Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 4 tháng 1 năm 2021

    Cuộc tái đấu xác định quyền kiểm soát Thượng viện: Ứng viên Dân chủ đã bị ĐCSTQ ‘làm hỏng’, theo cáo buộc

    Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa David Perdue chia sẻ với tờ Breitbart hôm thứ Bảy (2/12) rằng, đối thủ Đảng Dân chủ của ông trong cuộc bầu cử nước rút vào Thượng viện tiểu bang Georgia, Jon Ossoff đã bị ĐCSTQ “làm hỏng” theo cách thức tương tự những đảng viên Đảng Dân chủ trẻ tuổi khác đã bị các đặc vụ ĐCSTQ nhắm mục tiêu.

    Thượng viện Mỹ đang đứng trước thời điểm bước ngoặt mang tính quyết định, bởi kết quả cuộc bầu cử nước rút tại tiểu bang Georgia sẽ quyết định đảng chính trị nào kiểm soát Thượng viện Mỹ trong nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử này sẽ hoàn tất vào ngày thứ Ba tới (5/1).

    Cuộc bầu cử nước rút hay còn gọi là cuộc tái đấu vòng 2 ở Georgia được tổ chức sau khi không ứng viên thượng nghị sĩ nào giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ của cử tri trong ngày tổng tuyển cử 3/11 năm ngoái.

    Cuộc bầu cử nước rút đã diễn ra giữa hai Thượng nghị sỹ Cộng hòa đương nhiệm David Perdue và Kelly Loeffler trước các đối thủ Dân chủ Jon Ossoff và Raphael Warnock. Trong đó, cặp đối thủ trực tiếp là David Perdue và Jon Ossoff.


    Cáo buộc từ phía ông Perdue được đưa ra sau khi đã xuất hiện một loạt thông tin tai hại về ông Ossoff trong những tuần gần đây.

    Ông Perdue đã so sánh ông Ossoff với Dân biểu Đảng Dân chủ Eric Swalwell từ tiểu bang California và Hunter Biden, con trai Joe Biden khi cho biết, dân biểu Jon Ossoff sở hữu công ty sản xuất phim tài liệu có mối quan hệ tài chính với ĐCSTQ thông qua một doanh nghiệp truyền thông được nhà nước hậu thuẫn.

    “Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã nhắm mục tiêu vào những chính trị gia trẻ tuổi đầy tham vọng theo chủ nghĩa tự do như vậy”, ông Perdue nói.

    Nhật Bản- Covid : Thủ tướng Suga chuẩn bị tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo


    Tình hình đại dịch tại Nhật được xem là « rất nghiêm trọng ». Thủ tướng Yoshihide Suga thông báo đang xem xét kế hoạch tái ban hành tình trạng khẩn cấp y tế tại Tokyo và ba tỉnh vành đai.

    Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 04/01/2021 tại Tokyo, thủ tướng Nhật Bản cho biết chính phủ dự tính tái ban hành tình trạng khẩn cấp y tế tại Tokyo và từ từ mở rộng trên toàn quốc như hồi tháng Tư và tháng Năm 2020. Ông Yoshihide Suga kêu gọi dân chúng tránh ra đường nếu không có lý do cần thiết và cảnh báo là chính phủ đang chuẩn bị điều chỉnh luật pháp trừng phạt những cửa hàng không rút ngắn giờ mở cửa để ngăn dịch lây lan.

    Với 240.000 ca lây nhiễm và dưới 3000 nạn nhân trong suốt một năm, Nhật Bản được xem là một trong những nước châu Á chống dịch hiệu quả. Thế nhưng, từ hai tháng nay, Covid-19 bất ngờ tăng tốc và lần đầu tiên lây nhiễm cho hơn 4000 người trong hôm thứ Năm tuần trước. Đô trưởng Tokyo và các tỉnh trưởng lân cận yêu cầu chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp.

    Hàn Quốc cũng bối rối

    Về tình hình Covid-19 trên bán đảo Triều Tiên, tại Hàn Quốc, số ca lây nhiễm giảm dưới ngưỡng 1000 trong hai ngày liên tiếp. Nhưng bộ Y Tế không xem đó là tin khích lệ vì trong dịp nghỉ năm mới, số người đi làm xét nghiệm ít đi. Các biện pháp cách giãn xã hội được duy trì nghiêm ngặt, đóng cửa các trung tâm trượt tuyết và khu du lịch.

    Ở Bắc Triều Tiên, tuy chính thức không có một ca dương tính nào với siêu vi corona, báo Rodong, cơ quan tuyên truyền của đảng Lao Động, trong số ra hôm nay (04/01/2021) kêu gọi toàn dân tham gia chiến dịch chống Covid-19 mừng đại hội Đảng.

