Header Ads

  • Breaking News

    Vac-xin Covid-19: Thách thức về sản xuất và phân phối


    Vac-xin Covid-19, mối đau đầu của các nhà sản xuất và phân phối. JOEL SAGET AFP/File

    Anh Quốc là nước đầu tiên trong khối Tây phương khởi động chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19. Trong một, hai tuần nữa, Mỹ và Pháp sẽ nhập cuộc. Nhưng để có thể chích ngừa virus corona cho hàng chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu dân, các nhà sản xuất vac-xin và giới chức y tế tại mỗi quốc gia đều phải vượt qua 1001 thử thách từ mặt hậu cầu đến tài chính.

    Để có thể bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 08/12/2020, Luân Đôn đã đặt mua 40 triệu vac-xin của viện bào chế Pfizer BioNTech và những lô đầu tiên đó được dành cho 20 triệu dân Anh. Khối lượng thuốc này được sản xuất tại Bỉ, rồi được chuyển tới Anh Quốc qua đường hầm xuyên biển Manche trong những chuyến xe tải đặc biệt, với hệ thống giữ lạnh trong khoảng -80°C,-70°C. Vào đến lãnh thổ Anh, vac-xin sẽ được phân phối cho 50 bệnh viện và 1.000 trung tâm chích ngừa trên toàn quốc.

    Với hơn 61 ngàn bệnh nhân chết vì Covid-19, nước Anh bị thiệt hại về nhân mạng nặng nhất châu Âu. Luân Đôn kỳ vọng vac-xin sẽ giúp giảm thiểu « 99 % số ca điều trị tại bệnh viện và số ca tử vong », như ghi nhận của phó giám đốc cơ quan y tế quốc gia Jonathan Van-Tam.

    Tại Pháp, chích ngừa chống SARCoV-2 không mang tính bắt buộc, nhưng từ tháng 7/2020, Cơ quan y tế cao cấp (Haute Autorité de Santé) đã lên kế hoạch theo nhiều giai đoạn. Paris dự trù bắt đầu chích ngừa Covid-19 sau Tết Dương lịch.

    Tại Hoa Kỳ, chính phủ đề ra mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu dân ngay từ ngày 17/12/2020 và kể từ tháng 01/2021, mỗi tháng, các cơ quan y tế có khả năng chích ngừa cho 25 triệu dân Mỹ nhờ vac-xin của Pfizer BioNTech và Moderna.

    Nhưng bên cạnh những mục tiêu đầy tham vọng đó, vấn đề đầu tiên là các nhà sản xuất phải có đủ vac-xin để cung ứng cho thị trường.

    Dây chuyền sản xuất và hệ thống giữ lạnh

    Sau giai đoạn một, tức là cuộc chạy đua tìm kiếm vac-xin, các tập đoàn Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc … đều muốn là những nhà cung cấp đầu tiên « thần dược » này cho nhân loại. Có thuốc rồi, nhưng các tập đoàn dược phẩm vẫn chưa dám khẳng định là đã « nắm được chiến thắng trong tay », bởi chỉ riêng khâu sản xuất cũng đã là một thách thức lớn : trong thời gian vài tuần lễ, làm thế nào mở rộng hoạt động tại các nhà máy và nhất là bảo đảm có đủ từ kim tiêm đến lọ thủy tinh … cho mỗi liều thuốc chống siêu vi corona chủng mới ?

    Chi nhánh của tập đoàn sản xuất dược phẩm Thụy Điển Recipharm, hoạt động tại Monts, vùng Indre et Loire, miền tây nước Pháp, đã nhận được hợp đồng để sản xuất vac-xin cho hãng Mỹ Moderna. Recipharm đã phải chuẩn bị như thế nào để có thể giao thuốc cho khách hàng ngay từ quý 1/2021 ? Phó chủ tịch Recipharm tại Pháp, Jean-François Hilaire, trả lời trên đài truyền hình France 24 : « Từ vài tuần nay, chúng tôi đã bắt đầu tuyển dụng thêm nhân viên. Tổng cộng là thêm 60 người để tăng thời gian làm việc của hãng. Từ trước đến nay, chúng tôi có hai ê-kip, bây giờ thì có 5 nhóm thay phiên nhau làm việc, để nhà máy có thể hoạt động 7 ngày trên 7 và 24 giờ trên 24. Ngoài ra, hãng đã mua thêm trang thiết bị đặc biệt và tăng cường hệ thống giữ lạnh. Vac-xin phải được giữ ở nhiệt độ -20 °C, trước khi được chiết vào lọ. Thêm vào đó, Recipharm đã mua thêm container, máy điều hòa không khí …, tăng cường thêm cho các dây chuyền sản xuất sẵn có. Recipharm đã sẵn sàng để tăng tốc cung ứng ngay từ đầu tháng Giêng 2021 và như vậy là chúng tôi có thể giao những lượng thuốc lớn cho khách hàng ngay từ quý 1 năm tới ».

    Được biết Recipharm đã đầu tư 2 triệu euro vào cơ sở sản xuất tại Monts.

    Ưu tiên sản xuất tại chỗ

    Khủng hoảng y tế kéo dài từ đầu năm tới nay làm lộ rõ nhược điểm của hệ thống phân phối thuốc và trang thiết bị y tế của Pháp và châu Âu : Tất cả lệ thuộc quá nhiều vào một số mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, mà Trung Quốc và Ấn Độ là hai tâm điểm.

    Do vậy, Paris và Bruxelles coi việc sản xuất thuốc và vac-xin tại chỗ là một ưu tiên. Phó chủ tịch Recipharm, Jean-François Hilaire, giải thích về thay đổi trong chiến lược sản xuất và an toàn y tế : « Sẽ có nhiều thay đổi và chúng tôi đang thảo luận với chính phủ từ một vài tháng nay. Rõ ràng là sản xuất thuốc ngay trên lãnh thổ Pháp hoặc châu Âu để đáp ứng nhu cầu trên thị trường phải là một ưu tiên. Pháp nói riêng và Liên Âu nói chung có nhu cầu phải làm chủ trở lại dây chuyền cung ứng, đặc biệt là trong ngành y dược. Chúng tôi đang nghiên cứu những giải pháp theo hướng này. Recipharm tại Mont (vùng Indre et Loire) được chọn là do chúng tôi đáp ứng những tiêu chuẩn của hãng bào chế Moderna ».

    Thách thức với ngành vận tải

    Một khi có thuốc, vấn đề kế tiếp nằm ở khâu vận chuyển. Vac-xin của Pfizer BioNTech phải được bảo quản trong môi trường có độ lạnh -70°C, - 80°C, thuốc của Moderna là -20 °C. Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà sử học chuyên nghiên cứu về lịch sử y tế, Patrick Zylberman, tác giả cuốn sách mang tựa đề « Chiến tranh vac-xin » (nhà xuất bản Odile Jacob 2020), giải thích : « Đây thực sự là một vấn đề lớn ở nhiều cấp độ khác nhau. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ -80°C là một thách thức đối với rất nhiều quốc gia không có phương tiện kỹ thuật để bảo đảm có được một dây chuyền giữ lạnh như vậy. Nhưng đừng quên rằng ngay cả tại các nước giàu, đây cũng không phải là một chuyện dễ làm. Nếu chúng ta muốn các bác sĩ đa khoa tham gia chiến dịch tiêm chủng cho đại chúng, thì có nghĩa là mỗi bác sĩ ở phòng mạch đều phải được trang bị tủ lạnh, đủ sức đễ giữ các liều vac-xin của Pfizer ở nhiệt độ -80 °C. Không phải phòng mạch cũng có phương tiện bảo quản thuốc tiêm ở nhiệt độ thấp như vậy ».

    Để chuyển vac-xin đến toàn thế giới qua đường hàng không, Hiệp Hội Vận Tải hàng Không Quốc Tế IATA, được báo Les Echos trích dẫn, đưa ra những con số cụ thể : Để mỗi người trên thế giới nhận được một liều thuốc chống Covid-19 thì cần huy động đến 8.000 máy bay vận tải lớn như Boeing 747. Chỉ riêng để đáp ứng nhu cầu tiêm chúng trong đợt 1, mỗi ngày sẽ phải có 1.000 chuyến bay và chương trình phải được kéo dài liên tục trong 2 tuần. Đương nhiên các chuyến bay này cũng phải bảo đảm được trang bị hệ thống giữ lạnh -80°C.

    Phí tổn tài chính

    Chỉ nội khâu phí tổn phụ trội này cũng đủ để đẩy giá thành của mỗi liều thuốc lên đến đỉnh cao chót vót. Nhưng không chắc đây là yếu tố giải thích khác biệt về giá cả vac-xin của các viện bào chế. Nhà sử học Patrick Zylberman phân tích : « Pfizer và Moderna chẳng hạn ấn định phí tổn trung bình cho mỗi bệnh nhân, tức là mỗi người cần 2 liều thuốc tiêm, tại châu Âu là khoảng trên dưới 16 euro. Dùng thuốc của tập đoàn Astra Zeneca Oxford thì mât 8 euro, tức chỉ bằng một nửa so với giá của hãng Mỹ Pfizer. Có thể nói liên doanh dược phẩm Anh và Thụy Điển quan tâm hơn đến việc cho ra đời một sản phẩm với cái giá phải chăng để ngay cả các nước có thu nhập trung bình cũng có phương tiện mua vac-xin. Đây chính là khác biệt lớn giữa các hãng bào chế.

    Nhìn đến vac-xin của Trung Quốc, chính quyền Indonesia cho biết đã chi ra 45 triệu đô la Mỹ để mua vào 3 triệu liều thuốc tiêm chủng do tập đoàn Trung Quốc Sinovac chế tạo (thuốc bán ra với giá 15 đô la Mỹ liều). Hãng dược phẩm Sanofi của Pháp thông báo sẽ bán vac-xin với giá dưới 10 euro một liều. Nhiều nước Âu, Mỹ thông báo chích miễn phí cho dân chúng, nhưng các tổ chức nhân đạo lo ngại rằng vac-xin chống SARCoV-2 hiện nay hoàn toàn ngoài tầm tay của một phần lớn nhân loại. Trước mắt, chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới đủ điều kiện tài chính để mua vac-xin trong lúc virus corona không phân biệt giàu nghèo và đà lây lan không dừng lại ở các đường biên giới.

    Bà Véronique Trillet Lenoir, nghị viên châu Âu và cũng là thành viên ủy ban đặc trách về các vấn đề môi trường, y tế công cộng và an toàn thực phẩm, nhấn mạnh đến những bất bình đẳng nói trên ngay trong nội bộ 27 nước của Liên Âu, mặc dù Bruxelles lần đầu tiên nhanh chóng có hẳn một chính sách chung về y tế để thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên trên mặt trận chung chống virus corona : « Chúng ta thấy rõ là vac-xin nói riêng và vấn đề y tế nói chung đang trở thành một trong những ưu tiên về địa chiến lược. Các nước lớn dùng lá bài này để khẳng định thế thượng phong của mình. Châu Âu hay Mỹ và Trung Quốc đều có những tính toán như nhau. Điều quan trọng ở đây là làm thế nào tránh để những tính toán được, thua về tiền bạc lấn át những lợi ích về mặt y tế. Chắc chắn ràng đây là một nguy cơ rất lớn. Nhưng một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng chưa bao giờ Liên Hiệp Châu Âu lại có những tiến bộ đáng kể như trong khủng hoảng lần này, cho dù chúng ta vẫn làm chưa đủ và phải tiếp tục cố gắng thêm nữa ».

    Một khi đã vượt qua được những thách thức trong các khâu sản xuất và phân phối vac-xin thì vẫn còn một trở ngại khác. Đó là mối hoài nghi của công luận với một loại thuốc còn quá mới để phòng ngừa một căn bệnh cũng quá mới nhưng đã làm tê liệt một phần các hoạt động của thế giới.

    https://www.rfi.fr/vi

    Không có nhận xét nào