Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Hoài Vân - Phụ chú và tạp ghi quanh chủ đề Nhân Trị và Pháp Trị


    Dàn bài :

    Vấn đề luật pháp

    Luật Pháp và Đạo Đức

    Bộ luật đầu tiên tại Đông Á và giọt lệ của Khổng Phu Tử

    « Pháp Trị » với « Dân Chủ Pháp Trị » của Tây Phương

    Đạo Đức và Luân Lý

    Vấn đề Tính Thiện

    Biện chứng pháp trong sử quan của Pháp Gia đưa đến quân chủ cha truyền con nối

    Quan niệm « Dân chi Phụ Mẫu » của khuynh hướng Nhân Trị

    Thuyết Chính Danh trong khuynh hướng Pháp Trị - Tại sao con người điều khiển được trâu ngựa ?

    Thuyết Chính Danh trong khuynh hướng Nhân Trị

    Trời và Thượng Đế

    Lịch sử đi theo đường thẳng hay theo chu kỳ ?

    Pháp Trị và Nhân Trị trong lịch sử Đông Á

    Đạo Trời không bằng Đạo người

    Quan điểm « không cần diệt dục » của Pháp Gia

    Hữu Vi và Vô Vi

    Vô Vi trong lĩnh vực kinh tế tài chính thời nay

    Việc bài bác văn học trong Pháp Gia

    Con người và Thiên Nhiên

    Thu hẹp định nghĩa con người.

    §§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§§

    Vấn đề luật pháp :

    Khi tôi nói chuyện về đề tài này lần đầu tiên, vào năm 1991 (xem bài Nhân Trị và Pháp Trị ), thì nước Pháp có 7900 đạo luật, 350 ngàn sắc lệnh chính phủ, chưa kể 20 000 luật Âu Châu và vô số nghị định địa phương (theo Bộ trưởng Tư Pháp Robert Badinter). Ngày nay, con số ấy đã được nhân lên gấp nhiều lần. Điều này cho thấy tính không tưởng nguyên tắc cơ bản cho rằng "không ai có quyền không biết luật pháp". Một chi tiết để thấy nhà nước pháp quyền được xây dựng trên một số nền tảng trong đó có ... đạo đức giả !

    Linh mục Pierre (1912-2007), người được dư luận Pháp dành nhiều cảm tình nhất trong các thăm dò thường niên suốt nhiều năm dài, cho biết có 500 000 người vô gia cư ở Pháp, và 100 000 căn hộ bỏ trống chỉ riêng ở Paris. Ông quyết định chiếm một tòa nhà tại Paris, bất chấp pháp luật, để đấu tranh cho người vô gia cư. Điều này cho thấy luật pháp không phải bai giờ cũng phù hợp với lẽ phải.

    Khi cơ quan HLM, chuyên cho người kém lợi tức thuê nhà, trục xuất những người thất nghiệp không thể trả tiền nhà, hay từ chối không cho những người không có việc làm chắc chắn thuê nhà, đẩy họ vào con đường vô gia cư, chìm sâu trong nghèo khổ, thì cơ quan này hoàn toàn chấp hành đúng luật pháp. Đó là những trường hợp « trọng pháp, phi nhân ».

    Một báo cáo của Ủy ban Pháp Luật Thượng Viện Pháp cho biết thời hạn trung bình để ban hành một đạo luật đã được quốc hội biểu quyết là 554 ngày. Có 18% đạo luật được ban hành 5 năm sau khi được biểu quyết. Trong một khoảng thời gian dài 6 tháng : 42 bộ luật được bầu, 20 được áp dụng toàn bộ, 4 được áp dụng một phần, còn lại không thi hành. Không phải chỉ người dân « bị trị » mới thờ ơ với pháp luật !

    Luật Pháp và Đạo Đức :

    Cần nhắc là trong căn bản, luật pháp không quan tâm đến Đạo Đức, mà chỉ có mục đích bảo đảm sự an bình trong xã hội. Nếu có những giá trị đạo đức trong luật pháp thì chỉ là sự trùng hợp.

    Cũng có thể nói, một người hành xử đúng luật pháp không nhất thiết là một người "tốt" trên phương diện đạo đức. Luật pháp không cấm người ta vô lễ, phản bội, khinh miệt người khác, kể cả nói dối, lừa bịp, ngoại trừ trừ trong một vài trương hợp ...

    Vì thế con người bình thường, trong đời sống bình thường, ít quan tâm đến luật pháp. Họ cư xử với nhau bằng "Lễ" (căn bản của Nhân Trị), tức một tập hợp quy ước đến từ đạo đức, được thích nghi với từng địa phương và giai đoạn. Khi phải cần đến luật pháp, là đã có sự trục trặc trong sự liên hệ giữa con người với nhau.

    Việc chế tài khi có vi phạm luật pháp bao gồm những hình phạt có thể đi đến việc tước đoạt mạng sống, cho dù người phạm pháp có chân thành ân hận, hối tiếc. Trong khi đó, "thất lễ" hay "vô lễ", thông thường chỉ bị chế tài bằng một thái độ khó chịu, không tán đồng, qua lời nói hay cử chỉ, được hóa giải nhanh chóng chỉ với một câu xin lỗi.

    Ở đây, có thể nhắc lời Montesquieu : « Khi cần thay đổi tập quán cư xử của con người thì không thể dùng luật pháp ».

    Bộ luật đầu tiên tại Đông Á và giọt lệ của Khổng Phu Tử

    Tả truyện chép rằng vào năm 534 trước CN, Chính Khanh nước Trịnh là Tử Sản làm ra bộ luật đầu tiên. Đến năm 513 trước CN, luật ấy được khắc trên đỉnh đồng. Đức Khổng nghe việc ấy, nhỏ lệ than rằng : « Đạo đã cùng rồi ! » …Thật vậy, theo quan điểm của ông, nếu con người sống theo Đạo Đức thì không cần luật pháp. Phải làm ra luật pháp là một dấu hiệu suy đồi của đạo đức.

    « Pháp Trị » với « Dân Chủ Pháp Trị » của Tây Phương :

    Quan niệm “Pháp Trị” trong tư tưởng Dân Chủ của người Tây Phương chỉ đóng khung trong phạm vi thi hành luật pháp . Theo lý thuyết này , sở dĩ luật pháp phi được thi hành một cách triệt để vì luật pháp chính là sự đảm bảo cho những Quyền của người dân . Người dân , bằng nhiều cách, có thể tham gia vào việc làm ra và sửa đổi luật pháp. Mọi người, kể cả những người điều hành quốc gia, đều phải tôn trọng luật pháp, vì đó là tiếng nói của dân, thể hiện  Quyền của họ. Vì thế, khi các nhà dân chủ Tây Phương dùng chữ “Pháp Trị” để nói : “luật pháp là trên hết”, thì họ cũng mặc nhiên nói : “Dân là trên hết”. Thời cổ La Mã đã từng có câu “Vox populi, vox Dei” – tiếng nói của dân là tiếng nói của Trời – và “Vox populi, suprema lex” – tiếng Dân là luật tối thượng.

    Quan điểm này phù hợp với lý tưởng Nhân Trị. Chỉ cần nhắc lại câu của Mạnh Tử, một cột trụ của khuynh hướng Nhân Trị : “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, Quân vi khinh” (dân là quý nhất, quyền lợi phải được coi trọng nhẩt, thứ đến mới là quyền lợi quốc gia, còn quyền lợi của nhà cai trị phải coi là nhẹ nhất).

    Ngược lại, Pháp Trị trong tư tưởng chính trị Đông Phương không chỉ đóng khung trong “vấn đề luật pháp” mà bao gồm các lãnh vực khác của việc điều hành xã hội. Pháp Trị ở Đông Phương là một khuynh hướng điều hành xã hội nói chung, có tính cách toàn diện, có phạm trù khác với “Pháp Trị” trong “Dân Chủ Pháp Trị” của người Tây Phương. Không thể so sánh, và càng không thể lẫn lộn hai chuyện ấy.

    Để tránh lẫn lộn, có thể dùng chữ “Pháp Quyền” thay vì “Pháp Trị” trong cụm từ “Dân Chủ Pháp Quyền”. Pháp Quyền diễn tả một cách rõ ràng hơn ý nghĩa Pháp luật đến từ những Quyền của người dân, để trong sự soạn thảo cũng như tu sửa, đều phải đặt nền tảng trên đó.

    Đạo Đức và Luân Lý

    Trong tư tưởng Tây Phương, người ta phân biệt Ethique, là Đạo Đức và Morale là Luân Lý.

    Ethique, hay Đạo Đức, có tính cách thực dụng. Đó là cách cư xử tương xứng với một vị thế, trong một điều kiện nhất định. Một vị Tổng Thống có người tình ngoại hôn gây chuyện ghen tuông trong gia đình, sẽ bị phê phán trên lĩnh vực Ethique rằng : "trong địa vị ông ấy phải biết tự kềm chế, phải tránh cho những điều tai tiếng xảy ra, có hại cho công việc, cho lợi ích chung". Sự chế tài sẽ nhằm vào tương quan giữa địa vị của ông ta và hành vi bị coi là không thích hợp, thí dụ như bị mất phiếu bầu, nếu phải tái tranh cử.

    Morale, Luân Lý, ngược lại, có tính cách tuyệt đối, như một nguyên tắc tối thượng, phải được tôn trọng, thậm chí tôn thờ, trong bất cứ điều kiện nào. Vị Tổng Thống ngoại tình kia sẽ bị lên án là đã vi phạm "luật Chúa", đã phạm tội, đã chạy theo sự cám dỗ của ma quỷ, v.v… Sự trừng phạt sẽ đến từ Thiên Chúa, được áp dụng trong đời này (bệnh tật, tai nạn, thất cử), sang cả kiếp sau (« xa hỏa ngục đời đời"). Trong nhiều trường hợp, những người "công chính" còn phải tích cực trợ giúp Thiên Chúa trong sự trừng phạt này !

    Vấn đề Tính Thiện :

    Nhân trị tin vào Tính Thiện, vì con người kế thừa « Thiên Tính ». Pháp Trị thì nghĩ con người  mang Tính Ác. Chúng ta nên nhìn vấn đề ra sao ?

    Kant nhận ra « tính thiện » tự nhiên nơi con người, và coi sự phát hiện ấy tương đương với « cách mạng Copernic » khám phá ra mặt đất quay quanh mặt trời !

    Ngược lại, Glucksman cho rằng Sự Ác được cảm nhận một cách phổ quát. Ai cũng biết thế nào là Ác, là xấu. Ngược lại, thực hành sự Thiện, xét xem hành vi nào được coi là tốt, là điều người ta khó thống nhất. Có những hành động được người này cho là tốt, người khác coi là xấu. Vì thế con người dễ tập hợp nhau để chống lại sự Ác, hơn là để làm điều Thiện.

