Header Ads

  • Breaking News

    Thành công của làm người là gì?

    Tác giả: Matsushita Kônosuke
    Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

    Ở mỗi con người, trời ban phú cho sinh mệnh lực khác nhau. Phát huy được thiên phận này là thành công làm người.

    Thành công làm người không liên quan gì đến địa vị xã hội. Bởi vì tùy theo người, nội dung thành công sẽ khác đi.

    Mọi con người chúng ta cần phải giúp lẫn nhau phát hiện thiên phận của nhau(1)bằng tâm tự nhiên để thành công làm người.

    ***

    Mỗi người có cách sống khác nhau

    Từ lúc còn bé chúng ta đã được dạy làm người cần phải lập thân thành công, và mặc dù chính bản thân cũng không hiểu lập thân thành công là gì nhưng vẫn sống mãi với ý tưởng lớn lên phải thành công.

    Và khi lớn lên nghe người đời gọi người có địa vị trong xã hội là người thành công, và lại xem người tạo ra được nhiều tài sản, tiền tài là người thành công, đồng thời qua các hình ảnh họ được tôn kính hoặc được sùng bái dưới nhiều hình thức đưa chúng ta đến với ý tưởng có phải đây là thành công chăng.

    Dĩ nhiên có địa vị xã hội và tiền tài nhất định không phải là việc đáng trách nhưng nếu nghĩ rằng thành công chỉ có vậy thì tôi e rằng cách suy nghĩ này sẽ tạo ra sự không may rất to lớn. Thành công nhất định không phải hạn hẹp như vậy, ý nghĩa của thành công rộng lớn và thâm sâu hơn nhiều (2). Vì vậy, ở đây tôi tạm thử đặt vấn đề và xem xét thế nào là thành công?

    Tất cả mỗi người đều được ban phú cho sinh mệnh lực khác nhau, không ai giống ai. Tôi nghĩ rằng sinh mệnh lực này là nền tảng của mạng sống chúng ta, nội dung gồm có 2 lực (sức mạnh, khả năng) kết hợp thành, một là sức mạnh muốn sống, hai là khả năng cho chúng ta sứ mệnh sống như thế nào. Sinh mệnh lực là lực (sức mạnh, khả năng) mà vũ trụ căn nguyên lực(2) ban phú cho tất cả mọi con người.

    Lực thứ nhất, sức mạnh muốn sống có thể nói là bản năng sống(2). Sức mạnh này mọi người đều có giống nhau không khác biệt nhưng lực thứ hai, khả năngthực hiện sứ mệnh nên sống như thế nào thì mỗi người đều khác nhau. Nghĩa là, do khả năng này mà vạn người vạn cách, tất cả đều có cách sống khác nhau, mỗi người được giao phó cho sứ mệnh làm nghề nghiệp, công việc không giống nhau. Do đó, có người được ban phú cho sinh mệnh lực thích hợp nhất để làm chính trị gia, người khác được ban phú sinh mệnh lực làm học giả. Thợ giày thì sinh mệnh lực làm thợ giày, người bán cá thì sinh mệnh lực làm người bán cá, mỗi người được giao phó sứ mệnh khác nhau và được chuẩn bị cho tài năng khác nhau.

    Sinh mệnh lực này do vũ trụ căn nguyên lực (3) ban phú cho con người, cái gọi làthiên dự (4), còn có thể gọi là thiên phận (5). Nói đúng hơn,ý nghĩa chân thật của thiên phận tồn tại ở điểm này (2).

    Do đó, tôi nghĩ rằng phải chăng thành công là phát huy hoàn toàn nguyên vẹn thiên phận đã được ban phú. Trong ý nghĩa này nếu đặt tên loại thành công này là “thành công làm người” thì thành công làm người này là thành công có ý nghĩa chân thật (2).

