Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 5 tháng 1 năm 2021

    Hoa Kỳ : Cử tri bang Georgia giữ lá phiếu kiểm soát Thượng Viện

    Tại Hoa Kỳ, mọi chú ý dồn về cuộc bầu cử thượng nghị sĩ ở bang Georgia diễn ra ngày 05/01/2021. Liệu đảng Cộng Hòa tiếp tục giữ được đa số ở Thượng Viện hay phải chia đều với đảng Dân Chủ ? Quyết định nằm trong tay hơn 7 triệu cử tri bang Georgia, trong đó đã có hơn 3 triệu cử tri đi bỏ phiếu trước do dịch Covid-19.

    Thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình từ New York :

    “Để có thể hình dung ra được tầm quan trọng của cuộc bầu cử này, chỉ cần nhìn vào ngân sách dành cho chiến dịch vận động của hai đảng. 500 triệu đô la đã được chi ra kể từ cuộc bầu cử tổng thống, 500 triệu đô la chỉ trong vòng hai tháng ! Với mức chi này, đây là cuộc bầu cử thượng viện tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

    Phía đảng Cộng Hòa có hai thượng nghị sĩ mãn nhiệm David Perdue và Kelly Loeffler. Còn phía đảng Dân Chủ là hai ứng viên Jon Ossoff và Raphael Warnock.

    Cuộc bầu cử lần này vô cùng quan trọng và sẽ quyết định tiến trình sinh hoạt chính trị Mỹ trong những năm tới. Vì hiện tại, đảng Cộng Hòa chiếm 50 ghế ở Thượng Viện, phía đảng Dân Chủ có 48 ghế. Nếu David Perdue và Kelly Loeffler được bầu lại, đảng Cộng Hòa sẽ chiếm đa số, nắm quyền đối lập thực sự và sẽ cản trở một phần chương trình của ông Joe Biden, bắt đầu từ việc chỉ định ứng viên vào các vị trí bộ trưởng hoặc người phụ trách các cơ quan hành chính liên bang khác nhau.

    Mexico đề nghị cấp quy chế tị nạn chính trị cho Julian Assange

    Tổng thống Mexico tuyên bố Mexico sẵn sàng cấp tị nạn chính trị cho Julian Assange sau khi nước Anh ngăn chặn kế hoạch dẫn độ người sáng lập WikiLeaks về Mỹ.

    Tờ Independent cho hay, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đưa ra thông báo cấp quay chế tị nạn cho Assange trong một cuộc họp báo vào sáng ngày 5/1 tại Mexico.

    Phát biểu trước báo giới Mexico, ông López Obrador nói: “Tôi sẽ yêu cầu bộ trưởng ngoại giao thực hiện các thỏa thuận liên quan để đưa ra một đề nghị với Vương quốc Anh, thỏa thuận đó sẽ đảm bảo cho ông Assange được tự do và Mexico cho phép ông ấy tị nạn chính trị”.

    Đồng thời, ông bày tỏ sự đồng tình với quyết định của tòa án Vương quốc Anh trong việc chặn đứng việc dẫn độ ông Assange về Mỹ, và theo ông, trong quyết định này, “công lý đã chiến thắng”.

    Covid-19 : Anh phong tỏa toàn quốc chống virus biến thể

    Người dân Anh Quốc trở lại nhịp sống phong tỏa trong vòng một tháng rưỡi, kể từ 00 giờ 01 thứ Tư 06/01/2021 đến giữa tháng Hai. Biện pháp triệt để này, chặt chẽ hơn cả đợt phong tỏa mùa Xuân 2020, được thủ tướng Boris Johnson thông báo trên truyền hình tối 04/01 nhằm khống chế biến thể mới của virus corona, có tốc độ lây lan nhanh hơn 50 đến 70%.

    Anh là một trong những nước châu Âu chịu tang thương nhất do dịch Covid-19 gây ra với hơn 75.000 người tử vong tính đến tối 04/01. Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới hàng ngày luôn ở mức xấp xỉ 50.000, đặc biệt đã có đến 59.000 ca mới trong vòng 24 giờ, theo số liệu tối 04/01.