    Cấu Trúc Chủ Nghĩa và Nhân Chủng Học sau này mang lại một cái nhìn chính xác hơn :

    Thiện ác chẳng qua chỉ là những « chọn lựa » mang tính thực dụng, trong chiều dài của lịch sử loài người và các loài vật có xã hội tính. Những « chọn lựa » ấy không được ý thức trên tầm mức cá nhân, mà phải được coi như những yếu tố quy định sự sống còn của một cộng đồng. Có thể gọi đó là những « thảo trình hợp tác », được truyền lại cho đến chúng ta, bởi những cộng đồng đã tồn tại được nhờ các thảo trình này. Các cộng đồng khác, đã bị đào thải bởi áp lực khắc nghiệt của cuộc sống, vì thiếu vắng tính hợp tác trong cư xử giữa các thành viên (lừa đảo, dối trá, tàn bạo, ích kỷ, thiếu nhường nhịn, thiếu tình cảm, nâng đỡ, dùm bọc nhau …) (xem : http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=388&kind=10)

    Tức là : Không có Thiện Ác « tự thân », biệt lập với điều kiện thực tế. Thiện hay Ác đều dựa trên những đòi hỏi của môi trường, của cuộc sống. Có một số giá trị « thiện ác » tồn tại trong vô thức, kế thừa từ qua khứ xa xôi. Tuy nhiên, xã hội học cho thấy cũng có những giá trị nảy sinh hay bị thay đổi hoặc loại bỏ, do điều kiện sinh sống trong hiện tại.

    Thí dụ như sự kính trọng người lớn tuổi, đặc biệt là người cha, là một giá trị lâu đời. Tuy nhiên nếu chúng ta suy xét lên đến trình độ « giá trị của giá trị », thì thấy điều ấy chỉ gắn liền với một xã hội nông nghiệp. Trong xã hội nông nghiệp, phương tiện sản xuất, tức ruộng đất, nông cụ và gia súc, nằm trong tay người cha. Người cha quyết định sự thừa kế, cho cái gì, cho ai, và lúc nào cho, khiến cuộc sống của con cái, và cả của (những) người mẹ, đều tùy thuộc vào vị gia trưởng.

    Sang xã hội kỹ nghệ và hậu kỹ nghệ, người cha, các người con, cũng như các bà mẹ, trong đa số trường hợp, đều là nhưng người làm công, với sức mạnh kinh tế gần như tương đương. Sự « thảo kính cha mẹ » chỉ còn là một vấn đề tình cảm cá nhân, tùy thuộc những tương quan đặc biệt giữa những con người cá biệt, chứ không còn có tính cách quy luật.

    Thống kê cho biết : 90% người lớn tuổi muốn chết ở nhà, một con số được ghi nhận trong giai đoạn « nông nghiệp » của xã hội. Nhưng, với sự chuyển đổi sang xã hội kỹ nghệ, 90% người lớn tuổi phải chết trong bệnh viện.

    Trào lưu « giải phóng phụ nữ », với việc loại bỏ những quy luật « tam tòng tứ đức » khắt khe, cũng gắn liền với việc chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp (phụ nữ không có thực quyền kinh tế), sang kỹ nghệ (sức mạnh kinh tế của phụ nữ tương đưong nam giới).

    Biện chứng pháp trong sử quan của Pháp Gia đưa đến quân chủ cha truyền con nối :

    Đầu tiên người ta quan niệm xã hội như như sự tập hợp của những gia tộc, tập trung vào sự tranh thủ và bảo vệ quyền lợi cá biệt của mình. Đó là giai đoạn « Thân thân nhi ái tư » (thân người thân và yêu mến những sự riêng tư ).

    Tình trạng phân hóa này đưa đến tranh dành giữa các gia tộc, với kết quả là loạn lạc, điêu linh. Sự phủ định của « Thân thân nhi ái tư », là tách rời sự quản trị xã hội ra khỏi các gia tộc, mà trao nó cho những người tài năng. Đó là giai đoạn « thượng hiền sự năng », (tôn sùng người hiền và người tài năng), được đề cao bởi Mặc Tử (không thuộc Pháp gia).

    Tuy nhiên người tài, người hiền, khi được trọng vọng, thì chỉ ít lâu sau là nhìn đâu cũng thấy, nhan nhản như lá mùa thu. Rồi những người tài ấy cũng lại tranh dành nhau, ai cũng tự cho là mình hay, giỏi, lỗi lạc, nắm giữ mọi giải pháp cho cuộc nhân sinh, chìa khóa của càn khôn vũ trụ … Thế là lại loạn, lạ đòi hỏi bánh xe biện chứng phải xoay chuyển.

    Cần nhắc là chính Lão tử đã nói rõ : « bất thượng hiền sử dân bất tranh », phủ định việc tôn sùng hiền tài.

    Phủ định của « thượng hiền » lại quay trở về với mệnh đề biện chứng đầu tiên, là đặt nặng gia tộc, nhưng lần này chỉ tập trung vào một gia tộc duy nhất để trị vì thiên hạ. Đó là quan điểm « quý quý nhi tôn quan », tôn sùng « quý tộc », đưa đến nền quân chủ cha truyền con nối.

    Quan niệm « Dân chi Phụ Mẫu » của khuynh hướng Nhân Trị

    Câu « dân chi phụ mẫu » lấy từ thơ « Nam Sơn Hữu Đài » trong Kinh Thi (chương 2, câu 3-4), được trích dẫn trong Đại Học :

    “Lạc chỉ quân tử, dân chi phụ mẫu. Dân chi sở hảo hảo chi, dân chi sở ố ác chi, thử chi vị dân chi phụ mẫu (Vui thay quân tử, là cha mẹ dân – dân thích mình thích, dân ghét mình ghét …). « Quân tử » ở đây chỉ nhà vua.

    Kinh Thư thiên Thái Thệ Thượng, cũng có một đoạn tương tự :

    Đản thông minh tác nguyên hậu

    Nguyên hậu tác dân phụ mẫu

    (Người thông minh nhất đứng đầu làm vua – Vua làm cha mẹ dân)

    Thuyết Chính Danh trong khuynh hướng Pháp Trị - Tại sao con người điều khiển được trâu ngựa ?

    Chính danh là hành xử thích nghi với hoàn cảnh, địa vị, đối tượng.

    Người ta thường trích dẫn câu « quân quân thần thần phụ phụ tử tử » : Vua ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con, mọi người mọi việc « đâu ra đấy » thì xã hội được an vui ổn định.

    Trong khuynh hướng Pháp Trị, chính danh là rập khuôn theo « Pháp » một cách triệt để. Mỗi cá nhân đều phải hành xử như bộ phận của một guồng máy lớn.

    Trong tinh thần này, Pháp gia đề ra một câu trả lời rất bất ngờ cho câu hỏi : Tại sao con người điều khiển được trâu ngựa, dù cho trâu ngựa khỏe hơn mình gấp bội phần ?

    Không phải vì con người khôn hơn, như chúng ta có thể nghĩ, mà theo lời Tuân tử : vì con người biết hợp quần ! Tuy nhiên sự hợp quần ấy lại có thể đưa đến khốn cùng, như trong câu : « nhân chi sinh bất năng vô quần, quân nhi vô định tắc tranh, tranh nhi tắc loạn, loạn nhi tắc cùng ». Tức là sự hợp quần, nguồn gốc của sức mạnh và sự thống trị của con người trên thiên nhiên, đòi hỏi phải có những phân định rõ ràng.

    Ai phân định ? Đó là Vua : « nhân quân giả, sở dĩ quân phân chi khuyến dã », hay : « quân giả, nghi dã » (vua là mẫu mực), vua như cái chậu, chậu vuông thì nước vuông, vua như cái mâm, mâm tròn thì nước tròn.

    Và đương nhiên là Vua dựa trên « Pháp » (hiểu là pháp chế, chủ thuyết, ý thức hệ …) để điều hành xã hội. Tuân Tử gọi đó là Long Chính, hay Vương Chế.

    Thuyết Chính Danh trong khuynh hướng Nhân Trị :

    Trong khuynh hướng Nhân trị, thì « chính danh » giúp tránh khỏi những thái quá của thuyết  « kiêm ái » (Mặc Tử). Thật vậy đạo Nhân tuy coi mọi người như anh em, nhưng không rơi vào tình yêu quảng đại, phổ quát, vì loại tình yêu ấy mang tính trừu tượng, không thực tế, và có thể gây nhiều tai hại. Tôi thường nghĩ đến nhân vật Mychkine của Dostoievski, được coi như hình ảnh của Đức Ky Tô, với một tình yêu tha nhân vô bờ bến, đối với cả những người làm hại ông ta.  Mặc dầu vậy, Mychkine chỉ đem lại tang thương chung quanh mình, và rốt cuộc thì chính ông cũng phải quay về điểm khởi đầu là … nhà thương điên !

    Một cách chính xác, thuyết chính danh đặt căn bản trên hai nguyên tắc 

    1) Biệt đồng dị : phân biệt những phạm trù áp dụng của đao Nhân, thí dụ nhân với cha mẹ, gọi là Hiếu, có chỗ khác với Nhân với anh em gọi là Đễ, nhân với người trưởng thượng thì là Kính, Nhân với người nhỏ hơn mình là Từ. « Nghĩa » là Nhân trong sự ghét điều quấy ưa điều phải, « Lễ » là Nhân trong sự nhường nhịn, « Trí » là Nhân của sự sáng suốt phân biệt tốt xấu, hay dở, « Tín » là Nhân trong sự giao kết thành thật không xảo trá. Ngoài ra, người Nhân còn phải cư xử với những phần tử tệ hại, xấu xa. Đức Nhân lúc ấy đương nhiên là cũng phải thích nghi để đôi khi trở thành nghiêm khắc.

    Mặt khác, kinh sách cũng đề nghị những giai đoạn, những phương cách để con người có thể phát huy được Đạo Nhân nơi mình, gọi là Tu Thân, trong gia đình mình, gọi là Tề Gia, trong nước mình gọi là Trị Quốc, và sau cùng là đem Đạo Nhân đến khắp mọi nơi, gọi là Bình Thiên Hạ

    2) Phân quý tiện : có thể hiểu là hệ thống giá trị. Đành rằng trong tuyệt đối mọi người là anh em, ai cũng đáng quý trọng vì đều mang thiên tính, nhưng trong « cảnh giới thị hiện » của tương quan xã hội, thì có kẻ tốt người xấu, quân tử, tiểu nhân, kẻ trí, người ngu, người lương thiện, kẻ tội phạm v.v…Cần phải hành xử trong tinh thần đạo Nhân, nhưng thích nghi với từng đối tượng.

    Trời và Thượng Đế :

    Đời nhà Thương, có quan niệm Thượng Đế, làm chủ trời đất muôn vật. Vì Thượng Đế được nhìn như một vị « vua bên trên », rập khuôn theo mô hình các vua bên dưới, nên dù tốt đẹp quyền phép hơn bội phần, nhưng vẫn mang một nhân cách chủ quan, có tình cảm, có thể cầu xin, thương lượng ...

    Đời nhà Chu thì khái niệm « Thiên » (Trời) xuất hiện. Nhìn lên trời, người ta thấy nhật nguyệt tinh tú mọc lặn đổi dời theo những định luật rõ ràng, đưa đến việc hình dung một động lực khách quan điều hành vũ trụ và nhân sinh. Trời, như một động lực khách quan, thì hoàn toàn vô tình, không thể van xin, khẩn cầu.

    Đạo Đức Kinh chương 5 có câu : « thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu », trời đất bất nhân, coi vạn vật như rơm rác (« sô cẩu » là con chó kết bằng rơm để cúng người chết). Câu sau bảo Thánh Nhân cũng thế, cũng coi « bách tính » (trăm họ, chỉ người dân) như « chó rơm » (Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu). Thánh nhân trong Pháp học thì là vua, nên ý nghĩa rất rõ ràng vậy.

    Khi Khổng tử nói : “Thiên hà ngôn tai ? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên …” - Trời có nói gì đâu ? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hóa … (Luận ngữ - Dương Hóa - 18), thì ông cũng đứng vào quan điểm coi Trời như một động lực khách quan.

    Lịch sử đi theo đường thẳng hay theo chu kỳ ?

    Khuynh hướng Nhân Trị cho rằng lịch sử đi theo chu kỳ :
    Xã hội tốt đẹp trong quá khứ vào thời các “vua thánh”, rồi dần dần suy thoái, để sẽ lại tìm được giai đoạn thịnh trị xưa, nhờ vào các bậc Thày làm sáng tỏ trở lại cái Đạo cũa cổ nhân. Khổng Tử cho rằng những gì ông giảng dạy, chỉ là thuật lại, tin theo và tôn kính người xưa, chứ không hề sáng tác : “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” (Luận Ngữ).

    Cần thêm là lịch sử được tin là có từ thời Hoàng Đế (2696-2597), với Thương Hiệt ghi chép lời nói, được phong làm Tả Sử, và Thư Tụng, được phong làm Hữu Sử, chuyên chép việc làm.

    Pháp gia thì hoàn toàn coi nhẹ lịch sử. Thật vậy, chẳng cần biết đến lịch sử làm chi cho mệt : hễ ngày hôm nay loạn, thì ngày mai, ta đặt ra “Pháp” (hiểu là Pháp chế, ý thức hệ, chủ thuyết), để ngày sau đó sẽ thái bình ! Pháp gia nhìn tương lai, bất chấp quá khứ. Lịch sử theo họ là một đường thẳng, mỗi ngày mỗi mới, chẳng cần gì phải nhìn về phía sau.

    Quan tâm đến lịch sử còn là một mầm mống loạn lạc. Lý Tư, thừa tường của Tần Thủy Hoàng, cho rằng :

    « Thiên hạ tác loạn … theo cổ hại kim, làm loạn sự thực (…) Bọn học trò không theo kim mà theo cổ, bài bác thời nay, hoặc loạn nhân dân (…) Ngũ Đế không trở lại, Tam Đại không theo nhau (ý nói các triều vua thánh không cần phải bắt chước nhau), mà đều thịnh trị, (tức là các triều ấy chỉ tùy thời thế đổi khác mà hành động) (...) Sự việc, nói là của thời Tam Đại, có chi đáng bắt chước ? (vì thời thế đã đổi khác) ».

    Gần với ý tưởng « thời thế » quy định từng giai đoạn lịch sử, Pháp gia Hàn Phi cũng đã quan niệm điều kiện kinh tế làm chủ tương quan xã hội, như một số học giả hiện đại : ông phân biệt giai đoạn người ít, tài hóa nhiều (« đàn ông không cày mà có ăn, đàn bà không dệt mà đủ mặc”), với giai đoạn người đông tài hóa ít, đưa đến tranh dành, cần phải phân chia, rồi đặt quan cai quản sự phân chia ấy, suy tôn nhà vua để điều khiển các quan, và đặt ra “Pháp” để làm tiêu chuẩn.

    Ông có một câu khá cảm động :

    « Cơ tuế chi xuân, ấu đệ bất hướng – mùa xuân năm đói kém, có đứa em nhỏ mà không có gì cho nó ăn – Nhương tuế chi thu, sơ khách tất thực – mùa thu năm no đủ, người khách qua đường cũng được mời ăn) ».

    Không phải người ta không thương đứa em nhỏ bằng khách qua đường, nhưng những hành vi ấy chỉ vì điều kiện kinh tế …

    Pháp Trị và Nhân Trị trong lịch sử Đông Á :

    Các « Vua Thánh » của thới thượng cổ được coi như tiêu chuẩn của Nhân Trị. Mạnh Tử cho rằng : « Nghiêu Thuấn tính chi, Thang Vũ phản chi » (Tận Tâm). « Tính chi» là chỉ việc theo trực giác tự nhiên để thực hành đạo Nhân. « Phản chi » là luôn phản tỉnh để giữ mình ở trong «Tính Thiện».

    Sang đến đời Chu Tần, thì đại diện của khuynh hướng Nhân Trị là Khổng Tử. Ông chủ trương tìm lại cái Đạo của các Vua Thánh xưa. Có thể nói là ông đã không thành công.

    Đại diện của khuynh hướng Pháp Trị là vua quan nước Tần, kể từ Tẩn Hiếu Công và Tướng Quốc Thương Ưởng. Nhờ áp dụng Pháp Trị, nước Tần trở nên hùng cường rất nhanh chóng, thôn tính các nước khác, thống nhất Trung Hoa, lập nên nghiệp Đế.

    Đến đời Hán, Nho Học phục hưng, và trở thành gần như độc tôn dưới triều Hán Vũ Đế, với lập trường « Bãi bỏ Bách Gia, Độc Tôn Nho Học » của Tướng Quốc Đổng Trọng Thư. Nhân Trị trở thành chiêu bài cầm quyền của các vua Trung Quốc, kể từ đó. Tuy nhiên, điều này chỉ là hình thức, là cái mã bên ngoài. Trong thực tế, mọi triều đại đều cai trị theo mô hình đã được gợi ý bởi Pháp Gia !

    Điều này cũng được thấy ở Việt Nam. Tuy nhiên, người ta có thể nhận ra những nét thiên về đạo « Nhân », trong các tập quán như :

    - « Phép vua thua lệ làng » : « Lệ » là luật bất thành văn, tương ứng với Lễ, căn bản của Nhân Trị, đối với luật pháp (phép vua).

    - Sự kiện mọi người gọi nhau là anh, em, chú, bác, cô, dì v.v… như thể xã hội là một gia đình lớn, một nét đặc thù khác của khuynh hướng Nhân Trị.

    Đạo Trời không bằng Đạo người

    Pháp gia không đợi giác ngộ định luật điều hành trời đất vạn vật rồi mới lo việc xã hội. Tuân tử nói những câu như : « Trang Tử bị che lấp bởi Trời mà không biết việc người », « Duy Thánh Nhân vi bất cầu tri Thiên » (Thánh nhân không cần biết Trời), « Đạo giả, phi thiên chi đạo, phi địa chi đạo, nhân chi sở dĩ đạo dã” (Đạo không phải là Đạo Trời Đất, mà là Đạo người), « Đạo giả hà dã ? viết : quân đạo dã – Quân giả hà dã ? viết : năng quần dã » (Đạo là gì ? là đạo của vua – Vua là gì ? là người giỏi hợp quần).

    Ông cũng đề ra quan niệm « bất dữ Thiên tranh chức » : vì Trời có việc của trời, người có việc  của người  - như câu của Hàn Phi : « Thiên hữu đại mệnh, nhân hữu đại mệnh » - nên : « bỏ cái có thể khiến mình ngang hàng với Trời (tức lo việc con người), mà vẫn cứ muốn được ngang hàng với Trời, là lầm lẫn ».

    Quan điểm « không cần diệt dục » của Pháp Gia

    Đây là một quan điểm ngộ nghĩnh của Pháp Gia, xin được chia sẻ với các bạn.

    Tuân Tử nói : « Tình dã, tính chi chất dã – dục dã tình chi ứng dã » (Tình là bản chất của tính – dục là úng dụng của tình). Tức là : « tính » là « tính sở dục » : bản tính con người là ham muốn (triết học sau này còn thêm : « ham muốn sự ham muốn » !). Muốn thì tìm cách để được, với nguy cơ không biết tự giới hạn, gây nên tranh dành loạn lạc : « dục nhi bất đắc tắc bất năng vô cầu, cầu nhi vô độ lượng phân giới, tắc bất năng bất tranh, tranh tắc loạn, loạn tắc cùng ».

    Dục, tự nó không phải là vấn đề. Nhu cầu ở đây là « độ lượng phân giới » chứ không phải diệt dục.

    Vì « dục » - ham muốn - tự căn bản không cần biết « có thể được » hay không (« bất chấp khả đắc »). Bạn có thể (tùy ngày) ham muốn một chiếc xe Porche, muốn làm chủ tịch nước Việt Nam, hay làm bạn một người đẹp "hoa hậu hoa hôi" nào đó, một cách « bất chấp khả đắc ». Điều ấy không quan trọng. Vấn đề là làm sao cho bạn nhận thức ra được cái tính « sở khả » của các ham muốn ấy, để tránh làm điều càn rở, gây rối loạn trật tự xã hội. Cái gì giúp bạn nhận ra tính sở khả kia ? Đó là lý trí. Cái gì khiến lý trí nhận ra điều ấy ? Theo Pháp gia thì là « Pháp ». Dù cho bạn mù quáng, mê mờ, dục vọng tràn trề cách mấy đi chăng nữa, Pháp chế của Thánh vương (bao gồm lòng thờ kính công an ...), sẽ giúp bạn hành xử đúng đắn ! (Giải Tế)

    Hữu Vi và Vô Vi :

    Người lãnh đạo trong khuynh hướng Nhân Trị cật lực làm mọi thứ cho dân cho nước : Vua Đại Vũ lấy vợ được bốn ngày thì rời nhà đi tri ̣thuỷ, để rồi trong mười ba năm, ba lần đi qua cửa nhà mà không lần nào có thì giờ bước vào !

    Gần chúng ta hơn, Gia Cát Lượng có câu : « cúc cung tận tụy tữ nhi hậu dĩ - hết lòng tận tụy, đến chết mới thôi – chí ư thành bại lợi độn, phi thần nhi minh, bất năng nghịnh đổ dã - thành bại mặc cho thần minh, định mệnh »

    Trong khi ấy, Pháp gia chủ trương lãnh đạo là … không làm gì cả :

    « Không làm gì cả (vô vi) thì thừa sức sai khiến cả thiên hạ

    Cố sức mà làm (hữu vi) thì bị cả thiên hạ sai khiến, mà vẫn chưa đủ »

    (Vô vi dã tắc dụng thiên hạ hữu dư – Hữu vi dã tắc thiên hạ dụng nhi bất túc » - Trang Tử - Thiên Đạo).

    Vì thế người lãnh đạo, theo Pháp gia :

    Tài giỏi mấy cũng không tự làm

    Thông minh mấy cũng không tự nghĩ

    Nói giỏi mấy cũng không tự nói …

    Một sự kiện nhiều ý nghĩa  : lần đầu tiên người dân Nhật được nghe được giọng nói của một vị Thiên Hoàng trị vì họ từ 15 thế kỷ, là khi Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh, kềt thúc Đệ Nhị Thế Chiến !

    Xin nhắc là tuy « không làm » nhưng người lãnh đạo, theo Pháp Gia, vẫn « không gì không làm » (vô vi nhi vô bất vi), nhờ vào « Pháp » : « các xử kỳ nghi, cố thượng hạ vô vi » - Mọi người đều đúng khuôn phép, thì trên dưới không cần làm gì (nhưng mọi việc vẫn được làm) – Hàn Phi – Thiên Dưong Giác.

    Thật vậy, mọi việc vẫn được làm vì khi « Pháp » được áp dụng triệt để, thì mọi người đều sợ bị phạt, ham được thưởng, nên đều tự nhiên làm đúng « Pháp ».

    Vô Vi trong lĩnh vực kinh tế tài chính thời nay :
    Khi nói về Hữu Vi và Vô Vi, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến những nền kinh tế dựa trên tài chính thay vì phát triển sản xuất. Không cần nêu lên thí dụ của những thiên đường thuế khóa, chúng ta có thể nghĩ đến trường hợp của Anh Quốc. Nước này không cần sản xuất gì nhiều, nhưng tập trung vào lĩnh vực tài chính, với hệ thống ngân hàng đầu tư vào mọi ngành sản xuất và trao đổi, hàng hóa cũng như dịch vụ, trên khắp thế giới. Đó chính là không làm (sản xuất), nhưng không gì không làm (vô vi nhi vô bất vi), vì có nhân công ở các xứ khác làm cho mình hưởng lợi, đồng thời đỡ phải tốn công quản trị nhân lực, nguyên liệu v.v...

    Việc bài bác văn học trong Pháp Gia

    Hàn Phi nói : « Chủ hữu lệnh, nhi dân dĩ văn học phi chi » (chính quyền ra lệnh, nhưng dân lấy văn học chống lại). Ông cũng cho là thời loạn là thời văn học phát triển nhất (một điều chúng ta có thể thử kiểm chứng ?).

    Một câu khác : « Nước của minh chủ không văn chương sử sách, chỉ có pháp luật để dạy, không cần trích dẫn vua trước, cứ lấy quan lại làm thày (dĩ lại vi sư). » (Hàn Phi Tử 19 – thiên 49)

    Lý Tư rõ ràng hơn khi tâu với Tần Thủy Hoàng :

    « Bây giờ thiên hạ đã định, pháp luật phát xuất từ một nơi, trăm họ thì gắng việc công nông, kẻ sĩ thì học tập (!) những điều nghiêm cấm. (…) Tuy vậy, người ta vẫn cho cái học riêng của mình là hay, để chê những kiến lập của bề trên. Nay bệ hạ gồm thâu thiên hạ, phân biệt trắng đen, ấn định tôn chỉ, thế mà bọn tư học cùng nhau bài bác pháp giáo, nghe lệnh trên ban xuống đều đem sở học ra mà nghị luận. Vào thì chê bai trong lòng, ra thì bàn bạc ngoài ngõ (…). Vậy mà không cấm, thì ở trên thế vua sẽ phải bị giảm sút, ở dưới loạn đảng sẽ nhóm thành. Cấm đi thì tiện. Xin rằng các sách sử không phải chép về nhà Tần thì đốt đi. (…) Ai dám nói chuyện về Thi Thư thì bắt bỏ chợ. Ai dám khen việc đời xưa mà chê việc đời nay thì giết cả họ. (…) Những sách không bị loại bỏ là sách thuốc, sách bói và sách trồng trọt. Ai muốn học về pháp lệnh thì phải lấy quan lại làm thày.»

    Cần nhắc là từ Lão tử đã có nguyên tắc « tuyệt thánh khí trí » : đoạn tuyệt với bọn người tự cho mình là thánh, là trí : « Tuyệt Thánh khí Trí , dân lợi bách bội » (Đạo Đức Kinh chương 19).

    Sử Ký của Tư Mã Thiên cũng ghi lại lời Lão tử khuyên Khổng Tử, như sau : « kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận, biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu lên cái xấu của người » (Thế Gia ; 47). Nếu thay « người » bằng  « người cầm quyền », thì chúng ta có một câu nói hoàn toàn rập khuôn với triết lý « Pháp Trị ».

    Cần ghi nhận là trong khi Pháp gia bài bác việc nghị luận (« Pháp bất nghị ») thì trong khuynh hướng Nhân Trị, cò những thí dụ khuyến khích điều ấy một cách triệt để. Như Tuyên Vương nước Tề, vời đến Tắc Hạ 76 nhân tài, phong làm thượng đại phu, cho bàn tán nghị luận việc chính sự mà không có trách nhiệm cầm quyền (« bất trị nhi nghị luận »). Tắc Hạ trở thành một trung tâm văn hóa học thuật với nhiều ngàn học sĩ quy tụ về.

