Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 19 tháng 2 năm 2021

    Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần ở Mỹ tăng nhanh
    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 19 tháng 2 năm 2021

    Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trên toàn quốc vào tuần trước đã tăng từ 848.000 lên 861.000, đạt mức cao nhất trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức thấp vào ngày thứ Năm (18/2), Sound of Hope đưa tin.

    Thị trường việc làm hiện tại ở Mỹ vẫn đang trì trệ, sau khi hàng loạt lao động mất việc vào tháng 12. Các nhà tuyển dụng chỉ tuyển bổ sung thêm được 49.000 việc làm trong tháng Giêng. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 6,7% xuống 6,3% vào tháng trước, nhưng một phần nguyên nhân của việc này là do mọi người lao động ngừng tìm việc. Những người không tích cực tìm việc không bị coi là thất nghiệp.

    Một số dữ liệu chỉ ra rằng việc tuyển dụng trên khắp Hoa Kỳ ở mức thấp. UKG là công ty cung cấp phần mềm quản lý thời gian, theo ước tính của UKG, số lượng luân chuyển công việc trên toàn quốc chỉ tăng 0,2% trong tháng qua, trong số đó hầu hết khách hàng của công ty là các doanh nghiệp nhỏ. Sự tăng trưởng yếu ớt này cho thấy việc tuyển dụng đã diễn ra chậm chạp trong tháng thứ hai của năm 2021.

    Bị ảnh hưởng bởi thị trường lao động, thu nhập của công ty và thời tiết khắc nghiệt, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 119,68 điểm (0,38%) xuống 31.493,34 vào thứ Năm, S&P 500 giảm 17,36 điểm (0,44%) xuống 3.913,97 và chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 100,14 điểm. (0,72 %) đến 13,865,36. Apple, Tesla và Facebook chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể nhất.

    Cùng ngày, khi các nhà đầu tư Phố Wall phản ứng tiêu cực với động thái chặn tất cả nội dung tin tức ở Úc của Facebook, giá cổ phiếu của nền tảng mạng xã hội này đã giảm 1,5%, xuống còn 269,39 USD.

    Thái Lan lấy phiếu tín nhiệm chính phủ


    Gần một tuần tranh luận về các cáo buộc sai trái sẽ lên đỉnh điểm vào thứ Bảy khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ Thái Lan. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và 9 thành viên nội các của ông bị cáo buộc tham nhũng, xử lý kinh tế và đàm phán vắc-xin sai lầm. Các dự đoán cho thấy họ sẽ dễ dàng vượt qua. Đó là do liên minh quân sự-bảo hoàng của ông Chan-ocha có một thế đa số vững chắc.

    Bên cạnh đó, hiến pháp quy định quốc hội không được làm gì nhiều mà không có sự đồng ý của các tướng. Hy vọng duy nhất cho một sự thay đổi do đó đến từ đường phố. Những người biểu tình trẻ tuổi hiện tiếp tục công khai chế nhạo nhà vua và các quân nhân tham chính. Trong bốn tháng qua, khoảng 60 người biểu tình đã bị bắt giam và buộc tội theo luật khi quân khắc nghiệt của đất nước, theo đó cấm xúc phạm hoàng gia. Người biểu tình tiếp tục kêu gọi cải cách, song quy mô đang nhỏ dần đi. Họ không có lá bài nào để có thể đem ra đàm phán. Hoàng gia và quân đội giữ cả bộ bài.

    Tổng thống Biden dự Hội nghị An ninh Munich

    Joe Biden đã thường xuyên tham dự Hội nghị An ninh Munich, một sự kiện theo phong cách Davos dành cho những nhân vật lãnh đọa trong giới chính sách đối ngoại, kể từ năm 1980. Sự tham gia của tổng thống trong phiên họp trực tuyến vào hôm nay, bên cạnh các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức (cùng các bên khác), là nhằm báo hiệu quyết tâm của chính quyền ông trong việc khôi phục các liên minh đã bị người tiền nhiệm Donald Trump cắt đứt. Các đồng minh châu Âu của Mỹ có thể mong đợi một giọng điệu thân thiện hơn, đặc biệt trên các vấn đề đồng quan tâm như biến đổi khí hậu và phân phối vắc xin.

    Dù vậy, một loạt căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương chưa được giải quyết sẽ bao phủ lên sự kiện, từ tranh cãi thương mại Mỹ-EU cho đến chính sách Trung Quốc và Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt của Nga được Đức hậu thuẫn nhưng bị chính quyền Mỹ liên tiếp phản đối. Sẽ là một ngày bận rộn cho các nhà lãnh đạo. Trước hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 — bao gồm Mario Draghi, thủ tướng mới được bổ nhiệm của Ý — sẽ họp để thảo luận về covid-19, phục hồi kinh tế và thách thức của Trung Quốc đối với các quy tắc thương mại toàn cầu. Ông Biden sẽ có một màn ra mắt ấn tượng.

    Kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn kinh tế EU


    Đại dịch tạo ra một vụ sụp đổ kinh tế đồng loạt vào đầu năm 2020. Nhưng các nền kinh tế đang phục hồi không đồng đều. Trung Quốc hiện dẫn đầu. Việc nhanh chóng kiềm chế virus và phục hồi sản xuất toàn cầu cho phép họ lấy lại được mức GDP tiền đại dịch vào cuối năm 2020. Nhưng một khoảng cách khác cũng đã mở ra giữa Mỹ và châu Âu.

    Các nhà phân tích dự đoán chỉ số nhà quản lý mua hàng sơ bộ công bố hôm nay sẽ ghi nhận suy thoái đang diễn ra trong khu vực đồng euro còn Mỹ phục hồi. Điều này một phần là do Washington sẵn sàng áp dụng biện pháp kích thích tài khóa. Thúc đẩy phần nào bởi những tấm séc 600 đô la gần đây được gửi cho hầu hết người dân, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 đã đạt mức cao hơn gần 8% so với trước đại dịch. Tổng thống Joe Biden kỳ vọng tiếp tục tung ra một tấm séc 1.400 đô la khác. Mỹ cũng đang triển khai vắc-xin nhanh hơn châu Âu. Ngân hàng đầu tư Jefferies dự đoán khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng bằng gần nửa tốc độ của Mỹ trong năm 2021.

    Mỹ quay lại hiệp định khí hậu Paris

    Khi Mỹ quay lại thỏa thuận khí hậu Paris, Tổng thống Joe Biden sẽ mong muốn khôi phục một số ảnh hưởng đã mất. Dưới thời Donald Trump, Mỹ không chỉ rút khỏi thỏa thuận mà còn không cung cấp số tiền đã hứa để giúp đỡ các nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống nóng lên toàn cầu. Nhưng ông Biden không thể đạt được uy tín trên trường quốc tế khi ông vẫn chưa hạn chế được lượng khí thải ở quê nhà. Tình trạng mất điện nguy hiểm ở Texas là một lời nhắc nhở khác về sự chậm trễ của nước Mỹ, với đường dây truyền tải điện thiếu hụt và các cơ sở hạ tầng khác dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.

    Ông Biden có những đề xuất đầy tham vọng nhằm cắt giảm lượng khí thải từ điện và nền kinh tế nói chung. Nhưng khó ở chỗ thông qua các chính sách của ông ở Quốc hội. Sự phản đối từ các nghị sĩ Cộng hòa cho thấy Washington đã không tranh luận về luật khí hậu một cách thực chất kể từ năm 2009. Nhưng giờ đây là lúc để làm điều đó. Nhờ kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội, đảng Dân chủ đứng trước một cơ hội hiếm có để chuyển đổi chính sách khí hậu ngay trong thập niên này.

    Anh, Canada trừng phạt các tướng Myanmar sau vụ đảo chính

    Bộ Ngoại giao Anh, Canada ngày 18/2 thông báo áp lệnh trừng phạt một số tướng Myanmar vì cáo buộc vi phạm nhân quyền sau cuộc đảo chính, theo AFP.

    Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết:

    “Anh lên án cuộc đảo chính quân sự và việc giam giữ tùy tiện bà Aung San Suu Kyi cùng các chính trị gia khác. Chúng tôi cùng các đồng minh quốc tế sẽ yêu cầu quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền của họ và theo đuổi công lý cho người dân Myanmar”.