    Hình thức thành công của mỗi con người khác nhau

    Tôi đã thưa với quý vị rằng phát huy được trọn vẹn thiên phận đã được ban phú là thành công có ý nghĩa chân thật; ý nghĩa thành công làm người tồn tại ở chỗ phát huy được trọn vẹn thiên phận. Một khi đã quan niệm như thế thì hình thức thành công của mỗi con người sẽ khác nhau. Có người làm được bộ trưởng mới là thành công trong khi đó có người sống làm người bán sữa cũng là thành công. Nghĩa là, địa vị xã hội, danh dự hoặc tiền tài không phải là tiêu chuẩn để đánh giá thành công. Tiêu chuẩn của thành công là có đáp ứng, có sống thuận theo với thiên phận của bản thân hay không (2).

    Hơn nữa, con người có sống thuận theo thiên phận thì mới có thể hưởng được hương vị của hạnh phúc chân thật(2).Cho đến nay bởi vì có người cho rằng có địa vị xã hội, danh dự, tiền tài là thành công duy nhất. Vì cho rằng có được chúng mới gọi là thành công, nên họ đã cố gắng nỗ lực đến mức vô lý, và có rất nhiều trường hợp họ bóp méo, làm thương tổn đến cả thiên phận, thiên tính của bản thân. Có nghĩa là, quan niệm về thành công từ trước đến nay đã bỏ qua yếu tố hạnh phúc (2). Hoặc nói cách khác là họ đã xem địa vị xã hội, danh dự, tiền tài tự nhiên đi đôi với hạnh phúc (2) .

      Tuy nhiên, hạnh phúc không nhất thiết phải có địa vị, danh dự, tiền tài mới có được. Sống với thiên phận đã được ban phú, nghĩa là, có thành công làm người thì mới hưởng, nếm được hương vị của hạnh phúc (2). Do đó, tiêu chuẩn đúng ý nghĩa chân thật của thành công là có sống theo thiên phậncủa mình không, và đồng thời điều này cũng là ranh giới phân định có được hạnh phúc chân thật hay không.

    Ngoài ra, thành công làm người không quan hệ gì đến địa vị xã hội, và đồng thời hạnh phúc cũng không liên quan đến địa vị này. Một con người đang phát huy được thiên phận của mình, dù địa vị xã hội thấp kém hoặc không có tài sản cũng có thể sống an định, năng động, vui vẻ, tràn đầy sức sống với lòng tự tin vào lẽ sống đang có của mình (2).

    Mong muốn thiết tha và tâm tự nhiên (6) giúp tìm ra thiên phận của mình

     Trong phần trên, tôi đã thưa cùng quý vị rằng phát huy được thiên phận của mình là thành công chân thật, và đồng thời mọi người cùng nhau có hạnh phúc hay không cũng bắt đầu từ việc làm này. Nhưng làm thế nào để có thể tìm ra được thiên phận của bản thân đây? Đây là vấn đề kế tiếp (2). Đó là việc đương nhiên bởi vì nếu không nắm biết rõ thiên phận thì làm sao có thể phát huy được. Tuy nhiên thiên phận của mình là gì, ở đâu không phải là việc dễ biết. Bởi vì thiên phận đó được ban phú cho chúng ta với một hình thức không đơn giản tìm ra được (2). Điều này có lẽ quý vị thấy hơi vô lý. Nhưng đó mới là điều thú vị hoặc hương vị của đời người (2). Nếu như dễ dàng biết được thì không còn gì là thú vị. Bởi vì không dễ dàng biết nên cần phải nỗ lực tìm kiếm, hương vị hiếm có của nhân sinh tiềm ẩn ở điều này (2).

    Trước hết cần biết trước sự khó khăn tìm ra thiên phận như nói trên, bây giờ nếu hỏi nỗ lực như thế nào để tìm ra được, điều quan trọng hơn tất cả là cần phải có lòng mong ước thiết tha tìm ra được thiên phận của mình (2). Lúc nào cũng có ý tưởng mạnh mẽ thiết tha tìm cách này cách nọ để tìm ra là điều cần thiết trên hết. Với lòng mong ước thiết tha mạnh mẽ này tự nhiên giúp chúng ta tìm ra được thiên phận của mình trong cuộc sống hàng ngày.