    Từ Luân Đôn, luật sư Hoàng Đức Thắng, cho biết thêm :

    “Hiện nay, Anh Quốc đã tiến hành “lockdown”, còn gọi là phong tỏa, trên phạm vi toàn lãnh thổ, bao gồm cả bốn khu vực : Bắc Ailen, xứ Wales, Scotland và Anh Quốc.

    Trên thực tế, biện pháp này là nâng từ mức 4 lên mức 5, tức là phong tỏa toàn bộ. So với mức 4 lúc trước, mức độ hạn chế cao hơn rất nhiều, trong đó rõ rệt nhất là hạn chế đi lại : từ chỗ chỉ trong khu vực bị hạn chế trước kia, việc đi lại từ vài trăm dặm bị rút xuống vài dặm xung quanh nơi ở của mỗi người.

    Lý do giải thích biện pháp này là do biến chủng vừa qua của virus corona đã không thể kiểm soát được và dẫn đến số lượng ca bệnh tăng đột biến, có những nơi ghi nhận mức độ 100%, còn phổ biến ở mức 50 đến 70%. Điều đó đã khiến các bệnh viện ở Anh Quốc đang trong tình trạng quá tải. Nếu không có gì thay đổi trong vòng 7 đến 10 ngày nữa, các bệnh viện sẽ bị quá tải rất nhiều và vì lý do đạo lý, không thể để một số người bị chết tại nhà hoặc không được chăm sóc, cũng như những người không nhiễm virus mà bị các bệnh khác.

    Châu Âu tăng tốc tiêm chủng

    Sau khi là nước đầu tiên trên thế giới tổ chức tiêm ngừa Covid-19 vào đầu tháng 12/2020, Anh Quốc cũng là nước đầu tiên sử dụng vac-xin do AstraZeneca và đại học Oxford bào chế, kể từ ngày 04/01/2021. Bộ trưởng Y Tế Anh khẳng định đã có hơn 1 triệu liều vac-xin được phân phối trên cả nước, nhiều hơn tổng số liều của cả châu Âu.

    Pháp nằm trong số những nước châu Âu tiêm chủng ít nhất, với hơn 2.000 mũi tiêm tính đến ngày 04/01. Bộ trưởng Y Tế Olivier Veran hứa “mở rộng, tăng tốc và đơn giản hóa” chiến dịch tiêm chủng. Theo AFP, khoảng 500 đến 600 trung tâm tiêm chủng sẽ được lập từ nay đến cuối tháng Giêng. 500.000 liều vac-xin của Pfizer/BioNTech sẽ được giao hàng tuần. Tương tự, khoảng 500.000 liều vac-xin của Moderna cũng sẽ được giao hàng tháng nếu được Cơ Quan Dược Pháp Châu Âu thông qua vào ngày 06/01. Một biện pháp khác để thúc đẩy tốc độ tiêm chủng là mở rộng đối tượng được ưu tiên, thêm lính cứu hỏa và người giúp việc gia đình trên 50 tuổi.

    Ngược lại với châu Âu và Hoa Kỳ, Úc lại không muốn vội vàng tiêm chủng vì không muốn bị “rủi ro vô ích”, theo phát biểu thủ tướng Scott Morrison ngày 05/01.


    Đạt đột phá trong cuộc tranh chấp giữa vùng Vịnh với Qatar

    Một đột phá đã đạt được trong cuộc tranh chấp kéo dài 3 năm giữa Qatar với Ả Rập Xê-út cùng ba nước Ả Rập khác và một thỏa thuận nhằm chấm dứt sự chia rẽ sẽ được ký tại Ả Rập Xê-út ngày 5/1, một viên chức cao cấp chính quyền Trump cho hay.

