Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 23 tháng 2 năm 2021 |
Liên Xô là nước đầu tiên hạ cánh xe tự hành (rover) lên bề mặt hành tinh Hỏa (Mars) đúng 50 năm trước.
Năm 1971, Mỹ và Liên Xô chạy đua gửi tàu vũ trụ từ trái đất lên hành tinh Hỏa. Tàu vệ tinh (Orbiter) của Mỹ đến trước một chút, đó là tàu Mariner 9. Hai tàu vệ tinh của Liên Xô là Mars 2 và Mars 3 của Liên Xô đến sau.
Thế nhưng Liên Xô mới là nước hạ cánh được tàu đổ bộ (Lander) lên bề mặt hành tinh Hỏa, và từ hai tàu đổ bộ này hai xe tự hành Mars 2 và Mars của Liên Xô mới là hai robot đầu tiên chạm vào hành tinh Hỏa. Con tự hành Mars va chạm mạnh và tèo. Con Mars 3 mất tín hiệu sau vài chục giây.
Tùy vào vị trí tương đối của Hỏa so với Trái Đất mà tín hiệu vô tuyến đi từ Hỏa về Đất mất từ 4 đến 20 phút, nên thiết kế của xe tự hành gần như là một dạng AI thô sơ. Con Mars của Liên Xô rất bé, không dùng bánh xe mà có hai thanh trượt hai bên như xe trượt tuyết, nhưng hai thanh này sẽ bước đi như các bước chân robot cơ khí. Xe có có các sensor để phát hiện chướng ngại vật, và có hai thiết bị đo là thẩm kế (penetrometer) và mật độ kế (densitometer). Xe tự hành Mars của Liên Xô chỉ có tầm hoạt động 15 mét cách thiết bị đổ bộ.
Trước đó một năm, năm 1970, Liên Xô đã thành công với xe tự hành Lunokhod thả lên mặt trăng.
Liên Xô phóng hai con tàu của mình lên hành tinh Hỏa vào ngày 19 và 28 tháng Năm năm 1971. Vài ngày sau Mỹ phóng tàu của mình, là ngày 30 tháng Năm. Cả hai nước đều chọn cửa sổ phóng (thời gian phóng) thuận lợi nhất để rút ngắn tối đa thời gian đi đến hành tinh Hỏa. Mỹ phóng sau nhưng tàu lại đến quỹ đạo hành tinh Hỏa trước, đó là ngày 14 tháng Mười một. Hai tàu của Liên Xô lần lượt đến quỹ đạo hành tinh Hỏa vào ngày 27 tháng Mười một và ngày 2 tháng Mười hai năm 1971
Mặc dù vụ hạ cánh của xe tự hành thất bại, nhưng tàu vệ tinh của Liên Xô ở trên quỹ đạo vẫn chụp và gửi rất nhiều ảnh hành tinh Hỏa về trái đất.
Ngày 18 tháng Hai vừa rồi, xe tự hành Perseverance của NASA đã hạ cánh lên hành tinh Hỏa. Nó được phóng ngày 30 tháng Bảy năm ngoái, đúng lúc trái đất trong cao trào đại dịch Covid.
Perseverance, nặng 1 tấn, không phải xe tự hành có bánh xe đầu tiên hạ cánh lên hành tinh Hỏa. Trước đó NASA đã có các xe Oppotunity và Curiosity hoạt động trên bề mặt hành tinh Hỏa năm 2004 và 2011; Nasa cũng có tàu đổ bộ Viking 1 hạ cánh xuống hành tinh Hỏa lần đầu tiên năm 1976. Còn xe tự hành có bánh đầu tiên lên hành tinh Hỏa là xe Sojourner nặng 11.5 kg, hạ cánh năm 1997.
Bù lại, Perseverance lần đầu tiên mang lên hành tinh Hỏa một chiếc máy bay trực thăng. Máy bay này, có tên là Ingenuity, nặng 1.8 kg, có tầm bay cách Perseverance khoảng 1 km.
Việc NASA hạ cánh thành công Perseverance đánh dấu đúng nửa thế kỷ Nga và Mỹ lần đầu tiên cùng nhau nhìn thấy hành tinh Hỏa từ trên quỹ đạo.
