Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 13 tháng 1 năm 2021

    Tổ chức chống độc quyền kêu gọi nhóm chuyển tiếp Biden ‘chia nhỏ’ Google và Facebook

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 13 tháng 1 năm 2021

    Một tổ chức chống độc quyền của Mỹ đã kêu gọi nhóm chuyển tiếp Biden nên mở rộng vụ kiện chống độc quyền đối với Google và Facebook và tìm cách “chia nhỏ” các công ty này, theo Reuters.

    Dự án Tự do Kinh tế Mỹ (The American Economic Liberties Project), một tổ chức chống độc quyền có ảnh hưởng ở Washington, đã phát hành một báo cáo trong đó bao gồm hướng dẫn dành cho cơ quan thực thi chống độc quyền trong chính quyền kế nhiệm.

    Đứng đầu tổ chức Dự án Tự do Kinh tế Mỹ là Sarah Miller, người này đang làm việc với nhóm chuyển tiếp Joe Biden.

    Tổ chức Tự do Kinh tế Mỹ đã kêu gọi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ làm rõ rằng bộ sẽ tiếp tục hành động chống độc quyền chống lại Google bằng cách mở rộng phạm vi kiện tụng, không chỉ đối với dịch vụ tìm kiếm bản đồ, du lịch và kho ứng dụng của Google.

    Vào ngày 20/10, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã khởi kiện Google, cáo buộc công ty trị giá 1 nghìn tỷ đô-la này về việc thống trị mảng tìm kiếm và quảng cáo.

    Gần đây nhất là vào tháng 12, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã kiện Facebook, nói rằng công ty này đã sử dụng chiến lược “mua để triệt hạ” để làm tổn thương các đối thủ.

    Báo cáo của tổ chức Dự án Tự do Kinh tế Mỹ kêu gọi chính quyền Biden chỉ định Bộ Tư pháp và các cơ quan thực thi chống độc quyền của FTC có hành động tích cực, và kêu gọi Merrick Garland – ứng cử viên mà ông Biden đề cử là Tổng chưởng lý – hãy “công khai cam kết tìm cách chia nhỏ Google”.


    Các nhà lập pháp Texas xem xét rời khỏi liên bang



    Cờ của tiểu bang Texas và Liên bang Mỹ tung bay trên mái vòm của tòa nhà Texas State Capitol ở Austin (ảnh: Shutterstock).

    Các nhà lập pháp Texas nói rằng họ đang xem xét theo đuổi một phong trào giống như Brexit, ly khai Texas khỏi liên bang, theo Bizpac review.

    Phát biểu trên Newsmax TV hôm thứ Hai (11/1), dân biểu bang Texas Kyle Biedermann nói “Đây không phải là chiến tranh, đây không phải là thực sự ly khai khỏi Hoa Kỳ. Đây là sự khởi đầu của một quá trình, một hành động giống như Brexit,” ông đề cập đến việc Vương quốc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu.

    Biedermann tiếp tục: “Brexit là cuộc bỏ phiếu của người dân và sau đó là quá trình kéo dài 5 năm” dần dần tách rời. Dân biểu Texas gợi ý rằng ông và những nhà lập pháp khác đang thực hiện các bước pháp lý để đặt câu hỏi với cử tri về việc liệu họ có muốn ở lại Hoa Kỳ không, giống như việc công dân Anh bỏ phiếu 52-48% để ly khai Anh khỏi Liên minh châu Âu.

    Ông nói: “Dự luật là bước khởi đầu của quá trình. Chúng ta có muốn có quyền trở thành một quốc gia độc lập không? Nếu câu trả lời là ‘có’, thì quá trình đó bắt đầu.”

    Theo ông Biedermann, bước tiếp theo văn phòng Thống đốc bang Texas Dan Patrick sẽ thành lập một ủy ban và giải quyết mọi điều cần làm “để trở thành một quốc gia độc lập, một bang độc lập, một nước Cộng hòa Texas.”

    Dân biểu gợi ý rằng “nghiên cứu” trước đây về khả năng “Texit” cho thấy hầu hết cư dân địa phương sẽ ủng hộ động thái này.

    Texas đã rời khỏi liên bang một lần trước đây. Sau Nội chiến và Tái thiết, Texas gia nhập hoàn toàn vào Liên bang vào năm 1870.

    Ông Biedermann cho biết các tiểu bang khác cũng đang bày tỏ sự quan tâm đến việc “rời bỏ” Hoa Kỳ. “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các bang khác, vì vậy các bang khác có thể [cũng] muốn tham gia những gì chúng tôi đang làm… Phần lớn các bang đều] không hài lòng với chính phủ liên bang.”, ông nói thêm.

    Tuy nhiên, dân biểu cũng lưu ý rằng Texas khác với những tiểu bang khác vì về cơ bản tiểu bang này có khả năng tự cung tự cấp. Đất đai ở Texas 95% thuộc sở hữu tư nhân, ngoài ra, tiểu bang còn có lưới điện riêng và kho vàng của riêng mình.

    Ông Biedermann nói: “Chúng tôi có rất nhiều thứ mà các bang khác không có, nhưng Texas có thể dẫn đầu và các bang này có thể tham gia cùng với chúng tôi”.

    Indonesia bắt đầu tiêm chủng bằng vắc-xin của Sinovac

    Hôm qua, quốc gia đông dân thứ tư thế giới trải qua ngày chết chóc nhất từ đầu đại dịch đến nay. Hôm nay Indonesia bắt đầu tiêm ngừa cho công dân của mình. Tổng thống Joko Widodo sẽ là người đầu tiên tiêm vắc xin covid-19, tiếp theo là 1,3 triệu nhân viên y tế và sau đó là nhóm dân số trong độ tuổi lao động. Chính phủ đặt hy vọng vào CoronaVac, một loại vắc-xin được phát triển bởi hãng dược Sinovac của Trung Quốc.

    Hầu hết các nước đang ưu tiên người cao tuổi trong chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Nhưng chính phủ Indonesia đã quyết định rằng không có đủ dữ liệu cho thấy liệu CoronaVac có hiệu quả ở người cao tuổi hay không. Thay vào đó, họ sẽ tiêm chủng cho những người trong độ tuổi lao động. Chính phủ kỳ vọng cách làm này sẽ giúp nhanh chóng vực dậy nền kinh tế đang suy thoái lần đầu tiên sau hai thập niên. Đã có sẵn ba triệu liều thuốc, và khoảng 120 triệu liều nữa sẽ được cung cấp. Nhưng thách thức lớn là thuyết phục người Indonesia đi tiêm. Chỉ có 37% sẵn sàng làm vậy, theo một cuộc thăm dò thực hiện hồi tháng 12.

    Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu luận tội ông Trump

    Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump sớm nhất là hôm nay. Ông bị buộc tội “xúi giục nổi loạn” vì vai trò của ông trong vụ bạo loạn tại Đồi Capitol hồi tuần trước. Nếu cuộc bỏ phiếu thành công, ông sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội hai lần. Nhưng phiên tòa của Thượng viện, diễn ra sau khi Hạ viện đã bỏ phiếu, sẽ không thể bắt đầu trước ngày 19 tháng 1, một ngày trước lễ nhậm chức của Joe Biden.

    Nếu mục đích là loại bỏ tổng thống thì tại sao vẫn luận tội ông Trump ngay cả khi ông đã rời nhiệm sở? Hiến pháp Mỹ không cấm điều đó. Động lực của đảng Dân chủ dường như một phần mang tính biểu tượng, buộc ông phải chịu trách nhiệm cho vụ bạo loạn dẫn đến cái chết của sáu người. Và nó cũng rất thực tế: nếu 2/3 Thượng viện bỏ phiếu kết tội ông, ông Trump sẽ không còn cơ hội ra tranh cử. Đồng thời bằng cách buộc các đảng viên Cộng hòa phải chọn hoặc đứng về phía tổng thống hoặc tố cáo ông, cuộc bỏ phiếu sẽ tạo ra vết nứt trong nội bộ đảng này.

    Lạm phát Mỹ vẫn thấp so với kỳ vọng của Fed

    Khi nền kinh tế một lần nữa bị coronavirus tàn phá, dữ liệu lạm phát hôm nay sẽ không phải là chỉ báo kinh tế được người Mỹ quan tâm nhất. Tuy nhiên, áp lực lạm phát có vẻ sẽ tăng vào cuối năm nay. Giá hàng hóa đang bùng nổ. Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden có khả năng đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn nữa. Và hầu hết số việc làm bị mất trong tháng 12 tập trung vào lĩnh vực giải trí và khách sạn, những ngành sẽ nhanh chóng hồi phục khi hầu hết người Mỹ được tiêm phòng.

    “Điểm hòa vốn” lạm phát 10 năm, tức chênh lệch lợi suất hàng năm giữa trái phiếu có tính chỉ số giá tiêu dùng và trái phiếu thông thường, gần đây đã vượt 2%. Tuy nhiên, con số này có lẽ vẫn thấp hơn mức mà Cục Dự trữ Liên bang mong muốn, vì thước đo lạm phát theo mục tiêu 2% thường có độ trễ so với chỉ số giá tiêu dùng, và vì họ muốn đặt mục tiêu cao hơn để bù đắp cho phần bị mất. Còn bây giờ, phần bị mất đó đang ngày càng lớn ra. Dữ liệu CPI tháng 12 công bố hôm nay có khả năng cho thấy lạm phát năm thấp, chỉ khoảng 1,3%.

    Phiên tòa tập thể xét xử 355 mafia Ý


    Trong một phòng xử án được chuyển đổi đặc biệt có an ninh nghiêm ngặt, hôm nay 355 người sẽ xuất hiện trước các thẩm phán ở thành phố Lamezia Terme, miền nam nước Ý, trong phiên tòa xét xử mafia lớn nhất nước này kể từ những năm 1980. Các bị cáo bao gồm Luigi Mancuso, được cho là trùm của ‘Ndrangheta, một tổ chức tội phạm có tổ chức đặt trụ sở tại Calabria, “chân” của “chiếc ủng” Ý”. Phiên tòa hôm nay có một tiền lệ là “phiên tòa tối cao” ở Palermo vào năm 1986 với gần 500 bị cáo.

    Phiên tòa khi đó nhắm vào các thành viên của mafia Sicily, Cosa Nostra. Nhưng nhiều bị cáo trong phiên tòa hôm nay lại bị buộc tội giúp đỡ ‘Ndrangheta, chứ không tham gia nó. Một trong số đó là Giancarlo Pittelli, cựu cấp phó của đảng Forza Italia của Silvio Berlusconi. Ông này phủ nhận hành vi sai trái. ‘Ndrangheta được các cơ quan hành pháp đánh giá là đã vượt xa Cosa Nostra về tiền bạc và ảnh hưởng, chủ yếu nhờ thu nhập từ buôn bán cocaine.

    Virgin Orbit của Mỹ phóng vệ tinh từ máy bay

    Hôm nay những người yêu thích không gian sẽ được xem trực tiếp một vụ phóng vệ tinh thú vị. Virgin Orbit của California có kế hoạch thả một tên lửa mang tên LauncherOne từ một chiếc Boeing 747 bay ở độ cao 10.700 mét. Một lát sau, tên lửa, với động cơ đẩy, sẽ bay lên để phóng mười vệ tinh lên quỹ đạo. Một cuộc thử nghiệm không có vệ tinh hồi năm 2020 đã thất bại. Nếu mọi việc suôn sẻ lần này, thì Virgin Orbit sẽ được ăn mừng thành tích dạng phóng vệ tinh như vậy thành công lần đầu tiên, qua đó mở ra 20 vụ phóng như vậy mỗi năm, theo kỳ vọng của hãng.