    Diễn biến này là mới nhất trong một loạt những thỏa thuận về Trung Đông mà Washington theo đuổi-những thỏa thuận khác liên hệ đến Israel và các nước Ả Rập-nhằm xây dựng một mặt trận thống nhất chống Iran.

    Trong khuôn khổ của thỏa thuận, Ả Rập Xê-út sẽ tái mở cửa không phận, đường bộ và biên giới biển cho Qatar vào ngày 4/1, Ngoại trưởng Kuwait Ahmad Nasser al-Sabah cho biết trên truyền hình Kuwait trước hội nghị thượng đỉnh vùng Vịnh Ả Rập tại Ả Rập Xê-út ngày 5/1.

    Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập đã áp đặt lệnh cấm vận ngoại giao, thương mại và du hành lên Qatar kể từ giữa năm 2017, cáo buộc nước này yểm trợ khủng bố. Qatar bác bỏ và nói rằng lệnh cấm vận nhằm phá hoại chủ quyền của họ.

    Kyle Rittenhouse ra tòa


    Hôm nay, hai ngày sau khi tròn 18 tuổi, Kyle Rittenhouse sẽ bị buộc tội giết hai người và làm bị thương một người khác trong cuộc bạo loạn nhấn chìm Kenosha, Wisconsin, sau khi một người đàn ông da đen bị cảnh sát bắn hồi tháng 8. Rittenhouse đã trở thành một “nhân vật chính nghĩa” của những người cánh hữu. Lời kêu gọi gây quỹ đã lan rộng trên Twitter, Facebook và các nền tảng khác như Telegram và Parler, huy động được 2 triệu đô la tiền bảo lãnh tại ngoại cho anh ta. Song các thành viên nổi bật trong nhóm pháp lý của người này lại không muốn tham gia vụ việc.

    Một luật sư, John Pierce, đã rút lui khỏi quá trình bào chữa hình sự cho Rittenhouse sau khi một trợ lý luật sư quận Kenosha lập luận số tiền quyên góp có thể đã được dùng để trả nợ cho ông Pierce, trong khi một người khác, L Lin Wood, dường như ngày càng bận rộn với việc lan truyền các cáo buộc gian lận bầu cử và thuyết âm mưu QAnon. Bàn tán trên mạng xã hội về Rittenhouse lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 11 nhưng kể từ đó đã hạ nhiệt. Rittenhouse hẳn đã đón sinh nhật trong cô đơn.

    Các nước Vùng Vịnh họp thượng đỉnh với sự tham dự của Qatar

    Năm mới luôn là một thời điểm tốt lành để làm hòa với họ hàng. Các quan chức từ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm sáu thành viên sẽ tập trung hôm nay tại Ả Rập Saudi cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ 41 của họ. Mọi năm sự kiện này thường rất tẻ nhạt, chứa đầy những lời hoa mỹ về mối quan hệ anh em khăng khít, nhưng năm nay có thể thú vị hơn: các bên tham dự sẽ thảo luận xem có nên kết nạp lại một người anh em bị xa lánh hay không.

    Kể từ tháng 6 năm 2017, ba thành viên của GCC – Bahrain, Ả Rập Saudi và UAE – đã áp đặt lệnh cấm vận lên Qatar. Việc đóng cửa biên giới và không phận đã biến quốc gia bán đảo này thành một hòn đảo. Họ cũng yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ với các phần tử Hồi giáo và đóng cửa kênh tin tức vệ tinh Al Jazeera. Nước này không chấp nhận. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo GCC đã chán nản với lệnh cấm vận gây chia rẽ và không hiệu quả này. Quốc vương Ả Rập Saudi đã mời tiểu vương Qatar đến hội nghị thượng đỉnh; và có thảo luận về việc mở lại không phận. Tuy nhiên đây chỉ mới là nới lỏng một phần. Hòa giải thực sự sẽ mất nhiều năm.

    Đức có thể gia hạn phong tỏa

    Hôm nay, Thủ tướng Angela Merkel và các thủ hiến 16 bang của Đức sẽ gặp nhau để xem xét lại các hạn chế coronavirus hiện tại của đất nước, mà theo lịch sẽ hết hạn vào ngày 10 tháng 1. Các báo cáo chắp vá trong dịp Giáng sinh và năm mới khiến khó có thể đưa ra kết luận chắc chắn về tình hình lây nhiễm gần đây của covid-19. Nhưng số ca nhiễm và tử vong đã phá kỷ lục vào giữa tháng 12.

    Khả năng cao hôm nay các lãnh đạo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa của Đức, trong đó yêu cầu đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng, địa điểm giải trí và trường học, cho đến cuối tháng. Các cuộc tranh luận trước đây về phong tỏa diễn ra rất nóng bỏng, nhưng tranh luận lần này có vẻ sẽ tương đối ôn hòa. Thay vào đó, người dân Đức ngày càng tỏ ra lo lắng về tốc độ tiêm chủng chậm chạp – và một câu hỏi tế nhị, được một số chính trị gia nêu ra, về việc liệu Ủy ban châu Âu có lơ là công việc mua vắc-xin cho EU vào mùa hè năm ngoái hay không.

    Bitcoin tăng nhưng khó có thể thay thế tiền chính phủ


    Bitcoin giảm trong 12 tháng qua nhưng tăng giá chóng mặt gần đây. Loại tiền mã hóa này đã tăng hơn 50% kể từ đầu tháng 12. Với mỗi Bitcoin trị giá khoảng 31.000 đô la, tổng vốn hóa thị trường của nó hiện lớn hơn cả lượng tiền cơ sở của Canada. Một số nhà đầu tư tên tuổi như Larry Fink của Blackrock đã nói về triển vọng của nó trong những tháng gần đây, trong khi các quỹ phòng hộ nổi tiếng như Renaissance Capital đã đầu tư vào loại tiền này vào năm 2020.

    Đặc điểm đó giúp phân biệt lần tăng giá này với những giai đoạn tăng nóng trước đây của Bitcoin. Nhưng mặc dù tiền mã hóa có thể sẽ vĩnh viễn có mặt trong danh mục của một số nhà đầu tư, nó vẫn rất rủi ro. Khả năng thay thế tiền chính phủ của nó là mỏng manh thậm chí bằng không, đặc biệt là do việc dùng loại tiền này để thanh toán quá phức tạp và không hiệu quả. Và ngày càng có nhiều cạnh tranh hơn đối với các loại tiền mã hóa trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương đang xem xét phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng họ.

    Đảng Dân chủ liệt Cơ Đốc giáo vào danh sách ‘mối đe dọa an ninh quốc gia’


    Khoảng 2/3 dân số Hoa Kỳ có tín ngưỡng sẽ trở thành “mục tiêu tấn công tư tưởng” của Đảng Dân chủ. Một Ủy ban Hành động Chính trị và một nhóm các nhà lập pháp Đảng Dân chủ muốn Joe Biden theo đuổi một ‘chương trình nghị sự thế tục’ nhằm đẩy lùi các lợi ích tự do tôn giáo đạt được dưới thời TT Trump, theo một tài liệu gây sốc được công bố bởi Ủy ban Hành động Chính trị Dân chủ.

    “Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo da trắng là một mối đe dọa an ninh quốc gia”, theo báo cáo được trình bày bởi các Dân biểu Đảng Dân chủ, bao gồm Jamie Raskin từ tiểu bang Maryland và Jared Huffman từ tiểu bang California, đồng thời nhận được sự ủng hộ từ Dân biểu Dân chủ Jerry McNerney từ tiểu bang California.

    Nhóm đã đưa ra một loạt khuyến nghị cho chính phủ tiềm năng của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người đang ngày càng cách xa khả năng đắc cử vì số lượng lớn gian lận bầu cử bị phanh phui.

    “Chúng tôi khuyên bạn: khuyến khích Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp dành nguồn lực cho các chương trình chống cực đoan hóa nhằm vào các nhóm thù địch, bao gồm nhưng không giới hạn ở những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng”, tài liệu có đoạn.

    Và “tăng cường giám sát các nhóm như vậy, bao gồm cả trên môi trường trực tuyến, và thực hiện các hành động để giải quyết vấn đề tội ác thù ghét gia tăng đối với các cộng đồng tín ngưỡng thiểu số”, tài liệu nêu rõ.

    Thậm chí tài liệu đi xa hơn khi đề xuất, “Thay đổi cách gọi để dán nhãn cho những kẻ cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc da trắng bạo lực là những kẻ khủng bố”.

    Đối với đảng viên Dân chủ, đường hướng giáo dục và tư tưởng đối với họ phải chiều theo các chỉ thị của các cố vấn của đảng Dân chủ và không được bao hàm các khái niệm về Chúa.

    Xu hướng này được thể hiện rõ ràng trong một động thái gần đây nhằm loại bỏ các thuật ngữ giới tính như “cha, mẹ, con trai và con gái”, sẽ được thực hiện trong Đại hội lần thứ 117, như Đảng Dân chủ công bố vào ngày 1 tháng 1.

    Tại cuộc triệu tập của Quốc hội vào ngày 3/1, Dân biểu Emanuel Cleaver, đã đưa ra lời cầu nguyện tại Hạ viện. Ông kết thúc bài phát biểu bằng từ “Amen” quen thuộc, nhưng lại thêm vào từ “a-woman”, vì ngộ nhận rằng “a men” là “một người đàn ông”, do đó cần đi kèm “một người phụ nữ ‘a woman’ để đảm bảo quyền bình đẳng giới, tránh hàm ý kỳ thị gián tiếp.

    Cách dùng từ kỳ lạ này đã gây ra sự chế giễu và phẫn nộ trong bối cảnh “Amen” là một từ thuộc tiếng Latinh, có nghĩa là “Cứ như vậy,” chứ không phải ý chỉ “một người đàn ông (A man)”.

    Chuyên gia Mỹ: Đeo khẩu trang không có nhiều ý nghĩa?

    Khi một số chính phủ trên thế giới tái mở cửa nền kinh tế và dỡ bỏ chế độ phong tỏa, các nhà chức trách và các chuyên gia y tế đã gia tăng kêu gọi mọi người đeo khẩu trang để phòng dịch. Tuy nhiên các chuyên gia Hoa Kỳ chỉ ra rằng việc đeo khẩu trang không có nhiều ý nghĩa, theo Natural News

    Các nhà nghiên cứu từ Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), một tổ chức phi lợi nhuận ở tiểu bang Massachusetts, phát hiện ra rằng các biện pháp can thiệp phi dược phẩm như khóa cửa, hạn chế đi lại, lệnh ở nhà, đóng cửa kinh doanh, lệnh giới nghiêm và đeo khẩu trang, không ảnh hưởng tới tốc độ lây nhiễm vi rút trên tổng thể.

    Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận này sau khi xem xét các tiểu bang và các quận của Hoa Kỳ với hơn 1.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 tính đến cuối tháng Bảy. Tổng cộng, họ đã xem xét 25 tiểu bang và 23 quận.

    Phát hiện của họ chỉ ra rằng mặc dù áp dụng các biện pháp can thiệp không dùng thuốc có sự khác nhau về thời gian và cách thực hiện giữa các tiểu bang và các quận, nhưng những ảnh hưởng do COVID-19 mang đến vẫn không thay đổi đáng kể.

    Mặt khác, Denis Rancourt, cựu giáo sư vật lý tại Đại học Ottawa ở Canada, đã nghiên cứu các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) và các phân tích tổng hợp về RCT trên khẩu trang.

    Ông Rancourt phát hiện ra rằng nhiều nghiên cứu cho biết khẩu trang và mặt nạ chống độc không ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp như cúm và các bệnh khác được cho là lây truyền qua các giọt nhỏ hoặc hạt aerosol.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào