Header Ads

  • Breaking News

    Cuộc chiến biên giới 1979: Vì sao báo chí Việt Nam vẫn e dè không nói Trung Quốc xâm lược Việt Nam?

    Đúng 42 năm ngày quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa nổ súng tấn công khắp các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, 17/2/1979-17/2/2021, đến nay báo chí nhà nước Việt Nam vẫn e dè khi nêu tên Trung Quốc trong các bài viết kỷ niệm.

    Cuộc chiến biên giới 1979: Vì sao báo chí Việt Nam vẫn e dè không nói Trung Quốc xâm lược Việt Nam?

    Cụ thể, trong bài “Ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc sau 42 năm” đăng tải trên tờ Báo Tin Tức của Thông Tấn Xã Việt Nam, người đọc sẽ rất khó hiểu vì không rõ Việt Nam đã chiến đấu với nước nào trong cuộc chiến này.

    Điều tương tự xảy ra với báo điện tử Vietnamnet khi đưa tin về cuộc dâng hương tưởng niệm các “Anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Quảng Ninh.

    Độc giả cũng hoàn toàn không biết, vì sao các chiến sĩ này đã tử trận và trong cuộc chiến với nước nào.

    Mạng báo Tiền Phong với bài viết “Anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc mãi là tấm gương sáng” cũng không nhắc đến Trung Quốc.

    Trao đổi với RFA tối 17/2, ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu lịch sử và từng là một cựu binh vào thời điểm cuộc chiến biên giới phía Bắc, nhận định về tình trạng e dè vừa nêu của truyền thông Việt Nam không nêu tên Trung Quốc tấn công Việt Nam hồi năm 1979:

    “Tôi nghĩ rằng việc không nêu tên đích danh Trung Quốc là quân xâm lược thì đó là lỗi của Tổng Biên tập các tờ báo.

    Tôi nghĩ rằng không có thế lực nào cấm không được nêu tên Trung Quốc vì báo Thanh Niên hàng năm vẫn có những bài báo chỉ rõ là đội quân xâm lược từ Trung Quốc.

    Do đó, tôi thấy rằng việc tự biên tập, tự hạn chế hoặc không muốn gây hiềm khích mới trong mối quan hệ hiện nay là do thái độ của Tổng Biên tập báo.”

    Cuộc chiến chỉ mới mấy chục năm mà lại không nhắc đến thì rất nguy hại cho lớp trẻ bởi vì họ không biết đến cuộc chiến thì cũng không biết đến kẻ thù thường trực của Việt Nam là Trung Quốc trong suốt lịch sử kéo dài của Việt Nam. - Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

    Theo ghi nhận của RFA, hầu hết các bài báo trong 2 ngày qua đều không gọi tên Trung Quốc trong tiêu đề, chỉ có một số báo như Thanh Niên và Kiến Thức gọi thẳng.

    Điển hình như bài “42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Đánh trả quân xâm lược Trung Quốc” mà tờ Thanh Niên đăng tải những hình ảnh chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân tỉnh Cao Bằng trong tháng 2 và 3/1979.

    Ngoài ra, trong bài viết của Tuổi trẻ đăng sáng 17/2/2021 chỉ gọi tên Trung Quốc duy nhất một lần ở gần cuối bài khi nhắc đến sự kiện tháng 3/1979, “quân Trung Quốc đã giết sạch 43 người là anh chị em công nhân và gia đình họ ở trại lợn Đức Chính cạnh đó rồi ném xuống cái giếng nước dưới những khóm tre”.

    Từ Hà Nội, nhà báo độc lâp Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản cho hay:

    “Tôi nhớ là hầu như không có bài nào viết về chiến tranh biên giới trong thời kỳ tôi làm ở đấy gần 10 năm, từ tháng 8/1992-1/2001.”

    Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, dù tình hình nhắc đến Trung Quốc trong những vấn đề nhạy cảm hiện nay đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn chưa có bước tiến đáng kể. Ông lập luận:

    “Đối với nhà nước Việt Nam thì Trung Quốc là đồng minh ý thức hệ, đồng minh chiến lược nên trong việc đề cập đến chiến tranh biên giới chống Trung Quốc thì bao giờ người ta cũng e dè.

    Chỉ từ nửa năm nay, từ đợt Malaysia có văn bản lên Ủy ban Biển Quốc tế sau đó Trung Quốc phản ứng và Việt Nam cũng có đơn yêu cầu, đến việc ASEAN họp thì Việt Nam đưa được nội dung về Biển Đông vào cuộc họp. Tóm lại là hơn nửa năm nay, động thái của Việt Nam đối với Trung Quốc có khác trước, tức dám nói ra những quyền lợi, lợi ích của mình trước cộng đồng quốc tế.


    Đợt này cũng có một và tờ báo có nói về chiến tranh Trung Quốc xâm lược nhưng vẫn còn rất dè dặt. Nó là truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay là không dám nói động gì đến những vụ thế này. Tình trạng vẫn kéo dài như thế.”

    Ông Đinh Kim Phúc nêu ra nguyên nhân vì sao truyền thông lề phải trước đây hạn chế nhắc đến cuộc chiến năm 1979:

    “Vấn đề hậu chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam chống quân xâm lược Trung Quốc từ lâu Việt Nam tuân thủ các thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô là không nhắc lại quá khứ, không gây lại hận thù giữa hai quốc gia để cùng phát triển.

    Tôi đánh giá rằng Việt Nam đã tuân thủ cam kết đó rất tốt, nhưng ngược lại Trung Quốc hàng năm đến ngày 17/2 vẫn làm các cuộc tưởng niệm cái gọi là cuộc phản kích sùng vệ, dạy cho Việt Nam một bài học bằng hình thức này, bằng một hình thức khác về chiến binh Trung Quốc.

    Chúng ta thấy một thời gian dài sau khi trở lại bình thường hóa quan hệ Việt – Trung thì những cái về hình thức trong thời kỳ từ năm năm xung đột biên giới phía Bắc Việt Nam không được Việt Nam nhắc đến.”

    Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng chính những điều ông vừa nêu đã gây ra tâm lý nghi kỵ trong quần chúng nhân dân: Liệu Hà Nội có khuất phục Bắc Kinh hay không? Liệu Hà Nội đang toan tính gì mà nhân dân không được tưởng niệm, cựu chiến binh không được nhắc đến?

    Tuy nhiên, ông Đinh Kim Phúc cũng cho biết chính phủ Hà Nội đang ngày càng mở rộng cho người dân biết thêm về cuộc chiến. Ông đưa ra dẫn chứng:

    “Trong một thời gian gần đây, nhất là sau sự việc HD-981 vào thềm lục địa của Việt Nam thì nhiều bài báo, rất nhiều sự kiện đã nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới vào tháng 2/1979.

    Mới gần đây, với sự chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thì bộ phim năm 1979 đã nói rất rõ quá trình, âm mưu, thủ đoạn và tiến trình của cuộc chiến tranh ở biên giới phía nam và biên giới phía bắc.”

    Bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình: Năm 1979” được chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia VTV1 vào tối 11/8/2020.

    Tôi nghĩ rằng việc không nêu tên đích danh Trung Quốc là quân xâm lược thì đó là lỗi của Tổng Biên tập các tờ báo. Tôi nghĩ rằng không có thế lực nào cấm không được nêu tên Trung Quốc vì báo Thanh Niên hàng năm vẫn có những bài báo chỉ rõ là đội quân xâm lược từ Trung Quốc. - Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

    Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020. Đứng đầu Ban chỉ đạo là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng. Chỉ đạo nội dung là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu.

    Các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ nhận định Ban Tuyên giáo Việt Nam có một sự thay đổi trong cách đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung thông qua việc công chiếu bộ phim.

    Dù vậy, ngay ngày kỷ niệm 42 năm sau cuộc chiến, việc hầu hết các báo đều né tránh nhắc đến tên Trung Quốc trong cuộc chiến năm 1979 khiến nhiều người quan tâm không khỏi bức xúc.

    Không chỉ thế, việc này còn gây ra những nguy hại khác, như lời nhà báo Nguyễn Vũ Bình:

    “Nó rất độc hại, làm cho người trẻ tuổi không biết được lịch sử dân tộc, gần như quên gốc gác của mình, nhất là với kẻ thù truyền kiếp ở phương Bắc. Cuộc chiến chỉ mới mấy chục năm mà lại không nhắc đến thì rất nguy hại cho lớp trẻ bởi vì họ không biết đến cuộc chiến thì cũng không biết đến kẻ thù thường trực của Việt Nam là Trung Quốc trong suốt lịch sử kéo dài của Việt Nam.”

    Cuộc tấn công của người láng giềng phía Bắc Việt Nam diễn ra vào rạng sáng ngày 17/2/1979.

    Bấy giờ, sáu trăm ngàn quân Trung Quốc với chín quân đoàn chủ lực cùng hơn 2.500 khẩu pháo, năm trăm xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.

    Cuộc chiến kết thúc khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 16/3 cùng năm.

    Thống kê cho thấy có đến 60.000 người Việt chết và bị thương trong cuộc chiến này, phía Trung Quốc có hơn 21.700 người chết và bị thương.

    https://www.rfa.org/

    Không có nhận xét nào