    Tuy nhiên, sự bùng nổ các vụ phóng và sự tích tụ mảnh vỡ trên quỹ đạo đang làm tăng nguy cơ va chạm với rác không gian. Theo một tính toán, các vụ suýt va chạm với tàu vũ trụ đang hoạt động đã tăng gấp đôi trong ba năm qua. Một giải pháp là đẩy các vật thể vô chủ xuống bầu khí quyển bên dưới để đốt cháy chúng. Astroscale, một công ty Nhật Bản, đang lên kế hoạch cho hai sứ mệnh nhằm thực hiện điều này. Trong khi đó, ClearSpace, một đối thủ từ Thụy Sĩ, có kế hoạch bắt đầu loại bỏ các mảnh vỡ khỏi không gian từ năm 2025.

    Ứng dụng thay thế tăng 25 triệu người dùng trong 3 ngày sau bão kiểm duyệt của Big Tech

    “Mọi người không còn muốn đánh đổi quyền riêng tư của mình để lấy các dịch vụ miễn phí”, người sáng lập Telegram, Pavel Durov, cho biết.

    “Trong tuần đầu tiên của tháng 1, Telegram đã vượt qua mức 500 triệu người dùng hoạt động trong tháng. Sau đó, tiếp tục có thêm 25 triệu người dùng mới đã tham gia Telegram chỉ trong 72 giờ qua”, người sáng lập Telegram, Pavel Durov, cho biết hôm thứ Ba (12/1), Reclaim the Net đưa tin.

    “Mọi người không còn muốn đánh đổi quyền riêng tư của mình để lấy các dịch vụ miễn phí. Họ không còn muốn bị bắt làm con tin bởi các công ty độc quyền công nghệ dường như nghĩ rằng họ có thể đứng trên bất cứ điều gì miễn là ứng dụng của họ có một lượng lớn tới hạn (số lượng lớn cần thiết) người sử dụng”, ông tiếp tục.

    Sự gia tăng người dùng mới tại Telegram diễn ra trong bối cảnh đàn áp những tiếng nói cánh hữu bảo thủ trên các nền tảng truyền thông xã hội lớn như Facebook và Twitter, một xu hướng leo thang đáng kể sau vụ xâm nhập vào Điện Capitol của những người được cho là ủng hộ Tổng thống Trump vào ngày 6/1.

    Một số người đã đặt câu hỏi liệu Telegram có thể quản lý để duy trì khả năng sử dụng sau khi những gã khổng lồ công nghệ lớn như Apple, Google và Amazon hợp tác với nhau để loại bỏ trang web truyền thông xã hội Parler khỏi Internet. Ứng dụng của trang web đã bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple và cửa hàng Google Play của Google sau cuộc bạo động, và sau đó đã bị xóa hoàn toàn khỏi internet khi Amazon cấm họ sử dụng dịch vụ lưu trữ web của mình.

    Để trả lời những câu hỏi như vậy, Durov đã khuyến khích người dùng của mình tránh các sản phẩm của Apple và sử dụng gói ứng dụng Android tự lưu trữ để tải ứng dụng xuống điện thoại Android. Ông cũng cho biết một phiên bản của Telegram đang được xây dựng để chạy trên trình duyệt web Safari, thay vì chỉ chạy trên “ứng dụng di động gốc” (native app).

    Thăm dò: 77% dân Mỹ muốn Quốc hội tập trung chống dịch bệnh thay vì luận tội TT Trump


    Những ngày gần đây, các cuộc thăm dò ý kiến dư luận do nhiều bang chiến trường Mỹ công bố cho thấy gần 80% người dân cho rằng Quốc hội Mỹ nên tập trung giải quyết đại dịch COVID-19 thay vì luận tội Tổng thống Trump.

    Tối thứ Hai (11/1) cố vấn cấp cao của chiến dịch TT Trump Jason Miller trả lời phỏng vấn trên Newsmax TV rằng ông đã xem kết quả thăm dò ý kiến ở Bắc Carolina, Ohio, Iowa và các bang khác, đại đa số người dân tỏ ra không đồng tình với việc Quốc hội luận tội tổng thống.