    Theo Bộ Ngoại giao Anh, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt, gồm đóng băng tài sản ngay lập tức và cấm đi lại, đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mya Tun Oo, Bộ trưởng Nội vụ Soe Htut và Thứ trưởng Nội vụ Than Hlaing.

    Mya Tun Oo bị cáo buộc “chịu trách nhiệm những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của quân đội”, trong khi Soe Htut và Than Hlaing bị cáo buộc “chịu trách nhiệm những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Lực lượng Cảnh sát Myanmar”.

    Anh cũng đã bắt đầu hành động để ngăn chặn doanh nghiệp trong nước hợp tác với chính quyền Myanmar.

    Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau đã công bố một danh sách trừng phạt 9 quan chức ở Myanmar. Ông cho biết, lệnh trừng phạt này nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Canada sẽ không chấp nhận các hành động của quân đội Myanmar và sự coi thường hoàn toàn đối với ý chí và quyền dân chủ của người dân Myanmar.

    Facebook bị nhiều quan chức thế giới chỉ trích vì chặn hiển thị các trang tin Úc


    Facebook hôm 18/2 phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà xuất bản và các chính trị gia khắp thế giới sau khi chặn các nội dung tin tức ở Úc, theo Reuters.

    Trong hành động bất ngờ leo thang vụ tranh chấp với chính phủ Úc về một dự luật đòi Facebook chia sẻ doanh thu thu về được từ tin tức được đăng tải hoặc chia sẻ trên nền tảng của mạng xã hội này, Facebook đã chặn hiển thị các trang của chính quyền các tiểu bang và các tổ chức từ thiện cùng với các trang của các cơ quan truyền thông Úc và quốc tế, 3 ngày trước khi Úc phát động chương trình tiêm chủng dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn quốc.

    Phản ứng trước động thái của Facebook, một số chính trị gia ở các nước khác mô tả đây là một nỗ lực nhằm gây áp lực lên các chính phủ đang cân nhắc các biện pháp tương tự trên khắp thế giới.

    Thủ tướng Úc Scott Morrison viết trên trang Facebook của ông:

    “Hành động hủy kết bạn với Úc của Facebook hôm nay – cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp – là sự ngạo mạn và rất đáng thất vọng.”

    Người đứng đầu Ủy ban quốc hội Anh giám sát ngành truyền thông, Julian Knight, là một trong số các chính trị gia nước ngoài cho rằng thông điệp gửi tới Úc, còn nhắm đến các mục tiêu khác.

    “Theo tôi, hành động bắt nạt mà Facebook đã thực hiện ở Úc, sẽ kích động các nhà lập pháp trên toàn thế giới muốn đi xa hơn nữa,” ông Knight nói với Reuters.

    Henry Faure Walker, chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức của Anh, nói rằng hành động của FB chặn tin trong trận đại dịch toàn cầu là “một ví dụ kinh điển về việc một thế lực độc quyền đóng vai một kẻ bắt nạt ở sân trường, cố bảo vệ vị trí thống trị của mình, không quan tâm đến những người dân và khách hàng họ lẽ ra phải phục vụ. ”

    Người đứng đầu hiệp hội các nhà xuất bản tin tức BDZV của Đức, Dietmar Wolff, góp tiếng:

    “Đã tới lúc các chính phủ trên toàn thế giới phải hạn chế sức mạnh thị trường của các nền tảng mạng xã hội”.

    Giá cổ phiếu Facebook giảm 1,5% trong ngày giao dịch thứ Năm 18/2.

    FBI điều tra Thống đốc Đảng Dân chủ New York vì che giấu số ca tử vong Covid ở viện dưỡng lão

    Thống đốc New York Andrew Cuomo gần đây đã gặp rắc rối vì che giấu số người chết do nhiễm Covid trong các viện dưỡng lão. Bộ Tư pháp Mỹ đã ra lệnh cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) và các công tố viên liên bang của Quận phía Đông của New York mở một cuộc điều tra, theo Epoch Times ngày 18/2.

    Theo báo cáo của Albany Times Union, chính quyền bang đã báo cáo thấp số liệu tử vong do dịch bệnh trong các viện dưỡng lão một cách nghiêm trọng. Sự việc tiếp tục lên men, theo tiết lộ của những người trong cuộc. Cuộc điều tra của FBI và các công tố viên hiện tập trung vào chiến dịch chống COVID-19 của tiểu bang. Hiện tại, cả thống đốc Cuomo và các thành viên cấp cao trong chiến dịch của ông ta đều không bị cáo buộc về bất kỳ hành vi sai trái nào.

    Đội đặc nhiệm chống virus của Cuomo bao gồm: Giám đốc Sở Y tế bang New York Howard Zucker và Thư ký Thống đốc Melissa DeRosa. Trong số đó, DeRosa đã tiết lộ trong một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ của bang vào tháng Hai, rằng chính quyền bang đã che giấu số người chết liên quan đến các viện dưỡng lão vào năm ngoái. Sau khi tin tức được tiết lộ, Cuomo đã bị cả hai đảng lên án và làm kích khởi cuộc thẩm tra của liên bang.

    Theo báo cáo của Albany United Times, cuộc điều tra của FBI và các công tố viên liên bang vẫn còn trong giai đoạn sơ khai; một phát ngôn viên của Văn phòng Luật sư Liên bang ở Brooklyn, Quận phía Đông của New York, nói rằng ông không thể xác nhận cũng không phủ nhận rằng cuộc điều tra đang được tiến hành.

    Cuomo phải đối mặt với sự giám sát của lưỡng đảng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở viện dưỡng lão. Các nhà phê bình buộc tội Cuomo về chính sách tiếp nhận vào viện dưỡng lão được công bố vào ngày 25/3/2020, trực tiếp gây ra tỷ lệ tử vong cao trong các viện dưỡng lão. Chính sách này yêu cầu các viện dưỡng lão không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID, bất kể khả năng tiếp nhận của các viện dưỡng lão và các yếu tố khác. Chính sách này sau đó đã bị thu hồi.

    Vào cuối tháng 8/2020, Bộ Tư pháp đã yêu cầu một số thống đốc bao gồm cả Cuomo công bố dữ liệu về số ca tử vong trong các viện dưỡng lão trong thời gian xảy ra dịch bệnh.

    Vào ngày 17/2/2021, Văn phòng Thống đốc của Cuomo đã công bố toàn văn cuộc gọi giữa các trợ lý cấp cao vào ngày 10/2. Những người tham gia trực tuyến bao gồm thư ký DeRosa của ông ta và các nghị sĩ đảng Dân chủ của tiểu bang. Các dân biểu đã nói chuyện với nhóm của thống đốc qua micrô, buộc họ giải thích tại sao họ không đáp ứng yêu cầu của Hội đồng Tiểu bang New York về dữ liệu tử vong trong viện dưỡng lão.

    Theo New York Post, DeRosa đã thừa nhận qua điện thoại rằng chính quyền tiểu bang đã che giấu thông tin này trước các nhà lập pháp tiểu bang vào mùa hè năm ngoái, và nói rằng dữ liệu được giữ lại vì lo ngại rằng chính phủ liên bang có thể “sử dụng thông tin này chống lại chúng tôi”.

    Theo Cuomo, 98% trong số 365 viện dưỡng lão tiếp nhận bệnh nhân hồi phục từ các bệnh viện đã báo cáo có phơi nhiễm với virus trước khi bệnh nhân quay trở lại.

    Biden để trống lịch cả ngày, phó TT Harris đảm nhận các sự kiện trực tiếp

    Tổng thống 78 tuổi Joe Biden đã hoãn chuyến đi theo kế hoạch của mình đến một cơ sở sản xuất vắc-xin ở tiểu bang Michigan vào thứ Năm (18/2 theo giờ Mỹ) với lý do thời tiết.

    New York Post đưa tin, hôm thứ Năm, theo lịch dự kiến, ông Biden sẽ đến tham quan một cơ sở sản xuất vắc-xin Covid của Pfizer ở tiểu bang Michigan. Tuy nhiên vào tối thứ Tư, nhân viên Tòa Bạch Ốc đã thông báo hoãn chuyến đi của TT Biden do thời tiết xấu. Sau đó vào 8 giờ sáng thứ Năm, Tòa Bạch Ốc thông báo hoãn tất cả các sự kiện gặp mặt trực tiếp trong ngày của TT Biden.