Brazil chưa thể triển khai vắc-xin nhanh chóng
Sau khi hết vắc-xin covid-19 vào thứ Tư tuần trước, trong tuần này các quan chức Rio de Janeiro đang kỳ vọng nhận được lô CoronaVac mới, một loại vắc xin do Trung Quốc phát triển được sản xuất ở bang São Paulo gần đó. Cho đến nay, chỉ khoảng hơn 2% trong số gần 7 triệu dân Rio đã được tiêm liều đầu tiên. Những người tiếp theo, nhóm 82 tuổi, vẫn đang đợi.
Các thành phố khác cũng bị thiếu hụt nguồn cung; chỉ mới có 2,8% dân số của đất nước đã được tiêm chủng. Trong khi đó các chuyên gia nói nếu chính phủ không đẩy nhanh chương trình tiêm chủng sẽ gây ra một số thiệt hại cho nền kinh tế. Theo hãng tư vấn LCA, nếu 70% dân số được tiêm chủng vào tháng 8, GDP sẽ tăng 5,5% trong năm nay. Còn nếu đến tháng 12 vẫn chưa đạt được mục tiêu này, thì con số đó sẽ bị giảm đi hai điểm phần trăm.
Số liệu thị trường lao động Anh vẫn ổn định
Các số liệu công bố hôm nay dự kiến cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Anh ở mức khoảng 5% trong tháng 12. Nó vẫn ở mức thấp đáng kinh ngạc – đặc biệt khi GDP giảm khoảng 10% trong năm 2020 – và chủ yếu là nhờ chương trình duy trì việc làm của chính phủ. Theo chương trình, nhà nước trả tới 80% tiền lương cho những nhân viên bị cho nghỉ việc tạm thời. Chương trình dự kiến khép lại vào tháng 4, nhưng nhiều khả năng sẽ được bộ trưởng tài chính Rishi Sunak gia hạn trong dự thảo ngân sách được ông công bố vào ngày 3 tháng 3.
Một vấn đề chính trị phức tạp hơn đối với ông Sunak là phải làm gì với chương trình Universal Credit, phần cứu trợ chính của Anh cho những người không việc làm. Nó được tăng thêm 20 bảng Anh (28 đô la) mỗi tuần vào tháng 3 năm 2020. Nhưng mức tăng đó sẽ hết hạn trong vài tuần tới đây. Do các quy định giãn cách xã hội chỉ được tháo dỡ từ từ, mức tăng này, tương tự như chương trình trả lương hộ, có thể sẽ được gia hạn ít nhất là đến mùa thu.
Điều trần phê chuẩn Bộ trưởng Nội vụ của chính quyền Biden
Deb Haaland (trong hình) sẽ là bộ trưởng người Mỹ bản địa (da đỏ) đầu tiên của Hoa Kỳ — nếu được Quốc hội phê chuẩn. Joe Biden đã đề cử vị nữ dân biểu Dân chủ từ New Mexico này làm lãnh đạo Bộ Nội vụ, cơ quan quản lý tới 1/5 diện tích đất đai, tài nguyên thiên nhiên và mối quan hệ với các bộ lạc của Mỹ. Song tấm vé mang tên bà Haaland không có được sự ủng hộ lưỡng đảng.
Tại phiên điều trần phê chuẩn hôm nay, Ủy ban Thượng viện về Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên sẽ tra khảo bà Haaland về thái độ ủng hộ của bà đối với Thỏa thuận Xanh Mới, một chương trình nghị sự bảo tồn thiên nhiên đầy tham vọng cũng như việc bà phản đối công nghệ fracking (khoan dầu đá phiến bằng thủy lực). Những ý tưởng này không hợp ý các nhà lập pháp Cộng hòa từ các bang miền Tây vốn phụ thuộc vào dầu khí để có việc làm và doanh thu. Họ lo lắng là đúng. Trong khi Bộ Nội vụ của Donald Trump tay trong tay với ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, ông Biden đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với họ. Nếu được phê chuẩn, bà Haaland và bộ này sẽ giữ vị trí trung tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chính quyền mới.
