Header Ads

  • Breaking News

    Bỏ hộ khẩu giấy: sẽ văn minh hơn trong quản lý dân?

     

    Chiều 25 tháng Hai năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và lãnh đạo Bộ Công an đã bấm nút chính thức khai trương hai dự án số hóa có quy mô lớn là Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Điều này có nghĩa Việt Nam chính thức vận hành hệ thống quản lý cư dân bằng điện tử thay cho hộ khẩu giấy.

    Bỏ hộ khẩu giấy: sẽ văn minh hơn trong quản lý dân?

    Đón nhận tin này, blogger Tuấn Khanh cho rằng cần phải có thời gian mới biết việc quản lý người dân có thực sự văn minh như tên gọi của nó hay không. Anh nói:

    “Thật sự là tất cả mọi chuyển động mới tại Việt Nam đều rất đáng mừng. Chính phủ Việt Nam đang hướng về hướng của một thế giới văn minh. Tuy nhiên việc quản lý cụ thể như thế nào thì cần phải có thời gian để chứng minh rằng chính phủ Việt Nam thật sự có sự rộng mở và quản lý con người một cách văn minh như các quốc gia văn minh trên thế giới. Bởi vì cho đến lúc này, có rất nhiều người tại Việt Nam hoàn toàn không có giấy tờ gì hết.

    Nếu bây giờ họ tiếp tục đi đăng ký bằng một con số để được chứng nhận bằng một cái ID trên hệ thống điện tử mà vẫn không được, thì việc bỏ hộ khẩu giấy hay không thì nó vô nghĩa.

    Mình không hiểu cái tư duy quản ý điện tử và quản lý giấy nó có khác biệt, có văn minh hơn không dù trên bề mặt thì có vẻ tốt đẹp. Đó là diều mừng nhưng vẫn phải chờ đợi xem nó có thực sự tốt đẹp hơn không.”

    Chính phủ Việt Nam đang hướng về hướng của một thế giới văn minh. Tuy nhiên việc quản lý cụ thể như thế nào thì cần phải có thời gian để chứng minh rằng chính phủ Việt Nam thật sự có sự rộng mở và quản lý con người một cách văn minh như các quốc gia văn minh trên thế giới. - Blogger Tuấn Khanh

    Blogger Tuấn Khanh đưa hai trường hợp cụ thể về cách hành xử mà anh cho là vô lý của chính quyền đối với người dân của mình liên quan đến giấy tờ cá nhân. Đó là trường hợp Thương tọa Thích Không Tánh và trường hợp cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thanh Tú. Anh kể:

    “Thương tọa Thích Không Tánh bị một kẻ lạ mặt ăn cắp toàn bộ giấy tờ. Đến bây giờ thầy vẫn không thể làm lại CMND. Do đó, dù có đi xa đến đâu trong tình trạng sức khỏe kém Thầy vẫn phải đi xe đò vì không thể đi máy bay. Hay trường hợp anh Huỳnh Anh Tú (chồng Phạm Thanh Nghiên). Từ khi ra tù anh Tú đến nay vẫn không thể xin được CMND vì chính quyền cho rằng không thể xác nhận nhân thân anh Tú.”


    Quản lý người dân bằng hộ khẩu là một hình thức quản lý được Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp dụng ở miền Bắc từ thập niên 1950. Hình thức này được áp dụng trên toàn đất nước Việt Nam kể từ sau 30 tháng Tư năm 1975.

    Sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và cuốn sổ này liên quan đến hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống của người dân, từ chuyện ăn, ở, học hành, kết hôn … Với những rắc rối mà cái hộ khẩu gây nên cho người dân suốt mấy chục năm qua, đã có không ít ý kiến cho rằng cần phải bỏ chế độ hộ khẩu.

    Ngày 30 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng chính phủ nguyễn Xuân Phúc ký Nghị quyết 112/NĐ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong đó có điều khoản bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

    Một tuần sau đó, Bộ trưởng Công an Thượng tướng Tô Lâm xác nhận với báo chí trong nước về việc chính phủ quyết định bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư và thay bằng việc quản lý qua mã số định danh cá nhân.

    Cần thay đổi từ trong tư duy

    Ngày 17 tháng 10 năm 2018, Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng. Bộ Công an đưa ra hai phương án: Hoặc giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay, hoặc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

    Tại phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về Dự thảo Luật Cư Trú sửa đổi diễn ra hôm 10 tháng Tám năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có phát biểu liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu. Bà nói nguyên văn: “Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà”.

    Ai đã từng sống ở miền Bắc Việt Nam từ những năm 1950, hay ở miền Nam từ sau năm 1975 dưới thời bao cấp đều hiểu thấu nỗi khổ về sự phụ thuộc vào cuốn sổ hộ khẩu. Ai không có hộ khẩu sẽ bị coi như sống bên lề xã hội, bởi người không có hộ khẩu sẽ bị mất đi nhiều quyền lợi căn bản như không được đi học, đi làm, không được mua bất cứ nhu yếu phẩm nào cho cuộc sống hàng ngày…

    Đến nay, sau 70 năm cuốn sổ hộ khẩu có mặt ở Việt Nam, nó đã được thay thế bằng hình thức khác nghe văn minh hơn, đó là mã số định danh cá nhân.

    Việc bỏ cái hộ khẩu giấy được cho là một bước tiến trong việc quản lý dân cư của các cơ quan chức năng, cũng như giảm bớt sự phiền hà cho người dân. Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ lại cho rằng câu chuyện không đơn giản như thế. Ông phân tích:

    Nếu tiếp tục quản lý kiểu đó nghĩa là còn có những chế độ, chính sách theo hộ gia đình chứ không phải đối với từng người dân. Tôi cho rằng bây giờ nên xóa cái ranh giới hộ gia đình. Hơn nữa, Bộ luật dân sự của Việt Nam cũng không hề có định nghĩa về hộ gia đình.- Giáo sư Đặng Hùng Võ

    “Sự thực thì nó cũng đơn giản cho người dân hơn khi không phải giữ cái sổ hộ khẩu trong người như một vật bất ly thân. Thế nhưng ở đây tôi cho câu chuyện chính không phải là hộ khẩu giấy hay hộ khẩu điện tử, mà câu chuyện ở đây là có nên tiếp tục quản lý theo hộ khẩu hay không?

    Nếu tiếp tục quản lý kiểu đó nghĩa là còn có những chế độ, chính sách theo hộ gia đình chứ không phải đối với từng người dân. Tôi cho rằng bây giờ nên xóa cái ranh giới hộ gia đình. Hơn nữa, Bộ luật dân sự của Việt Nam cũng không hề có định nghĩa về hộ gia đình.

    Quản lý theo hộ khẩu là sản phẩm sinh ra từ thời bao cấp. Bây giờ cơ chế thị trường rồi thì không cần quan tâm đến chuyện trong hộ gia đình có những ai nữa. Hãy để cho mọi người có quyền tự do cư trú, không vướng vào chuyện hộ khẩu nữa. Đừng có tư duy quản lý theo hộ khẩu nữa. Cho đến giờ, theo ý kiến của Bộ Công an thì vẫn cần thiết phải quản lý dân cư theo hộ khẩu, chỉ có thay hộ khẩu giấy bằng hộ khẩu điện tử mà thôi.”

    Hai dự án số hóa là Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được Chính phủ giao Bộ công an thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, khi hai hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào