Header Ads

  • Breaking News

    Kiều hối đổ về ào ạt Đảng “mở cờ trong bụng”


    Ảnh: Sau năm 1975 người Việt đã gây chấn động thế giới khi lênh đênh trên những con thuyền thô sơ để trốn chạy khỏi chính quyền cộng sản Việt Nam, tìm kiếm con đường sống ở những vùng đất mới

    Mặc dù đại dịch Covid hoành hành khắp thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu nhưng dường như lại không tác động nhiều đến lượng kiều hối từ người Việt Nam ở nước ngoài gửi về trong nước. Việt Nam tiếp tục thuộc top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới trong năm 2020.

    Truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 18/01 loan tin người Việt Nam ở nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2020 đã gửi về nước tổng cộng 15,7 tỷ đô la, thấp hơn 7% so với năm trước đó nhưng số tiền này cũng đủ để giúp Việt Nam duy trì tên trong danh sách các nước nhận kiều hối nhiều nhất trong năm 2020.

    Một số liệu khác mới được công bố đầu tháng 02 gây được sự chú ý của dư luận là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) cho hay, chỉ trong năm 2020, lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng về thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 6,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 600 triệu USD so với năm ngoái mặc dù cả thế giới gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.

    Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, người Việt ở Mỹ chuyển tiền về Sài Gòn nhiều nhất, kế đến là châu Âu, Úc, Đài Loan…

    Tin cũng cho biết, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh trung bình hàng năm thường chiếm khoảng 30%-40% tổng số kiều hối cả nước.

    Lượng tiền gửi về Việt Nam liên tục tăng từ năm 2010. 71 tỷ USD là tổng kiều hối gửi về Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm qua, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2019 đạt kỷ lục 16,7 tỷ USD.

    Khoảng 60% kiều hối của Việt Nam được chuyển về từ Mỹ, chiếm trung bình khoảng 4% GDP của Việt Nam.

    Việt Nam là nước nhận kiều hối lớn thứ 9 thế giới trong năm 2020 và đứng thứ 3 trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.

    Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 10/02, nhận định:

    “Tôi nghĩ điều đấy (kiều hối tăng dù có dịch bệnh -pv) thể hiện tình đồng bào, tình quê hương, và sự chia sẻ giữa người Việt Nam ở nước ngoài và với người ở trong nước. Người Việt Nam ở nước ngoài mặc dù có khó khăn, nhưng tôi thấy vẫn nghĩ về quê hương, nghĩ về đồng bào ở trong nước và tìm cách đóng góp. Tôi thấy đấy là một trong các tài sản quý của dân tộc Việt Nam, và chúng ta phải cố gắng gìn giữ và phát triển tình cảm đó của kiều bào.”

    Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi được báo chí trong nước trích lời cho biết: “Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng trong công tác đối với kiều bào.”

    Ông Khôi thừa nhận dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên thế giới trong năm vừa qua đã ảnh hưởng đến lượng kiều hối gửi về Việt Nam.

    Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, trong năm 2020, người Việt ở nước ngoài đã quyên góp nhiều thiết bị, vật tư y tế và khoảng 37 tỷ đồng để hỗ trợ người dân trong nước chống dịch.

    Theo Thứ trưởng Đặng Minh Khôi, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có một số lượng lớn người Việt sống ở Hoa Kỳ.

    Kiều hối là một nguồn tiền vô cùng quan trọng đối với kinh tế Việt Nam.

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, nhận định:

    “Trong những nguồn ngoại tệ để vào Việt Nam có vốn vay ODA, vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, tư nhân, kiều hối và xuất khẩu… Trong đó có lẽ kiều hối là quan trọng nhất. Nguồn kiều hối đến VN có thể coi như là một số tiền cho không từ kiều bào nước ngoài và những người đi lao động nước ngoài. Nó không như các nguồn vốn vay ODA, vì VN đã gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình, nên nguồn vốn vay ODA không còn được ưu đãi như ngày xưa, có nghĩa là lãi suất cao hơn trước, chưa kể vốn ODA và vốn vay khác là vốn vay, thành ra phải trả nợ. Còn nguồn ngoại tệ từ xuất nhập khẩu có được do bán hàng cho nước ngoài, thành ra chỉ có kiều hối là một chiều, tức là cho không và thường không phải vốn vay. Kiều bào và người lao động ở nước ngoài gởi về cho người thân và thường không có một điều kiện gì.”

    Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đánh giá cao nguồn ngoại tệ cho Việt Nam từ kiều hối khi phân tích rằng:

    “Kiều hối là nguồn bổ sung cho nguồn ngoại tệ của Việt Nam, trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái rất nặng và gặp khó khăn thì Việt Nam rất cần nguồn ngoại tệ để có thể đảm bảo nhu cầu nhập khẩu của mình. Vì vậy cho nên mỗi đồng ngoại tệ của kiều bào gởi về là đều rất đáng quý và rất đáng trân trọng. Tôi đánh giá rất cao việc có một nguồn ngoại tệ bổ sung cho thanh toán quốc tế của Việt Nam.”

    Từ năm 2004, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm huy động tiềm lực kinh tế và trí thức từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mà Việt Nam gọi là ‘khúc ruột ngàn dặm’.

    Hiện có một số lượng đông đảo người Việt định cư ở nước ngoài, chủ yếu là từ sau cuộc chiến Việt Nam năm 1975 khi hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, trốn chạy khỏi chủ nghĩa cộng sản để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.

    Từ năm 1990 đến 2015, theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), đã có khoảng hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư từ Việt Nam ra nước ngoài.

    Trung bình mỗi năm khi đó có khoảng gần 100 ngàn người Việt di cư ra nước ngoài. Đích đến của người Việt chủ yếu là các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ và Úc.

    Trong năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 150 ngàn lao động.

    Với năm 2020, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, mục tiêu đặt ra là đưa được 130 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên mục tiêu này đã không như mong muốn của Chính phủ Việt Nam do tình hình đại dịch COVID-19.

    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích về chính sách kiều hối của Việt Nam như sau:

    “Chính phủ VN từ bao nhiêu năm nay đã có chính sách ưu tiên cho kiều hối. Trước nhất là nguồn kiều hối không phải trả thuế. Ngược lại với một số nước khác như Mỹ, nếu tôi nhận tiền từ nước ngoài thì tôi phải trả thuế thu nhập. Đồng thời người nhận kiều hối ở VN có thể giữ đồng ngoại tệ gởi về, ví dụ họ có thể giữ USD tiền mặt ở nhà hoặc gửi vào tài khoản USD ở ngân hàng. Tất cả những chính sách đó tạo sự thuận lợi dễ dãi trong việc nhận tiền từ nước ngoài. Ngoài ra Chính phủ cũng không giới hạn một người có thể nhận bao nhiêu kiều hối tối đa. Tuy nhiên, nếu giữ USD ở nhà thì người nhận theo quy định không thể thanh toán ở ngoài mà phải đổi ra VND. Khi đổi thì phải đến điểm kinh doanh ngoại tệ được phép của Ngân hàng Nhà nước.”

    Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trên nguyên tắt thì quy định thu đổi ngoại tệ của Việt Nam là phù hợp, vì nếu đổi ở tiệm vàng hay đổi chui ở chợ đen sẽ ảnh hưởng đến quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng nhận xét cách tiếp cận nguồn ngoại tệ từ kiều hối của Việt Nam là trong nước thì chỉ lưu hành đồng Việt Nam, còn kiều hối chuyển về thì tùy theo người nhận có thể để trong tài khoản với hình thức là đồng ngoại tệ, nhưng cũng có thể được chuyển đổi theo tỷ giá của thị trường là phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay.

    Nhiều người cho rằng mặt tích cực của kiều hối là có thể giúp ngay trước mắt cho người thân; tuy nhiên có những mặt trái như nguồn tiền không được chi dùng hợp lý, tâm lý ỷ lại; xuất khẩu lao động phổ thông dẫn đến phát triển không bền vững. Vấn đề ‘giúp con cá để ăn khi đói và ‘giúp chiếc cần câu’ để tự kiếm sống lâu dài còn là một bài toán khó đối với Việt Nam.

    Bên cạnh thực trạng là kiều hối liên tục đổ về Việt Nam những năm qua thì cũng cần ghi nhận tình trạng làn sóng di cư theo diện cao cấp của thành phần trung lưu Việt Nam hiện nay.

    Tài khoản Facebook Nguyễn Thị Oanh từng viết một bài viết mang tựa đề “Ly hương, sự lựa chọn nghiệt ngã” từng làm dậy sóng cộng đồng mạng để phản ánh một thực tế đáng buồn của đất nước Việt Nam.

    Bà viết:

    Thật chua chát khi hơn 40 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác. Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận. Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn. Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường. Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc…

    Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường! Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp. Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh. Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đủ cách. Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về. Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc. Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau bốn năm.

    Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ. Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD. Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột. Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ…

    Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi?

    Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng! Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu. Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “con”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội. Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “người”. Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài? Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp, các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút, các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?…

    Bây giờ, bước ra đường là thấy lo: Lo nạn cướp giật, móc túi; lo tai nạn giao thông; lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm; lo hít khói bụi bị ung thư; lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc… Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo. Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần! Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an. Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy? Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước. 28 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô. Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền. Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước.

    Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ: “Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng, nhưng vẫn còn cố nấn ná… Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”. Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi” như thế?

    Sau hơn 70 năm thành lập và thống nhất đất nước, những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về? Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại? Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái. Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa. Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở: “Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”.

    Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

    https://thoibao.de/blog/2021/02/17/kieu-hoi-ve-ao-dang-mo-co-trong-bung/

    Không có nhận xét nào