    Ông Miller nói: “Chúng tôi muốn hiểu công chúng Mỹ nghĩ gì chứ không chỉ nhìn vào ý kiến ​​của Chủ tịch Hạ viện Pelosi và các phương tiện truyền thông cánh tả, các công ty công nghệ lớn và những gì họ đang làm”. Ông nói tiếp: “Thực sự có một số con số đáng ngạc nhiên trong các cuộc thăm dò. Trên thực tế, điều này không gây kinh ngạc cho chúng tôi, nhưng đối với siêu băng đảng [cánh tả], nó có thể đáng ngạc nhiên”.

    Ông nói, “77% cử tri ở các bang chiến trường hy vọng rằng Quốc hội sẽ tập trung vào việc xử lý virus corona, thay vì theo đuổi việc luận tội Tổng thống Trump và tất cả những điều vô nghĩa như vậy. 74% nói rằng cuộc luận tội rõ ràng có động cơ chính trị”.

    Ông Miller cho biết các cuộc khảo sát cũng hỏi người dân về việc họ nghĩ gì khi các công ty công nghệ lớn như Twitter và Facebook thực hiện các hành động nhằm hạn chế những ý kiến ​​và quan điểm bảo thủ. Cả hai gã khổng lồ truyền thông xã hội này đã cấm TT Trump sử dụng nền tảng của họ kể từ khi xảy ra cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.

    “74% cử tri nói rằng nếu họ [các công ty công nghệ lớn] làm điều này với Tổng thống Hoa Kỳ, họ cũng sẽ nhắm vào những người ủng hộ ông Trump theo cách này… 70% nói rằng các công ty này ngày càng trở nên lớn mạnh hơn. Chúng ta cần phải hành động, dù đó là ‘đập tan’ họ hay xem xét một số vấn đề chống độc quyền”, ông Miller cho biết.

    Ông nói: “Tôi rất nhẹ nhõm khi thấy rằng người Mỹ nhận ra điều này. Họ đã nhìn thấu sự ngụy trang của phe cánh tả Dân chủ, các công ty công nghệ lớn và truyền thông lớn, và người dân đã thấy những gì họ đang làm bây giờ để cố gắng đàn áp tất cả những người đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump. Thật vui khi biết [mọi người hiểu sự thật]”.

    Thế giới 2021 : Các nền dân chủ đối mặt với thách thức Trung Quốc

    Giới nghiêm và phong tỏa chạy đua với Covid-19. Giông bão chính trị cuối nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là hai chủ đề chính trên báo chí Pháp hôm nay. Le Monde tìm hiểu thêm vì sao đại dịch thêm cánh cho kinh tế Trung Quốc và trước mối đe dọa của cường quyền thế kỷ 21, các chế độ dân chủ và nhất là báo chí phải đối phó như thế nào.

    Covid-19, Nước Pháp lo ngại bị phong tỏa một lần nữa, tựa của Le Figaro. Tổng thống Emmanuel Macron trong chiếc lưới chính trị hệ quả của khủng hoảng y tế. Phe đa số bị chỉ trích quản lý kém, Le Monde bổ sung.

    Về tình hình thế giới, Donald Trump một lần nữa bị đe dọa « truất phế ». Nhưng Le Monde cho biết đảng Cộng Hòa kêu gọi « đoàn kết và lên án thủ đoạn chính trị » của đảng Dân Chủ.

    Chiến dịch « Barkhane » ở sa mạc Sahara cũng đang gây chú ý trong công luận nhất là sau cái chết của năm quân nhân Pháp trong hai vụ xe thiết giáp tuần tiễu trúng mìn tại Mali : Giờ tổng kết đã điểm, Hồi giáo võ trang vẫn tiến tới.

    Cũng liên quan đến thế giới Hồi giáo, Libération tổng kết 10 năm sau cách mạng Mùa xuân Ả Rập, một « niềm hy vọng bị tịch biên ». Nhật báo thiên tả phân tích thủ đoạn viết lại lịch sử của các chế độ độc tài Ả Rập như thế nào, cáo buộc phong trào tranh dân chủ từ Tunisia cho đến Ai Cập là do các thế lực thù nghịch gồm Mỹ, Tây phương nói chung, Israel và… Iran giật dây.

    Giải mã sức mạnh kinh tế Trung Quốc

    Về châu Á, Trung Quốc chiếm nhiều trang báo của Le Monde hôm nay. Cho dù đại dịch xuất hiện trước tiên tại Hoa lục nhưng kinh tế Trung Quốc kháng cự mạnh mẽ hơn các đối thủ cạnh tranh, GDP có thể hơn Hoa Kỳ vào năm 2028. Le Monde bắt đầu một loạt phóng sự trong tuần để giải mã sức tăng trưởng của đại cường châu Á này.

    Trung Quốc, xe ủi đất của kinh tế thế giới. Sau khi tránh được suy thoái năm 2020, tăng trưởng của Hoa lục có thể lên đến 8% trong năm 2021 và ngày càng bắt kịp nước Mỹ trong nhiều lãnh vực. Trong năm vừa qua, tài sản của 400 nhà giàu nhất Trung Quốc gia tăng 64%, họ nắm trong tay tổng cộng 2100 tỷ đô la.

    Thông tín viên tại Thượng Hải cho biết thêm, giới kỹ nghệ Trung Quốc, sau ba tháng mùa xuân tê liệt hoạt động, bắt mạch được tình thế mới, đẩy mạnh xuất khẩu máy móc trợ thở và điện tử.

    Động lực thứ ba là tiêu thụ mà khách hàng là thành phần dưới 35 tuổi. Khác với thế hệ phụ huynh, cố gắng làm việc để được thăng thưởng, thế hệ trẻ tiêu xài không hạn chế, tập trung vào những thú vui hằng ngày, đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước trong bối cảnh biên giới đóng cửa ngăn dịch.

    Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc phòng xa theo quan điểm phải kiểm soát bộ máy cung. Những tập đoàn công nghệ cao như Alibaba,Tencent, Baidu, Xiaomi nay lại có thế lực tài chính quá mạnh lấn áp các ngân hàng Nhà nước, quản lý mù mờ và thiếu hiệu năng, từ lâu nay là điểm yếu của nền kinh tế sống nhờ dưỡng khí tín dụng. Đó là lý do mà Jack Ma và một số tài phiệt khác bị sờ tới và báo chí Nhà nước được chỉ thị phải im lặng.

    Đối mặt với Trung Quốc : Không khoan nhượng

    Trong lúc châu Âu và Mỹ lúng túng đối phó với đại dịch và nhất là Washington sa lầy trong khủng hoảng bầu cử tổng thống thì chế độ độc tài Trung Quốc khai thác cơ hội ngàn năm một thuở này để công kích điều mà họ gọi là « nhược điểm của mô hình dân chủ ».

    Bài xã luận « Các nền dân chủ đối mặt với thách thức của thế lực Trung Quốc » mô tả Trung Quốc trong những ngày đầu năm 2021 là một kẻ chiến thắng dịch bệnh cho dù Covid-19 xuất hiện ngay tại Hoa lục. Chiến thắng từ kinh tế đến chính trị. Trong khi Tây phương vẫn còn bị đại dịch bao vây thì kinh tế Trung Quốc tìm lại thế tăng trưởng vững chắc.

    Về chính trị, vụ khủng hoảng cuối thời bi thảm của Donald Trump tạo cơ hội bất ngờ cho các chế độ độc tài chế nhạo các sơ sót của mô hình dân chủ. Nhưng không chỉ có thế, Trung Quốc còn ghi bàn thắng vì trì hoãn đến một năm mới cho phép Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến Vũ Hán trong điều kiện hạn chế. Trong khi đó chế độ chính trị Trung Quốc ngày càng lộ bản chất áp bức, mờ ám.