Apple họp đại hội đồng cổ đông
Cuộc họp đại hội đồng thường niên của Apple vào hôm nay sẽ được tổ chức trực tuyến, thay vì trực tiếp tại Nhà hát Steve Jobs, địa điểm của mọi năm. Vì không hạn chế tham gia, nên sẽ có nhiều cổ đông hơn tham dự. Giám đốc điều hành Tim Cook có thể sẽ nhận những câu hỏi về hai tranh chấp công nghệ mà Apple đã mắc phải trong 12 tháng qua. Một liên quan đến nhà sản xuất trò chơi điện tử Epic Games, bên vào tháng 8 đã đệ đơn khiếu nại chống độc quyền đối với các hạn chế của App Store lên mua hàng trong ứng dụng.
Vấn đề còn lại là với Facebook, bên phản đối những thay đổi về quyền riêng tư sắp tới trên iOS14, hệ điều hành của Apple. Không còn vấn đề lớn nào khác. Hai đề xuất do các cổ đông đệ trình liên quan đến vấn đề quản trị công ty và trả lương cho lãnh đạo không điều hành, những vấn đề không phải tâm điểm chính trị hay xã hội lớn. Đó có thể là do Apple là chuyên gia trong việc chặn những đề xuất rắc rối hơn từ trước cuộc họp. Một vấn đề cũng đáng chú ý sẽ là tìm kiếm sự chấp thuận của cổ đông về việc gắn các mục tiêu về môi trường và xã hội với mức lương của các lãnh đạo Apple.
Bắc Kinh vạch ra 4 ‘lằn ranh đỏ’ với chính quyền TT Biden
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Hoa Kỳ đáp ứng bốn yêu cầu từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Diễn đàn Lanting, một hội nghị qua video do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức vào ngày 22/2, theo Epochtimes.
Các yêu cầu bao gồm: chấm dứt hỗ trợ cho Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng; nối lại đối thoại Mỹ – Trung; chấm dứt thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với những doanh nghiệp Trung Quốc; loại bỏ tất cả các hạn chế đối với các cơ quan thông tấn và thực thể văn hóa của Trung Quốc như Viện Khổng Tử.
Sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2020, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức ngoại giao cấp cao của ông đã thúc giục Mỹ thay đổi chính sách với Trung Quốc.
Bốn lằn ranh đỏ của ĐCSTQ
Ông Vương tuyên bố tại hội nghị rằng, chế độ độc đảng toàn trị của ĐCSTQ là một hệ thống dân chủ, và Hoa Kỳ đã hiểu sai về Bắc Kinh trong những năm qua.
Sau đó, ông liệt kê bốn đề xuất với chính quyền mới như những điều kiện tiên quyết để xây dựng “quan hệ Mỹ-Trung lành mạnh”.
Trong yêu cầu đầu tiên, ông Vương tuyên bố: “Hãy dừng những hành vi và những bài phát biểu sai trái hoặc thậm chí ủng hộ những người ly khai đòi độc lập ở Đài Loan”. Tiếp theo là “Ngừng can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc liên quan đến Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng.”
Đài Loan là một khu vực có chính phủ dân cử, hệ thống lập pháp và hệ thống tư pháp, cũng như quân đội, tiền tệ của riêng mình… Nhưng Bắc Kinh coi đây là một tỉnh ly khai và thường xuyên can thiệp vào nỗ lực gia nhập cộng đồng quốc tế của Đài Loan.
ĐCSTQ cũng bị quốc tế lên án vì đã vi phạm lời hứa duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ” với Hồng Kông bằng cách ban hành Luật An ninh Quốc gia vào tháng 6/2020.
Tại Tân Cương, ĐCSTQ tiếp tục giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại các trại tập trung. Trong khi ở Tây Tạng, chế độ này tra tấn người dân vì đức tin của họ và phá hủy di sản văn hóa của người dân.
Yêu cầu thứ hai từ ông Vương là nối lại đối thoại Mỹ-Trung.
Thứ ba là chấm dứt thuế quan bổ sung đối với các sản phẩm của Trung Quốc, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp và viện của Trung Quốc, và hỗ trợ sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Trong những thập kỷ trước, ĐCSTQ bị cáo buộc ăn cắp các công nghệ tiên tiến từ Hoa Kỳ. Một số lượng lớn gián điệp Trung Quốc đã bị giam giữ và thậm chí bị kết án tại Mỹ sau khi đánh cắp các mẫu, thiết kế và tài liệu mật từ các phòng thí nghiệm, nhà máy và quân đội của Hoa Kỳ. Một số sản phẩm của Trung Quốc, chẳng hạn như hệ thống viễn thông của Huawei, bị phát hiện có sơ hở khiến tin tặc Trung Quốc dễ dàng lợi dụng để tấn công người dùng nước ngoài.
Yêu cầu thứ tư của ông Vương là xóa bỏ tất cả hạn chế đối với các thực thể giáo dục, văn hóa, tin tức và đối ngoại của Trung Quốc.
Khác với các thực thể đối ngoại và văn hóa của thế giới tự do, các cơ sở này (như Viện Khổng Tử) là một phần của hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ hoặc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất nhằm thực hiện mệnh lệnh của ĐCSTQ.
Phản ứng của Tòa Bạch Ốc
Đáp lại bài phát biểu của ông Vương, trong cuộc họp báo ngày 22/2, bà Jen Psaki, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc cho biết, chính quyền của TT Biden sẽ phối hợp “với các đối tác và đồng minh của chúng tôi trên khắp thế giới, người châu Âu, các đối tác khác trong khu vực, cũng như các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội” để giải quyết mối quan hệ Mỹ-Trung.
Bà nói rằng mình không có bất kỳ cập nhật nào liên quan đến vấn đề thuế quan.
Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về chính sách của ông Biden đối với Đài Loan, Biển Đông và các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Thị trường smartphone toàn cầu xáo trộn: Apple đứng đầu, Huawei tụt hạng
Theo một báo cáo của Financial Times vào ngày 22/2, sau khi ra mắt biến thể 5G của iPhone, Apple đã vươn lên đứng đầu trong số các nhà sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Gartner, Apple đã bán được gần 80 triệu điện thoại di động trong quý 4 năm 2020 sau khi ra mắt iPhone 12. Điều này giúp Apple lần đầu tiên vượt qua Samsung kể từ năm 2016 và trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Trong khi doanh số bán hàng của Apple tăng mạnh, doanh số bán điện thoại di động của Huawei lại giảm mạnh do lệnh trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ. Trong quý 4 năm ngoái, doanh số smartphone của Huawei đã giảm 41%. Xếp hạng của công ty này rơi xuống vị trí thứ năm, tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc là Xiaomi và Oppo. Đây cũng là lần đầu tiên Huawei rơi khỏi top 4 kể từ khi vượt qua BlackBerry và Sony vào năm 2013.
Huawei bắt đầu bán thương hiệu điện thoại di động Honor cấp thấp của mình vào tháng 11 năm ngoái. Doanh số bán hàng của hãng đã giảm xuống vị trí thứ ba trong suốt năm 2020, tụt hậu so với Apple và doanh số hàng năm giảm gần 1/4.
Giám đốc phân tích của Gartner, Annette Zimmerman, chỉ ra rằng doanh số bán hàng của Apple trong quý 4 đã tăng 15% và khi thị trường phục hồi, đà tăng trưởng của Apple có thể sẽ tiếp tục trong suốt năm nay.
Theo báo cáo, doanh số bán điện thoại di động của Samsung đã giảm 12% trong quý 4 của năm và 15% trong cả năm 2020. Các thương hiệu Trung Quốc Oppo, Xiaomi và Vivo chiếm thị phần tầm trung, trong khi Apple chiếm thị trường cao cấp.
Liên đoàn tôn giáo: Đạo luật Bình Đẳng của TT Biden là cuộc ‘tấn công toàn diện’ với Cơ đốc giáo
Hôm 18/2, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra tuyên bố kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua Đạo luật Bình đẳng, một đạo luật loại bỏ sự thừa nhận của luật pháp với giới tính nam và nữ; cấm phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới (nhận thức chủ quan của một người về giới tính của họ).
Chủ tịch Liên đoàn Công giáo Bill Donohue đã cảnh báo hôm thứ Hai (22/2) trong một bài viết đăng trên website của tổ chức rằng, Đạo luật Bình đẳng này sẽ “thúc đẩy cuộc tấn công toàn diện nhất đối với Cơ đốc giáo từng được đưa vào luật.”
Ông Donohue phân tích rằng Đạo luật Bình Đẳng có 2 mục đích: Thứ nhất, nó sẽ sửa đổi Đạo luật Quyền Công dân năm 1964 để đưa khuynh hướng tình dục và bản dạng giới vào định nghĩa giới tính. Thứ hai, nó sẽ làm suy yếu Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo bằng cách ưu tiên quyền của người đồng tính hơn quyền tự do tôn giáo và lương tâm.