    Fiat Chrysler và PSA sáp nhập


    Một ngôi sao mới xuất hiện trong ngành công nghiệp ô tô khi các cổ đông của Fiat Chrysler chính thức cho ra đời Stellantis (trong tiếng Latinh có nghĩa là “tỏa sáng cùng các vì sao”), một hãng mới gồm các thương hiệu bao gồm Jeep, Ram và Dodge, và Tập đoàn PSA, nhà sản xuất xe Peugeot và Citroën. Thỏa thuận này sẽ tạo ra một gã khổng lồ trong ngành, với một bên là công ty có chỗ đứng vững chắc ở Mỹ, và một bên là hãng lớn từ châu Âu có sẵn vị thế ở Trung Quốc, đều đặt dưới sự lãnh đạo của Carlos Tavares.

    Kéo dài thành công của ông trong quá trình hồi sinh nhanh chóng PSA, công ty ông tiếp quản hồi năm 2014, sẽ là một thách thức. Khó khăn trong việc hợp nhất các văn hóa doanh nghiệp khác nhau đã đánh chìm nhiều thương vụ hợp nhất trong ngành công nghiệp ô tô, trong khi quá trình cải cách ngành sản xuất ô tô để bước vào thời đại xe điện chắc chắn là không êm ái. Nhưng nếu có một người có thể lèo lái qua được những khó khăn thì đó chính là Tavares, ngôi sao sáng nhất trong số các sếp hiện tại trong ngành.

    GDP Anh khả năng không tăng lại trong quý đầu 2021


    Chỉ số nhà quản lý mua hàng công bố hôm nay của các công ty chế tạo Anh dự kiến sẽ cho thấy lĩnh vực này đang hoạt động tốt đẹp. Tuy nhiên, ngành này không đại diện hoàn toàn cho nền kinh tế Anh. Chỉ vài tuần trước, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, cơ quan giám sát tài khóa, dự đoán phục hồi GDP đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2021: họ dự đoán GDP tăng 1,9% trong ba tháng tính đến tháng 3.

    Nhưng từ đó đến nay đã có rất nhiều thay đổi. Làn sóng ca nhiễm covid-19 thứ ba đã khiến các hạn chế giãn cách xã hội tăng cường được triển khai trên khắp đất nước, với ngành bán lẻ không thiết yếu cùng với phần lớn lĩnh vực khách sạn ở London và các thành phố lớn khác phải đóng cửa. Việc đóng cửa trường học ở thủ đô cũng làm giảm nguồn cung lao động thực tế do các bậc phụ huynh phải trông con nhỏ. Thay vì đạt mức tăng như kỳ vọng, có vẻ như GDP sẽ lại giảm khi bước vào năm 2021.

    Cuba bỏ chế độ tiền tệ kép, mở đường cho kinh tế thị trường


    Người dân Cuba thức dậy vào ngày 1 tháng 1 thấy trong ví mất đi một loại tiền. Sau nhiều thập kỷ cân nhắc, đồng peso có thể chuyển đổi (CUC) của hòn đảo, được cố định với đồng đô la và tồn tại bên cạnh đồng peso bình thường của Cuba, đang bị loại bỏ. Trong nhiều năm, sự tồn tại của hệ thống tiền tệ kép và tỷ giá tăng giảm thất thường giữa chúng đã tạo ra những biến dạng làm tiêu hao ngân khố và khiến người dân Cuba nghèo đi.

    Việc bãi bỏ CUC sẽ chấm dứt tỷ giá thuận lợi mà khu vực nhà nước được hưởng, buộc khu vực này phải hành xử giống khu vực tư nhân hơn. Lương hưu nhà nước và lương bình thường sẽ tăng gấp 5 lần, nhưng trợ cấp cho các tiện ích giảm đi — giá điện sẽ tăng gấp đôi. Hầu hết người dân Cuba đều lo ngại và bối rối. Và đô la đang đạt mức giá kỷ lục trên thị trường chợ đen. Chính phủ đã hứa sẽ sâu sát thực tiễn và điều chỉnh giá khi cần thiết, nhưng tâm lý bất bình đang xuất hiện. Một quá trình chuyển đổi chậm rãi, thận trọng sang nền kinh tế thị trường đã bắt đầu.

    Thẩm phán Anh: không dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks sang Mỹ


    Hôm 4/1, một thẩm phán người Anh ra phán quyết rằng ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, không nên bị dẫn độ tới Hoa Kỳ để đối mặt với cáo buộc vi phạm luật gián điệp và âm mưu hack máy tính của chính phủ, theo Reuters.

    Thẩm phán Vanessa Baraitser cho biết bà từ chối dẫn độ ông Assange sang Mỹ vì lo ngại ông có thể tự sát.

    Ông Assange, người Úc, 49 tuổi, bị chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc 18 tội danh âm mưu hack máy tính của chính phủ và vi phạm luật bí mật vì ông đã tung ra một loạt các hồ sơ quân sự bí mật và điện tín ngoại giao từ hơn một thập kỷ trước.

    Các luật sư của ông nói nếu bị dẫn độ và sau đó bị kết tội gián điệp, ông Assange có thể phải ngồi tù từ 30 đến 40 năm, mặc dù các công tố viên nói rằng ông sẽ phải đối mặt không quá 63 tháng tù.

    Các công tố viên Hoa Kỳ và các quan chức an ninh phương Tây coi ông Assange, người sáng lập WikiLeaks, là kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm của nhà nước, kẻ có hành động đe dọa tính mạng của các đặc vụ có tên trong tài liệu bị tiết lộ, theo Reuters.

    Những người ủng hộ xem ông như một anh hùng, người đã trở thành nạn nhân vì ông vạch trần hành động sai trái của Hoa Kỳ trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, và nói rằng việc truy tố ông là một cuộc tấn công báo chí và tự do ngôn luận.

    Châu Âu điều tra dân số

    Năm nay, hầu hết mọi nước Châu Âu sẽ tiến hành một cuộc điều tra dân số, để giúp các chính phủ lập kế hoạch cho tương lai. 60 năm trước, dân số của 27 thành viên EU chiếm 12% tổng dân số thế giới. Ngày nay, con số này là 6% và đến năm 2070, trừ khi các cuộc điều tra dân số có bất ngờ, thì giảm xuống chỉ còn 4%. Nhiều quốc gia châu Âu không có nhiều người nhập cư và di cư, trong khi dân số của họ đã giảm trong nhiều năm.

    Nếu không có nhập cư, dân số của tất cả các nước châu Âu sẽ giảm xuống, khi sinh không thể bù đắp tử. Bên cạnh đó dân số cũng đang già đi: theo dự báo hiện tại, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm 18% vào năm 2070, trong khi dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ khoảng 20% hiện nay lên 30%. Một số người nói dân số ít hơn là điều tốt: tài nguyên của Trái đất đang cạn kiệt. Nhưng nó vẫn đặt ra một vấn đề kinh tế khi số người ăn lương hưu đắt đỏ đông hơn số người lao động đóng thuế.

    Việt Nam đã ký với Công ty AstraZeneca của Anh để mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19.


    Tại buổi họp báo sáng ngày 4/1 của Văn phòng Chính phủ thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, bộ đang song song đàm phán với 4 nước có vắc xin: Anh (Công ty AstraZeneca); Mỹ (Công ty Pfizer); Nga (Sputnik V) và Trung Quốc.

    Thứ trưởng Cường cho hay, đã ký với Công ty AstraZeneca của Anh khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình, từ quý 1 đến quý 4 đều có vắc xin.

    Với Công ty Mỹ, Việt Nam cũng đàm phán lộ trình cung cấp vắc xin kéo dài từ đầu năm đến cuối năm 2021. Với Nga, Việt Nam đàm phán để có thể sản xuất vắc xin COVID-19 theo bản quyền và kỹ thuật của nước này, tại một công ty thuộc Bộ Y tế.

    Theo ông Cường, việc đàm phán còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó, giá chênh nhau không nhiều và phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, điều kiện thanh toán, điều kiện giao hàng và công tác thử lâm sàng.

    Cũng theo ông Cường, các vắc xin đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ. Loại thấp nhất khoảng 65%, cao nhất hơn 94,5%, còn trung bình từ 80-90%.

    Việt Nam thử nghiệm vắc xin COVID-19 thứ 2 trên người


    Việt Nam hiện có 2 vắc xin COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm là Nanocovax của Công ty Nanogen, đã thử nghiệm trên người giai đoạn một từ ngày 10/12. 40 tình nguyện viên đã được tiêm vắc xin liều 25 và 50 mcg, hiện đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường.

    Vắc xin thứ 2 có tên là Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu phát triển. Hiện, IVAC đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ Y tế cho phép triển khai nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Covivac trên người tình nguyện.

    Tuần tới, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) sẽ họp thẩm định hồ sơ để xem xét đưa ra quyết định cho phép thử nghiệm lâm sàng Covivac.

    Nếu được chấp thuận, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội, tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac trên người. Thời gian dự kiến vào cuối tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch trước đó (vào đầu tháng 3/2021).

    Chiều 3/1, TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC Nha Trang khẳng định, việc rút ngắn gần 2 tháng không phải về công nghệ mà rút ngắn về thủ tục.

    Vắc xin này sẽ được tiêm thử nghiệm trên nhiều nhóm người tình nguyện với các liều khác nhau (1 mcg, 3mcg); mỗi người cần tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.

    Mỹ tấn công các tổ chức bình phong rửa tiền


    Truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý đến một luật mới trong luật ngân sách về quốc phòng vừa được Quốc Hội Mỹ thông qua. Luật mang tên Corporate Transparency Act bắt buộc chủ nhân của các tổ chức « bình phong », thường được sử dụng để rửa tiền và trốn thuế, phải cung cấp danh tính. Giới tranh đấu chống rửa tiền ghi nhận đây là « một bước tiến quan trọng đầu tiên ». Nhiều chuyên gia coi Hoa Kỳ là một thiên đường cho các hoạt động rửa tiền.

    Thông thường nói đến chuyện rửa tiền người ta thường nghĩ ngay đến các « thiên đường thuế », như Panama hay quần đảo Caimans, tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh là chính nền kinh tế Mỹ khổng lồ có thể hút về dễ dàng hàng tỉ đô la tiền bất hợp pháp, mà ít ai có thể nhận ra. Nền kinh tế Mỹ đóng vai trò trung gian trong việc biến tiền bất hợp pháp thành « tiền sạch ».

    Nước Mỹ : « Thiên đường rửa tiền »

    Theo ông Gary Kalman, giám đốc chi nhánh Mỹ của tổ chức phi chính phủ Minh bạch Quốc tế Transparency International, luật mới này là « rất căn bản » trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền. Ông Ian Gary, giám đốc điều hành của liên minh vì minh bạch tài chính, Financial Accountability and Corporate Transparency – FACT, ghi nhận : « từ nhiều năm nay các chuyên gia không ngừng coi các tổ chức bình phong là lỗ hổng quan trọng nhất trong hệ thống chống nạn rửa tiền… Đây là một bước tiến quan trọng nhất chúng ta đã có thể làm để bảo vệ hệ thống tài chính của chúng ta trước các lạm dụng ».

    Theo giám đốc chi nhánh Mỹ của tổ chức Minh bạch Quốc tế, bất chấp các căng thẳng về địa chính trị, tiền bất hợp pháp từ Trung Quốc và Nga tiếp tục đổ về Mỹ rất nhiều. Theo ông Gary Kalman, Hoa Kỳ là một trong những nơi rửa tiền dễ dàng nhất trên thế giới, thông qua hàng loạt tổ chức trung gian, qua các cổ phiếu doanh nghiệp, hay qua việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật.

    Ông Gary Kalman nhấn mạnh : « Nước ta (Hoa Kỳ) là thiên đường cho tất cả các chế độ tham nhũng và những kẻ tội phạm muốn cất giấu tiền ». Trả lời AFP, trước khi luật này được thông qua, giám đốc chi nhánh Mỹ của tổ chức Minh bạch Quốc tế lưu ý việc Mỹ là quốc gia nơi việc thành lập các công ty vô danh (anonymous company) là dễ dàng nhất. Người phụ trách của Minh bạch Quốc tế tin tưởng, với luật trên, Hoa Kỳ đã đặt ra « một chuẩn mực » cho hệ thống toàn cầu.

    Bà Nancy Pelosi tiếp tục được bầu là chủ tịch Hạ viện Mỹ

    Bà Nancy Pelosi tiếp tục được bầu vào vị trí chủ tịch Hạ viện Mỹ, trở thành người phát ngôn của Hạ viện.

    Bà Pelosi được bầu vào vị trí chủ tịch Hạ viện trong phiên họp Quốc hội lần thứ 117 diễn ra hôm Chủ Nhật (3/12). Hãng tin Reuters đưa tin, bà Pelosi thắng suýt soát với 216-209 phiếu.

    Trước đó, trong một lá thư gửi cho các cho các đồng nghiệp thuộc đảng Dân chủ của mình, bà Pelosi chúc mừng các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện đã duy trì đa số ghế trong Hạ viện và yêu cầu họ ủng hộ để bà tiếp tục lãnh đạo đảng với tư cách là Chủ tịch. Bà Pelosi cho biết bà mong muốn được làm việc với Joe Biden và Kalama Harris, mặc dù cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống vẫn chưa ngã ngũ.

    Kỳ này, đảng Dân chủ đã mất ít nhất 13 ghế tại Hạ viện. Dù vẫn chiếm đa số nhưng họ chỉ có còn 222 ghế so với số ghế của đảng Cộng hòa là 211.

    Võ Thái Hà tóm lược



    Không có nhận xét nào