    Con người và Thiên Nhiên

    Trong khuynh hướng Nhân trị, con người là một thành phần của thiên nhiên, ví như anh em cùng cha mẹ :

    « Vạn vật dữ ngã nhất thể dã » - vạn vật với ta cùng một bản thể - Trình Minh Đạo.

    Hay : « Dân ngô đồng bào, vật ngô dữ dã » - Dân với ta cùng là anh em, mọi sự vật cũng thế - Trương Tái.

    Cha mẹ của vạn vật, trong đó có con người, chính là Trời Đất : « Duy Thiên Địa vạn vật phụ mẫu » (Kinh Thi). Vì thế con người có bổn phận chăm lo bảo vệ thiên nhiên, trong tình cảm anh em ruột thịt.

    Pháp gia thì cũng coi con người và thiên nhiên như nhau, nhưng chỉ là những công cụ để thực hiện mục tiêu được đặt ra bởi « Pháp » (bao gồm ý thức hệ, chủ thuyết …). Con người, hay toàn thể xã hội, đều như gỗ đá, để có thể « thừa thì cắt bớt, thiếu chắp thêm », không ngần ngại. Tức là Pháp gia nhân danh một mục tiêu lý tưởng, một « quyền lợi chung » được đặt ra một cách trừu tượng, rồi tự cho mình quyền làm chủ toàn thể thiên nhiên sự vật, kể cả con người. Lối cư xử ấy chính là tự đặt mình ở trên, hay bên ngoài thiên nhiên, để khai thác, đẽo gọt, sử dụng thiên nhiên theo ý mình.

    Thu hẹp định nghĩa con người

    Đặc tính này được xếp vào với khuynh hướng Pháp Trị . Nó có thể được thấy dưới rất nhiều dạng thức : coi con người chỉ là con người kinh tế, con người giai cấp, con người sinh lý, phủ nhận những giá trị tâm linh, v.v…

    Trong phạm trù này, tôi muốn được giới thiệu với bạn đọc lý thuyết của Gary Becker, vừa từ trần vào tháng 5 năm 2014. Theo thuyết này, con người hành xử như những tác nhân kinh tế trong đa số các lĩnh vực của cuộc sống, kể cả những lĩnh vực thường được coi như không liên hệ đến kinh tế. Thí dụ trong việc kết hôn, ly dị, giáo dục con cái, v.v… Becker chỉ ra những tính toán thuần lý, của những con người được thu hẹp vào phạm vi « con người kinh tế ». Ông cũng là người đề ra khái niệm « vốn nhân sự », tức tổng hợp những đầu tư vào một con người trên mọi lĩnh vực : kiến thức, bằng cấp, nghệ thuật giao tiếp, v.v…trong mục tiêu trở thành một tác nhân kinh tế « đắt giá » hơn.

    Các hệ luận của lý thuyết này khá đặc biệt, như sự kiện phụ nữ đầu tư nhiều hơn vào « vốn nhân sự » của mình để gia nhập thị trường công việc làm, cộng với nhu cầu gia tăng đầu tư vào sự giáo dục con cái, khiến cho số lượng con cái buộc phải giảm đi (vì « tổng số đầu tư » có giới hạn).

    Một hệ luận đặc biệt khác là việc phát triển mạng lưới an sinh xã hội, có thể làm suy giảm những liên hệ tình cảm gia đình. Becker cho rằng đầu tư của cha mẹ vào sự học hành của con cái, để chúng giúp đỡ mình lúc về già, đem lại lợi nhuận nhiều hơn các quỹ hưu trí. Tuy nhiên các bậc cha mẹ không thể biết được con mình sẽ cư xử với mình ra sao trong tương lai. Vì thế họ phải làm mọi cách để tiêm vào đầu óc chúng tình gia đình, lòng hiếu thảo, như những đức tính ưu tiên của con người. Con cái được giáo dục để mang mặc cảm tội lỗi nặng nề nếu để bố mẹ sống túng thiếu trong tuổi già. Với sự phát triển an sinh xã hội, các trợ giúp cho người già đủ để họ không phải thiếu thốn, và những yếu tố đạo đức trừu tượng vừa nói sẽ bị đẩy lùi bởi thực tế. Mối dây liên hệ gia đình, cùng với những trách nhiệm đối với che mẹ khi con cái lớn lên sẽ suy giảm.

    Thật ra, người ta có thể nói rằng : sử dụng bất cứ quan điểm thuần lý nào để định nghĩa con người, hay định nghĩa hành vi của con người, đều thu hẹp định nghĩa của hắn. Lý do vì con người có phần vô lý, siêu hình, thường sẵn sàng tin vào bất cứ điều gì kỳ diệu, sẵn sàng đầu tư vào một « thế giới bên kia » giả định, thậm chí hy sinh mạng sống của mình hay giết hại người khác vì những niềm tin ấy.

    Những người như Becker sẽ trả lời rằng : chúng ta chỉ có cảm tưởng là những hành vi ấy vô lý, nhưng trong thực tế, chúng có những lý do thực tế mà chúng ta chưa nhận ra.

    Tóm lại, tất cả vẫn quy về một mấu chốt, là Niềm Tin. Quan điểm duy lý, trong bản chất cũng chỉ là một niềm tin, tin vào khả năng của lý trí !

    NGUYỄN Hoài Vân

    3/10/2014

    http://triet-hoc-tam-linh.blogspot.com/2015/10/phu-chu--tap-ghi-nhan-tri-phap-tri.html

    Không có nhận xét nào