Trên thực tế, Đạo luật Dân quyền năm 1964 chủ yếu được thúc đẩy bởi mong muốn chấm dứt phân biệt chủng tộc. Đạo luật này cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc nguồn gốc quốc gia chứ không liên quan gì đến khuynh hướng tình dục và quyền của người chuyển giới, một khái niệm vốn chưa xuất hiện vào những năm 1960. Ông Donohue lập luận, việc thêm khuynh hướng tình dục và bản dạng giới vào luật này không chỉ vi phạm mục đích của pháp luật mà còn gây gánh nặng quá mức cho các cơ sở thờ tự và các tổ chức tôn giáo khác.
Đạo luật Dân quyền năm 1964 cấm phân biệt chủng tộc tại các khu vực công cộng; do người da đen đã từng bị từ chối phục vụ trong nhiều cơ sở công cộng, bao gồm nhà hàng và khách sạn. Tuy nhiên Đạo luật Bình đẳng của ông Biden đã đi quá xa tới mức nó làm mất đi ý nghĩa của đạo luật lịch sử năm 1964 này.
Nghiêm trọng hơn, Đạo luật Bình đẳng còn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó tới các dịch vụ tiêu dùng như chăm sóc sức khỏe. Ví dụ, nó có thể ép các cơ sở chăm sóc sức khỏe phải cung cấp liệu pháp hormone và thủ tục phẫu thuật nhằm thay đổi giới tính. Ông Donohue lo ngại rằng những người Công giáo, những bác sĩ lương tâm hoặc các bậc cha mẹ sẽ không thể lên tiếng phản đối những cuộc phẫu thuật chuyển giới dưới Đạo luật này.
Ông viết: “Ngày càng rõ ràng rằng việc mở rộng quyền cho phụ nữ chuyển giới, những người mà về mặt sinh học là nam giới [nhưng tự] xác định mình là nữ giới, đã phải trả giá bằng các quyền của phụ nữ.” Ông nêu ví dụ về việc nam giới và đàn ông được phép thi đấu thể thao với nữ giới và phụ nữ. Ngoài ra, nam giới (tự nhận mình là nữ) có thể sử dụng chung phòng thay đồ, phòng vệ sinh… với nữ giới
Ông kết luận: “Công chúng, đặc biệt là người Công giáo, khó mà hiểu được tại sao những người được cho là ‘người Công giáo sùng đạo’ như ông Biden và bà Pelosi lại muốn ủng hộ [một] đạo luật chống Cơ đốc giáo một cách hiển nhiên như Đạo luật Bình đẳng”.
Trên trang web của mình, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ cảnh báo rằng Đạo luật Bình đẳng sẽ “phân biệt đối xử với những người có đức tin” và “trừng phạt các tổ chức có đức tin, chẳng hạn như tổ chức từ thiện và trường học phục vụ mọi người trong cộng đồng, chỉ vì đức tin của họ”.
Tuần trước, Tổng giám mục Joseph Naumann của thành phố Kansas nói rằng ông Biden nên “ngừng tự nhận mình là một người Công giáo sùng đạo và thừa nhận rằng quan điểm của ông về phá thai là trái với giáo huấn đạo đức Công giáo”.
Thảm họa kinh hoàng gấp 15 lần Chernobyl và lời giải cho vấn đề biến đổi khí hậu
Nhiều thập kỷ trước, một thảm họa năng lượng xảy ra đã tàn phá ba triệu mẫu đất sinh hoạt, giết chết ước tính 85.600 đến 240.000 người dân. Một sinh viên học lịch sử thông thường có thể cho rằng những con số thống kê gây sốc này ám chỉ vụ thảm họa hạt nhân Chernobyl, nhưng điều đó là không chính xác. Không, bóng ma thảm khốc này là lỗi của vụ sập đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Để so sánh, Chernobyl sát hại số người ít hơn 15 lần và tàn phá một vùng đất chỉ nhỏ bằng 1/6 vụ thảm họa này.
