền cơ bản, anh ta vỗ vai tôi mà nói : « Động à, nếu tôi được trả lương bằng anh, công ăn việc làm ổn định, nhà cửa đàng hoàng như anh, thì tôi cũng sẽ hăng say bảo vệ quyền con người ». Câu nói sáng suốt của anh ta cũng là bài học cho tôi về sự khiêm cung. Đúng thế, tôi là ai mà dạy anh ta bài học hành xử ?

    Một hôm, ở San Miguel, một người đàn ông tới văn phòng của chúng tôi để tố cáo cảnh sát thành phố đã hành hạ anh ta. Bịt mắt, tát tai, chửi rủa. Một nhân viên cảnh sát đồng sự trong phái bộ hỏi anh ta : Có đúng là anh đã ăn trộm không ? Đúng thế nhưng tôi đâu có chịu nhận. Thế thì anh con than vãn cái gì ?

    Đó là cú sốc đầu tiên. Chúng ta đều biết rằng mọi cộng đồng sinh vật phải có một ý thức nhất định về công lý để tồn tại như một cộng đồng. Nhưng chúng ta cũng biết rằng những phạm nhân tồi tệ nhất cũng có quyền được phán xử công khai, điều đó bảo đảm cho nhân phẩm của chính chúng ta cũng như của đương sự. Hannah Arendt đã lí giải điều đó rất rõ trong trước tác về vụ xử Eichmann. Công lý không luật lệ là một thứ công lý bôi bác (và là một biệt lệ, nếu ta nghĩ tới chiến trận) và luật lệ không công lý chỉ là luật rừng.

    Làm thế nào, trong vòng mươi phút, giải thích được điều ấy cho một đồng sự trẻ tuổi vừa tốt nghiệp trường cảnh sát và say mê với công tác mới ?

    Cú sốc thứ nhì : một phụ nữ 19 tuổi, làm công việc nay gọi là lao động tính dục, đến tố cáo đã bị một viên cảnh sát thành phố cưỡng hiếp. Ai nấy đều biết rằng vụ việc này phức tạp, chỉ có lời khai trái nghịch của hai bên, đó là không nói vị trí xã hội của bị cáo cũng như của nạn nhân dễ đưa tới những phán đoán thiên lệch.

    Sau một cuộc điều tra (nhanh chóng), kết luận hiện thực nhất của chúng tôi là không có bạo hành mà là không tôn trọng giao kèo. Viên cảnh sát hành sự xong, đã bỏ đi, không trả tiền.

    Tôi đến gặp sếp của tay này và đưa ra một đề nghị trừng phạt mà tôi nghĩ là đủ : tạm giam một tuần, và bồi thường một khoản tiền gấp mười giá cả đã thoả thuận (trước khi tôi tới nơi, đương sự đã bị cấp trên bạt tai một trận). Vụ Quyền con người của ONUSAL gọi tôi, trách tôi chẳng hiểu gì cả. Phải theo đúng quy trình luật lệ, nghĩa là đưa phạm nhân ra toà, và luật sư (do phái bộ LHQ trả thù lao) xin toà xử ba tháng tù giam và sa thải khỏi hàng ngũ cảnh sát. Thế là xong.

    Ra tù, viên cựu cảnh sát này gia nhập một băng cướp và vài tháng sau ăn đạn, chết. Người vợ goá đến gặp tôi xin giúp đỡ để nuôi ba đứa con mồ côi cha. Trả lời của Vụ quyền con người : đây không phải là nhiệm vụ của chúng ta. Hãy hỏi sở xã hội. (Còn nạn nhân của vụ cưỡng hiếp đã trở lại nghề cũ). Tôi rút ra bài học : Quyền con người không phải chỉ đơn thuần là chuyện công lý và pháp luật. Đó trước tiên là chuyện của những con người.

    Lúc đó tôi mới ngẫm ra là, vượt lên trên những văn kiện và tư liệu, các quyền con người không phải là chính trị, mà ta phải suy nghĩ về một chính sách về Quyền con người. Khác nhau ở chỗ nào ?

    Xin mạn phép nhắc lại nền tảng nhiệm vụ và hành động của chúng tôi là Tuyên ngôn Phổ quát về các quyền con người được thông qua năm 1948, và Tuyên ngôn này là đứa con của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776 và của Tuyên ngôn quyền con người và quyền công dân 1789.

    Sự thực, các quyền cơ bản – quyền tự do, quyền sống, quyền nhân phẩm, quyền phát biểu và quyền hạnh phúc – không phải là những quyền được ban phát hay thỉnh cầu. Đó là những quyền mà các công dân – nam cũng như nữ – đã tuyên cáo, và lý do tồn tại của hệ thống mà ngày nay ta gọi là chế độ dân chủ là bảo vệ và phát huy các quyền đó.