    Thí dụ, có trường hợp chúng ta nghe câu trả lời trong tâm mình, cũng có trường hợp do động cơ hoặc sự kiện gì đó, chúng ta bất ngờ biết được thiên phận. Ngoài ra cũng có trường hợp người khác chỉ cho mình biết. Đối với trường hợp này, nếu lòng mong ước của chúng ta càng mạnh mẽ thì chúng ta có thể lĩnh hội được, còn nếu như lòng mong ước yếu ớt thì sẽ như “đàn gảy tai trâu”, có may mắn nghe được lời khuyên nhưng chẳng thấm vào đâu. Do đó, trước hết tự bản thân chúng ta cần phải có nhiệt tâm thành ý mạnh mẽ muốn tìm ra được thiên phận của mình.

    Để biết nghe đúng ý kiến của người khác, tâm của chúng ta cần phải luôn luôn ở trạng thái tự nhiên (2). Nếu không có tâm tự nhiên chúng ta sẽ đánh giá bản thân quá đáng, hoặc bóp méo lời khuyên của người khác và trở nên tiến theo con đường sai lầm. Tóm lại, hai thứ chúng ta cần phải chuẩn bị là lòng mong ước thiết tha mạnh mẽ muốn tìm ra thiên phận của mình và tâm tự nhiên.

    Hãy cùng nhau xây dựng một xã hội mà mọi người dễ tìm ra được thiên phận của mình

    Tuy nhiên điều quan trọng là mỗi người cùng có nguyện vọng như nói trên, từ lúc con cái còn ấu thơ chúng ta dạy cho chúng có ý nghĩ này, đồng thời những người chung quanh cũng tạo điều kiện, hoàn cảnh để cho trẻ em dễ tìm thấy thiên phận của chúng (2). Trong gia đình cần phải tạo ra bầu không khí nói trên, và giáo dục ở học đường cũng cần phải theo phương hướng này, và toàn thể xã hội cũng cần phải có nhiệt tâm và tạo dựng nên môi trường sao cho mọi người phát hiện được thiên phận của mình (2).

     Khi mỗi người phát hiện được thiên phận của mình và nỗ lực cố gắng phát huy nó, chắc chắn tất cả mọi người sẽ thành công, và hạnh phúc sẽ đến với mọi người. Không những vậy, mọi người sống theo thiên phận của mình, không làm điều vô lý quá sức mình, không cạnh tranh vô ích đồng thời phát huy trọn vẹn vai trò được giao phó thì hoạt động của toàn thể xã hội sẽ thành một hoạt động sống động ngày càng phồn vinh.

    Dĩ nhiên quan niệm về thành công mà tôi vừa thưa với quý vị có lẽ không phải là nội dung mới mẻ hoặc chưa có ai đề cập tới. Tuy nhiên, điều đó không phải là vấn đề quan trọng, bởi vì tôi nghĩ rằng để thực hiện hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh nhất định cần phải có quan niệm như trên về thành công nên tôi đã mạo muội đề nghị ở đây và thiết tha mong mỏi mọi người cùng nhau thành công làm người, nghĩa là cùng nhau nỗ lực phát huy trung thực sinh mệnh lực của bản thân.

    Nguyễn Sơn Hùng

    (DĐKP nhận được ngày 6-2-2021)

    Nguồn: “Thành công của làm người là gì?” trong sách “Triết học của Matsushita Kônosuke”(tiếng Nhật), cơ quan phát hành: Viện nghiên cứu PHP, năm 2002, trang 128~135.  Bài thứ 26 được đăng đầu tiên vào tháng 2 năm 1950 trong nguyệt san của Viện nghiên cứu PHP trong 40 bài “Lời ngỏ của PHP” sau được tổng hợp thành sách với tựa “Lời ngỏ của PHP” xuất bản năm 1953, cải biên năm 1975, vào năm 2002 được biên soạn lại và xuất bản với tựa mới là “Triết học của Matsushita Kônosuke”. Sau đó sách này được tái bản vào năm 2009. Phiên bản dùng để dịch là phiên bản năm 2002.

    Ghi chú

    (1)Tại sao “Mọi con người chúng ta cần phải giúp lẫn nhau phát hiện thiên phận của nhau?”.Đọc “Quan điểm về kinh doanh” trong quyển “Cách nhìn và xem xét sự việc” (1963)cùng tác giả, chúng ta có thể hiểu lý do là bởi vì người ngoài dễ khách quan nhận ra năng khiếu (xem ghi chú (5) phía dưới) hơn chính bản thân mình. Thí dụ cha mẹ đối với con cái, cô thầy đối với học sinh, bạn bè đối với nhau, cấp trên đối cấp dưới. Đặc biệt nếu không có quan hệ lợi hại được thua, tính khách quan sẽ cao.

    (2)Trong nguyên bản tác giả dùng rất nhiều câu “tôi nghĩ”, có thể với mục đích tỏ bày lòng khiêm tốn của tác giả và thích hợp với thính giả hoặc độc giả vào thời điểm đó nhưng gây ấn tượng tác giả thiếu tự tin đối với độc giả ngày nay và chiếm giấy nên ở đây dịch giả tích cực bỏ bớt và ghi chúvới ký hiệu (2)

    (3)Vũ trụ căn nguyên lực: có thể hiểu là trời hay tạo hóa.

    (4)Thiên dự: những gì mà trời cho.

    (5)Thiên phận: tiếng Nhật có 2 nghĩa, (1) tính chất con người bao gồm tài năng (năng khiếu), tính tình do trời phú, (2) thân phận, sứ mệnh, vai trò do trời định, giao phó gần như số mệnh, vận mệnh. Trong bài này tác giả chỉ đề cập đến ý nghĩa (1) nhưng ở những tác phẩm khác như “Cách nhìn và xem xét sự vật”, 1963 tác giả có khuyên nên chấp nhận thân phận và cố gắng nỗ lực trong thân phận đó. Nói cụ thể hơn là phải thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh trước mắt để vượt lên chớ không phải theo đuổi năng khiếu mà bất chấp điều kiện trước mắt. Do đó ở đây dịch giả dùng “thiên phận” không dùng năng khiếu hay thiên tư để độc giả lưu ý ý này. Shibusawa Eiichi cũng khuyên nên xem xét điều kiện thân phận khi lập chí.

    (6)Tâm tự nhiên (nguyên văn là sunao na kokoro) là một khái niệm triết học quan trọng của Matsushita Kônosuke, nghĩa gốc gần giống như “chân tâm”, “tâm bẩm sinh”, “tâm vô nhiễm” nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng khác nên ở đây tạm dịch là “tâm tự nhiên” để phân biệt. Tâm tự nhiên tương tự như “phật tánh” của Phật học, “tâm bất sinh” của thiền sư Bankei Eitaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622~1693), “lương tri” của Vương Dương Minh (1472-1528). Mười đức tính của tâm tự nhiên là không vị kỷ, biết lắng nghe ý kiến người khác, khoan dung, nhìn thấy thật tướng của sự vật, hiểu biết đạo lý của sự việc, hiếu học, thung dung tự tại, điềm tĩnh, biết giá trị sự vật, bác ái (Theo “Để có được tâm tự nhiên”, Matsushita Kônosuke (2004, 2006), Viện nghiên cứu PHP).

    https://diendankhaiphong.org/thanh-cong-cua-lam-nguoi-la-gi/

    Không có nhận xét nào