Mặc dù có mức độ thiệt hại khác nhau rõ rệt, thảm họa Bản Kiều và Chernobyl xảy ra trong những hoàn cảnh tương tự. Được xây dựng bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ Đại nhảy vọt, với sự hướng dẫn của Liên Xô, con đập được thiết kế sơ sài và xây dựng vội vã – giống như nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Hơn nữa, các quan chức đảng muốn nó giữ được càng nhiều nước càng tốt vì như vậy sẽ “mang tính cách mạng hơn”. Nhà thủy văn học Chen Xing, Kỹ sư trưởng của các dự án đập, đã cảnh báo mọi người về mục tiêu nông cạn trong việc xây đập và ủng hộ việc thiết lập các tính năng an toàn bổ sung. Với ý kiến này, sau đó ông đã bị thay thế và điều chuyển.
Cảnh báo của Chen Xing đã chứng minh được ý nghĩa tiên tri của nó vào đầu tháng 8 năm 1975, khi cơn bão Nina đổ bộ vào Bản Kiều và khiến mực nước tại đây dâng lên một mét trong vỏn vẹn ba ngày. Con đập không có chút nào cơ hội sống sót. Khi nó bắt đầu quỵ ngã dưới sức ép khủng khiếp, một trong những công nhân đang phải vật vã để cứu con đập đã hét lên “Chu Jiaozi!” (Con thủy quái đã đến rồi) …
Sáu trăm triệu mét khối nước rốt cục đã tràn qua phần còn lại của con đập bị vỡ, tạo thành một bức tường nước cao sáu mét và rộng 12 km di chuyển với tốc độ lên đến 50 km một giờ. Trận đại hồng thủy cao chót vót cuối cùng đã đánh sập thêm 62 đập nữa, nhấn chìm ba mươi thành phố và phá hủy 6,8 triệu ngôi nhà. Hàng ngàn người đã chết đuối. Có nhiều người hơn nữa sau đó đã chết vì đói và bệnh tật. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiểm duyệt tất cả các thảo luận công khai về thảm họa này trong hơn mười năm.
Dù hiện nay quy mô thiệt hại đầy đủ của vụ vỡ đập Bản Kiều hiện đã được biết đến một cách rõ ràng, nhưng không có phong trào xã hội nào trên toàn thế giới được dấy khởi nhằm hô hào ngừng xây dựng các con đập thủy điện để tránh thảm họa tương tự. Và điều này là hợp lý. Tất nhiên rồi, hoạt động thủy điện không phải là điều hoàn hảo – để xây thủy điện người ta sẽ phải chuyển hướng các dòng sông, làm xáo trộn giới động vật hoang dã và việc xây dựng cũng rất tốn kém – nhưng thủy điện vẫn là một nguồn năng lượng điện sạch sẽ và an toàn.
Nguyên nhân khiến hàng trăm nghìn người bị mất mạng cách đây gần nửa thế kỷ không phải là hoạt động khai thác năng lượng tái tạo từ nguồn nước chuyển động, mà là sự thiếu khả năng của chính quyền cộng sản.
Thật không may, luận điểm then chốt này đã không được nhận thức rộng rãi khi bàn đến năng lượng hạt nhân. Trong những năm 1980, 46 nhà máy điện hạt nhân đã đi vào hoạt động ở Hoa Kỳ. Sau Chernobyl, chỉ có bốn công trình được khởi công và chưa có công trình nào trong số này được hoàn thành. Mặc dù sản xuất một nguồn năng lượng không phát thải, “hạt nhân” không may đã trở thành một từ ngữ bẩn thỉu và đáng sợ trong ngành năng lượng.
Các bằng chứng chắc chắn sẽ xua tan niềm tin vô căn cứ này. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra cùng một kết luận: điện hạt nhân là một trong những nguồn điện an toàn nhất – và có lẽ là an toàn nhất – trên Trái đất.
Chúng ta không nên để mối đe dọa nhỏ bé từ thảm họa làm chúng ta sợ hãi trước việc khai thác một nguồn năng lượng an toàn, sạch sẽ và đáng tin cậy, một nguồn năng lượng có thể dễ dàng cung cấp năng lượng cho nhân loại và ngăn chặn ô nhiễm carbon trong nhiều thế kỷ tới.
Bài viết của Ross Pomeroy từ RealClearWire. Steven “Ross” Pomeroy là tổng biên tập của RealClearScience. Là một nhà động vật học và sinh vật học bảo tồn, Ross đã nuôi dưỡng niềm đam mê báo chí và viết lách trong suốt cuộc đời của mình.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào