Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc, thỏi nam châm hút Thái Lan

    Bản đồ hai tuyến đường sắt nối Côn Minh (Trung Quốc) đến Singapore : Trục chính (mầu xanh) và trục hướng đông (mầu đỏ). Đồ họa của Bangkok Post Graphics. Ảnh chụp màn hình từ trang objectifthailande.com. RFI / Tiếng Việt

    Thái Lan và Trung Quốc bị Lào ngăn cách về địa lý, nhưng không phải vì thế mà hai nước ít hợp tác với nhau và mỗi năm hai nước càng thêm đồng nhất trong việc lựa chọn hợp tác.

    Trên đây là nhận định của hai nhà nghiên cứu Pháp Emmanuel Véron và Emmanuel Lincot trên trang trạng nghiên cứu The Conversation ngày 11/02/2021.

    Dấu hiệu của sự xích lại gần nhau: Vào năm 2018, trước năm nổ ra đại dịch Covid-19, 10 triệu du khách Trung Quốc đã đến Thái Lan. Ngay từ năm 2003, Bangkok và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận song phương về tự do mậu dịch. Sáu năm sau, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba (sau Nhật Bản và Singapore) tại quốc gia 70 triệu dân, đặc biệt là trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, khai thác quặng mỏ và công nghiệp hóa chất.

    Mục đích chuyến thăm Bangkok của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 10/2020 là tạo ra sức mạnh tổng hợp của hai chiến lược Trung Quốc và Thái Lan nhằm tăng cường hợp tác giữa khu vực Vịnh Lớn Trung Quốc (bao gồm Quảng Đông - Hồng Kông - Macao) và Hành lang kinh tế phía đông Thái Lan, trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa mới. Kết quả là hàng loạt thỏa thuận được thúc đẩy do việc hai nước tham gia Hiệp định Quan hệ Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), chắc chắn sẽ cho phép đôi bên tăng cường trao đổi, kể cả trong các lĩnh vực chiến lược và quân sự.

    Trục Bắc Kinh - Bangkok không phải không làm dấy lên các mối lo ngại ở Đông Nam Á, đặc biệt là đối với giới trẻ Thái Lan (và rộng hơn nữa là giới trẻ ở Đông Nam Á và Đài Loan), những người không ngần ngại tố cáo, trên mạng xã hội, sự thông đồng mới mẻ này giữa hai chế độ chuyên quyền.

    Hợp tác trong phạm vi khu vực

    Là một chế độ quân chủ, trong một thời gian dài, Thái Lan ưu tiên trao đổi kinh tế với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng sự ra đời của ASEAN và sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã đưa Bangkok đến sự lựa chọn chính sách đối ngoại theo hướng tìm kiếm một cách có hệ thống sự trung lập và cân bằng với các đối tác khác nhau từ những năm 1970. Trong quan hệ với các nước ASEAN, Bắc Kinh luôn biết cách dựa vào Bangkok để phát triển quan hệ thương mại hoặc giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp lãnh thổ.

    Từ những năm 2000, Bắc Kinh đề xuất các nước láng giềng ở Đông Nam Á hợp tác nhiều hơn trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Kinh tế tiểu vùng sông Mêkông mở rộng. Được Ngân hàng Phát triển Châu Á triển khai, chương trình này mang lại cho Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vai trò quan trọng là một trung tâm liên vùng giữa miền nam Trung Quốc và các khu vực ven sông gần nhất. Sự kết nối này được tạo điều kiện thuận lợi nhờ các tuyến đường sắt (các thành phố của Trung Quốc sẽ được tàu cao tốc kết nối với Singapore, đi qua Bangkok). Sự phát triển công nghệ số và mạng 5G sẽ liên quan nhiều đến các nước Lào, Miến Điện, Việt Nam và Thái Lan : một thị trường với 300 triệu dân.

    Nhưng sự hợp tác với Bangkok vẫn là quan trọng nhất và đã được tăng tốc sau cuộc đảo chính ở Thái Lan hồi năm 2014, dẫn đến việc Nhà nước được quân sự hóa ngày càng mạnh. Sức hút của Trung Quốc vì thế ngày càng lớn. Chặng đường sắt cao tốc dài 253 km nối Nakhon Ratchasima và Bangkok, sẽ do một doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc thực hiện và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023, sau đó sẽ được nối với thủ đô Viêng Chăn của Lào, rồi đến Côn Minh, Trung Quốc.

    Sự liên kết nối tam giác Thái Lan - Lào - Trung Quốc này cũng được thực hiện trong lĩnh vực thủy điện. Việc phát triển các đập thủy điện để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện khổng lồ của Trung Quốc được xây dựng phần lớn ở hạ lưu các con sông bắt nguồn từ Trung Quốc, gây xáo trộn các hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản trên sông và đời sống xã hội của vùng ở hạ lưu, thậm chí có thể gây ra những biến động lớn trong những năm tới đây. Quả thực, việc quy hoạch sông Mêkông ở vùng biên giới Lào - Thái sẽ cho phép lưu thông các tàu chở hàng trọng tải 500 tấn của Trung Quốc. Ở thượng nguồn, những con tàu 150 tấn đã có thể lưu thông trên tuyến đường sông dài 630 km, nói liền Côn Minh đến Luang Prabang.

    Sự hợp tác giữa hai nước cũng đã mở rộng sang lĩnh vực học thuật. Mỗi năm có hơn 30.000 sinh viên Trung Quốc sang học tại Thái Lan và 20.000 sinh viên Thái Lan theo học tại Trung Quốc. Từ hàng thế kỷ nay, ở Thái Lan có sự hiện diện của một cộng đồng Hoa kiều lớn, đặc biệt là từ các vùng phía nam như Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam. Các cộng đồng người Hoa ngày nay chiếm từ 10 đến 14% dân số toàn vùng Bangkok.

    Sự gần gũi về ngôn ngữ và sự chuyển đổi sang Phật giáo đã cho phép nhiều người trong số họ hòa nhập vào xã hội Thái, thậm chí đến mức muốn thay đổi tên riêng gốc Hoa. Có rất nhiều người thuộc giới tinh hoa thương mại thông thạo cả hai nền văn hóa. Phần đông, từ mạng lưới thương gia đến giới tinh hoa chính trị, xã hội Thái Lan, thuộc cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á. Từ ngành khách sạn đến nhà hàng, kể cả mạng lưới mại dâm, xây dựng và nông nghiệp, phần cơ bản vẫn là của cộng đồng người Hoa.

    Ở thượng tầng Nhà nước, công chúa Sirindhom, người thông thạo tiếng Quan thoại (tiếng Trung phổ thông), đã được chính quyền Trung Quốc trao tặng huân chương hữu nghị vì đã dịch nhiều tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Thái. Những lá chủ bài này góp phần vào sự xích lại gần nhau mang tính quyết định hơn cho tương lai : đó là việc Trung Quốc bán vũ khí cho Thái Lan.

    Bán vũ khí và đối thoại chiến lược

    Trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, Trung Quốc đã trở thành một nhà buôn vũ khí lớn ở châu Á. Những khách hàng lớn nhất của Bắc Kinh là Pakistan, Cam Bốt, Bangladesh và Thái Lan. Những chiếc xe tăng VT-4 đầu tiên của Trung Quốc, trong tổng số đơn đặt hàng 28 chiếc, đã được giao cho Bangkok vào tháng 10/2017 theo hợp đồng trị giá 4,9 tỷ baht (126 triệu euro). Đơn đặt hàng 20 xe tăng bổ sung đã được ký vào cuối năm 2018.

    Các xe tăng tấn công của Trung Quốc sẽ thay thế xe tăng M-41 của Mỹ mà Thái Lan đã mua cách nay 40 năm. 34 xe bọc thép phía trước loại VN-1 của Trung Quốc cũng đã được Thái Lan đặt mua với số tiền 2,3 tỷ baht (60 triệu euro). Đối với hai đơn hàng nói trên, một trong những điều kiện là việc thành lập tại Thái Lan các cơ sở sản xuất phụ tùng thay thế cho các thiết bị quân sự này ở Thái Lan. 

    Ba nhà máy đã được lên kế hoạch, một cho Lục Quân ở Nakhon Ratchasima (miền đông bắc), một cho Không Quân ở Nakhon Sawan (miền bắc) và một cho Hải Quân gần căn cứ hải quân Sathahip (miền đông). Đây có thể là nhân tố quan trọng duy trì nguồn cung cấp vũ khí của Trung Quốc cho Thái Lan. Nhà máy thứ ba chủ yếu phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng ba tàu ngầm S26T lớp Nguyên (Yuan) của Trung Quốc mà chính phủ Thái Lan đã quyết định mua với tổng trị giá 36 tỷ baht (931 triệu euro) vào năm 2017.

    Việc chính quyền mua tàu ngầm của Trung Quốc đã khiến một bộ phận lớn giới trẻ Thái Lan tức giận. Trong khi đại dịch đang ảnh hưởng nặng nề và lâu dài đến nền kinh tế đất nước (xuất khẩu giảm sút và hoạt động du lịch ngừng trệ), việc mua các thiết bị quân sự, vốn rất đắt tiền, đối với giới trẻ không phải là mối ưu tiên. Giao dịch đã bị hoãn lại, theo yêu cầu của thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Prayut Chan-O-Cha.

    Nhưng dù sao thì thương vụ Bangkok mua tàu ngầm của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng : Tàu ngầm được sử dụng thế nào ở những vùng nước không sâu lắm ? Tương lai sẽ cho chúng ta biết liệu Thái Lan có bị xếp vào hàng ngũ các nước cung ứng dịch vụ cho Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí hay không ? Hay là ngược lại, Thái Lan sẽ trở thành một nước xuất khẩu vũ khí chiến lược đáng kể ?

    Ngoài việc mua vũ khí của Trung Quốc, hàng loạt cuộc thao dượt quân sự chung giữa Trung Quốc với Thái Lan cũng đã góp phần củng cố các mối quan hệ quân sự song phương : cuộc thao dượt trên không mang tên "Falcon Strike" hồi tháng 11/2015 ; cuộc thao dượt hải quân chung, “Blue Strike” hồi tháng 5-6/2016 (cuộc thao dợt này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010) ; các cuộc diễn tập chung của Lục quân, bắt đầu từ năm 2007 với cuộc tập trận "Strike".

    Sự xích lại gần về quân sự với Trung Quốc nhằm tạo đối trọng với các cuộc diễn tập do quân đội Thái Lan và Hoa Kỳ cùng thực hiện trong khuôn khổ các chiến dịch "Cobra Gold" hoặc thậm chí là những hoạt động được khởi xướng hồi tháng 3/2020 ngoài khơi quần đảo Andaman. Trung Quốc đã được mời điều một đội đặc công tham gia. Sự tham gia này có giá trị biểu tượng nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn trong bối cảnh quan hệ Washington - Bắc Kinh đang xấu đi trong khu vực, cũng không thể nghĩ là chính phủ Thái Lan sẽ ngưng ưu tiên lâu dài quan hệ với Trung Quốc.

    Trong khi quan hệ Trung-Ấn xuống cấp và New Delhi có ý định xích lại gần Việt Nam về mặt chiến lược hoặc thông qua khai thác dầu khí ngoài khơi Biển Đông, sự đồng thuận mà các nhà lãnh đạo Bắc Kinh và Bangkok thể hiện giống như một liên minh trái chiều, qua đó cho phép Trung Quốc tiếp cận với các hoạt động quân sự ở các vùng biển rất quan trọng trong khu vực.

    Các cuộc thao dượt song phương và đa phương mang lại lợi thế chính trị cho Trung Quốc, cho phép quân đội Trung Quốc thể hiện khả năng ngày càng gia tăng, cũng như các quan điểm của họ, nâng cao khả năng của quân đội Trung Quốc trong các lĩnh vực như các chiến dịch cơ động, hậu cần, quy trình và chiến thuật. Cuối cùng, chúng cho phép quân đội Trung Quốc tăng cường hợp tác an ninh khu vực.

    Nguy cơ Hồi giáo cực đoan ở miền nam Thái Lan là có thật và đòi hỏi sự hợp tác quy mô tương tự như sự hợp tác với Trung Quốc ở phía bắc trong cuộc chiến chống các băng đảng túy. Nó cho phép Bangkok đa dạng hóa quan hệ đối tác và tính đến vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, chẳng hạn thái độ của Bắc Kinh trong việc từ chối lên án vụ đảo chính quân sự ở Miến Điện.

    https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210219-trung-qu%E1%BB%91c-th%E1%BB%8Fi-nam-ch%C3%A2m-h%C3%BAt-th%C3%A1i-lan

    Không có nhận xét nào