    Cùng lúc đó, công luận thế giới tỉnh thức trước số phận của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong các trại tuyên truyền chính trị, bị tra tấn, bị cưỡng bách lao động, văn hóa bị hủy diệt. Tân Cương, Hồng Kông, Vũ Hán… các hành động trấn áp không làm chế độ Trung Quốc trả giá ngoại giao. Bắc Kinh biết cách tỏ ra cần thiết đối với phần còn lại của thế giới. Tình trạng quốc tế lệ thuộc vào khẩu trang Trung Quốc vào mùa xuân 2020 là bằng chứng cụ thể. Bắc Kinh còn có lý do để hài lòng vì cho dù Hồng Kông bị luật an ninh khép chặt, cho dù những người dân báo động về đại dịch ở Vũ Hán bị giam cầm, Liên Hiệp Châu Âu vẫn thẩm định tình hình thuận lợi để ký kết một hiệp định đầu tư với Trung Quốc. Theo Le Monde, châu Âu đã phản bội giá trị của mình mà không được gì ở Trung Quốc, cụ thể từ Trung Quốc của Tập Cận Bình.

    Sai lầm của châu Âu, báo chí phải cảnh giác


    Do vậy, theo nhật báo độc lập, sai lầm của châu Âu cho thấy nhu cầu cấp thiết của mọi thành phần của các chế độ dân chủ, từ Nhà nước, tổ chức đa phương, xí nghiệp, phải có biện pháp đối phó trong quan hệ với Trung Quốc. Trong mọi quan hệ, như trong vụ triển lãm lịch sử Mông Cổ ở Nantes, Trung Quốc luôn áp đặt quan điểm chính thức. Hay là trong hồ sơ xuất khẩu than đá, rượu vang, tôm hùm, Úc bị đối tác Trung Quốc tẩy chay vì Canberra đòi mở điều tra quốc tế về cội nguồn siêu vi Covid-19.

    Khác với thời chiến tranh lạnh, chúng ta bước vào thời kỳ xung khắc cài răng lược. Sau khi thấy các chế độ độc tài của thế kỷ 20 sụp đổ vì kềnh càng, chế độ độc tài thế kỷ 21 không để cho dấu hiệu thất bại lộ ra. Do vậy mà chúng ta phải chơi với Trung Quốc nhưng đừng bán linh hồn. Báo chí cũng phải như thế.

    Trong bối cảnh Bắc Kinh một mặt đầu tư dồi dào vào tuyên truyền ở nước ngoài, một mặt trục xuất phóng viên các nhật báo lớn của Mỹ, hoạt động điều tra tại hiện trường ngày càng khó. Nhưng cần phải kể lại những phát triển ngoạn mục của các thành phố, những khát vọng của người dân, mối quan hệ phức tạp với Nhà nước đảng trị, các quyền tự do cá nhân và hành động đàn áp của chế độ.

    Như một lời thệ nguyện, Le Monde cam kết, sẽ tiếp tục thiên chức này, tìm hiểu, các chủ đề về Trung Quốc với lời lẽ chính trực, không khoan nhượng, không tránh né trước thách thức của Trung Quốc.

    Covid-19, phong tỏa hay giới nghiêm ?

    Toàn quốc phong tỏa hay tùy địa phương trước đã ? Vac-xin trắc trở ra sao ? Những đề tài tiếp tục gây tốn nhiều giấy mực. La Croix so sánh các biện pháp « phong tỏa » tại Anh với Pháp. Le Figaro dứt khoát từ chối « nhà tù tại gia ».

    Nhật báo thiên hữu than thở : "Một lần nữa chúng ta phải đóng cửa nhà mỗi ngày từ 6 giờ chiều ? Ngày và đêm ư ? Lẽ ra phải tập trung gia tăng khả năng tiêm ngừa cho dân chúng. Phong tỏa là một thất bại của con người đối với siêu vi vô ảnh vô hình. Tiêm ngừa là chiến thắng của chính trị", xã luận « Tù tại gia » kết luận.

    Tiêm ngừa ư ? La Croix cho biết ngay trong giới y tế, có người muốn tiêm ngay có người do dự. Tâm lý hoài nghi tiêm chủng còn nhiều. Nhật báo Công giáo đưa độc giả sang Luân đôn để thấy dân Anh, tuy bị phong tỏa, nhưng « nhẹ hơn Pháp » nhiều .Ngoài đường không ai đeo khẩu trang, cửa hàng quán bar vẫn đông khách và không ai đeo khẩu trang, vui vẻ cười trao đổi.


    Võ Thái Hà tóm lược


    Không có nhận xét nào