    Mặc dù thời tiết ở Michigan ở mức 16 độ F (-8,8 độ C) nhưng trời không có tuyết. Ở Washington có mưa tuyết nhẹ.

    Mặt khác, phó TT Kalama Harris tiếp tục công việc bất chấp thời tiết. Bà không hủy sự kiện được lên lịch lúc 11 giờ 15 phút tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower, liền kề với Tòa Bạch Ốc.

    Đây là ngày nghỉ thứ 2 trong tháng của ông Joe Biden với lý do thời tiết xấu. Ngày 1/2, ông hoãn bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao trong khi thời tiết ở thủ đô, tuyết phủ với độ dày chỉ 2 inch (khoảng 5cm).

    Buổi sáng thứ Năm, ông Biden nhận báo cáo tình báo hàng ngày và báo cáo mật về Covid. Buổi chiều, ông không có cuộc họp báo hoặc sự kiện công khai nào.

    Phó TT Kamala Harris đã đóng vai trò quan trong trong chính quyền mới khi nhận các cuộc gọi từ các nhà lãnh đạo thế giới thay cho Tổng thống Biden.

    Ngày 2/2, “Phó Tổng thống Kamala Harris đã nói chuyện với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đánh dấu cuộc gọi đầu tiên của bà với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi vào Tòa Bạch Ốc”.

    Ngày 15/2, bà Harris đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, “và bày tỏ cam kết của bà ấy trong việc tăng cường quan hệ song phương giữa Mỹ và Pháp cũng như để khôi phục liên minh xuyên Đại Tây Dương”.

    Quan chức Texas: Tiểu bang đã chỉ cách sự cố thảm khốc ‘vài giây’

    NBC News đưa tin các quan chức Texas cho biết lưới điện chính của tiểu bang đã chỉ còn cách “vài giây hoặc vài phút” là tới sự cố thảm khốc trong đêm Chủ nhật (14/2 theo giờ Mỹ). Cơ quan này đã phải áp dụng chế độ cúp điện để ngăn chặn sự cố sập toàn bộ lưới điện.

    Phóng viên Gabe Gutierrez của NBC News cũng đã tweet rằng các quan chức của Hội đồng Năng lượng Texas (ERCOT – cung cấp 90% năng lượng cho tiểu bang) vừa tuyên bố lưới điện Texas chỉ còn cách “vài giây hoặc vài phút – không phải vài giờ – nữa là đến sự cố thảm khốc”. Các trạng thái ngừng hoạt động đã được thực hiện để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều so với những gì đã xảy ra.

    Tình trạng mất điện trên diện rộng của tiểu bang Texas, Hoa Kỳ xảy ra do thời tiết lạnh sâu kéo dài khiến hệ thống năng lượng xanh như tuabin năng lượng gió và tấm năng lượng mặt trời đã không thể hoạt động khiến giảm nguồn cung điện cho toàn tiểu bang, theo Austin American-Statesmen.

    Tờ Statesmen năng suất của các tuabin gió đã bị giảm một nửa do các cánh quạt bị đóng băng, tính đến sáng Chủ nhật (14/2).

    Nhiều người ủng hộ khí đốt tự nhiên đã chỉ trích các phương pháp năng lượng xanh như tuabin gió và tấm pin mặt trời là không đáng tin cậy. Họ nói rằng những phương pháp này dựa vào điều kiện thời tiết tốt để có hiệu quả, điều này có thể xảy ra hoặc không xảy ra vào bất kỳ ngày nào.

    Trong chương trình tối thứ Hai của “Tucker Carlson Tonight”, người dẫn chương trình Fox News, Tucker Carlson đã đưa ra một cuộc tranh luận sôi nổi chống lại những dạng năng lượng tái tạo này.

    Ông nói rằng mặc dù Texas được biết đến với sản xuất dầu và khí đốt, nhưng sự lựa chọn từ bỏ những dạng năng lượng đó để chuyển sang sử dụng năng lượng xanh trong nhiều trường hợp đã phong bế số phận hiện tại của họ.

    Ông nói: “cạn kiệt năng lượng ở Texas giống như chết đói ở cửa hàng tạp hóa. Bạn chỉ có thể làm điều đó một cách cố tình và Texas đã làm được”.

    Không có nhận xét nào