Header Ads

  • Breaking News

    Brahma Chellaney -Trung Hoa sẽ khóa vòi nước của Á Châu?


    (Will China turn off Asia’s tap?)

    Bình Yên Đông lược dịch

    Gulf Times – December 22, 2020

    Mặc dù các nền kinh tế của Á Châu đã ra khỏi suy thoái vì Covid-19, chiến lược xây đập và hồ chứa điên cuồng của Trung Hoa trên các sông xuyên quốc gia sẽ khiến cho họ phải đối phó với một chướng ngại thường trực hơn cho thịnh vượng kinh tế lâu dài: khan hiếm nước.  Kế hoạch vừa được Trung Hoa tiết lộ để xây một đập khổng lồ trên sông Yarlung Zangbo, được biết nhiều hơn với tên Brahmaputra, có thể là một đe dọa lớn nhất.

    Trung Hoa chiếm ưu thế trên bản đồ nước ở Á Châu, qua việc sát nhập đất đai của các dân tộc thiểu số, chẳng hạn như cao nguyên Tibet (Tây Tạng) và Xinjiang (Tân Cương).  Việc mở rộng lãnh thổ của Trung Hoa ở Biển Đông và Himalayas, nơi họ nhắm vào quốc gia nhỏ bé Bhutan, được kèm theo với các nỗ lực lén lút để chiếm đoạt nguồn nước trong các lưu vực sông xuyên quốc gia – một chiến lược không thể dung thứ ngay với các láng giềng thân hữu hay dễ bảo, chẳng hạn như Thái Lan, Lào, Cambodia, Nepal, Kazakhstan, và Bắc Triều Tiên.  Thật vậy, Trung Hoa đã không do dự để dùng bá quyền nước của họ chống lại 18 quốc gia láng giềng ở hạ lưu.  Hậu quả vô cùng nghiêm trọng.  Thí dụ, 11 đập khổng lồ của Trung Hoa trên sông Mekong, thủy lộ chánh yếu của Đông Nam Á, đã dẫn đến hạn hán liên tục ở hạ lưu, và biến lưu vực Mekong thành một điểm nóng an ninh và môi trường.  Trong lúc đó, ở Trung Á phần lớn khô cằn, Trung Hoa đã chuyển nước từ các sông Illy và Istysh bắt nguồn trong vùng Xinjiang được Trung Hoa sát nhập.  Việc chuyển nước từ sông Illy đe dọa biến hồ Balkhash của Kazakhstan thành một Biển Aral khác, đã khô cạn trong không đầy 4 thập niên.

    Trong bối cảnh nầy, kế hoạch của Trung Hoa để xây đập trên Brahmaputra gần biên giới tranh chấp – và được quân sự hóa mạnh mẽ - với Ấn Độ không có gì ngạc nhiên.  Tờ báo Huanqiu Shibao của cộng sản Trung Hoa gần đây, trích dẫn một bài báo ở Australia, thúc giục chánh phủ Ấn Độ nên đánh giá việc Trung Hoa có thể “vũ khí hóa” việc kiểm soát các nguồn nước xuyên biên giới và có tiềm năng “bóp nghẹt” kinh tế của Ấn Độ.  Với siêu dự án trên Brahmaputra, Trung Hoa đã có câu trả lời.

    Dự án được dự trù với công suất 60 GW, sẽ được đưa vào Kế hoạch Ngũ Niên sắp tới của Trung Hoa bắt đầu từ tháng 1, sẽ làm lu mờ đập Three Gorges (Tam Hiệp) – hiện là đập lớn nhất trên thế giới – trên sông Yangtze (Dương Tử), sản xuất gấp 3 lần số điện.  Trung Hoa sẽ thực hiện điều nầy bằng cách dùng thế năng của sự sai biệt cao độ 2.800 m (3.062 yards) ngay trước khi sông chảy vào Ấn Độ.  Cái mà chủ tịch Công ty Quốc doanh Xây dựng Điện Trung Hoa, Yan Zhiyong, gọi là một “cơ hội lịch sử” của quốc gia ông để tàn phá Ấn Độ.  Ngay trước khi chảy vào Ấn Độ, sông Brahmaputra uốn quanh Himalayas, tạo thành một hẽm núi dài và sâu nhất thế giới – sâu gấp đôi Grand Canyon của Mỹ - và nắm giữ nguồn nước chưa được khai thác lớn nhất Á Châu.

    Kinh nghiệm cho thấy rằng siêu dự án được đề nghị đe dọa các tài nguyên đó – và các nước láng giềng hạ lưu của Trung Hoa.  Các hoạt động ở thượng lưu trong quá khứ của Trung Hoa đã châm ngòi cho lũ quét trong các bang Arynachal và Himachal của Ấn Độ.  Gần đây hơn, hoạt động như thế biến nước từng tinh khiết ở Siang – thủy lộ chánh của Brahmaputra – trở thành dơ bẩn và xám đen khi nó chảy vào Ấn Độ.

    Khoảng một chục đập nhỏ và trung bình của Trung Hoa đã hoạt động trên các nhánh trên của Brahmaputra.  Nhưng siêu dự án trong vùng hẽm núi Brahmaputra sẽ cho phép nước nầy vận dụng dòng chảy xuyên biên giới có hiệu quả hơn nhiều.  Việc vận dụng đó có thể làm đòn bẫy cho đòi hỏi của Trung Hoa với bang Arunachal của Ấn Độ ở bên cạnh, lớn gấp 3 lần Taiwan.  Với sự căng thẳng và đối đầu quân sự đã có giữa Trung Hoa và Ấn Độ, bắt đầu bằng việc xâm lấn lãnh thổ của Trung Hoa, nguy cơ có thể xảy ra.

    Nhưng quốc gia bị thiệt nhiều nhất vì dự án đập Brahmaputra của Trung Hoa không phải là Ấn Độ; nó là vùng đông dân cư và thân Trung Hoa ở Bangladesh, mà Brahmaputra là nguồn nước ngọt lớn nhất duy nhất.  Gia tăng áp lực lên nguồn nước của họ hầu như sẽ châm ngòi cho cuộc di cư tị nạn vào Ấn Độ, đã có hàng triệu người Bangladesh định cư bất hợp pháp.

    Siêu dự án Brahmaputra cũng tát vào mặt của Tibet, là một trong những vùng đa dạng sinh học nhất trên thế giới và có văn hóa tôn kính thiên nhiên sâu đậm.  Thật vậy, vùng hẽm núi là lãnh thổ thiêng liêng của người Tibet: núi cao, vách đá, và hang động tiêu biểu cho bản thân của thần bảo vệ, nữ thần Dorje Pagmo, và Brahmaputra tiêu biểu cho xương sống của bà.

    Nếu không có gì để ngăn chận Trung Hoa, thiệt hại mà nước nầy gây ra cho người dân của chính họ và tiền đồ sẽ ngăn chận họ.  Việc xây đập bừa bãi của Trung Hoa trên các sông ở trong nước đã gây nguy hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái, chia cắt sông và gián đoạn chu kỳ lũ lụt hàng năm, giúp bón phân cho đất canh tác qua việc bồi lắng phù sa.  Trong tháng 8, khoảng 400 triệu người Trung Hoa gặp rủi ro sau trận lũ lụt kỷ lục gây nguy hiểm cho đập Three Gorges.  Nếu siêu đập Brahmaputra sụp đổ - rất hợp lý vì nó sẽ được xây trong vùng có động đất – hàng triệu người ở hạ lưu có thể thiệt mạng.

    Lưu vực Himalayas và vùng phụ cận có hàng ngàn băng hà và là nguồn của nhiều hệ thống sông lớn nhất ở Á Châu, là mạch sống của gần ½ dân số thế giới.  Nếu băng hà tiếp tục hao mòn – đó là chưa nói đến các hoạt động tàn phá môi trường đang tăng tốc của Trung Hoa – Trung Hoa cũng sẽ không được tha.

    Vì lợi ích của chính mình – và lợi ích của toàn thể Á Châu – Trung Hoa phải chấp nhận hợp tác có tổ chức về dòng chảy xuyên quốc gia, kể cả các biện pháp để bảo vệ các vùng mong manh về sinh thái và thỏa thuận không xây đập trên các sông tương đối chảy tự do (đóng một vai trò thiết yếu trong việc làm bớt ảnh hưởng của thay đổi khí hậu).  Điều nầy đòi hỏi Trung Hoa phải kềm chế tính điên cuồng xây đập, minh bạch về các dự án, chấp nhận các cơ chế dàn xếp tranh chấp đa phương, và thương thảo các hiệp ước chia sẻ nước với láng giềng.  Tiếc thay, có ít lý do để tin rằng điều nầy sẽ xảy ra.  Ngược lại, chừng nào mà Đảng Cộng sản Trung Hoa vẫn còn nắm quyền, quốc gia nầy có lẽ sẽ tiếp tục tiến hành chiến tranh nước lén lút không có người thắng.

    Sơ lược về tác giả

    Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược ở Trung tâm Nghiên cứu Chánh sách ở New Delhi và Hội viên của Viện Robert Bosh ở Berlin.  Ông là tác giả của 9 quyển sách, gồm có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.

    https://mekong-cuulong.blogspot.com

    Không có nhận xét nào