Header Ads

  • Breaking News

    Thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch trong mùa dịch Covid-19, hiệu quả tới đâu?

     

    Thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch trong mùa dịch Covid-19, hiệu quả tới đâu?

    Đại dịch Covid-19 đang diễn ra khắp thế giới; quảng cáo thực phẩm chức năng lại rộ lên, “tăng cường hệ miễn dịch” để giúp chống coronavirus. Năm ngoái, tôi (Ngữ Yên) đã phỏng vấn chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành về vấn đề thực phẩm giúp “tăng cường hệ miễn dịch”, đăng trên tờ Thế Giới Hội Nhập. SGTC đăng lại bài phỏng vấn này để bạn đọc tham khảo, đồng thời cũng email đặt thêm câu hỏi với ông VTT cho sát với thời sự mùa dịch. Chúng tôi vừa nhận được email trả lời của ông VTT cho câu hỏi thêm…

    Ngữ Yên thực hiện (SGTC)

    Câu hỏi thêm :

    SGTC: Nhiều quảng cáo gần đây về thực phẩm chức năng, như vitamin C, kẽm…, giúp tăng cường hệ miễn dịch, có thể tăng sức đề kháng với virus Covid-19, ông đánh giá thế nào?

    Vũ Thế Thành: Kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, cũng là loại coronavirus bà con họ hàng với Covid-19 lần này, thì những người có bệnh nền (hen suyễn, tim mạch, tiểu đường…), người già, nói chung là những đối tượng có sức đề kháng kém, hiểu là hệ miễn dịch kém cũng được, dễ bị em coronavirus vật chết. Thống kê trong mùa dịch Covid-19 này cũng cho thấy số tử vong rơi vào đối tượng “nhạy cảm” này tới 70-90%, tùy quốc gia.

    Đúng là các chất bổ sung (supplement) như vitamin C, kẽm, Selen… có ảnh hưởng tới hoạt động của hệ miễn dịch khi thử nghiệm quy mô phòng lab. Nhưng uống những thứ này trên nhóm người cụ thể để giúp tăng cường hệ miễn dịch hay không lại là chuyện khác. Chưa có nghiên cứu nào dám khẳng định điều này. Vả lại hệ miễn dịch tùy thuộc nhiều yếu tố, thực phẩm chỉ là hàng thứ yếu.

    Về cái gọi là “tăng cường hệ miễn dịch” của thực phẩm chức năng tôi đã trả lời phỏng vấn ông năm ngoái rồi. Không nhắc lại nữa. Cả nước đang ở trong giai đoạn gay cấn nhất để ngăn chặn dịch Covid-19 tràn lan ra cộng đồng. Cách phòng bệnh tốt nhất là tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan phòng chống dịch, hạn chế ra ngoài (cách ly xã hội), rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang. Ăn uống lành mạnh, cân bằng.

    Phòng chống virus Covid 19 không phải là cả tin vào thực phẩm thần thánh này nọ, rồi xem thường cảnh báo phòng dịch của cơ quan y tế.

    ———————————————————–

    Bài phỏng vấn về thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch

    Ngữ Yên (NY): Nhiều thông điệp quảng cáo thường hay bốc lên cái gọi là “giúp tăng cường hệ miễn dịch”. Ông hiểu thế nào về cụm từ này? Nói tới hệ thống chắc không phải là một thực thể rồi, phải không?

    Vũ Thế Thành (VTT): Đúng là hệ miễn dịch không phải là một cơ quan cụ thể như tim gan phèo phổi…, mà là một hệ (thống) gồm nhiều yếu tố khác nhau cấu tạo thành.

    Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ của cơ thể chống lại các mầm bệnh, vi trùng, virus, ký sinh trùng, các tế bào lạ xâm nhập… Hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể. Các tế bào miễn dịch là những tế bào có khả năng vô hiệu hóa, tiêu diệt tác nhân gây hại cơ thể. Và rồi hệ miễn dịch huy động mọi thứ có trong tay như các tế bào ‘chuyên trị’, các mô, các cơ quan, bộ phận, các chất trong cơ thể để để phòng thủ, chống kẻ thù từ bên ngoài xâm nhập (vi khuẩn, virus…) gây hại. Nói cách khác, nó vô hiệu hóa mầm bệnh.

    Thậm chí các gốc tự do, mà người ta cho rằng có thể gây ung thư, cũng được huy động để tiêu diệt mầm bệnh. Hệ miễn dịch còn tấn công luôn các tế bào đang manh nha lạng quạng phát triển thành ung thư.

    Hệ miễn dịch không phải là một cơ quan cụ thể như tim gan phèo phổi để uống một viên hay tiêm (thuốc) một phát là “bắn” trúng đích. Hệ thống này phức tạp, tinh vi, huy động tùm lum đủ thứ như thế, nhưng lại phối hợp rất ăn ý, nhịp nhàng. Đến nay khoa học vẫn chưa hiểu hết sự phối hợp này.

    Nói rằng, “giúp tăng cường hệ miễn dịch”, là giúp cái gì trong hệ thống đó? Giúp thế nào? Có nhiều loại tế bào miễn dịch, chức năng khác nhau. Vậy thì “tăng cường” loại tế bào nào? Tăng cường bao nhiêu thì đủ để nó còn phối hợp nhịp nhàng với các loại tế bào miễn dịch khác… Tăng nhiều quá về mặt số lượng tế bào miễn nhiễm chưa chắc đã hay. Nếu số tế bào dư thừa không “tự sát” kịp (đào thải) thì có thể gây ra đột quỵ, như đã từng xảy ra với các vận động viên lén lút doping. Do đó, “tăng cường hệ miễn dịch” là khái niệm có vẻ mơ hồ xét về mặt khoa học.

    NY: Nếu ăn uống lành mạnh thì sao, có giúp tăng cường hệ miễn dịch?

    VTT: Khoa học thừa nhận, việc thiếu một số chất vi lượng như các vitamin A, B, C, E, B9 (acid folic)… và các khoáng kẽm, selenium, sắt, đồng… có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch. Các thử nghiệm trên động vật đã cho thấy điều đó. Nhưng sự thay đổi của hệ miễn dịch do thiếu những chất vi lượng trên ảnh hưởng trên sức khỏe thế nào, lại chưa được nhận diện rõ ràng. Quan sát trên người cũng tương tự.

    Kẽm là thành phần trong các enzyme của tế bào miễn nhiễm. Selenium, đồng, vitamin C… có thể ngăn chặn sự phá hủy tế bào miễn dịch. Những thứ “tăng cường hệ miễn dịch” này đều có trong thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Sự thiếu hụt khoáng chất này hay vitamin nọ chẳng qua là do ăn uống mất cân bằng, ăn quá nhiều thịt mà rau quả lại ít.

    Những người bị suy dinh dưỡng thường dễ mắc bệnh. Nhưng cũng nên biết, ăn uống quá thừa chất dinh dưỡng (over nutrition) cũng là một hình thức của suy dinh dưỡng, nghĩa là có thể gây ra bệnh, nhất là bệnh béo phì, dễ dẫn đến bệnh tim mạch.

    Ăn uống các thực phẩm được cho là giàu dinh dưỡng chỉ là một khía cạnh, quan trọng hơn đó là khẩu phần lành mạnh, chứ không phải chỉ tập trung vào một vài loại thực phẩm siêu dinh dưỡng. Tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề ăn uống cân bằng, nay ăn thứ này, mai ăn thứ khác, tận dụng ưu điểm của loại thực phẩm này, và hạn chế nhược điểm của thực phẩm kia. Nhược điểm ở đây là các chất phản dinh dưỡng mà hầu như trong thực phẩm nào cũng có.

    NY: Còn lối sống lành mạnh thì sao, có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch không?

    VTT: Khoa học vẫn chưa đủ bằng chứng để cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa lối sống và tăng cường hệ miễn dịch, nhưng không phủ nhận rằng lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe hơn là lối suống buông tuồng. Chẳng hạn không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, ăn nhiều rau củ quả, ăn uống điều độ và cân bằng, hạn chế bia rượu, duy trì thể trọng vừa phải, tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh stress giảm stress… Những yếu tố này giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, phòng chống bệnh tật tốt hơn, nghĩa là có thể giúp cho hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn

    Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ăn uống lành mạnh chỉ là một trong những yếu tố của  “lối sống lành mạnh” mà thôi. Ăn uống không phải là tất cả. Yếu tố tinh thần rất quan trọng, tôi nghĩ, còn quan trọng hơn cả ăn uống. Người ta có thể ăn uống kham khổ mà vẫn khỏe mạnh, nhưng tinh thần suy sụp thì đổ mọi thứ bệnh.

    NY: Vậy các loại thực phẩm chức năng cho rằng có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch phải chăng là nói xạo?

    VTT: Họ không nói xạo, nhưng là nói mơ hồ. Nói mơ hồ rồi thêm hiệu ứng âm thanh hình ảnh hỗ trợ vào nữa thì nói cứ như… thật. Quảng cáo bốc lên là thành phần có chứa những hoạt chất được cho là cải thiện hệ miễn dịch được xác nhận bởi các nghiên cứu này nọ, nhưng chắc chắn không có bằng chứng cụ thể, không được cơ quan thẩm quyền xác nhận…  Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không được phép tuyên bố rằng nó trị được bệnh này bệnh nọ, thì phải lách qua thông điệp “tăng cường hệ miễn dịch” để khỏi phải chứng minh hiệu quả. Nghệ thuật quảng cáo là ở chỗ đó.

    Nếu cho rằng, chỉ cần uống những viên thần dược chức năng, sau đó yên tâm chờ đợi hệ miễn dịch được tăng cường, là chuyện thần thoại!

    Ngữ Yên thực hiện

    https://saigonthapcam.wordpress.com

    Không có nhận xét nào