    Tập XI Tinh thần Pháp luật của Montesquieu về xây dựng các định chế quyền lực, về quan hệ giữa các định chế (hợp tác, cạnh tranh, quyền hạn) trước tiên nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do. Cái ý xây dựng một nhân dân có các quyền chỉ là ý tưởng của những nhà trí thức không mấy độc đáo. Chính là nhân dân Pháp 1789 cầm súng trong tay, là cuộc vận động 1965 của Martin Luther King, là cuộc đấu tranh của ANC ở Nam Phi trong suốt mấy chục năm, hay là mùa xuân Arap năm 2010 đã dẫn tới việc thông qua những biện pháp định chế phù hợp với yêu cầu của nhân dân.

    Nói rằng quyền con người là cốt yếu của chính trị chẳng qua là rơi vào một thứ chủ nghĩa gia trưởng, chẳng khác gì nói rằng : quyền con người là nền tảng chính sách của chúng tôi, chúng tôi bảo vệ quyền của các bạn. Giữa mang lại hạnh phúc cho nhân dân (chính quyền độc tài nào chẳng nói thế) và quyền hưởng hạnh phúc của nhân dân, có một khác biệt rất lớn. Đó là không nói rằng các quyền ấy cũng thay đổi, thiên biến vạn hoá, và công cuộc bảo vệ chúng cũng phải thích ứng theo sự biến hoá.

    Khi tôi được gửi tới Afghanistan năm 2003 để tham gia tổ chức bầu cử, một lần nữa tôi lại nghiệm ra rằng những quyền được « ban phát » không nhất thiết là những quyền được tuyên cáo. Khi chiếm đóng Afghanistan năm 1979, Liên Xô đã bãi bỏ việc trùm khăn của phụ nữ và áp đặt trường học hỗn hợp nam nữ. Trong bối cảnh chiếm đóng, những biện pháp này đã bị phản tác dụng, mà nạn nhân đầu tiên là phụ nữ Afghan : phụ nữ không choàng khăn bị tạt axit, trường học hỗn hợp bị ném lựu đạn ¨.

    Lẽ ra, phải chăng nên để nảy nở khát vọng công dân, khát vọng ấy, cùng với giáo dục phổ cập, sẽ củng cố ý thức công dân và chính trị, sẽ đưa tới sự giải phóng ? Nhưng đó là một câu hỏi trừu tượng mà chỉ có người dân Afghan – nam và nữ – mới có thể trả lời.

    Bảo rằng phải có một đường lối chính trị về quyền con người, có nghĩa là đối mặt với những công dân quyết tâm bảo vệ những quyền mà họ đã tuyên cáo, thì chính quyền bắt buộc phải tìm ra những biện pháp chính trị và cơ chế để bảo vệ và củng cố các quyền đó.

    Các chính sách ấy không thể chỉ thu hẹp vào những quy trình hợp lệ (debido proceso). Cũng không thế đóng khung vào những quyền hiện tồn mà phải dọn chỗ cho những quyền sẽ tới, mở ra những lĩnh vực, những trường khác : công bằng xã hội và kinh tế (cả y tế : cơn đại dịch hiện nay đòi hỏi một chính sách y tế tương xứng), củng cố cơ cấu chính trị dân chủ bằng phổ thông đầu phiếu, chế độ pháp quyền hợp hiến, đa nguyên và hoà nhã chính trị.

    Nhờ những bài học từ các đàn anh mà tôi đã nêu tên, nhờ hàng trăm giờ thảo luận với những người đã thực sự tham gia vào sinh hoạt chính trị và xã hội, ngày nay tôi nhận thức rằng, xét cho cùng, nền tảng của chính trị ấy là tính công dân.

    Tôi đã có may mắn được tham gia công cuộc ấy, cùng với nhiều cơ quan và cá nhân, trong đó có Uỷ ban Mexico về Quyền con người. Được Uỷ ban chọn lựa để trao giải thưởng, thật vinh dự. Nhưng đồng thời là một đòi hỏi đối với tôi : thoát khỏi quan niệm gia trưởng chủ nghĩa về nhân quyền, góp phần vào công cuộc kiến tạo một quan niệm công dân về quyền con người.

    Giải thưởng dành cho một cá nhân, nhưng công lao này thuộc về rất nhiều người, những đồng sự cũ của tôi trong các phái bộ hoà bình của Liên Hợp Quốc, những thành viên của xã hội dân sự Mexico cũng như Nicaragua, Haïti hay Nam Phi. Tôi không thể kể ra hết, nhưng các bạn ấy sẽ nhận ra mình trong những hồi ức kể trên về những cuộc trò chuyện sôi nổi về chủ đề nhân quyền.

    Với các bạn trong Uỷ ban Mexico về quyền con người có mặt hôm nay, với tất cả bạn bè và đồng sự xa gần, tôi xin nói lên lòng biết ơn sâu sắc.

    Cảm ơn.

    Mexico ngày 10 tháng 12 năm 2020

    Nguyễn Hữu Động

    Thực ra lệnh cấm khăn trùm tự nó có hai mặt, nó có thể là giải phóng phụ nữ, nhưng đồng thời cũng là tấn công trực diện vào phong tục tập quán. Trong lịch sử Afghanistan, trước đây chỉ phụ nữ thuộc giới quyền quý mới trùm khăn, sau này các bộ tộc pashtun mới buộc tất cả phụ nữ phải đội khăn trùm.

    https://www.diendan.org

    Không có nhận xét nào